Việt kiều Mỹ kể chuyện đời xứ ‘thiên đường’: Bi hài đi đuổi người thiếu tiền nhà
Bạn bè hỏi, điều ám ảnh nhất trong công việc quản lý bất động sản là gì? Không cần phải suy nghĩ, tôi trả lời liền, đi đuổi người thiếu nợ tiền nhà ra đường mỗi tháng. Mà không đuổi thì có khi chủ lại đuổi... mình.
22:36 03/01/2023
LTS: Những câu chuyện qua lời kể của anh Nguyễn Hữu Tài vốn định cư ở xứ sở cờ hoa từ năm 2000 đến nay phần nào "hé lộ" đôi điều thú vị về cuộc sống của người Việt trên đất Mỹ. Tốt nghiệp thạc sỹ Tài chính Kế toán, anh làm việc trong lĩnh vực quản lý bất động sản. Ngoài ra, anh còn là nhà văn khá nổi tiếng, đã xuất bản được 10 đầu sách ở Việt Nam. Anh chuẩn bị ra mắt cuốn du ký “Đi rong trên những múi giờ”.Mỹ là một xã hội luôn vận động!
Chỉ có người lòng đá dạ sắt mới thoải mái đứng nhìn nhân viên bê tủ giường, sách vở, chén bát, nhét áo quần, thức ăn vào túi nhựa đen, cột chặt quăng ra đường
Khác với quan niệm của người Việt thích “an cư lạc nghiệp”, thì chuyện người Mỹ cầm bằng lái, thẻ ngân hàng, credit card, vác ba lô, nay sống thành phố này, mai ở tiểu bang khác là điều bình thường. Chỉ cần có việc làm là có tất cả. Bên đây, nơi ở thường gắn liền với công việc. Nếu cơ hội chỗ khác tốt hơn thì phải dọn đi thôi. Nhất là lớp trẻ bây giờ, chẳng ai muốn ở mãi một nơi cả đời. Dồn tiền mua căn hộ trả góp từ 15 đến 30 năm, kèm một nùi thuế má, sửa chửa, dọn tuyết, cắt cỏ… phải lo ư? Phiêu du lắm.Có lúc chẳng dám làm gì động chân tay hếtCho nên mấy trăm năm nay, dù trong bất kì hoàn cảnh kinh tế nào, nghề cho thuê nhà vẫn luôn có đất sống (và làm giàu nữa chứ).
Công ty của tôi cho thuê gần ba ngàn căn hộ, mỗi căn cỡ bốn người, nghĩa là không ít thì nhiêu, tôi cũng đôi lần chạm mặt hơn mười ngàn mảnh đời của đủ sắc dân, màu da, ngôn ngữ. Các bang khác không biết luật lệ ra sao (ở Mỹ, mỗi bang, thành phố, hạt, quận, thậm chí thị trấn đều có luật thuê mướn địa ốc riêng), riêng Maryland cho phép người ta tới ngày 5 mỗi tháng để trả tiền nhà. Sau ngày ấy, luật sư có quyền kiện người chây ì ra tòa (án phí người thuê chịu).
Luật lệ vậy, chứ đời thực thì cũng chẳng nhanh nhẹn gì cho cam. Bởi từ lúc kiện tới khi ra gặp quan tòa cần thêm sáu tuần nữa. Nếu chưa trả, tòa sẽ cho “judgement” chống lại người thuê. Sau bốn đến năm ngày, nếu vẫn chưa trả đủ, luật sư sẽ làm tiếp một tờ giấy gọi là WRIT (Warrant of Restitution). Khoảng một tháng sau tòa sẽ phê chuẩn WRIT, rồi chuyển qua sheriff (thi hành án) để lên lịch đi đuổi.
Vì là công ty lớn và tôi có quan hệ khá mật thiết với cô thư ký nên có lịch trước một năm. Thiên hạ nợ khoảng ba tháng là ra đường rồi. Còn những công ty nhỏ hay người cho thuê lẻ tẻ, thì từ lúc người ta bắt đầu thiếu, tới lúc lấy lại nhà, có thể kéo đến sáu tháng cũng không chừng. Trong khoảng thời gian đó cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt chứ chẳng dám làm gì động chân tay hết.
"Những năm đầu tôi bị ám ảnh khi đuổi người thiếu nợ tiền nhà"
Nói chung kêu “đi đuổi” đơn giản là thế, nhưng thật ra mọi thứ rất nhiêu khê chứ chẳng dễ dàng gì. Có nhiều trường hợp phải kiện lên kiện xuống, đi tới đi lui mấy bận. Nhiều người biết khe hở của pháp luật nên lách tùm lum. Nhưng an tâm, không sớm thì muộn cũng ra đường ở thôi nếu không có tiền trả.
336 lần làm chuyện có vẻ thất đức
Tôi bắt đầu vô nghề cho thuê bất động sản khoảng 17 năm, với gần 14 năm làm quản lý. Một tháng hai lần đi đuổi người, tổng cộng 336 lần làm chuyện có vẻ thất đức ấy. Những năm đầu tôi bị ám ảnh, ăn ngủ không yên. Hễ đặt lưng xuống là trong đầu suy nghĩ lung tung, phải dùng thuốc ngủ thường xuyên. Mỗi khi sheriff cầm trát tòa tới là cảm xúc bắt đầu lẫn lộn. Chỉ có người lòng đá dạ sắt mới thoải mái đứng nhìn nhân viên bê tủ giường, sách vở, chén bát, nhét áo quần, thức ăn vào túi nhựa đen, cột chặt quăng ra đường.
Nhiều lúc gặp người già ngồi trên xe lăn đi lại không được, hay tiếng gào la than khóc của vợ chồng, hoặc ánh mắt những đứa trẻ ngây thơ, mừng rỡ vì… thấy đông người đến đông vui nhộn nhịp, mà tâm trạng rối bời như ai vò từng mảnh.
Tác giả đứng trước cổng tòa án quận Prince George's (Maryland, Mỹ)
Mà cũng ghê lắm nha, có lần ngay đêm trước ngày đi đuổi, văn phòng công ty bị ai đó quăng xăng cháy trụi hết trơn. Làm tụi tôi dọn muốn khùng, rồi làm lại hồ sơ giấy tờ này nọ. Mà nhiều người chắc quen với việc dọn ra dọn vô nên coi đó là chuyện bình thường. Có người chửi rủa không sót từ nào. Lôi cả tôn ti, dòng họ ra đe dọa (đến nỗi có thời gian đi đâu tôi cũng có an ninh cầm súng kè kè một bên bảo vệ). Có ông kia to như ông hộ pháp, chỉ cần giơ tay đẩy nhẹ cái thôi là tôi té sấp mặt rồi, vậy mà hễ thấy sheriff tới, ổng quỳ xuống lạy lục, năn nỉ, van xin, khóc lóc đủ điều làm tôi né đủ kiểu.
Mình không đuổi người mắc nợ thì chủ đuổi… mình
Những năm khủng hoảng kinh tế, mỗi tháng đuổi ba mươi người là chuyện thường tình. Nhiều khi bất nhẫn, thấy người ta năn nỉ ỉ ôi, tôi gật đầu, gia hạn nợ thêm vài ngày, thậm chí cả tuần. Thế là bị gạt. Có người tới trả, có người lơ luôn thêm vài tháng nữa mình cũng chẳng làm được gì. Ai ở lâu, dẫu nợ nhiều, nhưng mất việc, bệnh đau, chúng tôi đều du di bỏ qua một hai lần.
Lần kia, tôi kêu nhân viên đi kiểm tra chú kia bị tai biến nhẹ, nợ lên tới 5.000 đô la. Nó hốt hoảng về báo, thấy thuốc vương vãi khắp nơi, ổng thì nằm trên sàn, máu trào ra từ miệng. Thế là lật đật gọi 911 tới chở đi bệnh viện gấp. Tổng hợp các dữ liệu, tôi và sếp nghĩ ổng cùng quẫn nên uống thuốc tự tử cho xong đời.
Hay dạo nọ, nghe nhân viên báo bà kia bị nhồi máu cơ tim chết rồi. Tự nhiên sực nhớ ra tuần trước mình có gọi điện thoại đòi tiền. Thế là cái cảm giác vì mình mà bả chết cứ ám ảnh mãi tôi suốt một thời gian dài. Tôi phải đi gặp bác sĩ tâm lý để xin thuốc.
Nước Mỹ giàu sang, nước Mỹ hiện đại, nước Mỹ huy hoàng, vậy mà vẫn còn đó những mảnh đời bần cùng nằm dưới đáy xã hội. Bao người phải sống theo kiểu “paycheck to paycheck” (tạm dịch: lãnh ra đồng nào hết đồng đó), xếp thành hàng dài mỗi ngày xin trợ cấp tem phiếu, y tế hay vài giỏ thức ăn. Rồi mỗi tháng lại tới Bộ xã hội (DSS), nhà thờ, cơ quan thiện nguyện xin quĩ trợ cấp khẩn, giúp người bị mất việc, không đủ trả tiền nhà. Nhưng thường thì họ chỉ giúp một đến hai lần trong một năm. Hoặc bạn phải có con nhỏ thì cơ hội càng cao hơn. Không thì cứ xếp hàng chờ đi, tới khi nào có kinh phí họ sẽ gọi.
Bạn hỏi, làm riết vậy có còn cảm xúc gì không? Tôi nhún vai, nghe chửi, nghe than lẫn nhìn thấy bao cảnh khổ mỗi ngày, riết da mặt dày khui, trơ cả tim gan, chẳng còn cảm xúc gì nữa.
Mà mình không đuổi người mắc nợ, sếp với chủ đuổi mình. Lúc đó chắc còn thảm hơn.
Mỹ mà! Tôi thường tự an ủi mình như thế.
Cô gái sang Mỹ làm nghề dắt chó đi dạo thuê, giờ tậu cơ ngơi 14 tỷ
Những ngày đầu sang Mỹ, Cúc đã muốn bỏ về Việt Nam vì quá thất vọng và chán chường. Nhưng sau khi vượt qua mọi khó khăn, cô gái Việt đã có thành công đáng ngưỡng mộ.