Tếɫ xɑ quê củɑ 35 ρɦậп đời ɫrôi dạɫ ɱưu siпɦ giữɑ dòпg sôпg Lɑɱ: 'Cɦỉ cầu ɱoпg sức kɦoẻ để bươп cɦải'

Tết không được về quê. Trẻ không quần áo mới. 35 phận đời vẫn sống tạm bợ trên những cái chòi cũ nát bên ven sông cầu Cửa Tiền. Họ - có người đã hàng chục năm không được về quê đón Tết.

19:44 05/02/2022

Tết của 35 phận đời trôi dạt

Những ngày Tết, không khí ảm đạm, bình yên đến nao lòng vẫn bao trùm trên những cái chòi xập xệ tại xóm làng chài (nằm ven sông cầu Cửa Tiền, phường Vinh Tân, TP Vinh) nơi đang cưu mang, chở che 35 phận đời phiêu dạt từ tỉnh Quảng Bình đến. Những cái chòi được dựng tạm bợ bên mép sông bởi những cây gỗ thô, tấm ván, mái tôn, lá cọ, xung quanh được chắp vá bằng những tấm bạt lớn nhỏ. Trong chòi chẳng có bất kỳ tài sản, vật dụng gì đáng giá ngoài cái bếp ga, nồi cơm điện.

Tết xa quê của 35 phận đời trôi dạt mưu sinh giữa dòng sông Lam - Ảnh 1.Xóm làng chài- nơi cưu mang 35 phận đời trôi dạt

Những đứa trẻ xóm chài đen nhẻm, quần áo lấm lem, da đen sạm, tóc rối bù ngồi trên những chiếc thuyền cũ mát ngóng đợi người thân đi đánh cá về. Tết đến, chúng không quần áo mới, không được về quê, không anh em, họ hàng thân thích. Cuộc sống thu nhỏ trên những cái chòi chật hẹp, không được đi chơi dù trung tâm thành phố chỉ cách đó chưa đầy 1km.

Tết xa quê của 35 phận đời trôi dạt mưu sinh giữa dòng sông Lam - Ảnh 2.Những cái chòi được chắp vá bằng cây gỗ, tấm ván, lá cọ mái tôn, tấm bạt lớn nhỏ.

Tết xa quê của 35 phận đời trôi dạt mưu sinh giữa dòng sông Lam - Ảnh 3.Những cái chòi xập xệ, nhếch nhác.

Chị Nguyễn Thị Túi (47 tuổi) chia sẻ, xóm làng chài có 5 hộ gia đình với tổng cộng 35 thành viên cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Vì hoàn cảnh khó khăn, họ từ Quảng Bình đến nơi đây mưu sinh bằng nghề đánh cá ven sông Lam. Không tiền bạc mua đất xây nhà, họ dựng tạm những cái chòi tạm bợ ven sông làm nơi trú nắng mưa qua ngày.

Tết xa quê của 35 phận đời trôi dạt mưu sinh giữa dòng sông Lam - Ảnh 4.Những đứa trẻ xóm làng chài trong những ngày cận Tết.

"Hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh nên chúng tôi không về quê đón Tết. Ở lại thì không nhà cửa, không bạn bè, người thân nên Tết chỉ khác ngày thường là có thêm cái bánh chưng, mâm cơm đỡ đạm bạc hơn ngày thường. 3 ngày Tết mỗi nhà thay nhau làm vài ba mâm cơm rồi trải bạt dọn ra trước mảnh đất trống phía dưới, gọi mấy hộ gia đình cùng ăn bữa cơm cho vui rồi lại tiếp tục ra sông đánh cá", bà Túi chia sẻ.

Tết xa quê của 35 phận đời trôi dạt mưu sinh giữa dòng sông Lam - Ảnh 5.35 năm gắn bó với làng chài, bà Túi mới về quê ăn Tết được một lần.

Bà Túi đến xóm làng chài từ khi 12 tuổi. Đến năm 17 thì bà lấy chồng. Chồng bà cũng là người cùng quê và cũng lập nghiệp ở làng chài. Hàng ngày hai vợ chồng dầm mình dưới dòng sông Lam đánh bắt cá rồi mang ra chợ bán lấy tiền. Bình quân mỗi ngày may mắn lắm thì kiếm được 200.000 đến 250.000 nghìn đủ để đong gạo, trang trải cuộc sống và nuôi đàn con đi học.

Tết xa quê của 35 phận đời trôi dạt mưu sinh giữa dòng sông Lam - Ảnh 6.Căn chòi những ngày Tết trống hoắc, không vật dụng giá trị.

"Từ khi rời quê ra đây, tôi chỉ mới về ăn Tết một lần. Chồng tôi mất năm ngoái. Cả 2 vợ chồng tôi đều không biết chữ. 4 đứa con thì đứa nào may mắn nhất cũng chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ học, ra sông đánh cá. Chúng cũng hiểu được hoàn cảnh nên xem đây như là quê hương. Tết đến chẳng đứa nào đòi về quê, mua quất, đào hay quần áo mới cả", bà Túi thở dài.

Chỉ cầu mong sức khoẻ để bươn chải sông nước

Xóm làng chài, xóm ngụ cư… là những cái tên mà người dân xung quanh tự đặt cho những hộ dân nơi đây. Dù chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 1km, cách chợ đầu mối TP Vinh khoảng 500 mét nhưng xóm làng chài sống thu mình, biệt lập, yên ả, nghèo nàn, an phận, khác hoàn toàn với cuộc sống nhộN nhịp, sầm uất của phố thị.

Tết xa quê của 35 phận đời trôi dạt mưu sinh giữa dòng sông Lam - Ảnh 8.Tết ở xóm làng chài hơi khác là có thêm bánh chưng, cái kẹo

Tết đến nhưng gia đình bà Lê Thị Khiêm (45 tuổi) chẳng chuẩn bị thêm gì ngoài mấy cặp bánh chưng, cân giò, vài cân thịt và ít bánh kẹo. Chồng và con trai đầu của bà KHiêm vẫn miệt mài sửa lại cái chài, lưới bị rách để nay mai tiếp tục ra sông.

2 tuổi thì mẹ mất. Bà Khiêm được bố đưa ra Nghệ An sống ở xóm chài từ đó đến bây giờ. Tần tảo sớm hôm ngâm mình dưới dòng sông Lam khiến cơ thể bà khô gầy, khắc khổ.

Bà Khiêm cũng lấy chồng ở xóm làng chài. 4 đứa con của chị cũng được sinh ra và lớn lên trên những cái chòi tạm bờ này. Con trai lớn 17 tuổi đã nghỉ học và theo cha mẹ hành nghề đánh cá. 3 đứa còn lại thì đứa lớp 10, đứa lớp 4 và đứa út vừa lên lớp 1.

"Nghề sông nước bấp bênh lắm, làm được đồng nào chỉ đủ nuôi 3 đứa con ăn học. Chỉ mong chúng biết chữ để sau này ra ngoài đi làm thuê cho đỡ vất vả. Không phải ngâm mình dưới sông nước như cha mẹ.

Cả cuộc đời tôi gắn bó với nơi đây. Trẻ thì học hết lớp 9 đã nghỉ học để đi đánh bắt cá. Người già yếu, không thể ra sông nữa mới chịu trở về quê hương. Cuộc sống cứ thế lặp đi lặp lại biết bao đời. Chúng tôi an phận chấp nhận với nó. Cũng may được chính quyền địa phương và các mạnh thường quân, nhà hảo tâm quan tâm, thi thoảng ghé thăm cho lương thực thực phẩm, quần áo mới cũ...nên đỡ một phần vất vả. Giờ chỉ mong con trẻ sau này thoát khỏi nghề chài cho đỡ vất vả.

Năm mới, tôi chẳng mong gì, chỉ mong có sức khoẻ để tiếp tục bám nghề mưu sinh để đàn con không bị thất học giữa chừng. ", bà Khiêm thở dài.

Chia tay xóm làng chài, ngước nhìn lại vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng những đứa trẻ lấm lem ngồi đọc sách trên những cái chòi xập xệ. Giọng bé Hoàng Thị Hoài (học lớp 1, con gái bà Khiêm) vui vẻ.

"Tết đến, cháu chúc bố mẹ sức khoẻ, đánh bắt được nhiều tôm cá để đổi lấy tiền cho anh em cháu nạp học".

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất