Tâm sự của Việt Kiều làm nghề Nail ở Mỹ: “Muốn làm ăn tử tế thì vào khu ít người Việt thôi!”
Ngày đầu làm nail tại Mỹ, Bảo Anh có mặt ở cửa hàng lúc 8 giờ sáng, mang theo hộp cơm trưa mẹ nấu và bộ dụng cụ chuyên dùng của thợ làm móng.
21:39 30/12/2022
Chàng trai 19 tuổi mất hai tiếng để làm xong bộ móng đầu tiên, lâu gấp đôi người thợ ngồi bên cạnh. Vì chưa quen cầm kìm bấm móng nên tay cậu run bần bật, chỉ sợ làm khách chảy máu. Ngồi cả ngày dài, lưng cậu mỏi nhừ, đêm trằn trọc không ngủ được, chỉ mong sáng mai thức dậy được quay về Việt Nam…
Sống ở Mỹ còn khổ hơn ở nhà
Bảo Anh sinh ra tại thành phố Vinh. Năm 2007, mẹ cậu sang Mỹ làm ăn với mong muốn gia đình có cuộc sống khấm khá hơn.
Nhưng từ sau năm 2008, khủng hoảng kinh tế lan rộng ở Mỹ, người dân cắt giảm chi phí làm đẹp. Các chủ tiệm người Việt sẵn sàng đẩy giá xuống cực thấp để hút khách, thợ làm nail như mẹ của Bảo Anh vì vậy cũng không có thu nhập tốt. Suốt 7 năm liền không thấy mẹ về thăm, Bảo Anh cũng không biết mẹ khó khăn thế nào vì: “Mẹ tôi không dám kêu ca nhiều, sợ người nhà ở Việt Nam lo lắng”.
Khi Bảo Anh đang là sinh viên năm nhất ngành Quản trị Kinh doanh Đại học Ngoại Thương Hà Nội, mẹ cậu gợi ý con trai qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình để tiếp tục học đại học và lập nghiệp. “Tôi đi ngay, không nghĩ ngợi nhiều vì nghĩ qua Mỹ sẽ rất sướng. Xem qua TV, sách báo thấy Mỹ toàn nhà cao tầng, đường phố sạch đẹp, đời sống dân trí cao nên tò mò muốn khám phá”, cậu nhớ lại.
Đặt chân đến vùng đất mơ ước nhưng xa lạ, chuỗi ngày vỡ mộng mới bắt đầu.
Bảo Anh cùng mẹ và cậu ruột thuê một căn hộ chung cư hai phòng ngủ, giá 1.500 đô mỗi tháng để sinh sống. Hai mẹ con ở chung phòng, buổi tối Bảo Anh trải một tấm chăn mỏng xuống đất để ngủ. Mẹ và cậu của cậu đi làm từ 7 giờ sáng đến tối muộn mới về. “Cuộc sống quá vất vả! Điều kiện ăn ở còn khổ hơn ở quê mình. Tôi muốn tự lập nên xin đi học nghề nail trong lúc chờ nhập học đại học. Mẹ tôi cũng ủng hộ vì nghề này vất vả nhưng dễ kiếm tiền”.
Bảo Anh qua trường dạy nghề, đăng ký khóa 4 tháng, học phí 1.200 đô la nhưng không lên lớp vì bài thực hành ở trường khác hoàn toàn so với thực tế đi làm.
“Tôi học tài liệu trường đưa, học một vài bài ‘tủ’ để thi đỗ lấy chứng chỉ. Sau này tôi mới biết nhiều người Việt Nam qua đây cũng không học nghề ở trường mà chỉ thi lấy chứng chỉ hợp pháp. Họ học từ lúc ở Việt Nam hoặc được thợ chính của các tiệm bên này dạy cho, như vậy nhanh và dễ làm hơn”. Có chứng chỉ nghề trong tay, Bảo Anh cũng không thể ngờ con đường làm nghề của mình vẫn gian nan đến thế.
“Muốn làm ăn tử tế thì vào khu ít người Việt thôi!”
Bảo Anh tổng kết sau hơn 5 năm làm nghề: “Nếu ai hỏi sang Mỹ làm gì nhanh ra tiền nhất, sẽ có 9/10 người nói làm nail. Nhưng với tôi, nghề này cực khổ và phức tạp dù có thể thu nhập lên tới cả ngàn đô mỗi tuần”.
Làm thợ tại một cửa tiệm của người Việt, Bảo Anh mới được chứng kiến cảnh bà con tranh giành khách, bất đồng, thù ghét nhau. “Tôi được khách thuê làm dịch vụ móng bột với giá 40 đô, bạn chỉ làm sơn nước 20 đô là nảy sinh ganh tị. Chủ xếp khách cho người này nhiều hơn, người kia ít hơn cũng dẫn đến ẩu đả. Tiệm tôi làm có vài lần thợ đánh nhau vì giành khách. Không ít người còn bảo tôi: muốn làm ăn tử tế thì vào khu ít người Việt thôi”.
Ban đầu Bảo Anh bất ngờ vì người Việt ích kỉ, coi nhau như kẻ thù trên đất khách. Nhưng sau này cậu hiểu, thợ làm nail ở đây đa phần là phụ nữ, họ phải chấp nhận xa quê, xa gia đình, đối mặt với muôn vàn nguy cơ nơi xứ người, họ chẳng còn cách nào khác ngoài việc cố gắng kiếm tiền, kể cả phải đạp lên bát cơm của người khác. Ai cũng làm 12 tiếng liên tục mỗi ngày, khi khách đông, chỉ dám ăn vội ăn vàng ngày một bữa để tranh thủ thời gian kiếm thêm. “Tôi cũng như mọi người, nhìn mỗi bộ móng làm ra được vài chục đô là nhân lên gần triệu tiền Việt, bỏ hoặc bị mất lượt thấy tiếc rẻ”.
Làm chủ có dễ hơn làm thợ?
Làm thợ hai năm, Bảo Anh quen với việc còng lưng ngồi giũa móng cả ngày cho khách nhưng không chịu được môi trường tranh giành khách quá phức tạp, cậu bỏ hết vốn liếng để mua lại một cửa tiệm nhỏ giá 40.000 đô. Nhưng làm chủ cũng đâu có sướng hơn: “Tiệm mới mở, chưa quen khách nên thợ không có thu nhập, bỏ đi gần hết. Gặp phải nhiều khách trái tính, họ làm móng rồi vài ngày sau ra bắt đền. Được 2 năm thì tôi nhượng lại tiệm, ôm về một đống nợ nhưng cũng có kha khá kinh nghiệm quản lý”.
Bảo Anh một lần nữa mua lại tiệm lớn hơn, chung vốn cùng mẹ và hai người bạn. Lần này cậu chọn mặt bằng ở khu mua sắm đông người qua lại và quản lý thợ chặt chẽ hơn. “Tôi và mẹ ít vốn nên không dám thuê nhiều người làm. Sáng sáng, hai mẹ con phải đến sớm quét dọn, chuẩn bị ghế, đồ nghề và chờ thợ đến”. Bảo Anh lo từ việc sắp xếp khách sao cho thợ không tị nạnh nhau đến chào mời, chăm sóc khách hàng.
Hai năm gần đây, nghề nail cũng dần thịnh trở lại ở California. Các tiệm mới mọc đầy đường, trong các khu mua sắm lẫn trung tâm thương mại. Dễ hơn mà cũng khó hơn. Dễ vì khách nhiều; khó vì thợ kiêu, lúc nào cũng có nơi chào đón, các chủ tiệm thì chơi xấu lẫn nhau. “Có ngày ngủ dậy tôi giật mình vì trang Facebook của tiệm có vài trăm bình luận chê bai, đánh giá tiêu cực. Tìm hiểu ra thì toàn tài khoản ảo do chủ tiệm khác lập để giành khách”.
Không người Mỹ nào chịu làm nail với giá “bèo” như người Việt vì phải chiều chuộng bao lượt khách lạ lẫn quen, ngày ngày hít hóa chất độc hại hay cắn răng chịu đựng sự chèn ép của đồng nghiệp, chưa kể những khi khách đông, chủ cũng phải lao vào làm như thợ, bữa trưa ăn lúc 6 giờ tối là chuyện bình thường.
Bảo Anh cho rằng người Việt chấp nhận làm nghề này vì: “Mình hay nhân tiền đô ra tiền Việt nên thấy kiếm khá chứ thực ra là bán sức lao động giá rẻ. Ngồi cả ngày làm gãy lưng mới kiếm được tiền. Môi trường nhiều hóa chất độc hại, ai cũng biết nhưng đều tự lừa mình: có chết ngay đâu mà lo”.
Cặp đôi gốc Việt có chuỗi tiệm bánh mì ở Mỹ quảng bá ẩm thực nước nhà: Vợ đảm, chồng siêng năng làm việc 20h/ngày
Được hỏi cưới sau 1 tuần gặp gỡ, cô gái gốc Việt mạnh dạn "gật đầu" và nhờ đó đã có được cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hai vợ chồng cũng gây dựng được sự nghiệp đáng ngưỡng mộ.