Triệu phú Nhật đi dọn cỏ, dùng phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện và giúp đỡ người khác

Nhìn ông già mặc áo phông rẻ tiền, làm cỏ ở vườn hoa thành phố Nagoya, ít ai biết ông là triệu phú, từng là chủ chuỗi cửa hàng cà ri Nhật lớn nhất thế giới.

20:00 01/03/2020

CoCo Ichibanya – chuỗi nhà hàng cà ri Nhật được thành lập bởi Tokuji Munetsugu hiện có gần 1.500 chi nhánh ở khắp các quốc gia trên thế giới. Doanh thu năm 2019 của thương hiệu này lên tới 98,6 tỷ yen (khoảng 907 triệu USD).

Giàu có, nổi tiếng là vậy nhưng nhà sáng lập, ông Tokuji Munetsugu dùng phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện và giúp đỡ người khác. “Vật dụng trên người tôi đều là những đồ rẻ tiền. Tôi vẫn đeo đồng hồ Casino 9.800 yen (2 triệu đồng) và áo sơ mi giá 980 yen (200.000 đồng)”, ông Tokuji trả lời phỏng vấn khi được hỏi có dùng đồ hiệu nào không.

Tokuji Munetsugu sinh năm 1948 tại tỉnh Ishikawa, được đưa đến một trại trẻ mồ côi ở Amagasaki, tỉnh Hyogo, bặt tin hoàn toàn với bố mẹ đẻ.

Năm 3 tuổi, Tokuji được một cặp vợ chồng kinh doanh nhỏ nhận nuôi. Tuy nhiên đến năm cậu 7 tuổi, cha nuôi vì ham mê cờ bạc nên mất sạch tài sản, người mẹ tức giận bỏ nhà đi, để hai bố con sống với nhau.

Không đủ tiền thuê nhà, Tokuji cùng cha phải sống lang thang trong những ngôi nhà hoang không điện, không nước. Chỉ khi cha nấu ăn, cậu mới dám dùng một cây nến thắp sáng. Thức ăn của họ ngày đó đa phần chỉ có quả hồng dại, quả sung, thậm chí là các loại cỏ ăn được.

“Vất vả là thế nhưng tôi vẫn luôn yêu bố nuôi của mình. Nhớ một lần vào dịp cuối năm hai cha con được một hội từ thiện cho ít tiền, bố đã lấy tiền đó mua hai quả táo. Với tôi đó là thứ ngon nhất thế giới”, Tokuji hồi tưởng.

Triệu phú Nhật đi dọn cỏ, dùng phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện và giúp đỡ người khác - ảnh 1

Năm 2013, triệu phú Tokuji Munetsugu được tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách 48 anh hùng từ thiện khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: mainichi.jp.

Có lần khi cùng cha đến một xưởng đóng tàu để làm việc, Tokuji nhìn thấy cha mình nhặt từ dưới đất lên một điếu thuốc lá hút dở rồi châm lửa hút với tâm trạng vô cùng vui vẻ. Từ ngày đó, cứ có thời gian rỗi là cậu bé 10 tuổi lại đi đến các xưởng đóng tàu để nhặt thuốc lá hút dở cho bố. Ông kể lại, được nhìn thấy bố mình tận hưởng niềm vui từ những điếu thuốc người ta vứt đi, với ông đó là hạnh phúc.

Năm 15 tuổi, cha nuôi qua đời vì bị ung thư dạ dày, Tokuji đi tìm mẹ nuôi và tiếp tục sống với bà cho đến khi trưởng thành. Dù cuộc sống của hai mẹ con không khá hơn khi sống với bố là mấy nhưng Tokuji chưa bao giờ kêu ca bởi ông nghĩ “thiếu thốn là một trạng thái bình thường và phổ biến trong cuộc sống”.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tokuji xin vào làm tại một công ty bất động sản và gặp vợ mình – Naomi – tại đây. Hai người kết hôn rồi lập một công ty bất động sản, đồng thời ông mở thêm một quán cà phê có tên Bacchus.

Tokuji không ngờ quán cà phê này lại trở thành bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. “Bacchus dạy tôi nhiều kỹ năng để điều hành một doanh nghiệp nhà hàng”, Tokuji nói. Trong ngày đầu tiên mở cửa, Bacchus đã nghẽn khách trong 10 phút đầu tiên. Quán cà phê làm ăn phát đạt nên Tokuji quyết định đóng cửa công ty bất động sản đã lập trước đó.

Việc kinh doanh cà phê phát triển khiến Tokuji nghĩ đến việc mở một quán cà ri, bởi bà Naomi làm món này rất ngon. Từ ý tưởng này, năm 1978, quán cà ri Nhật có tên CoCo Ichibanya ra đời tại tỉnh Aichi. Tại đây, Tokuji đã đưa ra hai ý tưởng cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của cửa hàng: Một là cho phép khách hàng tự do lựa chọn cấp độ cay theo sở thích. Hai là khuyến khích nhân viên có thể mở các chi nhánh CoCo Ichibanya nếu họ thực sự làm tốt.

Với cách làm này, đến năm 1987, CoCo Ichibanya đã có hơn 80 cửa hàng và trở thành chuỗi thương hiệu quán ăn lớn nhất tại Nhật. Đồng nghĩa với nó là sự bận rộn ngày càng tăng của ông chủ. Hầu như ngày nào Tokuji cũng thức dậy lúc 4h sáng và đến công ty lúc 4h45. Việc đầu tiên ông làm là đọc hơn 1.000 câu hỏi và thắc mắc của khách hàng, sau đó dọn dẹp cửa hàng. Mỗi ngày Tokuji làm việc từ 18h đến 23h, mỗi năm chỉ có 15 ngày nghỉ. Đến năm 1998, số cửa hàng của ông đã vượt qua 500.

Năm 2002, ở tuổi 53 Tokuji bất ngờ rút khỏi CoCo Ichibanya và vợ ông Naomi cũng chính thức nghỉ hưu với tư cách là chủ tịch. Từ đó trở đi, ông không còn tham gia vào hoạt động của công ty này và tập trung cho các hoạt động xã hội.

Yêu âm nhạc cổ điển, năm 2003, Tokuji thành lập tổ chức phi lợi nhuận “Thiên thần vàng” hoạt động trong lĩnh vực quảng bá âm nhạc và thể thao, hỗ trợ các cơ sở phúc lợi tại Nhật, tặng dụng cụ âm nhạc cho các trường học từ đó tới nay…

Tại NPO, Tokuji cũng dạy miễn phí cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn muốn thực hiện ước mơ âm nhạc của mình. “Tôi luôn cố gắng làm việc để trả lại cho xã hội và những người đã giúp đỡ tôi lúc khốn khó”, Tokuji nói.

Triệu phú Nhật đi dọn cỏ, dùng phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện và giúp đỡ người khác - ảnh 2

Sau khi rút khỏi tập đoàn Coco Ichibanya, ông Tokuji thường xuyên đi dọn dẹp đường phố tại Nagoya. Ảnh: neikei.

Năm 2015, ông đã bán tất cả 23,17% cổ phần tại CoCo Ichibanya cho một tập đoàn của Đài Loan với giá 22 tỷ yen, chính thức nói lời tạm biệt với công ty.

Sau khi rời hẳn thương trường, vợ chồng Tokuji đến sống tại thành phố Nagoya – phía đông Nhật Bản. Hàng ngày ông vẫn mặc những chiếc áo phông rẻ tiền, quét dọn và làm cỏ ở những vườn hoa trong thành phố. “Nhìn ông ấy giản dị và đơn giản như những người già ở đây, chẳng giống một tỷ phú nhiều tiền gì cả”, hàng xóm của ông nhận xét.

Khi được hỏi kế hoạch tương lai, Tokuji nói: “Tôi sẽ sử dụng phần đời còn lại của mình để giúp đỡ được nhiều người hơn.

Theo: tintucuc.com

Tags:
Vì quá yêu cô vợ Việt, chồng người Mỹ chấp nhận mất việc, giả vờ ngủ quên ở sân bay

Vì quá yêu cô vợ Việt, chồng người Mỹ chấp nhận mất việc, giả vờ ngủ quên ở sân bay

Chỉ đúng 1 tháng sau khi trò chuyện qua mạng, Wayne đặt vé máy bay sang Việt Nam để tìm gặp Minh Nguyệt. Anh đã cầu hôn Minh Nguyệt tại Đà Nẵng và cả hai… chụp ảnh cưới luôn tại đây

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất