Phía sau chuyện ông lão miền Tây U 100 thèm miếng bánh trung thu cả trong mơ, bà thì bảo tiền đâu
Xuất hiện trong đoạn clip chỉ 26 giây trên mạng xã hội và “nổi tiếng” rần rần với câu “bà ơi, tôi thèm bánh trung thu quá” ông Nguyễn Văn Sức (94 tuổi) được cư dân mạng “nghẹn ngào rưng rưng vì quá thương”. Thương hơn khi bà vợ lọm khọm bảo nhà nghèo, có tiền đâu mà mua.
08:39 10/09/2022
Nấu mâm cơm cúng “cửu huyền thất tổ” rồi về ở chung
Xuất hiện trong đoạn clip chỉ 26 giây trên mạng xã hội và “nổi tiếng” rần rần với câu “bà ơi, tôi thèm bánh trung thu quá”, ông Nguyễn Văn Sức (94 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hết (74 tuổi, cùng ngụ TT.Trà Ôn, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) nhận được mưa tim và sự đồng cảm của cư dân mạng.
Ngay khi hình ảnh vừa xuất hiện trên MXH, PV Báo Thanh Niên đã chạy ngay 50km đến chiếc ghe cũng là nhà của ông bà để mang một niềm vui bất ngờ: gửi tặng một hộp bánh trung thu.
Hai ông bà mừng rỡ bởi trước giờ chưa biết mùi vị bánh trung thu ra sao. Tại đây, PV được nghe kể câu chuyện tình bất ngờ của hai ông bà.
Nơi sinh sống của hai ông bà lão 94 tuổi và 74 tuổi / NAM LONG
Theo đó, ông lão 94 tuổi đã có một đời vợ, vợ ông đã mất. Bà lão 74 tuổi cũng có một đời chồng, chồng bà đã mất.
Khi 61 tuổi, bà gặp ông lúc đã 81 tuổi. Họ nảy sinh tình yêu và ‘tình yêu đó là tình phu thê’ cho đến bây giờ. Tiếp chuyện PV Báo Thanh Niên trên chiếc thuyền cũ nát chông chênh, bà Hết kể lại cuộc tình “rổ rá cạp lại” của bà và ông Sức. Năm 2009, trong một lần tình cờ bà gặp ông Sức, thấy ông lão khi ấy đã 81 tuổi, lưng còng, có khuyết tật trên mặt nhưng bà Hết lại cảm mến và chấp nhận về sống chung, chăm sóc ông cho đến bây giờ.
“Tui cũng không biết sao gặp ổng là tui thấy thương ngay, chứ cũng có người mần may cho tui mấy người có đất đai, nhà cửa đàng hoàng mà tui không có chịu. Gặp nhau mến nhau, nấu mâm cơm cúng ‘cửu huyền thất tổ’ xong rồi về ở chung chứ nghèo muốn chết tiền đâu mần đám cưới”, bà Hết nhớ lại.
Bà Hết cho biết, sau khi về ở chung, hai ông bà đi hái đọt lục bình bán kiếm tiền mua gạo, mua thức ăn sống qua ngày. Sau này mắt mờ, đau lưng không đi hái đọt lục bình được nữa, hai ông bà chuyển sang đi vớt rác nhựa bán ve chai.
“Đi vớt vài ngày bán cũng được mấy chục ngàn đi mua đồ ăn về nấu ăn được mấy ngày. Chiếc ghe đó là bếp đó, bên đó chỉ để nấu cơm thôi, chứ không ở được vì nó mục dữ lắm rồi, vô nước hoài không biết chìm khi nào”, bà Hết chỉ tay về phía chiếc ghe cũ kỹ, mục nát bên cạnh.
3 chiếc ghe mục nát có thể chìm bất cứ lúc nào là nơi sinh sống của hai ông bà lão / NAM LONG
Hiện tại, hai ông bà sống trên 3 chiếc ghe nhỏ mục nát neo trên sông Trà Ôn. Một chiếc dùng để nấu ăn, một chiếc kín hơn dùng để ngủ và một chiếc nhỏ dùng để đi vớt ve chai mưu sinh. Do ông Sức và bà hết không đăng ký kết hôn nên ông Sức không được vào sổ hộ khẩu “Hộ mặt nước” của bà Hết.
Nương tựa hàng xóm trên bờ
Ông Sức tuổi cao, lảng tai nên mỗi khi nói chuyện với chồng bà Hết phải hét vào tai “ăn bánh trung thu không tui cắt cho ăn”. Ông Sức khoát tay, giọng hơi khó nghe “cúng, phải cúng trước rồi mới ăn”. Bà Hết nghĩ PV không nghe được nên “phiên dịch” lại.
Bà Tạ Thị An (66 tuổi, hàng xóm trên bờ của ông Sức và bà Hết) cạnh đó chen lời: “Hai ông bà sống vậy mà thương nhau lắm. Bả lo cho ổng dữ lắm, hôm nào mưa bão thì hai vợ chồng lên nhà tui trú, không thì ngủ dưới ghe. Mấy người trên đó thấy tội cũng hay cho tiền, cho đồ ăn lắm. Mà tui ở cũng một mình, có hai ông bà này ở đây thủ thỉ cũng vui”.
Ông Sức và bà Hết mừng rỡ khi được PV Báo Thanh Niên tặng bánh trung thu / NAM LONG
Kể về gia cảnh trước kia, bà Hết cho biết ông Sức có một người con gái đã lâu lắm không có liên lạc, người này có chồng con ở quê ông Sức (H.Hòn Đất, Kiên Giang). Còn bà Hết thì chồng mất cũng đã lâu, cả hai không có con cái gì, sống chủ yếu bằng nghề sông nước từ đó đến giờ.
“Hồi quen ổng, tui một chiếc ghe, ổng một chiếc ghe. Sau này, ghe ổng mục, bị chìm; còn được có một chiếc này (chiếc ghe làm nhà bếp). Giờ nó mục luôn rồi, may nhờ người ta đóng cho chiếc này ở chứ không là không biết ở đâu. Còn chiếc ghe nhỏ này xin của người ta để đi vớt ve chai. Giờ có hai ông bà già sống với nhau, tui cố gắng chăm cho ổng khỏe chứ ổng đi rồi ai ở với tui”, bà Hết rầu rĩ nói.
Bà Hết đưa PV Thanh Niên vào bờ và luôn miệng cảm ơn / NAM LONG
Chiều 7.9, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hoài Ân, Phó chủ tịch UBND TT.Trà Ôn (H.Trà Ôn, Vĩnh Long), cho biết bà Hết và ông Sức đang sống trên ghe trên sông Trà Ôn (TT.Trà Ôn).
“Hai ông bà vừa chuyển về đây sống khoảng 3 năm nay. Trước đó, bà cụ từng sống ở đây, nhưng hai ông bà sau đó đi đâu mới quay về đây sống trên ghe. UBND thị trấn vừa hỗ trợ nhập hộ khẩu để cho ông Sức hưởng chế độ người cao tuổi. Hai ông bà được hỗ trợ 10 kg gạo/tháng và được các nhà hảo tâm thường xuyên hỗ trợ tiền và vật phẩm. Sắp tới, chúng tôi cũng đang xem xét tìm cho hai ông bà lão 94 tuổi và 74 tuổi này chỗ ở ổn định hơn”, ông Ân nói thêm.
Cuộc hồi hương sau 16 năm của cậu bé gốc Việt có khối u che nửa mặt được mẹ Mỹ nhận nuôi
Nhờ sự lan tỏa thông tin của người dùng mạng, Samuel đã có món quà sinh nhật 18 tuổi tuyệt vời: Về Việt Nam hội ngộ với bố mẹ và gia đình ruột của cậu.