Vì sao Thủ tướng Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên sau khi thắng cử?
Theo báo Nikkei, chuyến thăm Việt Nam và Indonesia của Thủ tướng Suga cho thấy Tokyo sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên trục quan hệ đồng minh Nhật- Mỹ.
06:00 02/10/2020
Chuyến đi này cũng nhằm nhấn mạnh với bên ngoài rằng chính quyền Suga sẽ tiếp nối chính sách đối ngoại dưới thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe.
Trước đó, cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người tiền nhiệm của Thủ tướng Suga, cũng đã chọn Việt Nam và Indonesia là những điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012. Đây đều là những nước lớn trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là những đối tác không thể thiếu trong liên kết chống lại các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong bài diễn văn nhậm chức ngày 16/9, Thủ tướng Suga cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chính sách đối ngoại dựa trên trục quan hệ đồng minh với Mỹ, trong đó một công cụ quan trọng là chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Nhật Bản và Mỹ cùng đưa ra.. Để thực hiện chiến lược này, sự hợp tác với ASEAN – khu vực có vị trí nằm trên tuyến đường biển nối Trung Đông với Đông Á – là không thể thiếu được.
Tháng 6/2019, ASEAN cũng đưa ra chiến lược ngoại giao với tên gọi “Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, khẳng định ASEAN có vai trò trung tâm và chiến lược tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Nước dẫn dắt đưa ra chiến lược này là Indonesia.
Trong khi đó, Việt Nam hiện là nước Chủ tịch ASEAN và có ảnh hưởng nhất định tới hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), dự kiến được tổ chức trong tháng 11/2020. Việt Nam cũng tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc nên sẽ dễ kết hợp với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhật Bản và Mỹ.
Giáo sư Yuichiro Hosoya thuộc Đại học Keio cho rằng trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng thì việc Thủ tướng Suga chọn Việt Nam – nước có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, và Indonesia – nước coi trọng quan hệ với Trung Quốc, là có ý đồ tạo ra sự cân bằng trong các mối quan hệ đối ngoại của Tokyo.
Ngoài ra, một mục đích mà Tokyo nhắm tới là lợi ích về kinh tế. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Suga sẽ đề cập tới việc nối lại hoạt động đi lại giữa Nhật Bản với hai nước này. Việc chọn các nước kiểm soát tốt dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để nối lại hoạt động đi lại sẽ có tác dụng giúp kinh tế Nhật Bản phục hồi trở lại. Việt Nam được đánh giá là nước kiểm soát COVID-19 rất tốt với số ca nhiễm chỉ có vài trăm người.
Trong khi đó, Indonesia tuy vẫn có số lượng người nhiễm cao, nhưng là nước đông dân nhất ASEAN và có tiềm năng về kinh tế lớn nhất. Giáo sư Kunihiro Yoshida thuộc Viện nghiên cứu chính sách cho rằng, trước đây Nhật Bản chủ yếu thâm nhập thị trường ô tô tại ASEAN nhưng nay đang muốn mở rộng sang cả các lĩnh vực bán lẻ và hạ tầng. Trong tiến trình đàm phán ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với mục tiêu hoàn thành trong năm nay, vai trò của Việt Nam và Indonesia cũng rất lớn. Việt Nam là nước chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh RCEP vào tháng 11, còn Indonesia là nước điều phối đàm phán ký kết RCEP.
Theo nhận định của truyền thông quốc tế và Nhật Bản, năng lực đối ngoại của Thủ tướng Suga vẫn là một “ẩn số” khi so sánh với cựu Thủ tướng Abe. Vào nửa cuối tháng 10 sẽ diễn ra kỳ họp bất thường của Quốc hội Nhật Bản, do đó, Thủ tướng Suga muốn đạt được một số thành tựu nhất định về đối ngoại trước khi kỳ họp này diễn ra, để nâng cao vị thế của mình, qua đó xây dựng nền tảng quyền lực vững chắc hơn.
Theo Vnews
Cảm động nghĩa tình người Nhật lo cho thực tập sinh Việt Nam mất vì bão
Câu chuyện Giám đốc người Nhật mất cả vợ và con trong siêu bão Haishen nhưng nén nỗi đau riêng để cùng Tổng lãnh sự quáห Việt Nam tại Fukuoka lo tang lễ cho thực tập sinh Việt Nam của công ty mình khiến dân мạหg xúc động.