Trẻ em Nhật Bản cần chuẩn bị gì trước khi vào lớp 1

Trước khai giảng gần nửa năm, trẻ tới trường kiểm tra sức khỏe. Mỗi em cần được bố mẹ trang bị kỹ năng cơ bản để dễ thích nghi.

12:30 07/09/2017

Với kinh nghiệm sống tại Nhật Bản nhiều năm, Kirsty Kawano, bà mẹ hai con người Australia chia sẻ trên Savvy Tokyo những việc cần chuẩn bị cho một đứa trẻ vào lớp 1 ở đất nước mặt trời mọc.

Khám sức khỏe, họp phụ huynh trước khai giảng

Năm học mới ở Nhật Bản bắt đầu vào tháng 4, nhưng phụ huynh dành hàng tháng trời để chuẩn bị cho ngày quan trọng. Một chiếc balo cứng cáp sẽ là hành trang trẻ mang theo khi hòa mình vào cộng đồng hoàn toàn mới.

Nếu có con sắp vào lớp 1, bạn sẽ phải đưa con đến kiểm tra sức khỏe ở trường tiểu học địa phương từ tháng 11. Trong ngày hôm đó, bạn có thể tham gia cuộc phỏng vấn ngắn với hiệu trưởng hoặc hiệu phó, thoải mái trao đổi về những mối bận tâm.

Dù năm học mới bắt đầu vào tháng 4, trẻ đến trường khám sức khỏe từ tháng 11. Ảnh: Scarletgreen

Trường hợp cần đăng ký dịch vụ chăm sóc sau giờ học, thường gọi là gakudo hoiku, bạn cần đăng ký trực tiếp với cơ sở phù hợp theo mẫu đơn có sẵn từ tháng 12 và nộp vào đầu tháng 1. Nhân viên ở gakudo được thuê để chăm sóc học sinh sau khi tan lớp hoặc trong dịp lễ cho đến 6h chiều, một số cơ sở kéo dài đến 7h tối trong năm học mới. Trước đây, dịch vụ này chỉ dành cho học sinh lớp 3 trở xuống, tuy nhiên dần mở rộng cho mọi lớp ở cấp tiểu học, dù vẫn ưu tiên trẻ nhỏ.

Chi phí hàng tháng cho mỗi em ở gakudo là 3.000-4.000 yên (khoảng 600.000- 800.000 đồng). Các cơ sở này chỉ nhận trẻ có bố mẹ đi làm hoặc gia đình có người khuyết tật, được đăng ký rất nhanh.

Vào tháng 2, các trường tổ chức cuộc họp phụ huynh (hogosha-kai) dành cho bố mẹ của các em sẽ trở thành học sinh lớp 1. Tại đó, bạn sẽ nhận được thông tin chi tiết về trường học, lễ khai giảng, dụng cụ học tập và những vật dụng khác mà trẻ cần trong quá trình học.

Kỹ năng cần có trước khi vào lớp 1

Danh sách nhà trường yêu cầu bao gồm việc trẻ có thói quen ăn sáng mỗi ngày và ăn bất kỳ thứ gì được phục vụ. Thời gian ăn lý tưởng là 20 phút, bằng khoảng thời gian yêu cầu cho bữa trưa ở trường.

Con bạn nên học được cách mở và đóng ô, đi vệ sinh một mình, vắt khô một chiếc khăn lau. Mỗi đứa trẻ cần biết nói, đọc, viết tên của mình theo bảng chữ cái hiragana. Trong chương trình lớp 1, các em sẽ học bảng chữ cái hiraganavà katakana, dù đa số đã thuộc gần hết hiragana. Đồng thời, trẻ nên chủ động nhờ thầy cô giúp đỡ hoặc giải thích kỹ hơn những vấn đề chưa rõ.

Trẻ Nhật Bản biết cách qua đường trước khi vào lớp 1. Ảnh: Scarletgreen

Trẻ cần được trang bị kỹ năng đi bộ an toàn từ nhà đến trường và từ trường về nhà, có nghĩa biết được thời điểm thích hợp để qua đường, nắm rõ tín hiệu giao thông. Để làm được điều này, cha mẹ nên đi bộ cùng con đến trường trước khi năm học bắt đầu, dặn con học thuộc các điểm an toàn dành cho trẻ em trong trường hợp khẩn cấp (kodomo 110-ban).

Những đồ dùng cần thiết

Mỗi học sinh có khăn mùi xoa để lau tay và một túi khăn giấy bỏ túi. Bạn có thể nhận ra một chiếc túi nhỏ, có dây kéo treo trên cặp của học sinh tiểu học Nhật Bản. Nó được gọi là kyuushoku-bukuro, chứa những thứ trẻ cần dùng mỗi ngày trong bữa trưa.

Bữa trưa được nhân viên làm bếp của trường chuẩn bị. Học sinh luân phiên làm người phục vụ, lấy thức ăn từ những nồi lớn. Ngoài khăn, trong kyuushoku-bukuro có mặt nạ y tế, cốc, tấm trải bàn và có thể cả bàn chải đánh răng. Tấm trải bàn có kích thước bằng bàn học, rộng khoảng 60 cm và cao khoảng 40 cm. Bạn nên chuẩn bị ba chiếc.

Bên cạnh đó, học sinh cần một chiếc tay nải để mang đồ về nhà giặt vào thứ sáu và mang trở lại trường vào thứ hai. Những đồ cần giặt là đồng phục thể dục, giày đi trong nhà, tạp dề (nếu đúng phiên phục vụ bữa trưa). Nếu có thể, túi nên đủ lớn để mang hộp dụng cụ dougu-bako về nhà trước kỳ nghỉ dài.

Hộp được thiết kế để chứa vừa sách bài tập cỡ giấy A4, thường được chia ngăn và đặt gọn vào ngăn bàn. Ngay sau lễ khai giảng, học sinh nhận hộp dụng cụ và sách giáo khoa từ trường.

Buổi chiều hôm khai giảng rất bận rộn, các bậc cha mẹ phải đọc thông tin từ nhà trường, điền vào mẫu và đánh dấu tên con vào bất kỳ đồ dùng nào nhận được.

Các trường tiểu học công lập ở Tokyo yêu cầu đồng phục là một chiếc mũ và quần áo thể dục. Một nhà cung cấp đồng phục sẽ mở bán trong vài ngày ở trường vào thời điểm thích hợp để bạn có thể đến mua. Nếu có mũ từ mẫu giáo, trẻ nên tiếp tục sử dụng nó. Ngoài ra, bạn cần mua giày đi trong nhà cho trẻ từ cùng nhà cung cấp.

Quần áo thể dục và mũ là đồng phục của học sinh tiểu học. Ảnh: Kirsty Kawano

Phụ huynh cũng sẽ cần đến giày đi trong nhà để dùng vào dịp khai giảng hoặc bất kỳ lúc nào ghé thăm trường. Thông thường, một đôi giày nhẹ, dễ gấp là tốt nhất, nhưng bạn có thể mua bất kỳ kiểu giày nào, miễn sử dụng đúng mục đích.

Lễ khai giảng được xem là cơ hội để ăn mặc đẹp đối với cả học sinh và phụ huynh. Hầu hết nam sinh tiểu học mặc áo có cổ bên trong áo chui đầu, hoặc khoác áo len. Nữ sinh chọn váy, như hầu hết các bà mẹ. Áo khoác màu be khá thích hợp trong dịp này.

Vật dụng có tính biểu tượng nhất của học sinh sắp vào lớp 1 là balo chống gù – randoseru. Để đánh dấu cột mốc quan trọng trong đời một đứa trẻ, ông bà thường mua tặng cháu chiếc balo này. Nó được sử dụng đến khi trẻ tốt nghiệp tiểu học.

Trẻ vào lớp 1 là sự kiện đáng hoan nghênh, do đó địa phương có thể trao tặng mỗi em một chiếc ô hoặc vật dụng gì đó hữu ích để khuyến khích trẻ tự tin hòa nhập thế giới mới.

Theo Thùy Linh / Vnexpress

Tags:
Tâm sự của một ác linh: “Lẽ ra tôi mới là người được hưởng tình yêu ấy”

Tâm sự của một ác linh: “Lẽ ra tôi mới là người được hưởng tình yêu ấy”

Thầy Pháp là những người tương truyền có thể nhìn thấy được một số thế lực ở thế giới bên kia. Trong đó có cả những linh hồn còn vương vấn trần gian bởi món nợ ân tình.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất