Thế khó của ông Biden trong cuộc chiến chống lạm phát
Các cố vấn của Tổng thống Biden đều thừa nhận họ hiện không có bất kỳ giải pháp ngắn hạn nào để kiềm chế đà lạm phát tăng kỷ lục ở Mỹ.
08:14 16/06/2022
Giá cả các mặt hàng vẫn tiếp tục tăng làm người Mỹ giận dữ, trong khi cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ ngày càng cận kề, khiến nguy cơ đảng Dân chủ đánh mất thế đa số tại Hạ viện và Thượng viện trở nên cao hơn.
Trong tình cảnh đó, Nhà Trắng bắt đầu thay đổi thông điệp của mình về lạm phát, dù Tổng thống Joe Biden hiện không có nhiều công cụ hữu hiệu để đối phó với cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng.
Có rất nhiều yếu tố khiến giá cả tăng cao nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổng thống Biden, từ đại dịch, những gói kích thích kinh tế được chính phủ nhiều nước tung ra, chuỗi cung ứng đứt gãy, cho đến xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Biden chủ yếu bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp và không linh hoạt trong điều chỉnh thông điệp của mình.
Nhà Trắng ban đầu tin rằng lạm phát, bắt đầu từ năm ngoái, chỉ là hiện tượng nhất thời và sẽ chấm dứt vào mùa hè. Khi nhận định này được chứng minh là sai lầm, chính quyền Biden lại tiếp tục lạc quan rằng lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 4 và sẽ bắt đầu giảm sau đó.
Song thực tế cho thấy niềm tin này cũng không chính xác. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 8,6% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 40 năm qua. CPI tháng trước còn tăng nhanh hơn so với tháng 4, cho thấy đỉnh lạm phát vẫn chưa được xác lập.
Khi những tín hiệu xấu liên tục xuất hiện, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen buộc phải thừa nhận chính quyền đã sai lầm về lạm phát. Ở Cánh Tây Nhà Trắng, các phụ tá của Tổng thống Biden cũng nói rằng hầu hết các nhà dự báo hàng đầu và cả Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đều phán đoán sai tình hình.
Tổng thống Biden sau đó nỗ lực tìm "dê tế thần" cho khủng hoảng lạm phát. Phát biểu khi thăm cảng Los Angeles hôm 10/6, ông đổ lỗi cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã góp phần khiến giá xăng và thực phẩm tăng cao, đẩy lạm phát ở Mỹ lên mức kỷ lục trong 40 năm.
4 ngày sau, Tổng thống Mỹ tăng sức ép công kích lên đảng Cộng hòa, cho rằng các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ những chính sách "làm tổn thương người lao động Mỹ" và bác bỏ tuyên bố rằng chính quyền của ông đã khiến nền kinh tế trở nên quá nóng.
"Tôi không muốn nghe thêm những lời nói dối về việc chi tiêu thiếu thận trọng", Biden giận dữ tuyên bố hôm 14/6. "Chúng tôi đang thay đổi cuộc sống của mọi người!".
Nhưng đảng Cộng hòa vẫn giữ nguyên thông điệp, cho rằng chính các gói kích thích kinh tế mạnh tay của đảng Dân chủ sau đại dịch đã khiến lạm phát gia tăng. "Họ trả tiền cho những người không làm việc, phát chi phiếu kích thích lớn và mở rộng các chương trình chăm sóc sức khỏe của chính phủ, phớt lờ tất cả những cảnh báo về lạm phát mà chúng sẽ gây ra", nghị sĩ Cộng hòa Steve Scalise nói.
Giới quan sát cho rằng những lời công kích của Tổng thống Biden nhắm vào Nga hay đảng Cộng hòa khó thuyết phục được cử tri Mỹ, khi chính quyền của ông không thể tung ra những công cụ hữu hiệu để kéo giảm đà lạm phát.
Các cuộc thăm dò cho thấy lạm phát là vấn đề rất được cử tri Mỹ quan tâm, hơn cả xung đột Nga - Ukraine hay loạt vụ xả súng gần đây. Thực tế đó buộc Nhà Trắng phải dốc sức hành động để tìm cách ứng phó với cuộc khủng hoảng "bão giá".
Trước tình trạng giá xăng tăng kỷ lục, Tổng thống Biden đã ra lệnh xả một lượng dầu lớn chưa từng có từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ. Khi biện pháp giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược không phát huy hiệu quả, Nhà Trắng hồi đầu tuần thông báo Tổng thống Biden sẽ thăm Arab Saudi vào tháng tới nhằm thuyết phục nước này bơm nhiều dầu hơn ra thị trường.
Tổng thống Biden đã nhiều lần tỏ ra miễn cưỡng về kế hoạch thăm Arab Saudi và gặp Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud, người bị tình báo Mỹ cáo buộc đứng sau vụ ám sát nhà báo đối lập Jamal Khashoggi. Việc thúc đẩy kế hoạch tới Riyadh cho thấy ông giờ đây không còn nhiều lựa chọn để hạ nhiệt giá xăng tại Mỹ, dù không có gì đảm bảo Arab Saudi sẽ chấp nhận tăng sản lượng khai thác dầu.
Tổng thống Biden gần đây công bố trên Wall Street Journal kế hoạch chống lạm phát của ông. Giải pháp bao gồm để Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất mà không bị ảnh hưởng bởi áp lực từ chính quyền, bên cạnh danh sách những sáng kiến đã được công bố trước đây nhằm khắc phục chuỗi cung ứng bị đình trệ, chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và cung cấp nhiều khoản tín dụng thuế cho năng lượng sạch.
Nhưng phần lớn trong số những giải pháp này cần được quốc hội Mỹ thông qua. Điều này dường như khó xảy ra trong 6 tháng còn lại của năm 2022, trong bối cảnh nước Mỹ chia rẽ lưỡng đảng sâu sắc như hiện nay. Các trợ lý Nhà Trắng cũng thừa nhận ngay cả khi các biện pháp đó được phê chuẩn, chúng không đủ sức kéo giảm lạm phát trong ngắn hạn.
"Tôi đã hoài nghi về câu chuyện lạm phát đạt đỉnh và đến giờ vẫn vậy", cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Larry Summers cho hay. "Tôi vẫn duy trì quan điểm rằng chúng ta khó có thể giảm lạm phát theo cách nhẹ nhàng hay không khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đáng kể trong thời gian ngắn".
Thực tế này có thể khiến đảng Dân chủ hứng chịu hậu quả trong bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11. "Môi trường chính trị đang rất khó khăn đối với đảng Dân chủ", Dan Pfeiffer, cựu cố vấn cấp cao của tổng thống Barack Obama, cho biết. "Gần như không có gì gây nhức nhối về mặt chính trị hơn giá thực phẩm và giá xăng cao".
Wendy Schiller, giám đốc Trung tâm Chính trị và Chính sách A. Alfred Taubman tại Đại học Brown, cho hay công chúng Mỹ đặt kỳ vọng rất lớn vào khả năng cải thiện nền kinh tế của các tổng thống. Bởi vậy, tâm lý đổ lỗi cho tổng thống khi kinh tế gặp khó khăn cũng tăng lên.
"Điều có thể cứu vãn cho Tổng thống Biden lúc này, nhưng không phải cho phe Dân chủ tại quốc hội, là ông vẫn còn hai năm nữa trong nhiệm kỳ để có thể ổn định tình hình", Schiller nhấn mạnh.
6 tỷ phú giàu nhất người Việt ở Mỹ khiến cả dân Mỹ nể phục là ai?
Làm ngành tài chính, công nghệ, thậm chí là chăm sóc móng tay… nhưng họ đều ghi dấu ấn đậm nét về kinh doanh trên đất Mỹ.