Vì sao Nhật Bản xây dựng được hệ thống chăm sóc xã hội tốt nhất thế giới?
Hệ thống chăm sóc xã hội Nhật Bản là một trong những hệ thống toàn diện nhất trên thế giới cho người già, được xây dựng xung quanh mục tiêu làm giảm gánh nặng chăm sóc người già cho các hộ gia đình.
18:00 18/07/2018
Từ lâu, Nhật Bản đã nổi tiếng với sự tôn trọng dành cho người lớn tuổi và ý thức mạnh mẽ về nghĩa vụ chăm sóc cho họ. Thậm chí, tên gọi “Nhà nước phúc lợi kiểu Nhật” được chính thức sử dụng để nói về sự tham gia và trách nhiệm của các thành viên gia đình trong quá trình chăm sóc người già.
Tuy nhiên, khi cấu trúc dân số của xã hội thay đổi, dân số dần già đi – Nhật Bản hiện đang có dân số già nhất thế giới – cung cấp các dịch vụ chăm sóc ngày càng được coi là một mối quan tâm của xã hội (không chỉ của riêng các gia đình nữa).
Vào năm 2000, Nhật Bản đã cho ra mắt Bảo hiểm Chăm sóc Dài hạn (LCTI), được xây dựng để cung cấp bảo hiểm cho tất cả công dân trên 65 tuổi dựa theo nhu cầu của họ. Như vậy, hệ thống chăm sóc xã hội Nhật Bản là một trong những hệ thống toàn diện nhất trên thế giới cho người già, được xây dựng xung quanh mục tiêu làm giảm gánh nặng chăm sóc người già cho các hộ gia đình.
Hệ thống chăm sóc xã hội tại Nhật Bản hoạt động như thế nào?
Ở Nhật Bản, những người trên 65 tuổi đăng ký với chính quyền địa phương, và một bài kiểm tra phức tạp được thực hiện để đánh giá nhu cầu của họ. Một quản lý về dịch vụ chăm sóc tư vấn về cách đáp ứng tốt nhất những nhu cầu này, dựa trên ngân sách và thông tin về các nhà cung cấp dịch vụ địa phương. Các nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm các tổ chức nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận, thường có quy mô nhỏ và được lồng ghép vào cộng đồng địa phương.
Số lượng nội trú trong các trại dưỡng lão bị hạn chế, thay vào đó chăm sóc cộng đồng được nhấn mạnh: một quyết định không chỉ dựa trên cơ sở tài chính mà còn cả cách thức chăm sóc sức khỏe toàn diện tốt nhất.
Bảo hiểm được cấp vốn từ phí bảo hiểm bắt buộc đối với tất cả công dân từ 40 tuổi trở lên và các khoản đồng thanh toán từ những người tham gia bảo hiểm. Khác với các chương trình hỗ trợ và phúc lợi trước đây, do điều kiện yêu cầu dễ dàng và tính bắt buộc của phí bảo hiểm, hệ thống mới ít phân biệt hơn đáng kể và người dân có thể tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng.
Để làm cho chương trình bảo hiểm trở nên hấp dẫn hơn hoặc ít nhất dễ chấp nhận hơn đối với người dân, ban đầu, các điều kiện tiêu chuẩn tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, hệ thống bảo hiểm đã được thiết kế linh hoạt để các điều kiện tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt hơn khi số lượng người tham gia bảo hiểm tăng lên.
Những thách thức
Theo các NGO ở Osaka, tuy ý tưởng già đi tại nhà và phát triển các cộng đồng trợ giúp chắc chắn mang tính tích cực, nhưng cần phải nhận ra rằng nó phụ thuộc khá nhiều vào công việc không lương của nhiều tình nguyện viên, nhiều người trong số họ đã chăm sóc cho các thành viên trong gia đình và vì vậy, hiểu được gánh nặng liên quan đến công việc này.
Trên thực tế, nhiều tình nguyện viên chính là những người trên 65 tuổi. Ranh giới mỏng manh giữa những người chăm sóc và những người được chăm sóc có rất nhiều khía cạnh tích cực. Sự tham gia của những tình nguyện viên lớn tuổi được người Nhật coi là một hoạt động có giá trị và ý nghĩa.
Tuy nhiên, khi các điều kiện tiêu chuẩn để tham gia vào chương trình bảo hiểm bị thắt chặt, áp lực lên khu vực tình nguyện đã gia tăng. Dù các tổ chức bắt đầu nhận được nhiều tiền hơn cho các hoạt động của họ, nhưng họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các thành viên giúp đỡ họ thực hiện các hoạt động trợ giúp.
Yakuza ăn trộm dưa hấu để sống qua ngày – Đi về đâu nếu thiếu vắng “thế giới ngầm” trong xã hội Nhật
Những tổ chức t.ội p.hạm Mafia kiểu Nhật, nổi tiếng thế giới bởi cái tên Yakuza.