Tình yêu sóng gió của cô gái Việt và chàng trai Ấn Độ

Bị gia đình hai bên phản đối, Thanh Nhàn và Manbir Singh vẫn quyết làm đám cưới nhưng trắc trở lại xuất hiện khi theo truyền thống, nhà gái phải mang lễ đến xin cưới chồng.

10:01 31/12/2022

"Phong tục trái ngược của hai nước khiến gia đình tôi và anh vốn đã không ưng con kết hôn với người ngoại quốc, nay càng khó xử", Thanh Nhàn, 25 tuổi, người TP HCM đang sống tại Australia nói.

Theo phong tục Ấn Độ, quê hương của Manbir Singh (33 tuổi), để có thể lấy được chồng gia đình cô gái phải mua cho mỗi chị họ bên nhà trai một bộ chăn gối mới. Số tiền Nhàn cần chi cho sính lễ lên đến 8.000 USD (khoảng 190 triệu đồng).

"Tiền là một chuyện, nhưng theo phong tục của họ, nhà tôi phải làm chuyện ngược đời là mang lễ sang nhà trai đi hỏi chồng. Bố mẹ tôi đời nào chịu", Nhàn nhớ lại giai đoạn chuẩn bị cưới năm 2019.

Đây không phải sóng gió đầu trong cuộc tình hai năm của chàng trai Ấn Độ và cô gái Việt Nam. Năm 2017, Manbir và Thanh Nhàn, đang học y tá cùng trường đại học ở Australia, gặp nhau trong đợt thực tập tại một viện dưỡng lão.

Trong bữa trưa cuối cùng của kỳ thực tập, chàng trai khi đó 27 tuổi đến bắt chuyện: "Văn hóa nước bạn có cho phép một cô gái cưới người ngoại quốc không?". Cô gái Việt du học Australia từ năm 15 tuổi, bất ngờ nhưng vẫn cười, và gật đầu. Họ nói chuyện và trở thành bạn từ đó.

Trở về trường, thi thoảng chàng trai Ấn Độ thấy Nhàn đi bộ trên phố lại dừng xe chào hỏi. Thi thoảng, họ gặp nhau ở thư viện dù không hẹn trước. Những lần tình cờ như vậy khiến trái tim tuổi 19 của cô gái Việt bồi hồi.

Thanh Nhàn và bạn trai Ấn Độ khi còn yêu. Ảnh: Andrea Tran Singh
Thanh Nhàn và bạn trai Ấn Độ khi còn yêu. Ảnh: Andrea Tran Singh

Manbir cũng bị hút bởi nụ cười vô tư của cô gái Việt. "Công việc chăm sóc người già ở viện rất vất vả nhưng cô ấy lúc nào cũng cười, lại tận tình lắm", Manbir nhớ lại. Mất mẹ từ nhỏ, nên anh ước sau này sẽ tìm được người mẹ tốt cho các con. Nhìn Nhàn, anh mường tượng thấy mẫu người lý tưởng mình đang tìm.

Bốn tháng sau lần gặp đầu, Manbir về nước dự đám cưới anh trai. Anh nhắn kể chuyện với cô rằng "họ hàng cứ hỏi anh khi nào mang bạn gái về". Nhàn nhắn ngay "lần sau anh đưa em về". Chỉ đợi có thế, Manbir tỏ tình.

Nhưng bố mẹ Thanh Nhàn không đồng ý cho con lấy người ngoại quốc. Gia đình cô gái Việt vốn theo đạo, muốn con đến với một người cùng tôn giáo với mình.

Bà Đoàn Thị Nga (mẹ Nhàn) tâm sự, xem phim Ấn Độ thấy người ta còn nhiều phong tục gia trưởng, phụ nữ làm dâu rất khổ nên bà không muốn con sai đường. "Nghe tin con gái có người yêu, người khác thì vui còn tôi khóc suốt", bà kể.

Bố Manbir cũng kịch liệt phản đối. Gia đình Manbir theo đạo Sikh, thích một nàng dâu quê nhà. Bố anh là giám đốc một ngân hàng ở Ấn Độ, đã về hưu, mẹ kế là giáo viên, nên cũng muốn con trai phải cưới được người cùng tầng lớp.

"Bố không nói chuyện với tôi suốt ba tháng, dù cùng sống ở Australia", Manbir kể. Ở Việt Nam, khuyên nhủ con gái nhiều lần không được, ông Trần Minh Trinh, 65 tuổi, chỉ nói được vài câu đã tắt máy. Một tháng sau đó, hai cha con chẳng nói chuyện với nhau.

Không được gia đình hai bên chấp thuận khiến Nhàn hoang mang. Cô nhiều đêm rơi nước mắt khi biết gia đình người yêu thi thoảng lại gửi hồ sơ các cô gái để anh hẹn hò. "Anh trai anh ấy cũng kết hôn qua mai mối. Tôi cố gắng, nhưng không biết anh có cố gắng cùng không", cô gái kể.

Một lần, hai người cãi vã, cô gái vừa học lái xe đã lao đến gặp người yêu cách 70 km. Cuộc trò chuyện kết thúc, hai người quyết định đường ai nấy đi. Nhưng Manbir vẫn đề nghị lái xe đưa Thanh Nhàn về vì sợ cô đi không an toàn. Chặng đường dài khiến cả hai bình tâm lại, nhận ra còn thương nhau.

Hàng ngày, Manbir lái xe qua nhà bạn gái chỉ để nhìn cô trước khi đi làm. Nghe người yêu nói ngủ dậy trễ nên sắp muộn làm, anh vội đến đón, sợ cô lái xe nhanh có thể nguy hiểm. Anh từ chối mọi hồ sơ mai mối người thân gửi đến. Qua họ, Manbir còn nhờ thuyết phục bố mẹ đến với người mình yêu, thay vì chọn hôn nhân sắp đặt.

Cảm nhận được tình yêu của bạn trai nên Thanh Nhàn học cách cố gắng. Cô tập nấu những món ăn Ấn Độ để chiều lòng anh, gần gũi gia đình bạn trai để hiểu thêm văn hóa. Nhàn cũng nhờ họ hàng đang sống ở Australia thuyết phục bố mẹ ủng hộ tình yêu của mình.

Người họ hàng hỏi ông Trinh "anh chọn cho con lấy chồng Ấn Độ hay chọn mất nó?". Câu nói làm người cha thay đổi suy nghĩ. "Ngăn cản gì thì được, chứ trái tim khó cản lắm", ông Trinh thừa nhận. Thay vì cản con, ông chia sẻ với Manbir quy định trong hôn nhân của người theo đạo Thiên Chúa. Chàng trai Ấn Độ thể hiện sự chân thành bằng cách đi học giáo lý.

Manbir cũng thuyết phục bố gặp mặt gia đình người yêu qua cuộc gọi video để giới thiệu về nhau. Biết bố Thanh Nhàn là bác sĩ, có phòng khám riêng, nhà trai cho cưới. "Vì chúng ta kiên định với tình yêu của mình suốt thời gian dài nên có lẽ bố anh cũng giống bố em, không muốn mất con", Manbir nói với người yêu.

Hai gia đình bàn chuyện làm đám cưới. Bố Manbir tá hỏa khi theo tục Việt Nam, nhà trai chẳng được nhận quà, còn phải mang của hồi môn cho nhà gái. Trong khi ở Việt Nam, ông Trinh cũng bức xúc không kém, vì theo tục Ấn Độ, cô dâu phải mang sính lễ đến hỏi cưới chú rể.

"Nếu anh muốn tôi mang sính lễ sang nhà trai, thì anh phải về Việt Nam ở rể, theo tục của người Việt", ông Trinh nói với con rể tương lai.

Muốn cưới cô gái Việt lại cũng muốn đẹp lòng cha mẹ hai bên, Manbir tự bỏ tiền túi, gửi về nước nhờ người thân mua giúp sính lễ. Thương con, bố Thanh Nhàn đề nghị con rể làm thủ tục cưới ở nhà thờ tại Australia và Việt Nam, không cần thủ tục ăn hỏi.

"Tình cảm của các con là quan trọng nhất. Nhưng nhập gia cũng phải tùy tục, cưới ở nước nào phải tuân thủ phong tục nước đó", ông đưa ra đề nghị với nhà trai.

Lễ cưới của vợ chồng Thanh Nhàn theo truyền thống của người Việt, tại quê hương cô dâu. Ảnh: Andrea Tran Singh
Lễ cưới của vợ chồng Thanh Nhàn theo truyền thống của người Việt, tại quê hương cô dâu. Ảnh: Andrea Tran Singh

Hai gia đình thống nhất nên đám cưới ở ba quốc gia đều suôn sẻ. Đám cưới ở Ấn Độ, người họ hàng của Manbir bị trật chân, ông Trinh, vốn là bác sĩ đông y dùng thuốc chữa cho người này khỏi. "Nhờ vậy, hai bên gần gũi hơn. Từ thông gia, bố mẹ chúng tôi thành bạn bè", Manbir kể.

Khi đã có cái kết tình yêu viên mãn thì về chung một nhà, cô gái Việt lại ân hận với lựa chọn của mình. "Chúng tôi có quá nhiều khác biệt trong văn hóa", Thanh Nhàn kể.

Cô gái Việt muốn gia đình nhỏ sống riêng, Manbir muốn quây quần trong một ngôi nhà ở Australia cùng gia đình anh trai như hơn 10 năm qua. Bố và mẹ kế cũng sang thăm cháu nội, dự định ở lại một năm, nhưng vì dịch nên mắc kẹt ở Australia ba năm.

Những khác biệt về cách sinh hoạt, nếp sống, ngôn ngữ làm Thanh Nhàn không thoải mái. Gia đình chồng nói chuyện với nhau bằng tiếng Hindi trong lúc cô ở đó khiến Nhàn thấy lạc lõng. Cô không thích đi giày dép bên ngoài vào nhà, còn các thành viên khác lại thấy đó là điều đương nhiên. Nhàn muốn mở rèm cho nhà cửa sáng, thoáng, nhưng gia đình chồng lại thích kín đáo.

"Cưới được hai tháng, tôi nhận ra những lo ngại của cha mẹ lúc đầu là đúng", cô gái Việt nói. Hai vợ chồng thường xuyên cãi vã, Manbir phải gọi điện cầu cứu bố mẹ vợ. "Lúc tui nói anh chị chẳng nghe, mới ở với nhau được mấy bữa lại đòi li dị", người cha mắng con.

Ông khuyên các con nên cân nhắc lại lựa chọn sống chung, bớt đi cái tôi cá nhân, đừng câu nệ quá về tập tục, để hòa hợp. "Người cùng một quốc gia đã bất đồng, huống gì các con ở hai nước khác nhau, lại sống ở một đất nước thứ ba. Điều các con cần hướng đến và vun vén không phải là tập tục hay văn hóa, mà là hạnh phúc gia đình", ông Trinh khuyên các con.

Nhận ra hôn nhân có nguy cơ đổ vỡ nếu cứ tiếp tục sống chung, Manbir đồng ý chuyển ra ngoài. Dù không cùng tôn giáo, anh cùng con trai đến nhà thờ cầu nguyện cùng vợ. Thanh Nhàn cũng mặc đồ truyền thống của người Ấn, theo chồng đi chùa. Vào các ngày lễ của quê chồng, cô sắm sửa, phụ anh lo toan.

Thanh Nhàn (đang bế con) tổ chức tiệc Giáng sinh bên gia đình chồng, hôm 24/12. Ảnh: Andrea Tran Singh
Thanh Nhàn (đang bế con) tổ chức tiệc Giáng sinh bên gia đình chồng, hôm 24/12. Ảnh: Andrea Tran Singh

Thanh Nhàn cũng thường xuyên làm món Việt để gia đình Manbir thưởng thức. Nhà chồng thích ăn món phở, xôi và gỏi gà của nàng dâu Việt. Mẹ chồng cô đặc biệt suýt xoa mỗi khi con dâu nấu canh chua.

Dịp Giáng sinh năm nay, ngày lễ lớn nhất của người theo đạo Thiên chúa, dù đang mang bầu tháng thứ sáu đứa con thứ hai, Thanh Nhàn vẫn vào bếp làm các món truyền thống của người Việt, chuẩn bị quà cho trẻ con. Cô mời gia đình chồng và bố chồng tới ăn mừng ngày lễ của mình để hiểu nhau hơn.

Hôm đó, Manbir mặc bộ đồ ông già Noel, trao quà cho con trai và cháu. Mọi người quây quần cùng nhau ăn tiệc, cười đùa và ngắm hai đứa trẻ háo hức bóc quà. "Khoảnh khắc đó, mọi khác biệt đều được xóa nhòa", Thanh Nhàn cười, nói.

Phạm Nga

Tags:
Cưới chồng Tây, vợ Việt “giao kèo“ hẹn hò là anh trả: Cưới về tiền vợ giữ, mua nhà vợ đứng tên

Cưới chồng Tây, vợ Việt “giao kèo“ hẹn hò là anh trả: Cưới về tiền vợ giữ, mua nhà vợ đứng tên

Cưới anh chồng Pháp, cô vợ Việt thẳng thắn chia sẻ quan điểm về chuyện tiền bạc ngay từ đầu để đỡ mất lòng nhau.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất