Purikura - Gian chụp hình 23 năm tuổi của Nhật Bản đã sống sót qua thời đại smartphone như thế nào?
Ở Việt Nam cũng từng có trào lưu "chụp ảnh thẻ Hàn Quốc" gây sốt một thời, sau đó âm thầm lắng xuống. Thế nhưng, máy chụp hình dễ thương Purikura ở Nhật Bản vẫn luôn được lòng giới trẻ xứ hoa anh đào.
09:00 01/12/2018
Vào một buổi chiều, hai cô gái trẻ đi xuống tầng hầm của Sega Hi-Tech Land, nằm bên dưới một quán cà phê nhộn nhịp ở khu Shibuya tại Tokyo. Họ lướt vèo qua các trò chơi chiến đấu và bắn súng, cũng không hề dừng lại liếc nhìn những chiếc máy gắp thú đầy ngập thú nhồi bông bên trong.
Đích đến của hai cô gái, chính là máy chụp hình purikura (プリクラ) - máy chụp ảnh thẻ với đầy đủ các hiệu ứng ảo diệu và sticker (nhãn dán), rất thịnh hành ở Nhật Bản.
Một trong 2 cô gái – tên Yuko, thả đồng xu 100 yên (~21 nghìn đồng) vào máy, sau đó vén rèm để bạn Mari của mình bước vào trong. Hai cô gái chụp ảnh, xem ảnh trên màn hình bên trong gian hàng và áp lên một số bộ lọc làm mịn da, mắt to hơn và khuôn mặt thon gọn hơn. Mỗi người in ra vài tấm ảnh cỡ nhỏ có thể để vừa vào ví, coi như là vật lưu niệm tình bạn.
"Nó giống như Snapchat vậy, nhưng lưu giữ được lâu dài và thực tế hơn là một ứng dụng trên điện thoại" – Yuko cho biết.
Một người dùng khác, Fumiko Sato cũng đồng ý: "Bạn chỉ việc chọn chế độ làm cho mình dễ thương hơn và máy sẽ thực hiện phần còn lại."
Thời hoàng kim của Purikura trước khi làn sóng smartphone xâm lấn
Gian hàng máy chụp hình của Purikura ban đầu gọi là Print Club, được ra mắt ở Nhật Bản vào năm 1995. Lúc đầu doanh số rất thấp, nhưng công ty trò chơi Sera cùng đơn vị nắm giữ bằng sáng chế của Print Club là Atlus đã tiến hành quảng cáo vào năm 1996, nhờ ban nhạc nam SMAP mang một photobooth Print Club lên chương trình truyền hình.
Print Club nhanh chóng trở thành một "cú hit" đối với các cô gái trẻ. Vào mùa hè năm 1997, đã có khoảng 45.000 photobooth của Purikura trải dài trên khắp đất nước.
Và từ hồi năm 1998, Purikura đã có những tính năng như vẽ nguệch ngoạc lên ảnh, thêm biểu tượng trái tim, ngôi sao,… Lúc bấy giờ, trò này đã đi trước thời đại smartphone khá xa và nó thật sự hiệu quả.
Sau một thập kỷ từ khi ra mắt cỗ máy đầu tiên, một cuộc khảo sát cho thấy 43% nữ giới Nhật Bản tuổi từ 10-15 cho rằng Purikura là trò chơi mà họ quan tâm nhất lúc bấy giờ.
Nhà Nhân học Laura Miller sau đó quan sát và nhận thấy sự phổ biến của Purikura là do sự pha trộn giữa "sống ảo" với thực tế. Một photobooth có thể chứa được từ 4-8 người, nơi thích hợp để rủ cả nhóm bạn đi cùng và có nhiều kỷ niệm đẹp với nhau.
Phát huy thế mạnh, học hỏi đối thủ, Purikura vẫn được yêu thích đến nay
Khi công nghệ chụp ảnh trên smartphone được cải tiến mạnh mẽ, các ứng dụng xã hội như Snapchat hay Instagram càng có nhiều tính năng hơn, phần nào đe dọa máy Purikura.
"Snapchat của Nhật Bản" từ người tiên phong trong trào lưu chụp và chỉnh sửa ảnh dễ thương, hiện đang phải học tập các bộ lọc của đối thủ, ví dụ bổ sung sticker râu mèo hay tai thỏ giống Snapchat.
Năm 2009, công ty Atlus đã rời khỏi việc kinh doanh Purikura. Một cuộc chia tay buồn, nhưng họ đã nhận ra rằng khi smartphone và các ứng dụng ngày nay quá tốt, thì cũng quá tiếc cho Purikura. Lợi nhuận từ Purikura giảm sút, không bù được cho chi phí lắp đặt và bảo trì máy tốn kém.
Tuy vậy, vẫn còn lại tập đoàn giải trí Furyu của Nhật Bản tiếp tục kinh doanh và đổi mới Purikura. Trong năm 2017 họ đã thu được 219 triệu đô từ các máy photobooth và các loại sticker, tính năng đính kèm.
Chìa khóa thành công không nhất thiết phải có phần mềm tốt nhất mà là phải nghiên cứu thị trường, để hiểu những gì mà phụ nữ và trẻ em Nhật Bản cảm thấy "kawaii" – dễ thương.
"Độ sắc nét và màu sắc sẵn có không phải là những thứ làm cho gian hàng có lợi nhuận. Mức độ đáng yêu và trải nghiệm xã hội mới là những gì người dùng quan tâm" – phát ngôn viên của Furyu cho biết.
Nếu có dịp đến Nhật Bản, bạn hãy một lần thử chụp ảnh ở máy Purikura thú vị này nhé.
Theo: kenh14.vn
Thủ lĩnh yakuza Nhật bị bắt vì tuyển lao động vô gia cư trái phép
Mitsunobu Hiroo tuyển những người vô gia cư làm công nhân cho các công trình xây dựng và thu phần trăm trên lương của họ.