Tâm sự cựu du học sinh: Du học không chỉ màu hồng với cả người giỏi tiếng
Mình mong tất cả các bạn, sau khi đọc bài này, không cảm thấy e ngại, chùn bước mà sẽ tiếp tục tinh thần muốn đi du học, bởi với mình để thành công khi du học, bạn cần có một sự nỗ lực lớn hơn nhiều lần nỗ lực thông thường. Và khi đó, mọi chông gai đều có thể vượt qua hết.
17:00 08/07/2020
Vỡ mộng
Có lẽ chúng ta ở Việt Nam biết đến Mỹ qua phim ảnh là chủ yếu, ở đó nước Mỹ thật đẹp, thật hào nhoáng, hiện đại. Nào là San Francisco với cây cầu Golden Gate nổi tiếng thế giới. Nào là Washington DC với những tòa nhà quyền uy. Hay là Los Angeles với những minh tinh màn bạc. Cái đó đúng nhưng chỉ là một phần nhỏ của nước Mỹ. Phần còn lại của nước Mỹ, rất tiếc lại không hào nhoáng, lộng lẫy và choáng ngợp như thế. Rất nhiều trường đại học của Mỹ được đặt tại các khu vực khá hẻo lánh, xa trung tâm, nên xung quanh khá là vắng vẻ, buồn tẻ và chán ngắt. Tôi thì học ở tiểu bang Missouri, quả đúng như cách phát âm tên bang, nó khá giống từ “misery” tức là “tội nghiệp”. Sau này, khi có dịp đi qua nhiều bang nông thôn của Mỹ, tôi mới nhận thấy là bên cạnh những thành phố lớn sôi động, náo nhiệt thì nông thôn nước Mỹ rộng lớn còn khá buồn tẻ. Nếu bạn đang sống ở Hà Nội hay Sài Gòn mà bạn phải sang những thành phố nông thôn này, thì chắc chắn bạn sẽ “vỡ mộng” về một Hoa Kỳ lộng lẫy. Ở những thành phố nông thôn của Mỹ, phương tiện công cộng rất hạn chế, không tiện lợi như bus ở Hà Nội hay Sài Gòn. Ăn uống, chợ búa thì xa xôi nên phải có xe hơi, chứ không phải chạy ra đầu ngõ là có ngay phở, bún, miến như ở nhà. Điều này bạn sẽ cảm nhận được sự bất tiện vào mùa đông.
Tuyết – giấc mơ tan tành
Mình đoán là với các bạn ở Việt Nam, chắc hẳn ai cũng có một ao ước là được nhìn, chạm và chơi với tuyết. Với các bạn gái lãng mạn hơi xíu thì chắc ước mình được sang Mỹ để ném tuyết như anh Bae Yong Jun của Bản tình ca mùa đông, hay tung tăng đi học khi tuyết rơi bay bay như trong phim Chuyện tình Harvard. Lúc mới sang, ngày đầu tiên nhìn thấy tuyết, mình cũng vô cùng háo hức, chạy ngay ra ngoài để tuyết rơi vào tay. Sau này đó, thì giấc mơ tuyết tan biến và nhanh chóng trở thành sự căm ghét. Tuyết mới rơi xuống, trắng, bông, sạch. Nhưng sau đó, nó tan chảy ra và trộn vào bùn đất ở đường thì thôi rồi bẩn khủng khiếp. Mà khi có tuyết thì lạnh tê tái, ngày đầu do háo hức còn ra ngoài, đợt sau có tuyết thì thôi nằm trong nhà đắp chăn, đọc sách, nghe nhạc ngắm tuyết rơi ngoài cửa sổ là đủ rồi. Người yêu có rủ đi ném tuyết hay nặn người tuyết, mình cũng xin hoãn. Tuyết cũng khá nguy hiểm nữa, vì nó làm đường rất trơn và thậm chí mặt đường đóng băng nên lái xe rất dễ gây tai nạn. Chính bản thân mình đã có lần được em “tuyết” ép phải trổ tài drift trên mặt đường, may mà không va phải thằng nào chứ không thì mệt
Du và học
Giờ thì đến chuyện học, nhiều bạn thuộc diện COCC, do bố mẹ thường đi study tour mà study thì ít mà tour thì nhiều, nên nhiễm cái gen, cậy có tiền nên đi du học để giải quyết khâu “oách” là chính nên coi nhẹ việc học hành, đi du học thì có vẻ không quan tâm lắm tới chuyện học mà quan tâm tới du nhiều. Nếu bạn đi du học mà xác định việc học là nhẹ nhàng, rất có thể bạn đã mơ tưởng. Các trường đại học chuẩn (ở đây ý mình là được kiểm định chất lượng, chứ không phải trường rởm bán bằng) có những đòi hỏi khá khắt khe với sinh viên. Trường càng rank cao, nổi tiếng thì đòi hỏi càng khắt khe hơn. Đây cũng là một điểm lưu ý của mình với các bạn khi chọn trường là nên chọn trường phù hợp với năng lực và khả năng của mình. Giống như lượng sức gánh được 50kg thì có thể cố thêm tí gánh bao 60kg, nhưng mà gánh bao 100kg thì coi chừng gãy lưng. Thực tế mình thấy là ở Việt Nam, nói đến du học Mỹ, các bạn chỉ quan tâm tới Harvard, Yale, Princeton hay Stanford, còn mấy trường ít tên tuổi thì lại không quan tâm lắm. Nhưng các bạn thấy là nếu đi học cao học, thì ranking của graduate school trong từng trường đại học đó mới quan trọng, và có rất nhiều đại học tên không nổi lắm, nhưng ngành học cụ thể lại có thể rank cao hơn cả Harvard. Do vậy, khi chọn trường, mình thấy quan trọng nhất là phải chọn trường “phù hợp” với khả năng học tập của bạn chứ không phải giải quyết khâu “oách”. Một sự thật, là sức ép ở các trường đại học nổi tiếng là rất lớn. Các trường hợp sinh viên tự tử do sức ép học tập là chuyện không còn xa lạ. MIT hàng năm vẫn có sinh viên tự tử. Như hồi lên New York University thăm cô bạn, cô bạn tôi dẫn đi thăm thư viện trường, một tòa nhà cao và rất hiện đại. Đang say sưa ngẩng cổ lên ngắm, cô bạn bảo mới rồi có 1 cậu học hành chán, mới nhảy từ trên xuống chết ngay tại chỗ, hic. Còn bản thân mình khi đi du học bên Mỹ thì cũng đã thực sự chứng kiến 2 trường hợp du học sinh Việt Nam phải về nước giữa chừng vì không theo được mà 2 bạn đó ở Việt Nam đều học giỏi và được học bổng sang Mỹ học cả. Lấy dẫn chứng cụ thể thế để các bạn thấy là mình không phải là kể chuyện không có dẫn chứng để hù dọa các bạn.
Học đại học và cao học ở Mỹ rất vất vả, cái khổ nhất là phải đọc rất nhiều mà toàn là sách tiếng anh dầy cộp. Nếu không có kỹ năng đọc lướt, bạn sẽ không bao giờ hoàn thành bài đọc mà giáo sư giao mỗi tuần vài trăm trang sách. Do tiếng anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta, nên khả năng đọc và tiếp thu của chúng ta chậm hơn tụi Mỹ nhiều, cho dù điểm tiếng anh của chúng ta cao chót vót, do vậy phải có kỹ năng đọc lướt để lấy ý chính, chứ ngồi chăm chú đọc, cả đời du học sinh sẽ chả bao giờ đọc hết được lượng sách yêu cầu.
Theo: news.123
Nước lũ dâng tới tầng 2, người dân Nhật phải lặn qua cửa sổ thoát ra ngoài
Nước lũ lên, vợ chồng cụ Narumi Kawano, 78 tuổi, leo lên tầng 2 để tránh nhưng nước dâng lên đến cổ họ. Họ quyết định lặn xuống 2m và bơi thoát ra ngoài qua cửa sổ.