Tỉnh Aichi (Nhật Bản) đề nghị được bổ sung vào danh sách các khu vực trong tình trạng khẩn cấp
Ngày 9/4, Thống đốc tỉnh Aichi của Nhật Bản, ông Hideaki Omura cho biết đã đề nghị chính quyền trung ương bổ sung tỉnh miền Trung Nhật Bản này vào danh sách các khu vực trong tình trạng khẩn cấp do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng.
19:00 10/04/2020
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thống đốc Omura nêu rõ: “Trong tuần qua, rõ ràng chúng ta đang trong tình hình nghiêm trọng”. Số ca mắc COVID-19 tại tỉnh này đã lên tới 270, với 20 ca mới được ghi nhận ngày 8/4.
Người dân di chuyển trên đường phố tại tỉnh Aichi, Nhật Bản ngày 3/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ông Omura cho biết tỉnh Aichi sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp của riêng tỉnh này vào chiều 10/4, theo đó yêu cầu người dân trong tỉnh hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết và các trường học đóng cửa cho đến ngày 6/5.
Theo ông Omura, việc đặt tỉnh Aichi trong tình trạng khẩn cấp ở cấp tỉnh và cấp quốc gia là phù hợp vì thủ phủ Nagoya của tỉnh này có hơn 2,2 triệu dân và nằm ở vị trí giữa thủ đô Tokyo và thành phố Osaka.
Ngày 7/4 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với 7 tỉnh, thành ở nước này, gồm thủ đô Tokyo cùng các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka trong bối cảnh số người mắc COVID-19 ở các địa phương này tăng nhanh một cách đáng báo động.
Theo luật sửa đổi luật đặc biệt về phòng chống dịch cúm mà Quốc hội Nhật Bản thông qua hôm 13/3, việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính quyền các địa phương chỉ thị hạn chế sử dụng hoặc tạm thời đóng cửa các cơ sở tập trung đông người như trường học, trường mẫu giáo, các cơ sở phúc lợi xã hội, rạp chiếu phim hay sân vận động. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương có thể yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài đường ngoại trừ một số trường hợp nhất định như mua thực phẩm hay đi khám bệnh.
Nếu các bệnh viện quá tải, thống đốc các tỉnh, thành có thể sung công đất tư nhân hoặc các tòa nhà để xây dựng các cơ sở y tế tạm thời, ngoài ra có thể trưng thu lương thực và vật tư y tế từ những công ty từ chối bán và buộc các công ty phải giúp vận chuyển các hàng hóa khẩn cấp. Theo dự kiến, tình trạng khẩn cấp có hiệu lực đến ngày 6/5.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda ngày 9/4 cho biết ngân hàng này có thể cân nhắc biện pháp nới lỏng tiền tệ bổ sung nếu cần thiết.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu tại hội nghị trực tuyến với các trưởng chi nhánh Ngân hàng trung ương trên toàn Nhật Bản, ông Kuroda cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Nhật Bản, thể hiện qua các chỉ số suy giảm của các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng du lịch. Ông nhấn mạnh triển vọng kinh tế Nhật Bản thời điểm này hết sức mờ mịt, do vậy Ngân hàng trung ương sẽ không chần chừ đưa ra biện pháp nới lỏng tiền tệ bổ sung nếu cần thiết.
Ngoài ra, Thống đốc Kuroda khẳng định hệ thống tài chính của Nhật Bản hiện vẫn ổn định, song các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề vốn. Ngân hàng trung ương sẽ tích cực cung cấp tài chính cho các cơ quan tín dụng để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trên cơ sở chính sách cung cấp vốn mới áp dụng từ tháng 3 và chính sách kinh tế khẩn cấp được chính phủ Nhật Bản thông qua tuần trước.
Hội nghị các trưởng chi nhánh Ngân hàng trung ương trên toàn Nhật Bản được tổ chức định kỳ 3 tháng 1 lần. Đây là lần đầu tiên hội nghị này được tổ chức trực tuyến do dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Nhật Bản.
Minh Châu – Đức Thịnh (TTXVN)
Toyota tham gia sản xuất thiết bị y tế và vật dụng bảo hộ phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Dịch bệnh bùng phát nhanh đang đẩy nhiều quốc gia rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng các trang thiết bị và vật dụng bảo hộ.