Thông điệp giáo dục trong các bộ phim điện ảnh Nhật Bản

Các nước phương Đông và Nhật Bản nói riêng xưa nay vẫn luôn được xem là nơi hội tụ những nét văn hoá bí ẩn, độc nhất. Việt Nam tuy cũng là một đất nước Á Đông nhưng một sự thật đáng buồn là văn hoá nước ta đang dần mai một. Trong khi đó, Nhật Bản mặc dù phát triển, mặc dù hiện đại, giao hảo tốt với các nước Tây phương nhưng văn hoá của họ vẫn phát triển mạnh mẽ. Một lý do không nhỏ chính là cách người Nhật giáo dục thế hệ trẻ thông qua phim ảnh.

18:30 07/09/2017

1. Điện ảnh là sự truyền tải thông điệp một cách tối ưu

Văn hoá vốn dĩ là một phạm trù nổi bật mỗi khi nhắc đến xứ sở phù tang. Nền văn hoá lâu đời, truyền thống của Nhật Bản được cả thế giới biết đến bởi sự thanh thoát, hoài cổ và trầm mặc. Môn nghệ thuật thứ bảy xuất hiện sau cùng, song qua những cách nhìn nhận khác lạ, người Nhật vẫn làm nên những thước phim sống động, đặc biệt gần gũi với đối tượng chính mà bộ phim muốn hướng tới. Đối với điện ảnh Nhật Bản, phim không chỉ là để xem, việc thưởng thức nó và những ý nghĩa nó mang lại khiến người xem không thể thôi suy nghĩ, không thể ngừng tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi vốn đã tồn tại ngay trước mắt, chỉ đơn thuần là bị bỏ qua.

Trong xã hội Nhật, công tác giáo dục rất được coi trọng và xem như chìa khoá của công cuộc phát triển đất nước. Vì sự coi trọng này, Nhật Bản đã áp dụng rất nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và một trong số đó là thông qua phim ảnh. Theo ý kiến số đông, Nhật Bản nổi tiếng với thể loại phim kinh dị hay dã sử. Tuy nhiên, nền điện ảnh của đất nước hoa anh đào còn được biết đến với thể loại phim học đường và tokusatsu. Đối tượng chủ yếu của hai dòng phim này là thiếu nhi và thanh thiếu niên. Mục đích chính là hướng dẫn, giáo dục để đối tượng có được một cái nhìn đúng đắn cho những bước đi sau này.

2. Từ phim học đường cho thanh thiếu niên

Học sinh, sinh viên ở Nhật thường nhận được nhiều sự quan tâm từ chính quyền và xã hội. Có lẽ vì vậy nên những vấn đề diễn ra trong đời sống học đường được thể hiện rất chân thực, gần gũi qua phim ảnh. Người ta thường nói quãng đời học sinh là thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người, khi thưởng thức những bộ phim về học đường của Nhật Bản, có lẽ ai trong chúng ta cũng ước ao mình được như nhân vật Makio trong “My boss, my hero” – dù đã 27 tuổi nhưng vẫn được đến trường.

My boss my hero

Phim học đường Nhật Bản đem đến cho người xem những khao khát tưởng chừng đã bị cuộc sống cuốn trôi đi, khiến khán giả như được sống lại quá khứ tươi đẹp của tuổi học trò. Không những vậy, những nhà làm phim cũng thể hiện được một phần tình hình xã hội hiện tại, những điều bất cập cũng như đúng đắn của nền giáo dục nước nhà. Người Nhật không giấu giếm khuyết điểm, họ phản ánh hiện thực vào tác phẩm của mình theo cách nhẹ nhàng hoặc thẳng thắn, song vẫn luôn giúp người xem nhận thức rõ xã hội Nhật Bản đang tiến triển ra sao. Phim học đường khai thác rất nhiều khía cạnh của cuộc sống học sinh, phần nhiều về quan hệ thầy trò, bạn bè, gia đình với con cái và tình yêu chớm nở ở lứa tuổi này. Các nhân vật được xây dựng khá độc đáo, riêng rẽ, thậm chí mâu thuẫn về một số mặt đã giúp cho bộ phim mang nhiều màu sắc hơn. Với nội dung khá dễ hiểu, cách thể hiện nhẹ nhàng nhưng thực tế, những bộ phim học đường Nhật Bản đã gửi đến khán giả những thông điệp rất ý nghĩa, dù lớn lao hay nhỏ nhoi đều đáng để chiêm nghiệm, chẳng hạn như “Dragon Zakura” nói cho chúng ta biết cách để hiện thực hoá một ước mơ thiết thực và đúng đắn; “Crows zero” mang đến thông điệp “Không có gì sai trái khi trở thành một con Quạ. Nếu so sánh chúng với những con chim đáng thương bị nhốt trong lồng và quên cách để bay, Quạ tốt hơn rất nhiều.”… Những ý nghĩa trên không chỉ đúng với lứa tuổi học đường, mà đúng với bất kỳ ai đang đang lạc bước trên đường đời, hay thậm chí đã thành công đi chăng nữa.

Dragon Zakura

3. Đến Tokusatsu cho thiếu nhi

Tokusatsu (kỹ thuật quay phim có sử dụng các hiệu ứng đặc biệt) nếu xét theo tên gọi chính xác có thể sẽ khá lạ lẫm và khó hiểu. Song, nếu nói “Siêu nhân” là một đề tài của phim Tokusatsu, có lẽ nhiều người sẽ mường tượng được đây là gì. Thể loại phim này phát triển ở Nhật Bản từ những năm 1950 với hình tượng quái thú Godzilla nổi tiếng trên toàn thế giới. Về sau, Tokusatsu được mở rộng hơn với các đề tài như Kamen Rider (được biết đến ở Việt Nam dưới cái tên “Siêu nhân dế”) hay Sentai (Năm anh em siêu nhân)… Motif chung của thể loại này là những người được ban cho sức mạnh (khoa học công nghệ hay phép thuật) và dùng nó để tiêu diệt các quái vật cứu thế giới. Người Việt Nam vốn có thành kiến với thể loại này, vì bản chất dân tộc ta là dân tộc hoà hiếu. Tuy vậy, nếu có một thái độ tiếp thu đúng đắn, ta sẽ có được nhận định chính xác và hiểu rõ mình đang xem gì, từ đõ sẽ có sự tiếp thu đúng đắn. Tokusatsu đề cao tinh thần chính nghĩa, đoàn kết và sức mạnh ý chí. Những yếu tố này được phóng đại hơn so với hiện thực, qua đó cũng nhằm giáo dục thiếu nhi ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của những điều này. Bối cảnh trong Tokusatsu chủ yếu là thời hiện đại – khi mà những tinh thần trên đang ngày càng trở nên hiếm hoi và bị xem nhẹ, đây là cách để khơi dậy mong muốn thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn của giới trẻ.

Hình tượng Godzilla huyền thoại của Nhật Bản

Thể loại phim này đại đa số đều có cảnh chiến đấu trong mỗi tập, nhưng nếu chỉ qua đó mà đánh giá đây là một dòng phim bạo lực, thiếu nhân văn thì có lẽ đã hơi vội vàng. Với bối cảnh thế giới hiện nay, Tokusatsu qua mỗi tập phim thường mang đến những phong vị rất đời thường của xã hội, đó có thể chỉ là giúp đỡ người già qua đường, cứu một người sắp bị xe tông… (Shinkenger, Gokaiger) Có thể đời thường, song chúng không tầm thường. Từ đó, bộ phim dẫn người xem tới những điều sâu xa hơn như lòng quyết tâm không từ bỏ, con người sẽ luôn tìm được con đường cho riêng mình… (Kamen Rider Kabuto) Giáo dục những điều nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng cho sự phát triển nhân cách con người, việc Tokusatsu đứng đầu trong danh sách các phim cho thiếu nhi tại Nhật cũng là điều dễ hiểu.

Bộ Super Sentai kỷ niệm 35 năm của TOEI – Kaizoku Sentai Gokaiger – được đầu tư rất công phu, đạt kỷ lục Guinness về cảnh quay có nhiều diễn viên đeo mặt nạ tham gia nhất thế giới

4. Thay cho lời kết

Một điều dễ dàng nhận ra ở hầu hết các thể loại phim Nhật là họ rất khéo léo đan cài vào các tình huống phim những nét đẹp trong văn hoá của mình. Thay vì mời đi ăn ở quán thức ăn nhanh, họ đến một cửa hàng teriyaki bên đường. Thay vì mặc váy, những người phục vụ thường đóng trong bộ kimono… Nét đẹp truyền thống của quê hương Nhật Bản phô ra một cách không gượng gạo, nhẹ nhàng nhưng để lại ấn tượng mạnh cho người xem. Với một nền điện ảnh như vậy, câu hỏi vì sao người Nhật không đánh mất phong tục tập quán như ở một số quốc gia khác có lẽ không quá khó để trả lời.

Nhật Huy (tinanime.com)

Tags:
Kinh nghiệm khi làm thẻ tín dụng ở Nhật

Kinh nghiệm khi làm thẻ tín dụng ở Nhật

Thẻ tín dụng (credit card) là một trong những phương tiện thanh toán tiện dụng nhất trong đời sống hiện đại.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất