Thái Thanh: Đẳng cấp danh ca khiến Mr Đàm nể phục, Trấn Thành “đời đời kiếp kiếp dõi theo“

Nhắc đến danh ca hay danh ca hải ngoại, người ta thường nghĩ tới Thái Thanh đầu tiên. Hai tiếng "Thái Thanh" từ lâu đã nằm trong tâm thức người Việt như một nét văn hóa âm nhạc.

10:28 29/12/2022

Danh ca là gì? Điều kiện nào cho một danh ca?

Âm nhạc hải ngoại hay nền tân nhạc Việt Nam được đặt nền móng và kiến tạo bởi các danh ca huyền thoại. Họ là những người đã tô vẽ muôn màu sắc rực rỡ để dựng xây nên ánh hào quang chói sáng cho nền tân nhạc Việt Nam bằng chính giọng hát của mình.

Trong định nghĩa, danh ca được hiểu là những ca sĩ có tài năng, giọng hát và cống hiến to lớn với nền âm nhạc, gây dựng ảnh hưởng lên nhiều thế hệ ca sĩ sau này.

Danh ca chủ yếu hát thiên về cảm xúc, tự sự, hát sao cho đẹp và hay, đúng với dòng nhạc họ theo đuổi nhất, nhưng điều đó không có nghĩa họ nghèo nàn về kỹ thuật. Hình ảnh của họ gắn liền với nghệ thuật, văn hóa và tri thức.

Giống như Diva, danh ca có những tiêu chuẩn của riêng nó. Điều kiện để một ca sĩ được gọi là danh ca gồm 4 yếu tố: giọng hát, danh tiếng, tài năng và tầm ảnh hưởng.

Tại Việt Nam, danh ca chủ yếu xuất hiện vào thời kỳ hưng thịnh của tân nhạc trong các thập niên 50, 60, 70, 80, 90. Tên tuổi họ gắn liền với nhạc trữ tình, qua các sáng tác của những nhạc sĩ bậc thầy như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Lam Phương, Ngô Thụy Miên…

Trải qua một vài biến động của lịch sử và âm nhạc, nền nhạc hải ngoại được hình thành và quy tụ hầu hết danh ca về một mối. Bởi vậy, trong tiềm thức công chúng ngày nay, danh ca hay danh ca hải ngoại cũng là một, không có sự phân biệt.

Thái Thanh: Định nghĩa trác tuyệt đầu tiên về chữ danh ca

Nhắc đến danh ca hay danh ca hải ngoại, người ta thường nghĩ tới Thái Thanh đầu tiên. Hai tiếng "Thái Thanh" từ lâu đã nằm trong tâm thức người Việt như một nét văn hóa âm nhạc. Nó thân thương tới mức không còn là tên riêng nữa, mà trở thành mỹ từ gợi nhớ ký ức, lịch sử về một thời kỳ âm nhạc.

Thái Thanh không phải thế hệ ca sĩ đầu tiên của tân nhạc. Trước bà đã từ có những ca sĩ khác như Ngọc Bảo, Anh Ngọc, Kim Xuân. Nhưng chỉ từ khi Thái Thanh xuất hiện, nền tân nhạc Việt Nam mới thực sự khởi sắc và bùng nổ với nhiều sáng tác xuất sắc, như một thị trường sôi động.

Nói cách khác, sự xuất hiện của Thái Thanh và sự nghiệp lẫy lừng bà mang theo là một trong những dấu mốc vàng son của tân nhạc Việt Nam.

Bà cũng được xem là ca sĩ đầu tiên gắn với chữ danh ca (giống như Maria Callas là ca sĩ đầu tiên được gọi là Diva), với sự hội tụ mọi tiêu chuẩn, điều kiện ở mức chuẩn mực nhất, khiến ai cũng có thể nhìn vào để soi chiếu.

Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh ngày 5/8/1934 tại Hà Nội. Bà là con gái út trong một gia đình giàu truyền thống văn học, nghệ thuật, với ba người chú là nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Trúc Khê, nhạc sĩ Phạm Ngọc Cẩn, cùng những người anh chị là nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng như Phạm Đình Chương, Phạm Văn Chung, Thái Hằng, Hoài Chung.

Chính vì vậy, ngay từ bé, Thái Thanh đã được giáo dục về văn học và âm nhạc một cách quy củ, nề nếp. Bà am hiểu sâu rộng về lịch sử, văn chương, thi phú và cả hội họa, nên sở hữu vốn ngôn từ hoa mĩ, bay bổng.

Nền tảng văn hóa, tri thức sâu rộng này đã hình thành nên trong con người, tâm hồn Thái Thanh một cốt cách quý phái, thanh lịch, hào hoa.

Điều này được thể hiện rõ nhất qua giọng nói của bà, một giọng nói chuẩn Tràng An xưa, đài các, nhẹ nhàng, ngữ điệu lúc nào cũng từ tốn, khoan thai, bay bổng, nói mà như hát, nhưng vẫn phát âm chuẩn tiếng Việt, tròn vành, rõ chữ. Đây chính là giọng nói điển hình của một danh ca cao quý.

Qua cách nói chuyện của Thái Thanh, người ta thấy rõ một tâm hồn đầy văn thơ và yêu tiếng mẹ đẻ. Từ đó, Thái Thanh góp phần giữ nước, bảo vệ dân tộc bằng chính giọng hát của mình, đúng như tinh thần ông chủ bút Phạm Quỳnh từng nói: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn".

Không chỉ giọng nói, đến từng dáng đi, cử chỉ, điệu bộ của Thái Thanh cũng toát lên thần thái hiếm có của bậc đại danh ca, ít ca sĩ nào có được. Bà bước đi trên sân khấu đầy tự tin, uyển chuyển theo từng nhịp có sẵn trong người, đi mà như đang khiêu vũ.

Mỗi bước đi của Thái Thanh giống như đang tung ra ngọc quý vì quá sang chảnh, quý tộc. Cốt cách này khiến ca sĩ Đồng Lan phải thốt lên:

"Không hiểu sao lúc nghiên cứu hình ảnh về cô, tôi cứ cảm thấy có một mùi thơm nhè nhẹ. Xem hình mà ngửi thấy mùi của hoa bưởi, nước hương nhu, mùi đậm đà đằm thắm của người đàn bà gốc Hà thành, sâu sắc, sang trọng, hào hoa và một chút đáo để. Vì chưa gặp bao giờ nên tất cả cảm giác đó chỉ là cảm nhận rất cảm tính".

Nhìn Thái Thanh mặc áo dài bước đi trên sân khấu, rồi cúi người, ngước nhìn khán giả với ánh mắt hoan hỷ, nụ cười tỏa nắng, ai cũng bị mê hoặc và phải rùng mình trước thần thái của bà. Cảm giác như mọi ánh hào quang đều đổ dồn về Thái Thanh rồi chiếu sáng bốn phía.

Sự nghiệp lẫy lừng khiến Lệ Thu, Khánh Ly phải cúi đầu, học giả nước ngoài ngưỡng mộ

Từ năm 14 tuổi, Thái Thanh đã đi hát trong vùng kháng chiến và được biết đến với ban hợp ca Thăng Long của gia đình. Bà nổi tiếng với những bài tân nhạc Việt Nam thời kỳ đầu và dân ca mới của nhạc sĩ Phạm Duy.

Tiếng hát Thái Thanh từ sớm đã được phát thanh khắp các cùng kháng chiến, nông thôn và thành thị, giúp công chúng được thỏa sức nghe những khúc ca tiếng Việt, chứ không phải nghe nhạc Pháp nữa.

Có thể nói, Thái Thanh là một trong những ngọn cờ đầu giúp khai phá và phát triển nền tân nhạc Việt Nam.

Năm 16 tuổi, Thái Thanh theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây, bà được cố nhạc sĩ huyền thoại Phạm Duy chỉ dạy tận tình về cả kĩ năng ca hát lẫn cảm thụ âm nhạc.

Tại Sài Gòn, Thái Thanh tiếp tục đi hát tại khắp các phòng trà, vũ trường, đại nhạc hội và nổi lên như một ngôi sao sáng nhất trong nền âm nhạc ngày ấy. Nhờ đó, Thái Thanh liên tục được các hãng băng đĩa mời thu âm và đi diễn khắp từ trong ra ngoài nước.

Tên tuổi Thái Thanh tỏa sáng rực rỡ nhất vào thập niên 50 và 60. Ở cái thời mà những danh ca như Khánh Ly, Thanh Tuyền, Lệ Thu mới chập chững đi hát, thì Thái Thanh đã nổi danh khắp bốn phương, khiến mọi người phải kính nể. Danh ca Khánh Ly kể lại:

"Thời mới đi hát, tôi nghe nhiều và cũng học chủ yếu từ những ca sĩ đi trước như ông Ngọc Bảo, bà Thái Thanh. Ngày đó, tôi đi khắp phố phường đều thấy người ta bật Thái Thanh lên nghe.

Đừng nói gì là khán giả, đến chúng tôi còn mê Thái Thanh nữa. Lũ chúng tôi lúc đó còn trẻ lắm, nghịch ngợm chẳng ai bằng. Cô Thái Thanh lại rất thương chúng tôi nên chỉ mắng yêu mà thôi.

Ở phòng trà tôi, giờ của cô Thái Thanh là giờ đỉnh. Cô rất đúng giờ và đến là hát, xong là đi. Ít khi cô ngồi lại trò chuyện. Tụi tôi chỉ đợi có thế để được nghe những bài mình thích.

Thế là không nhường khán giả, tụi tôi mạnh đứa nào nấy hét: "Cô ơi Ngậm rồi Đau rồi Chết!". Tức là Ngậm ngùi, Nửa hồn thương đau, Mùa thu chết. Đêm nào tụi tôi cũng trù tréo lên như thế, mà khán giả cũng rất là hoan hô.

Hát xong cô khẽ khàng đi xuống tủm tỉm điểm mặt chúng tôi: "Chúng mày quá lắm nhé! Bộ hát cho chúng mày à…". Cô nói xong lại nhẹ nhàng cười hạnh phúc, cầm cái ví nhỏ bước đi.

Cho đến bây giờ, chúng tôi mỗi lần gặp nhau lại nhắc kỷ niệm này và những ngày tháng tới sẽ còn nhắc mãi rồi cùng nhau cười và chảy nước mắt. Ngọc Minh ơi, Hồng Vân ơi, Lan Ngọc ơi, cô Thái Thanh đâu rồi?".

Danh ca Lệ Thu ngày ấy ngạo nghễ và nổi tiếng, sở hữu mức cát xê cao ngất ngưởng, Nhưng vẫn chịu "cúi đầu trước chị Thái Thanh". Năm 1970, trong một sự kiện Nhật Bản, danh ca Lệ Thu đã trả lời báo chí: "Nếu chị Thái Thanh có mặt ở đây và hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục".

Dường như không một ca sĩ nào có biên độ âm nhạc trải dài và rộng như Thái Thanh, khi có thể hát đủ loại nhạc từ nhạc tiền chiến, nhạc kháng chiến, nhạc dân ca, nhạc bán cổ điển tới nhạc tình ca, nhạc xã hội, nhạc tôn giáo… Bà hát dòng nhạc nào cũng thành công rực rỡ và tạo được dấu ấn riêng một cách sâu sắc.

Đặc biệt hơn cả, Thái Thanh đã dùng tiếng hát của mình phát triển và phổ biến âm nhạc ngũ cung của dân tộc, kết hợp nó với âm nhạc Tây phương, tạo nên một màu sắc tân nhạc độc đáo.

Có thể nói, chỉ một mình Thái Thanh cũng đủ ôm trọn bầu trời âm nhạc nước nhà trong thời kỳ đầy biến động, thăng trầm nhất của lịch sử. Nói cách khác, tiếng hát Thái Thanh chính là pho sách về lịch sử, văn hóa Việt Nam và thấu trọn tâm hồn dân tộc.

Chính vì vậy, bà được công chúng trong nước mệnh danh là "Tiếng hát khóc cười theo mệnh nước nổi trôi". Nói như Phạm Duy là:

"Giọng hát Thái thanh, một giọng hát diễm tuyệt: tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước".

Học giả người Canada Georges Etienne Gauthier từng nói về sự đồ sộ trong tiếng hát Thái Thanh như sau:

"Không có gì là bí mật cả người đàn bà ấy là một nghệ sĩ xác quyết hơn bất cứ người nào khác, bởi vì ngay khi nàng thâm nhập vào một bài hát nào thì nàng trình bày lại cho chúng ta nghe với mối xúc động nhất, ý nhị nhất, khiến chúng ta hiểu bài hát ấy đến độ ngay lúc đó tất cả chúng ta đều trở thành nghệ sĩ cả.

Trong vòng hăm lăm năm nay ở Việt Nam, nhiều giọng hát đã có thì giờ cất lên rồi tan biến khỏi sân khấu ca nhạc, nhưng giọng hát Thái Thanh thì luôn luôn còn đó, luôn luôn được yêu thích, mến chuộng trong đa số người Việt.

Làm sao giải thích được sự thành công liên tục của người nghệ sĩ trong một thời gian lâu dài như thế? Làm sao giải thích vị trí ưu đãi mà nàng đã chiếm được trong lòng khán giả?

Thực ra, giọng hát Thái Thanh đưa ta trở về với cái đẹp nhất và bên vững nhất nơi mỗi chúng ta, nó đưa ta trở về tuổi ấu thơ, trở về cái điểm tinh khôi và đẹp đẽ vẫn còn nguyên vẹn nơi mỗi chúng ta.

Giọng hát Thái Thanh đưa ta trở về lòng nhân ái, nó đưa ta trở về bản tính con người. Trong một cõi đời thường khi phi lý và cam go, giọng hát Thái Thanh khả dĩ đem đến cho chúng ta những xác tính duy nhất, xác tín về cái đẹp, về sự dịu dàng và về hoà bình vĩnh cửu".

Sở hữu một sự nghiệp lẫy lừng, danh tiếng tột đỉnh và tầm ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ ca sĩ, khiến đời đời, người người phải kính nể, Thái Thanh rõ ràng là minh chứng lớn nhất để định nghĩa một danh ca.

Đàm Vĩnh Hưng kính nể, Trấn Thành đời đời dõi theo

Trong giai đoạn thập niên 50, 60 đổ về trước, nền tân nhạc được thống trị bởi những giọng ca nam (được gọi là "tài tử"). Bằng thành công rực rỡ của mình, Thái Thanh đã lật ngược thế cờ, giành lại "quyền lực" cho phái nữ trong âm nhạc.

Chỉ một mình danh tiếng, sự nghiệp của Thái Thanh cũng đủ lấn át các giọng ca nam trước đó, để tạo nên cả một tượng đài đồ sộ. Dù là giọng nữ, nhưng Thái Thanh lại được nhiều nhạc sĩ tài hoa như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng… chọn để gửi gắm tâm tư.

Đó là một trong những tiên phong lớn nhất của Thái Thanh, mở đường cho giới nữ ca. Đó là lí do Thái Thanh nhận được sự kính phục của hàng loạt nữ danh ca lớn như Khánh Ly, Lệ Thu, Quỳnh Giao…

Chỉ duy nhất Thái Thanh mới đủ tầm vóc để khiến một ca sĩ kiêu ngạo nhất, nổi tiếng nhất cũng phải nghiêng mình bái phục, chấp nhận đứng sau. Nói như lời Lệ Thu là:

"Chúng tôi không là những giọng hát vượt thời gian được, nếu nói vượt thời gian chỉ duy nhất dành cho danh ca Thái Thanh mà thôi!".

Tầm ảnh hưởng của Thái Thanh lớn tới mức, ngay khi bà vừa qua đời, rất nhiều nghệ sĩ nổi danh trong showbiz đã đau buồn tưởng nhớ. Đàm Vĩnh Hưng chua xót:

"Thế là ông trời đã mang giấu đi một đóa hoa đẹp nhất, cao quý nhất trong khu vườn nghệ thuật mà ông đã sắp đặt riêng cho nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Để nói về người danh ca ấy thì có lẽ phải nói rất lâu và nhiều người nói thì mới đủ".

Còn Trấn Thành thì thốt lên: "Con cháu kiếp kiếp, đời đời luôn dõi theo hào quang của cụ".

pv

Tags:
Đàm Vĩnh Hưng khéo léo khoe 'mẹ ruột' của con trai, nhưng danh tính khiến dân tình 'ngã ngửa'

Đàm Vĩnh Hưng khéo léo khoe 'mẹ ruột' của con trai, nhưng danh tính khiến dân tình 'ngã ngửa'

Khoe hình ảnh diện đồ đôi bên con trai, Đàm Vĩnh Hưng còn lầy lội ghép thêm hình ảnh của nữ ca sĩ Mỹ Tâm với chiếc áo ton sur ton đúng chuẩn 'gia đình hạnh phúc'.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất