Tăng thuế tiêu dùng, nhiều người Nhật Bản lo sợ các tác động tiêu cực
Hơn 70% người dân Nhật Bản tỏ ra lo ngại về những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với nền kinh tế Nhật Bản sau khi chính phủ tăng thuế tiêu dùng.
10:00 08/10/2019
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã hai lần trì hoãn quyết định tăng thuế tiêu dùng vì lo ngại việc tăng thuế có thể làm suy yếu tốc độ tăng trưởng kinh tế mong manh của đất nước.
Tuy nhiên, ngày 1/10 vừa qua, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã quyết định tăng thuế tiêu dùng từ mức 8% lên 10%, với mục tiêu tăng thu ngân sách nhằm hỗ trợ cho các chính sách chủ chốt của chính phủ. Tuy nhiên, điều này đã khiến nhiều người dân Nhật Bản lo ngại về triển vọng kinh tế của Nhật Bản.
Trong cuộc thăm dò dư luận do báo Kyodo News tiến hành hôm qua (6/10) cho thấy, có tới hơn 70% người dân được hỏi tỏ ra lo ngại về những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với nền kinh tế Nhật Bản sau khi chính phủ tăng thuế tiêu dùng.
Điều này cũng dẫn tới tỷ lệ ủng hộ đối với Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe giảm 2,4% so với cuộc thăm dò hồi tháng 9 trước đó, xuống còn 53%, trong khi tỷ lệ không ủng hộ tăng 8,5%, lên mức 34,2%.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Việc tăng thuế là một bước tiến quan trọng để Nhật Bản mở rộng các chế độ an sinh xã hội, nhất là đối với người già và trẻ em. Đối với những tác động từ việc tăng thuế, chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ và sẽ xây dựng phương án đối phó cụ thể”.
Chính phủ Nhật Bản những ngày qua đã triển khai hàng loạt các biện pháp để giảm thiểu tác động từ việc tăng thuế, như chương trình điểm thưởng cho các khoản thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ ưu đãi thuế đối với ô tô và nhà ở, hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp và có con nhỏ…
Đồng thời lần đầu tiên đưa ra một hệ thống thuế suất hai cấp cho thuế tiêu dùng, trong đó các mặt hàng thực phẩm và đồ uống không bị áp tăng mức thuế, nhằm giảm bớt tác động đối với người tiêu dùng.
Bà Etsuko Koyama, một cư dân ở Tokyo cho biết: “Tôi hy vọng chính phủ sẽ sử dụng tiền từ việc tăng thuế cho các mục đích rõ ràng, chẳng hạn như hỗ trợ người già nghỉ hưu cũng như chăm sóc đối với trẻ em. Nếu vì những mục đích này, tôi sẽ ủng hộ việc tăng thuế”.
Tuy nhiên, không ít người tỏ ra lo ngại việc tăng thuế có thể dẫn tới rủi ro khi người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu. Thực tế trong cả hai lần tăng thuế tiêu dùng vào năm 1997 và năm 2014, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đều bị rơi vào suy thoái./.
Nguồn: VOV.vn
Nếu người yêu từ bỏ bạn, thì xin hãy tha thứ cho chính mình
Những lúc cô đơn ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, kỳ thực người đang khóc không phải chỉ riêng bạn. Đời người nhiều ly kỳ, sóng gió, nhưng để vượt qua đôi khi lại đơn giản vô cùng. Nhân sinh như mộng, nhưng lý giải cũng chẳng phải là không thể.