Yami-kawaii – trào lưu bệnh hoạn hay tiếng nói từ những tâm hồn bị tổn thương

Bạn đang cầm cái gì đây? Những vật dụng đáng yêu với màu sắc tươi sáng, thế nhưng nếu để ý kỹ, chúng lại có thông điệp chết chóc.

14:00 14/05/2018

Đằng sau màu hồng này là màu đỏ của máu, màu đen của tuyệt vọng, đau thương bi đát.

Chuyện gì đã xảy ra với khái niệm “dễ thương” tại Nhật Bản vậy?

Ảnh Etsy

Nhìn chung, Kawaii là cụm từ để chỉ vào những thứ đáng yêu, dễ mến, gây thiện cảm với người nhìn. Nhiều người đồng nhất Kawaii Style với những món đồ của con gái, có màu sắc nhẹ nhàng, bắt mắt, ví dụ như Lolita hay Decora, những bộ trang phục với màu sắc Pastel, được trang trí bằng nơ, viền ren,…

Chúng ta thường chỉ biết về cụm từ Kawaii trên nghĩa bề mặt cúa nó, thế nhưng bên cạnh cái nhìn trực quan về Kawaii, ta quên mất Kawaii còn có nghĩa khác là “đáng yêu, dễ thương” hay đáng được yêu mến.

Ảnh CROOZ blog

Dựa trên nghĩa này, một nhóm người Nhật Bản đã mượn cụm từ Kawaii để diễn tả vào vấn đề nhức nhối của xã hội Nhật Bản, một bóng đen phẫn uất ám ảnh lúc nào cũng tồn tại nhưng mấy khi nhận được sự quan tâm đúng mức: Tự tử và bệnh tâm lý.

Ảnh Medium

Rõ ràng trong cuộc sống, chúng ta có xu hướng cảm thấy thoải mái với những điều đơn giản nhẹ nhàng, và khó chịu với sự phức tạp, giống như việc xem tin tức showbis về chị E xen vào chuyện tình cảm của anh G và chị P bao giờ cũng hứng thú hơn đọc bản tin về chứng khoán hay tin chính trị. Chính vì thế mà rất nhiều vấn đề với mức độ nghiêm trọng đáng lẽ phải được đặt lên vị trí ưu tiên lại thường bị bỏ qua.

Trở lại với khái niệm về Yami-kawaii, đầu tiên hãy xem qua phóng sự ngắn về những con người đã sáng tạo và đang tiếp tục truyền bá cho phong cách quái dị này.

Chủ đề của Yami-kawaii là thể hiện những mặt dễ tan vỡ, đau khổ, yếu đuối, tổn thương của tâm hồn con người – những cảm xúc tiêu cực mà xã hội khó có thể chấp nhận, trên nền màu sắc lạc quan, đáng yêu xinh xắn của những món đồ mang đậm phong cách Kawaii. Đó là một xu hướng mới cho những người mắc phải bệnh tâm lý có thể tự tin bộc lộ bản thân, được là một phần của xã hội, thay vì giấu mình sau lớp vỏ bọc và âm thầm chịu đựng những sự phán xét.

Tất nhiên vì kết hợp các yếu tố liên quan đến bệnh tâm lý, trầm cảm và tự sát, những người bình thường sẽ cảm thấy khó chịu, thậm chí quái dị khi nhìn vào các món đồ theo phong cách Yami-kawaii này. Nhưng bản thân chúng lại ẩn chứa nét thu hút đặc biệt, đến từ sự đối lập trong hai mặt cảm xúc của con người.

Ảnh Tokyo Fashion Diaries

Như các bạn cũng biết, Nhật Bản là một quốc gia phát triển thăng hoa, với những con người chăm chỉ thật thà và tốt bụng cùng cảnh sắc thiên nhiên quanh năm thay đổi. Tuy nhiên, ẩn sau trong lòng xã hội Nhật Bản, những tệ nạn như bắt nạt học đường, công ty đen, bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử với người đồng tính,… vẫn còn rất nặng nề. Theo thống kê từ Văn phòng Cảnh sát quốc gia, khoảng 21,764 người Nhật tự sát vào năm 2016, đây là con số đã giảm rất nhiều trong vòng 22 năm, tuy nhiên vẫn còn rất cao nếu so sánh với các quốc gia khác.

Ảnh Naverまとめ

Trong một xã hội có số người tự sát vì trầm cảm áp lực cao như vậy, tại sao các biện pháp chữa trị về tâm lý lại không phát huy được tác dụng của nó. Khác với Mỹ – một quốc gia khác phải hứng chịu tỷ lệ người bị trầm cảm cao, số người chấp nhận trị liệu ở Nhật thấp hơn rất nhiều.

Allison Alexy, nhà nhân loại học văn hóa tại Đại học Michigan chia sẻ “Tôi từng thấy nhiều người Nhật nói rằng họ không muốn trị liệu, vì họ không muốn người khác nghĩ rằng họ bị điên”.

Kỳ lạ thay, trong khi vấn đề tâm lý, trầm cảm là những vấn đề bị đưa vào danh sách đen tại đất nước này, những xu hướng thời trang phản xã hội lại khá được đón nhận, chủ yếu bởi cộng đồng Otaku tại các trung tâm thời trang như Harajuku, Shibuya. Chính vì vậy, nhiệm vụ của Yami-kawaii chính là bộc bạch những điều khó nói, khó được tiếp nhận vào những thứ được gọi là trào lưu và được đông đảo người yêu mến.

Đồng thời đó cũng là một phương pháp trị liệu.

Ảnh http://brokendoll.ocnk.net/product/1057

Như anh chàng trong Clip trên, anh ta dựa vào việc thiết kế nhân vật và trang phục theo phong cách Yami-kawaii để thoát khỏi quá khứ từng bị bạo hành, hay cô gái cảm thấy có thể tự tin bộc lộ bản thân hơn khi khoác lên mình những bộ trang phục mang phong cách này.

Ảnh Japan Glossy

Đối với những bệnh nhân của trầm cảm, dù rất muốn nói, họ không thể diễn đạt nên lời những vấn đề đang diễn ra với họ. Thế nhưng Yami-kawaii cho phép họ, bằng cách nào đó, giao tiếp với xã hội mà không cần phải dùng lời nói.

Ảnh Etsy

Bạn có thể cảm thấy những ý nghĩ như “Tôi muốn chết” hoặc “Tôi cô đơn” là yếu đuối, nhu nhược, nhưng đó không phải cách mà bệnh tâm lý vận hành. Nó không chừa một ai, và không nể nang bất kỳ một quy chuẩn xã hội nào cả. Vì thế, Yami-kawaii cũng là một sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng những nạn nhân của trầm cảm, hét lên với cả thế giới rằng “Đây là cách bọn tôi cảm thấy”, chứ không phải là một tín hiệu kêu cứu nhạt nhẽo, yếu ớt.

Ảnh Tumblr

Ai cũng có phần yếu đuối, cũng có những lúc mệt mỏi khó khăn. Ngoài kia có rất nhiều những đoạn video tạo động lực, những mẫu hình thành công mà xã hội này muốn bạn noi gương, đương nhiên niềm tự hào của họ là có thật và đã tiếp sức cho rất nhiều người khác. Thế nhưng… nếu bạn không giống họ, nếu bạn chỉ cảm thấy áp lực, chỉ cảm thấy bản thân vô dụng hơn khi cố gắng nghe theo, làm theo các khuôn mẫu đó, nếu đó không phải là điều bạn mơ ước, đừng ép mình, vì dẫu sao, khái niệm thành công ở mỗi người là khác nhau.

Với vài người, chỉ cần mỗi ngày được sống vui vẻ, khỏe mạnh đã là thành công rồi. Điều đó không có nghĩa rằng cuộc sống của họ kém ý nghĩa hơn của bạn đâu.

Nguồn: Japo.vn

Tags:

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất