Steve Jobs khi gặp cha nuôi: Chỉ cần 1 câu nói đã biến đứa trẻ chán học thành huyền thoại của nhân loại
Người đàn ông nhận nuôi Steve Jobs là một người thợ máy nhưng ông đã giáo dục một thiên tài.
08:44 04/11/2022
Steve Jobs sinh ngày 24 tháng 2 năm 1955, tại thành phố San Francisco, tiểu bang California, Mỹ. Mẹ đẻ của Jobs là Joanne Schieble còn cha là Abdulfattah Jandali, một người theo đạo Hồi đến từ Syria. Mối tình giữa 2 người không được ông ngoại của Jobs, Arthur Schieble ủng hộ. Vì vậy, họ quyết định để người khác nhận nuôi cậu bé.
Trước khi Steve Jobs trở thành một thiên tài sáng tạo, có tầm nhìn xa trông rộng, ông được một cặp vợ chồng nhận nuôi, đó chính là Paul và Clara Jobs sinh sống tại California. Chính trong quãng thời gian này, ông đã hình thành tư duy, triết lý thiết kế của riêng mình.
Paul Jobs - cha nuôi của Steve Jobs, thợ máy cho xưởng làm laser là người tác động đến ông nhiều nhất về triết lý thiết kế, theo đuổi không ngừng những phẩm chất hoàn hảo để có được sự thành công của Apple.
Cha nuôi của Steve Jobs - ông Paul, là một thợ máy làm việc tại xưởng laser. Công việc ông làm đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ càng tới từng chi tiết, đảm bảo cho ra đời những sản phẩm hoàn hảo, tinh xảo nhất. Ông Paul cũng chính là người tác động đến Steve Jobs nhiều nhất. Không phải trùng hợp khi thành công của Apple, xét theo nhiều yếu tố, đến từ sự theo đuổi không ngừng các phẩm chất hoàn mỹ.
Không bao giờ trách phạt con
Trước khi bắt đầu đi học cấp 1, Jobs đã được mẹ dạy đọc. Tuy nhiên, chính điều này đã khiến ông gặp trở ngại tại trường học. Ông chia sẻ: "Tôi cảm thấy nhàm chán, không thấy có thứ gì mới để học trong một vài năm đầu, vì vậy tôi đã lấp đầy thời gian đi học bằng việc gây ra rắc rối".
Tính cách của Steve Jobs ảnh hưởng khá nhiều từ cách giáo dục, ông không dễ dàng chấp nhận sự áp đặt và kiểm soát, "ở trường, tôi gặp phải những quy tắc khác hẳn với lúc ở nhà và tôi không thích điều đó", Jobs cho biết.
Steve Jobs và cha nuôi.
Steve Jobs đã giải quyết sự nhàm chán lúc đi học bằng cách luôn nghĩ ra các trò đùa tinh quái. Nhà sáng lập của Apple từng kể lại: "Tôi có một người bạn thân tên là Rick Ferrentino và chúng tôi cùng nhau tạo ra vô vàn kiểu rắc rối. Giống như, có lần, chúng tôi dán những áp phích nhỏ khắp nơi với nội dung: "Hãy mang thú cưng của bạn tới trường". Hãy tưởng tượng, thật là điên rồ khi khắp trường toàn là chó, mèo đuổi bắt nhau còn các thầy cô phải canh chúng".
Khi Jobs học lớp ba thì những trò nghịch ngợm của ông nguy hiểm dần. "Một lần, tôi để chất nổ ở dưới ghế của cô giáo Thurman và khiến cô sợ đến thót tim".
Không có gì ngạc nhiên khi ông bị nhà trường trả về gia đình hai hoặc ba lần trước khi học xong lớp ba. Tuy nhiên, sau đó, cha ông bắt đầu đối xử với ông như một người đặc biệt. Và với sự điềm đạm và cương quyết vốn có, cha ông nói với nhà trường rằng ông ấy muốn nhà trường cư xử như vậy: "Hãy nhìn nhận vấn đề, đó không phải là lỗi của cậu bé. Nếu nhà trường không thể tạo được hứng thú học hành cho cậu bé thì đó là lỗi của Quý vị".
Cha mẹ Jobs chưa bao giờ phạt ông vì những trò nghịch hay tội lỗi ông gây ra ở trường. Ông cũng khẳng định rằng mình chưa từng một lần bị đánh đòn.
Bất cứ điều gì cũng phải được hoàn thiện ở mức tối đa
Trong chương trình "60 phút" của CBS, cây viết Walter Isaacson đã chia sẻ: "Paul Jobs là một thợ cơ khí giỏi, và ông cũng dạy con trai Steve của mình tạo nên những thứ vĩ đại". Walter Isaacson đã dày công thu thập tư liệu từ 40 cuộc phỏng vấn trực tiếp cùng Steve Jobs, từ đó viết nên cuốn tiểu sử gây sốt về cuộc đời của cố CEO Apple.
Trong đó, Isaacson ghi lại một bài học từ Paul có ảnh hưởng đặc biệt tới Steve Jobs. Một ngày nọ, Steve Jobs xắn tay phụ giúp cha mình xây một hàng rào xung quanh nhà. Trước khi làm, Paul cẩn trọng nhắc nhở con trai: "Hãy để ý sơn kỹ mặt sau của hàng rào, mặc dù chẳng ai soi phần đó cả. Con biết đấy, điều đó thể hiện con đã dốc sức để tạo nên một tác phẩm hoàn mỹ".
Câu nói đó in sâu trong tâm trí Steve Jobs, ngay cả khi ông đã trở thành lãnh đạo cao nhất của Apple.
Khi ở vị trí lãnh đạo Apple, Jobs yêu cầu thiết kế mỗi linh kiện máy tính Macintosh đều phải được hoàn thiện nhất, nguyên tắc này cũng được áp dụng với cả bảng mạch bên trong. Steve Jobs đặc biệt lưu ý nhóm thiết kế máy tính Mac thiết kế lại bảng mạch chính của máy tính vì ông không thấy nó đẹp.
Ông chủ Apple yêu cầu mọi thứ phải thật hoàn hảo.
Bên cạnh đó, Steve còn luôn khắt khe với phần bên trong của những thiết bị sản xuất ra: "Hãy nhìn vào những con chip này. Chúng rất xấu. Những hàng này quá gần với nhau".
Isaacson cho biết: "Khi công đoạn cuối cùng của máy tính được hoàn thiện, Jobs sẽ khắc tên các kỹ sư vào bên trong mỗi cái. Không ai có thể nhìn thấy chúng cả nhưng những thành viên trong đội ngũ sẽ thấy được chữ ký của họ ở bên trong cũng như họ biết rằng bảng mạch được thiết kế hoàn mỹ nhất như có thể".
Sau khi rời Apple vào năm 1985, Jobs đã thành lập một hãng máy tính cá nhân khác có tên NeXT, sau đó ông bán lại cho Apple. Lúc này, tiêu chuẩn về thiết kế của Steve Jobs vẫn không thay đổi.
Isaacson đã chia sẻ khi đề cập về máy tính NeXT của Jobs: "Steve Jobs nhấn mạnh những chiếc ốc vít bên trong máy phải được mạ sang trọng. Ông cũng yêu cầu những bề mặt bị mờ đen bên trong phải được sơn phủ cẩn thận mặc dù chỉ có những thợ sửa máy mới nhìn thấy nó".
Đối với Steve Jobs, triết lý sống không phải là gây ấn tượng với người khác mà là việc mình tự chịu trách nhiệm về chất lượng công việc.
Jobs chia sẻ trên tạp chí Playboy năm 1985: "Khi bạn là một người thợ mộc, muốn tạo nên chiếc tủ có nhiều ngăn kéo đẹp mắt thì bạn sẽ không dùng gỗ xấu ở mặt sau, thậm chí là nó áp vào tường và chẳng ai có thể nhìn thấy. Thay vào đó, bạn vẫn sẽ sử dụng những mẩu gỗ chất lượng cao cho mặt sau. Khi nhìn chúng có thẩm mỹ và hài lòng về chất lượng, bạn mới có giấc ngủ ngon vào ban đêm". Ông cũng chia sẻ rằng cha nuôi Paul chính là tấm gương cho ông noi theo về thói quen làm mọi thứ tốt nhất như có thể.
Như Quỳnh: 'Bắt chước giọng tôi không dễ'
Như Quỳnh không ngại việc ca sĩ Tố My từng học theo giọng hát, phong cách của chị nhưng cho rằng điều đó không dễ.