27% trong số 1006 nam giới và nữ giới ở độ tuổi từ 20 đến 69 tham gia một cuộc khảo sát do Shirabee thực hiện đã thú nhận rằng họ từng có ý nghĩ muốn giết chết người sếp của mình. Sự thất vọng và giận dữ của những người lao động trẻ tuổi cho thấy một vấn đề đang tồn tại ở nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản.
Cô Mayao Shibata, một dịch giả sống ở Tokyo, cho biết: “Tôi sẽ không bao giờ giết chết bất cứ ai, nhưng tôi có thể hiểu tại sao nhiều người bị đẩy tới miệng vực. Chính là do cách đối xử của người sếp với nhân viên”.
“Tôi đã làm việc bán thời gian trong một quán rượu cao cấp ở Tokyo. Người quản lý quán rượu có tính cách rất khó chịu. Ông ta không thích tôi vì tôi tốt nghiệp đại học và ở một nơi khác đến. Ông ta làm cho cuộc sống của tôi trở nên ngột ngạt. Bất cứ thứ gì tôi làm cũng không vừa mắt ông ta”, cô Shibata tâm sự với The Telegraph.
“Nếu ông ta đối xử như vậy với một người đàn ông, tôi chắc chắn rằng họ sẽ đánh nhau”, cô nói thêm.
Cô Shibata nói rằng căn nguyên của vấn đề nằm ở xã hội Nhật Bản. Người ta dành sự tôn kính đối với những người có thâm niên làm việc, những người lớn tuổi chứ không phải là những người tuổi trẻ tài cao. “Thật khó cho những người trẻ tuổi khi đưa ra các sáng kiến để được công ty chấp thuận, cũng như cơ hội vươn lên một vị trí cao hơn. Các công ty vẫn coi trọng người có thâm niên”, cô Shibata cho biết.
Makoto Watanabe, một giảng viên cao cấp về truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo cũng đồng ý với nhận định trên. Watanabe nói rằng anh gần như đã bị đẩy tới giới hạn của sức chịu đựng.
"Rất nhiều người lớn tuổi từ chối nghỉ hưu bởi vì toàn bộ danh tiếng và cuộc sống của họ được bao bọc trong công việc của họ, và họ sẽ mất hết nếu rời đi. Vì vậy họ đang ngăn chặn những người trẻ tuổi vươn lên”, Watanabe cho biết.
Những người lao động có thâm niên được xã hội Nhật Bản tôn trọng (ảnh: Nippon)
|
Nhật Bản cũng đang chứng kiến sự gia tăng của những “công ty đen”. Những công ty này trả lương thấp, không cung cấp bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm thân thể, đồng thời buộc nhân viên phải làm việc thêm giờ trái với quy định của pháp luật. Những câu chuyện về nhân viên không được trả lương nếu họ ra đi chưa được kiểm chứng, nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều người lao động trẻ tuổi đang tìm kiếm việc làm và nguy cơ họ bị đối xử bất công là rất lớn.
“Những người này thực sự bị lạm dụng”, ông Watanabe nói. “Họ bị trả lương thấp, làm việc trong môi trường nguy hiểm và có ông chủ độc đoán. Thật ngạc nhiên khi chỉ có 27% người lao động Nhật Bản muốn giết ông chủ của mình”. (ông Watanabe nghĩ rằng con số này phải nhiều hơn).
Hồi tháng 3, cảnh sát ở tỉnh Saitama phía bắc Tokyo đã bắt một người lao động 21 tuổi tên là Satoru Sunaga. Anh này đang làm việc bán thời gian tại một cửa hàng kinh doanh đồ trang trí nội thất. Cảnh sát nghi ngờ anh ta là thủ phạm châm lửa đốt tòa nhà. Lính cứu hỏa đã mất đến 31 giờ để kiểm soát ngọn lửa, may mắn là không có ai bị thương vong.
Cuối cùng, Satoru Sunaga đã thú nhận mình chính là người đốt tòa nhà, chỉ để “giải tỏa sự căng thẳng của bản thân”, Fuji TV đưa tin.
Nguồn: Viettimes.vn