Sự thật: Có rất ít người Nhật Bản bị hôi nách. Và đây là lý do!
Du khách khi đến Nhật Bản thường phải ngạc nhiên, vì hầu như chẳng có ai sử dụng lăn nách hay bất kỳ sản phẩm khử mùi nào khác.
09:00 28/10/2017
Một trong những thắc mắc phổ biến nhất của người nước ngoài khi đến Nhật Bản, đó là người dân tại đất nước Mặt trời mọc rất ít khi dùng sản phẩm khử mùi. Dạo quanh siêu thị, lăn nách cứ phải gọi là hiếm như lá mùa thu.
Lý do thì đơn giản thôi: người Nhật "nhẹ mùi" hơn so với phần còn lại của thế giới, và đó là sự thật!
Đây cũng là đặc điểm khiến cho rất nhiều người phương Tây đã phải tròn mắt ghen tỵ. Họ đặt ra vô số giả thiết, như người Nhật thường xuyên tắm bồn hay sở hữu một chế độ ăn uống ít thực phẩm tạo mùi. Thậm chí, có người còn... bất lực đến mức cho rằng đây là một vùng đất thần kỳ, chỉ cần đặt chân đến là căn bệnh "hách từ trong nôi" sẽ biến mất ngay tức thì.
Tuy nhiên, lý do thực sự là...
Người Nhật sở hữu "gene không hôi nách"
Trước hết, chúng ta cần biết cơ thể con người có hai loại tuyến mồ hôi. Một loại là tuyến eccrine -tuyến mồ hôi toàn vẹn - có kích thước nhỏ, phân bố đều khắp trên bề mặt da. Tuyến này chỉ tiết ra hỗn hợp nước muối dùng để làm mát khi cơ thể bị quá nhiệt.
Thứ hai là tuyến apocrine - hay tuyến mồ hôi đầu huỷ. Tuyến này lớn hơn nhưng ít hơn, chỉ xuất hiện tại một số vùng nhất định như nách, rốn, cơ quan sinh dục...
Thay vì tiết mồ hôi trực tiếp qua lỗ thông trên da như eccrine, tuyến apocrine đưa mồ hôi vào nang lông, từ đó mồ hôi mới được đẩy gián tiếp lên da.
Cấu trúc tuyến mồ hôi eccirine (trái) và apocrine (phải)
Trong hai tuyến mồ hôi thì apocrine chính là nguyên nhân gây ra mùi cơ thể. Thành phần mồ hôi của apocrine tạo ra không phải hỗn hợp nước muối mà gồm protein, chất béo, và steroid - vốn là thực phẩm hảo hạng dành cho vi khuẩn.
Vi khuẩn sau khi liên hoan sẽ chuyển hóa và thải ra các chất có mùi. Vì vậy, nói cho đúng thì mùi cơ thể chính là chất thải của vi khuẩn. Loại vi khuẩn khác nhau tạo nên mùi khác nhau, và bởi hệ vi khuẩn trên da mỗi người là độc nhất, nên mùi cơ thể của chúng ta hoàn toàn khác nhau.
Và để khử mùi, chúng ta có 2 cách. Một là sử dụng lăn nách diệt khuẩn, và 2 là biến thành một người Nhật, vì đa số người Nhật sở hữu một loại gene tạo ra ít tuyến apocrine hơn so với phần còn lại của thế giới. Gene này mang tên ABCC11.
Đây là một dạng biến thể của gene GBCC11. Những người sở hữu gene tương ứng với kí tự G thì có nhiều tuyến apocrine, và ngược lại kí tự A có ít tuyến hơn hẳn, nên gần như không có mùi cơ thể.
Nói chung là do bẩm sinh
Gene tương ứng với kí tự G, khiến cơ thể nặng mùi, vốn là gene gốc đã có từ lâu, trong khi gene tương ứng kí tự A, ít gây mùi, chỉ mới xuất hiện do đột biến từ khoảng 2000 thế hệ về trước, phổ biến chủ yếu ở Đông Bắc Á.
Dựa trên số liệu thống kê thì gene nặng mùi chiếm gần tuyệt đối ở người châu Phi, Mỹ Latinh. Người châu Âu, cư dân các đảo Thái Bình Dương có tỉ lệ thấp hơn, nhưng cũng phải lên tới 80%. Còn người Nhật, chỉ 25% có gene hôi nách mà thôi.
Người Nhật không phải là những người duy nhất sở hữu gene không hôi nách
Điều thú vị là người Nhật dù được bàn tán nhiều về khả năng miễn dịch căn bệnh "hách từ trong nôi", nhưng về tỉ lệ gene của cả dân tộc, họ không quá nổi trội. Người Trung Quốc chỉ có 10% mang gene nặng mùi. Hàn Quốc thì sao? Thậm chí gần như là 0%.
Lí do khiến gene ít mùi lan rộng trong cộng đồng người Đông Bắc Á vẫn chưa được hiểu rõ. Nhưng có giả thuyết cho rằng đó là tính trạng trội, giúp cơ thể họ thích nghi với khí hậu lạnh lẽo tại khu vực vĩ độ cao ở châu Á.
Người Hàn Quốc gần như không phải lo nghĩ gì về mùi cơ thể
Những ai mang gene này sẽ có ít tuyến mồ hôi hơn, dẫn đến lượng mồ hôi đổ ra thấp hơn. Việc ra mồ hôi trong môi trường nhiệt độ thấp vốn không cần thiết, cũng như có thể gây hại cho cơ thể do hiện tượng đóng băng.
Cách nhận biết mình có gene hôi nách hay không?
Việt Nam chúng ta thuộc về khu vực Đông Nam Á - nơi có khí hậu nóng ẩm - nên sự thật là nhiều người sẽ có loại gene hôi nách.
Nhưng tất nhiên đa số thì vẫn phải có thiểu số. Sẽ có những người "may mắn" khi sở hữu ABCC11, và cách để nhận biết nó đến từ ráy tai của bạn.
Hãy xem thử ráy tai của bạn, nếu ráy tai ướt thì bạn có gene nặng mùi, còn khô hay dạng mảng thì có gene ít mùi. Nguyên nhân là bởi ráy tai được tạo ra từ các tuyến apocrine đặc biệt trong ống tai của chúng ta, các tuyến này chịu cùng sự điều khiển của gene tạo mùi.
Do đó, nếu có ráy tai là khô thì bạn quả là người may mắn vì bẩm sinh không cần lo lắng về mùi cơ thể của mình.
Nguồn: Kenh14.vn
Thời chưa có BVS, nữ giới Nhật 400 năm trước đã làm gì để vượt qua “ngày mưa dầm”?
Đã là nữ giới, chắc chắn không ai có thể quên được lần dậy thì đầu tiên, bắt đầu hành kinh và đau âm ỉ mỗi khi “đến tháng”. Và trong những ngày này, có một vật dụng không bao giờ thiếu trong giỏ xách của các chị em dù ở nhà hay đi bất cứ đâu. Đó là băng vệ sinh. Trừ một số nữ giới ưa dùng Tampon thì đến nay băng vệ sinh vẫn là phát minh vĩ đại nhất “cứu cánh” cho phái nữ vào những ngày ”mưa dầm”.