Vỏ bọc Việt kiều Anh, Đức hào nhoáng ở quê nghèo

Mai, cô gái sang Đức bằng cách kết hôn giả từ năm 18 tuổi, giờ đã li dị và có một con.

19:12 05/02/2023

Tôi sang Đức đầu năm 2015. Thành phố tôi sống có hàng trăm người Việt, đa phần từ các trại tị nạn ra. Người Việt ở đây chăm chỉ, chịu khó, dù mỗi người mỗi cảnh nhưng nhìn chung đều chan hòa và dễ gần. Tôi đã được nghe bao nhiêu câu chuyện của họ.

Chuyện những người Việt vượt qua bao cửa ải khó khăn, chui lủi, làm kiệt sức, mòn mỏi nhưng mỗi lần nói chuyện về quê nhà, mắt họ sáng lên một niềm tự hào riêng. Họ đã chắt chiu và nhờ sự chênh lệch tỷ giá, nhiều người đã có thể gửi tiền về cho bố mẹ, anh chị em làm nhà, mua đất ở Việt Nam.

Tôi gặp Mai, cô gái xinh xắn 22 tuổi, nước da bánh mật, nhìn em không ai nghĩ là mẹ của một bé gái hơn hai tuổi. Mai sang Đức theo đường kết hôn giả từ năm 18 tuổi. "Chồng" cô là một thanh niên người Đức, hơn em vài tuổi và lười kinh khủng. Em chua chát, cưới giả, mất tiền thật mà cuối cùng vẫn phải ở chung, có con với anh ta.

Trong ba năm chung sống để có giấy tờ, Mai đã phải chịu đựng nhiều cực hình về thể xác lẫn tinh thần. Giờ em đã ly dị và ra ở riêng được 6 tháng. Em phải gửi con cho một gia đình người Việt để đi làm nhà hàng, "thương con lắm chị ơi, nhưng không đi làm thì không có tiền, không trả nợ được nói gì đến chuyện để dành và gửi về cho gia đình".

vo boc viet kieu

Nhưng Mai bảo, em vẫn còn may chán, nhiều người bỏ nhiều tiền hơn đi theo kiểu vượt biên, chết chẳng ai biết, sống không ai hay, sang tây không có giấy tờ, khổ lắm. Bên Đức giờ siết chặt, kể cả không có giấy tờ tùy thân, chỉ cần mình nói ngôn ngữ gì là họ trả về nước đó. Vì vậy, dân "nhảy dù" đa phần tìm cách sang Anh dù bên đó làm ăn khó khăn hơn bên này.

Có thể hiểu vì sao nhiều người Việt Nam bàn luận về con số 39 ở khắp nơi đến thế. Năm 2017, cũng đã có một chiếc xe thùng như thế được tìm thấy ở biên giới CH Czech (Tiệp Khắc cũ). Các nạn nhân không có ai có mảnh giấy tùy thân nhưng người ta rỉ tai nhau, rất có khả năng đó là người Việt, hoặc người Trung Quốc vì đều là người da vàng tóc đen. Khi nghe tin đó, tôi rụng rời đau xót, rùng mình nghĩ tới cảnh những người vợ ngóng chồng, cha mẹ chờ tin con và thầm cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho cả người ra đi và người ở lại.

Song, những người Việt ở Đức quanh tôi lại đón nhận tin đó khá bình thản. Họ đều đã biết và đã trải qua cái giá gần như thế để có ngày hôm nay.

Các nước phát triển châu Âu không coi giáo dục như một hàng hóa giống các nước Mỹ, Australia, Canada hay New Zealand. Học sinh, sinh viên khi đã được nhận vào học cũng được gần như miễn phí hoàn toàn, không có sự phân biệt sinh viên quốc tế hay sinh viên nội địa.

Nhưng chính vì lẽ đó, sang Châu Âu, đặc biệt như các nước Đức và Pháp theo con đường du học không dễ dàng. Với những người khát khao trời Âu nhưng không thể đạt được trình độ văn hóa và trình độ ngôn ngữ, ngoài con đường hôn nhân giả hay thật, hôn nhân để giúp việc cho những người tàn tật hoặc chăm người già yếu, họ chỉ có con đường vượt biên lậu, tị nạn hoặc sống ẩn dật, việc gì kiếm được ra tiền cũng làm.

Tị nạn thời bình không hề dễ. Đa phần phải vứt bỏ giấy tờ, chối bỏ nguồn gốc, bịa hoặc được mớm đủ các loại lý do để không bị trả về nước. Dù xấu số hay may mắn, đa phần họ phải trải qua những ngày khổ sở tột cùng về thể xác lẫn tinh thần, lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo giấy tờ, trục xuất.

Có được ra ngoài, được đi làm thì cũng quanh quẩn mấy công việc ngoài rìa xã hội như làm hàng ăn hoặc sơn sửa móng tay. 

Châu Âu, đặc biệt Đức, là nước có hệ thống giáo dục gắn chặt với nhu cầu thị trường lao động. Học sinh được phân loại từ lớp bốn và học sinh học nghề được tiếp xúc với các phân xưởng nghề từ lớp sáu. Chính vì vậy, những công việc trong các nhà máy, phân xưởng cũng không có chỗ cho dân tị nạn tứ xứ.

Làm nhà hàng, sơn sửa móng, đa phần là làm cho người Việt với mức lương chỉ bằng khoảng 2/3 lương tối thiểu theo quy định của pháp luật. Giá lương này ở các nước khác còn thấp hơn. Và, nếu là nhân công toàn thời gian, rất ít khi được làm dưới 12 tiếng mỗi ngày và dưới 6-7 ngày mỗi tuần.

Không hiếm những người khác, phải dùng miếng dán cao dọc sống lưng và cánh tay để trụ được trong những ngày lắc chảo triền miên trong bếp nhà hàng.

Năm 2012, trong một bài giảng về thuộc địa hóa kiểu mới trong giáo dục (Neocolonialism in education) cho sinh viên bậc thạc sĩ giáo dục của Đại Học La Trobe, Pháp, tôi đã gặp một hiện tượng khá thú vị.

Neocolonialism được đưa ra bởi nhà triết học người Pháp Jean-Paul Sartre từ năm 1956 và được các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội học hiện hành dùng khá phổ biến.

Đó là hiện tượng các nước giàu dùng các công cụ về kinh tế, chính trị, văn hóa để tăng tầm ảnh hưởng và tạo sự phụ thuộc của các nước nghèo vào các nước này.

Một trong những hệ quả của nó là hiện tượng sính ngoại và việc chảy máu chất xám, chảy máu các nguồn vốn (vốn kinh tế, vốn con người) từ các nước nghèo qua các nước giàu.

Tuy nhiên, trong phần thảo luận, tôi đã bắt gặp những phản ứng khá gay gắt của các bạn sinh viên Nam Á, đăc biệt là các bạn tới từ Ấn Độ và Pakistan. Họ không cho rằng việc người dân nước mình tìm nhiều cách để sang được các nước phát triển là việc chảy máu nguồn lực. Họ dẫn dụ về việc nhiều ngôi làng nghèo ở Ấn Độ và Pakistan đã giàu lên trông thấy từ nguồn tiền do con cháu họ đi lao động ở nước ngoài gửi về.

Chuyện không có gì đáng nói nếu như vài tháng sau đó không có chuyện một nam thanh niên người Ấn bị đuổi và đánh tới chết ở giữa trung tâm thành phố Melbourne. Nguyên nhân ban đầu chỉ do xô xát nhẹ giữa thanh niên người Ấn và vài thanh niên Australia. Nhiều người khi ấy bàng hoàng.

Trong niềm xót thương người xấu số, họ vẫn truyền tai nhau về việc người Ấn bị ghét vì phá giá thị trường. Họ có thể nhận việc làm với 5 AUD mỗi giờ trong khi mức lương tối thiểu là hơn 7 AUD một giờ. Vì thế, nhiều lao động chân tay ở Australia khi đó bị thất nghiệp.

Việc cấp visa sinh viên ồ ạt những năm trước đó cùng những bánh vẽ ngọt ngào của các trung tâm du học Ấn đã đẩy bao thanh niên nước này vào cùng đường nơi đất khách.

Cuộc sống, suy cho cùng, ở đâu cũng thế, luôn có cái giá của nó. Kiếm tiền với những người thiếu trình độ, không biết tiếng bản ngữ, lại là dân tứ xứ thật không dễ dàng gì.

Nhưng có lẽ, vì sợ bố mẹ người thân ở nhà lo lắng, vì muốn giữ thể diện, hoặc chỉ đơn giản vì cái mẽ đi Tây, nhiều người ra đi chỉ dám cho người ở nhà biết về những hào nhoáng nơi đất khách quê người.

Ai cũng có quyền khao khát một cuộc sống tốt đẹp, một cơ hội đổi đời ở một đất nước đáng sống. Thế giới phẳng rồi, sao nhiều người Việt vẫn phải trả cái giá quá đắt cho việc thiên di?

Cầu mong những người đang muốn đi tiếp hành trình mà cuối đường hầm không phải là ánh sáng hãy dừng chân. Cầu mong những người đã tị nạn trót lọt đừng tô hồng lên những đốt ngón tay chai, và cầu mong những người ở nhà hiểu được nỗi khổ của những người xa xứ.

Xin đừng hân hoan mỗi dịp cuối năm khi nguồn ngoại kiều đổ về, tự hào vì có người đi nước ngoài, xây được nhà to đẹp. Bởi những đồng tiền đó được làm ra từ mồ hôi và đôi khi là từ cả máu của người được khoác lên mình cái áo mỹ miều mang tên 'Việt kiều xa xứ'.

Tiến sĩ Trần Thị Tuyết/VnExpress

Tags:
Vợ Việt nửa đêm giấu chồng đào đất làm vườn cây trái đẹp ngỡ ngàng

Vợ Việt nửa đêm giấu chồng đào đất làm vườn cây trái đẹp ngỡ ngàng

Mỗi đêm, đợi chồng con ngủ, chị Thi lại bí mật ra vườn nhổ cỏ, xới đất… Sau ít năm, chị có khu vườn xum xuê cây trái khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất