Tại sao người Nhật Bản lại luôn cúi đầu?
Cái cúi đầu của người Nhật không chỉ đơn thuần là một cử chỉ giao tiếp mà nó còn trở thành một trong những nét đặc trưng nhất của nền văn hóa dân tộc, với những ý nghĩa sâu sắc và tinh tế.
15:00 02/01/2019
Văn hóa Nhật Bản rất quan tâm đến sự tôn trọng người khác, và cúi đầu chính là một trong những cách mà mọi người ở Nhật Bản thể hiện sự tôn trọng đó của mình. Những người nước ngoài sống tại Nhật ắt hẳn sẽ bắt gặp hình ảnh những người Nhật cúi chào nhau mỗi ngày, nhưng lại không thực sự hiểu hết ý nghĩa và lí do cho hành động đó của họ.
Trước hết, nên biết rằng tại Nhật, không chỉ một mà có nhiều kiểu cúi đầu khác nhau. Việc biết được những cách thức cúi chào và những trường hợp áp dụng chúng sẽ giúp chúng ta hiểu chính xác về nét văn hóa tiêu biểu này của đất nước mặt trời mọc.
Tại sao người Nhật lại cúi đầu?
Có nhiều lý do để người Nhật cúi đầu xuống mỗi khi bắt đầu một cuộc giao tiếp với người đối diện, nhưng nguyên nhân chính nhất, vẫn là để thể hiện sự tôn trọng của mình dành cho họ. Việc tương tác và giao tiếp tại Nhật không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn là cách mỗi người thể hiện cảm xúc của mình qua ngôn ngữ hình thể.
Việc cúi đầu, rất đơn giản, nó thể hiện rằng bất kể vị thế xã hội của bạn như thế nào, bạn cũng đang hạ thấp bản thân mình xuống và đặt mình vào một vị trí thấp hơn người đối diện. Cử chỉ khiêm nhường này cho thấy bạn đang tôn trọng người đối diện và biết ơn vì sự tương tác của họ dành cho bạn.
Cử chỉ cúi đầu trong lúc giao tiếp tại Nhật Bản, đôi lúc còn có giá trị và ý nghĩa hơn cả lời nói.
Cúi đầu sao cho đúng cách?
Ở Nhật Bản, học cách cúi đầu là một trong những cách tốt nhất để thể hiện rằng bạn đang tôn trọng văn hóa của dân tộc. Cái cúi đầu của người Nhật rất đơn giản, nhưng cũng cần đặt vào đó rất nhiều sự tinh tế. Khi thực hiện động tác này, điều quan trọng nhất là bạn không được chùng vai xuống hay cong lưng mà bạn phải cố tạo được một dáng người thẳng như thể hiện rằng bạn đang thể hiện tốt nhất có thể cho người khác thấy.
Cúi đầu chỉ sử dụng phần thân trên, tức là phần thân dưới của bạn vẫn sẽ đứng yên tại chỗ và tạo một góc vuông với mặt đất. Ánh mắt cũng nhìn xuống đất khi bạn cúi đầu, đầu và thân cùng gập xuống cùng một lúc.
Đàn ông nên cúi đầu với hai cánh tay khép hai bên thân mình, trong khi phụ nữ lại cúi đầu với 2 tay để ở phía trước.
Các cách cúi đầu
Có nhiều cách cúi đầu khác nhau nhằm thể hiện những sự tôn trọng khác nhau trong các cuộc giao tiếp. Góc cúi của một người càng cao thì càng thể hiện được sự tôn trọng của người đó đối với người đối diện. Một cái cúi đầu chỉ tầm 5 độ thường được sử dụng trong các cuộc gặp gỡ thân mật giữa bạn bè và gia đình. Ngoài ra còn có các cách cúi chào khác nhau phân theo góc độ cúi của thân, bao gồm eshaku (会釈), keirei (敬礼), và saikeirei (最敬礼).
Eshaku (会釈)
Eshaku là cái cúi đầu khoảng 15 độ được sử dụng khi bạn gặp người quen, cũng là một hình thức nói cảm ơn một cách lịch sự hoặc tình cờ chào hỏi một ai đó.
Keirei (敬礼)
Keirei là khi bạn cúi đầu 30 độ, thường được sử dụng trong các tình huống kinh doanh khi gặp đối tác tiềm năng hoặc là chào khách hàng, hoặc là để thể hiện sự tôn trọng đối với một người có địa vị cao hơn mình.
Saikeirei (最敬礼)
Saikeirei là cách thức cúi đầu được sử dụng trong những trường hợp nghiêm túc và mang tính nghi lễ nhiều hơn. Cái cúi đầu này thể hiện sự kính trọng đối với một người có địa vị rất cao như hoàng đế, hay thể hiện một sự xin lỗi hay cảm giác có tội một cách chân thành và mãnh liệt.
Cuối cùng, hình thức cúi đầu ít được sử dụng nhất đó chính là dogeza. Đó là cái cúi đầu chỉ dành cho những tình huống nghiêm trọng, như là sai lầm dẫn đến chết người. Người có lỗi sẽ quỳ hẳn xuống, đặt hai tay trên sàn nhà và đầu chạm đất. Cảm giác như không chỉ là một lời xin lỗi nữa mà những người thực hiện tư thế dogeza đang cúi rạp hẳn xuống cầu xin sự tha thứ cho cuộc sống của mình.
Hiểu được sự tinh tế cũng như ý nghĩa đằng sau những cái cúi đầu sẽ giúp bạn hiểu và tôn trọng thêm nền văn hóa Nhật Bản. Và việc người Nhật cúi đầu không chỉ là một thói quen, mà nó chính là một biểu tượng văn hóa của xứ sở hoa anh đào, nó làm nên niềm tự tôn và phẩm chất của cả dân tộc. Nếu bạn sống tại Nhật nhưng lại không biết cúi đầu thì bạn đã bỏ qua cơ hội tôn trọng và được tôn trọng tại đất nước này.
Theo: nguoivietonhat.com
Chính trực chính là cái gốc làm người
Trong phòng phẫu thuật của một bệnh viện lớn, một cô y tá trẻ lần đầu tiên phụ giúp kíp mổ nói với bác sỹ mổ chính: “Thưa bác sỹ, bác sỹ đã lấy ra 11 cái khăn, nhưng chúng ta lại cần dùng 12 cái ạ”.