Tử tế và riêng tư tạo chất riêng cho người Nhật Bản
Tính lịch sự và tôn trọng không gian riêng tư đã tạo nên những nét đẹp độc nhất vô nhị trong văn hóa của người Nhật Bản.
11:00 13/11/2019
Người Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới vì nhiều đức tính tốt đẹp. Tại một số sự kiện lớn như World Cup 2018, người dân xứ anh đào đã gây ấn tượng bằng hình ảnh dọn rác sau trận đấu.
Tuy nhiên, sạch sẽ không phải điều duy nhất tạo nên hình ảnh đẹp của người dân đất nước này. Trong văn hóa xứ mặt trời mọc, tính lịch sự và đề cao quyền riêng tư cá nhân được đặt lên cao, tạo nên một xã hội đặc biệt bậc nhất thế giới.
Lịch sự từ trái tim
Năm 2016, Steve John Powell và Angeles Marin Cabello chia sẻ câu chuyện về sự tử tế của người Nhật trên BBC. Họ cùng nhau đạp xe dạo đảo Ninoshima (Hiroshima, Nhật Bản) nhưng quá mải mê nên suýt lỡ chuyến phà cuối cùng. Khi bóng tối dần thay thế ánh mặt trời, cả hai hớt hải đến quán nước ven đường hỏi thăm cách ra bến phà. Một người đàn ông bước ra ngoài, chỉ họ con đường tắt có thể tới bến phà trước khi chiếc thuyền cuối cùng rời đi.
Steve và Angeles khá hoang mang với con đường lạ hoắc nhưng không còn lựa chọn nào ngoài nghe theo. Họ đạp xe theo con đường người kia đã chỉ và phát hiện ông ta đi theo sau, giữ khoảng cách với cả hai. Hóa ra, người này đã cất công đi cùng để đảm bảo cả hai không lạc đường. Chỉ khi bến phà hiện ra trước mắt Steve và Angeles, người đàn ông mới lặng lẽ quay lưng đi.
Câu chuyện trên chỉ là một phần trong văn hóa “omotenashi” của người Nhật. Đây có thể hiểu như “sự tử tế đến từ trái tim, hoàn toàn không gượng ép, vụ lợi”.
Người Nhật Bản nổi tiếng với sự tử tế và chân thành. Ảnh: The Epoch Times
Nếu tới Nhật Bản, bạn hoàn toàn có thể cảm nhận văn hóa omotenashi từ những điều nhỏ nhặt nhất. Người dân nước này luôn đeo khẩu trang y tế nếu bị cảm để tránh lây cho người khác. Trước khi bạn bắt đầu xây nhà, hàng xóm sẽ xuất hiện với hộp bột giặt nhỏ được đóng gói gọn gàng. Họ đơn giản chỉ muốn giúp bạn xua tan bụi bẩn vương trên quần áo.
Việc người bán hàng Nhật Bản cúi chào khách cho tới khi ra khỏi tiệm đã quá quen thuộc trên TV. Nếu để ý, bạn sẽ thấy khi đưa tiền thừa, người bán luôn đặt một tay bên dưới tay khách hàng. Đây là cách họ tránh làm rơi đồng xu xuống đất.
Các yếu tố tự động cũng được áp dụng để lan rộng văn hóa omotenashi. Cửa taxi tự động mở đón khách. Khi sử dụng dịch vụ này, việc đưa tiền boa cho tài xế bị xem là thiếu tôn trọng. Họ chỉ muốn phục vụ khách hàng và làm tốt phận sự của mình. Ngay khi bạn bước vào thang máy, câu “Xin lỗi đã để quý khách chờ lâu” lập tức vang lên. Ở những nơi thi công, biển báo được minh họa bằng hình ảnh công nhân cúi đầu chào dễ thương…
Người Nhật tử tế với nhau trong cuộc sống hàng ngày và càng thể hiện rõ hơn với người nước ngoài. Đó là lý do nhiều du khách ngoại quốc bất ngờ khi sử dụng dịch vụ tại Nhật Bản.
Theo BBC, omotenashi mang ý nghĩa lớn lao hơn nhiều sự lịch thiệp nửa vời để lấy lòng khách hàng. Văn hóa này in sâu vào trong từng tầng lớp của Nhật Bản và được người dân xứ anh đào đề cao.
“Nếu ai đó làm điều tốt với chúng tôi, chúng tôi cần làm điều tốt khác với họ. Tuy nhiên, điều này không áp dụng với việc xấu. Chính quan niệm này giúp người Nhật lịch sự trong cuộc sống”, Noriko Kobayashi, người đứng đầu một tập đoàn về lĩnh vực bảo tồn di sản địa phương và quảng bá du lịch Onomichi, tỉnh Hiroshima, chia sẻ.
Trà đạo góp phần hình thành sự tử tế của người Nhật Bản. Ảnh: Getty.
Câu hỏi nguồn gốc của tính lịch sự ở người Nhật Bản có thể tìm thấy trong văn hóa trà đạo và võ thuật. Chủ tiệc trà tỉ mẩn chuẩn bị để tạo cảm giác thoải mái nhất cho khách, từ việc chọn cốc, hoa hay cách trang trí. Họ đơn giản chỉ muốn nhận về sự hài lòng chứ không hy vọng sự đền đáp.
Ngược lại, những vị khách luôn ý thức được công chuẩn bị của chủ nhà. Họ đáp lại bằng thái độ biết ơn, thậm chí là tôn kính. Đó là cách người Nhật tạo ra một xã hội hài hòa, đề cao sự tôn trọng.
Tính lịch sự cũng có thể tìm thấy trong những giá trị cốt lõi của võ đạo. Các quy tắc nghiêm ngặt được đặt ra gò con người vào nề nếp, kỷ luật, đề cao đạo đức và danh dự. Trà đạo và võ đạo có thể xem như cốt lõi tạo nên nét đẹp trong văn hóa Nhật Bản tới ngày nay.
“Trong một xã hội quá nhiều người lịch sự, đức tính này lan nhanh chẳng khác bệnh sởi. Tiếp xúc với họ, bạn sẽ sớm thấy mình tử tế, nhẹ nhàng hơn. Những chuyện như đem ví đánh rơi đến đồn cảnh sát, mỉm cười nhường đường cho người khác, mang rác về nhà, giữ im lặng chốn công cộng… dần trở thành điều cơ bản trong cuộc sống. Nếu mỗi du khách đem theo một chút omotenashi về nhà và truyền bá nó, thứ văn hóa tốt đẹp này sẽ lan xa cả thế giới”, BBC bình luận.
Một xã hội riêng tư
Lịch sự của người Nhật Bản cũng có thể hiểu là tránh làm phiền người khác trong một xã hội mà tính riêng tư luôn được coi trọng.
Trên trang web hỏi đáp Quora, một người dùng đã đặt vấn đề “Tại sao giữ khoảng cách lại quan trọng đến vậy trong văn hóa Nhật Bản”. Bài đăng của thành viên này nhận về khá nhiều phản hồi. Điểm chung trong các câu trả lời là cụm từ “personal space” (tạm dịch: không gian riêng tư). Đây là khái niệm được người Nhật Bản đặc biệt coi trọng.
Toru Shimojima, một người dùng đến từ xứ anh đào, đưa ra ví dụ về tính riêng tư trong xã hội Nhật Bản. “Nhà của chúng tôi chủ yếu làm bằng gỗ và các lớp ngăn bằng giấy. Điều đó có nghĩa nếu muốn, bạn sẽ dễ dàng lắng nghe câu chuyện ở phòng bên. Tuy nhiên, bạn sẽ không tiết lộ nội dung cho người khác. Đó là quyền riêng tư cá nhân, việc bạn nghe được chỉ diễn ra trong căn phòng đó và tại thời điểm đó”, anh chia sẻ.
Vấn đề này cũng được blogger du lịch Pico Iyer, người đã dành 20 năm ở xứ anh đào, đề cập trong bài viết “Khái niệm về không gian cá nhân của người Nhật Bản” trên Talk About Japan. Anh cho biết lối sống mang tính cộng đồng là yếu tố quan trọng hình thành tính riêng tư ở người Nhật.
“Họ từng sống trong một cộng đồng nông nghiệp gần gũi. Tối tối, những người hàng xóm cùng nhau đi tắm nước nóng ở các khu công cộng. Họ nhìn thấy cơ thể của hàng xóm mình mỗi ngày. Điều đó tạo nên kỹ năng đáng kinh ngạc trong việc thiết lập không gian riêng tư bất chấp sự đông đúc xung quanh”, anh chia sẻ.
Blogger nổi tiếng của Live Japan Perfect Guide cũng đồng tình với quan điểm này. Theo anh, nếu sống ở Nhật Bản, bạn không được phép làm phiền kể cả một con chó.
“Việc bắt chuyện giữa những người nuôi thú cưng khi dắt chúng đi dạo là điều bình thường. Đó có thể xem như những tương tác thân thiện. Tuy nhiên, nói chuyện với người lạ không thường diễn ra ở Nhật Bản. Nếu bạn cố tiếp cận để chào hỏi thân thiện hay trò chuyện, họ có thể bị sốc và bỏ đi. Những người lịch sự nhất cũng tìm cách tránh xa bạn. Tôi nghĩ điều này không thường thấy ở các nước châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á”, anh viết.
Trên blog cá nhân, Pico Iyer chia sẻ câu chuyện anh từng chứng kiến về sự riêng tư trong văn hóa Nhật Bản. Đó là tình huống khá trớ trêu giữa người đàn ông Mỹ tên Andy và bạn đồng nghiệp Nhật Bản, Takeda. Họ làm một dự án cùng nhau trong ba năm và phát triển mối quan hệ khá tốt. Tới năm thứ hai, Takeda thông báo vợ mình có con cho Andy.
Người đàn ông Mỹ rất ngạc nhiên trước tin “trên trời rơi xuống” mình vừa nghe. Ông coi Takeda như bạn thân và việc giấu tin vợ mang bầu bị xem là thiếu tôn trọng. Andy giận dữ và cảm thấy tổn thương. Ông làm việc cùng Takeda hàng tuần và có mối quan hệ khá tốt. Việc một người chưa từng nhắc đến chuyện vợ mình mang thai đột ngột thông báo có con giống như “cái tát vào tình bạn tự huyễn với đồng nghiệp Nhật Bản”.
Người Nhật Bản yêu thích sự riêng tư. Ảnh: CNN.
Sự riêng tư cũng thể hiện nhiều trong cuộc sống thường ngày của người Nhật. Vấn đề đeo khẩu trang với họ không đơn thuần để tránh bệnh lây cho người khác. Theo Pico Iyer, khẩu trang tạo cảm giác riêng tư, thoải mái hơn cho người Nhật. “Nó giống như công cụ giúp bạn tăng gấp đôi quyền riêng tư”.
Blogger này cũng chỉ ra nhiều nhà xuất bản còn thiết kế bìa đặc biệt để người đối diện không biết bạn đọc sách gì. Đây là yếu tố quan trọng vì dân Nhật Bản thường có thói quen xem sách trên các phương tiện công cộng.
Nếu một người Nhật ngủ thiếp trên tàu hay trong văn phòng, đa số sẽ không làm phiền họ. Người dân xứ anh đào coi trọng những giấc ngủ ngắn. Đó được xem như biểu hiện bạn đã rất nỗ lực làm việc. Nhật Bản luôn trong top đầu những quốc gia có số giờ làm việc trung bình lớn nhất thế giới suốt 20 năm qua.
Một điểm quan trọng khác trong văn hóa riêng tư của người Nhật Bản là vấn đề quay phim, chụp hình.
Theo Japan Times, điều 13 Hiến pháp Nhật Bản quy định về quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc trong đó có quyền nhân thân, hình ảnh. Không được phép chụp ảnh người khác khi chưa được cho phép.
Hiện nay, Nhật Bản vẫn chưa ban hành luật cấm quay phim chụp ảnh người dân tại nơi công cộng. Tuy nhiên, trong trường hợp du khách vẫn cố tình chụp và sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà chưa có sự cho phép, họ có quyền khởi kiện vì xâm phạm quyền chân dung.
Ở Kyoto, nơi geisha thu hút các du khách hiếu kỳ, chính quyền còn ra thông báo phạt tới gần 1.000 USD nếu cố tình chụp hình những người này mà không xin phép. Đây được cho là giải pháp giảm thiểu tình trạng “ô nhiễm du lịch” đang phá hủy các giá trị tốt đẹp của xứ anh đào.
Nguồn: Zing
Gửi đến các bạn trẻ đang nỗ lực từng ngày với con đường đến Nhật: Đừng nản lòng nhé tôi ơi!
Đôi lời nhắn nhủ đến các bạn – Đừng nản lòng nhé tôi ơi !!!