15 hành động thường thấy trên tàu điện nhưng bị người Nhật âm thầm 'ghét cay ghét đắng'
Ở một đất nước nổi tiếng về các quy tắc ứng xử và người dân cũng ưa chuộng tàu điện, dĩ nhiên có rất nhiều điều cần nhớ về "quy tắc ứng xử trên tàu" để tránh bị người Nhật chê cười.
11:00 26/11/2019
Có 3 điều gây ấn tượng đặc biệt về tàu điện Nhật Bản: sạch sẽ, đúng giờ và vô cùng lịch sự. Nhưng dĩ nhiên không phải hành khách Nhật nào cũng đoan trang thanh lịch, vẫn có những hành vi kém duyên gây phiền lòng mọi người xung quanh. Mới đây, trang du lịch Air Trip đã thực hiện một cuộc khảo sát ghi nhận 930 ý kiến cho câu hỏi: Loại hành vi nào bạn nghĩ là bất lịch sự nhất khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện? Và dưới đây là kết quả, hãy cùng lướt xem thử nhé.
15. Đọc báo trên chuyến tàu đông đúc (10,9% người đồng ý)
Đó là do khổ báo chiếm quá nhiều diện tích và xâm phạm vào không gian của hành khách khác - mà vốn dĩ không gian trên tàu đã quá khiêm tốn rồi!
14. Uống bia rượu (bị 20% người ghét)
Nếu trên tàu cao tốc Shinkansen thì không sao, thậm chí người ta còn bán bia lạnh nữa. Tuy vậy trên những chuyến bình thường, quãng đường ngắn thì bạn sẽ bị xem là "nát rượu" nếu dùng đồ uống có cồn trên tàu.
13. Ăn (26,3%)
Cùng với uống bia rượu thì việc ăn liên tục trên tàu cũng bị liệt vào danh sách đen. Mọi người nghĩ lẽ nào trên các chuyến tàu ngắn, bạn không thể chờ một chút hay sao mà phải tranh thủ thời gian đến tận cùng như vậy?
12. Nước hoa nồng nặc sực nức (27,6%)
Người Nhật vốn đã không mấy ưa chuộng "mùi hương cá nhân" quá nồng, nói gì đến những không gian đông đúc như trên tàu điện.
11. Xả rác bừa bãi (28,2%)
Một niềm đau mà chỉ người đi tàu ở Nhật mới thấu là có rất ít thùng rác. Tuy vậy mọi người hi vọng hành khách sẽ giữ lại rác của mình và vứt đúng nơi đúng chỗ, thay vì để lại cho các nhân viên tàu điện dọn dẹp.
10. Đi tàu khi say xỉn (31,7%)
Hỏi 3 người thì trung bình có 1 người "ngứa mắt" với những anh chị say xỉn ngã ngửa trên băng ghế, cư xử đầy khó chịu và hơi thở nồng nặc mùi cồn (tức bị ghét lần nữa theo "mục 12").
9. Cằn nhằn khi tàu bị chậm (32,2%)
Tàu hỏa ở Nhật hầu như luôn đúng giờ, tuy nhiên trong trường hợp cá biệt thì người bị ghét nhất không phải các nhân viên đường sắt mà là những hành khách hay càu nhàu. Họ chẳng giúp ích gì cả mà chỉ gây phiền phức, "đinh tai nhức óc" thêm mà thôi.
8. Dùng smartphone trên tàu chật ních người (36,3%)
Trên chuyến tàu đông, ngoài các tờ báo khổ lớn thì mọi người còn ghét bị điện thoại chọc vào lưng hay chĩa thẳng vào mặt. Ngoài ra, những hành khách vọc smartphone còn thường xuyên không chú ý xung quanh, gây "ách tắc giao thông".
7. Trang điểm trên tàu (40,5%)
Việc cá nhân này, theo người Nhật, không nên thực hiện trên chuyến tàu đông người. Ngoài ra, không ai muốn "hít thở" chung mùi son phấn của hành khách kế cận mình.
6. Chen lên tàu một cách thô lỗ (42,4%)
Bao gồm việc xô đẩy, va chạm vào hành khách xung quanh và chưa đợi người khác xuống hẳn mà đã chen chân lên. Thật kém lịch sự!
5. Đeo headphone nhưng để âm lượng quá lớn (54%)
Nếu người khác cũng nghe thấy nhạc của bạn, chẳng phải âm lượng đã quá lớn rồi hay sao? Điều này thật là vi phạm không gian riêng tư của người khác.
4. Vứt balo túi xách bừa bãi (54,1%)
Một lần nữa, trên tàu ở Nhật thì "tấc đất tấc vàng". Đừng để đồ đạc cá nhân của bạn ảnh hưởng đến lối đi của mọi người, nhất là khi ai cũng bận rộn gấp gáp.
3. Nói chuyện điện thoại (56,3%)
Ở Nhật, khá nhiều công ty đường sắt đặt thông báo đề nghị hành khách không dùng điện thoại. Thậm chí nói "Alo xin lỗi, mình đang ở trên tàu. Giờ không nói chuyện được" đã bị đánh giá là khá phiền phức rồi đấy.
2. Nói chuyện ồn ào lớn tiếng (bị 58,5% mọi người cùng ghét)
Ngay cả khi bạn nói chuyện với người bạn đối diện thay vì qua điện thoại, hầu hết mọi người vẫn không muốn nghe nội dung cuộc hội thoại, đặc biệt là có bao nhiêu người thích ngủ trưa trên tàu ở Nhật.
1. Chiếm chỗ nhiều hơn diện tích bạn xứng đáng được hưởng (khả năng bị ghét lên tới 72,8%)
Ghế ngồi ở Nhật - dù là ghế đơn hay ghế đôi - đều có diện tích hạn chế. Mọi hành vi "bành trướng" như vươn vai, trượt người qua lại, bắt chéo chân, đặt túi xách bừa bãi... đều là xâm phạm vào phần chỗ của người khác. Và tất nhiên hành vi này bị xem là vô cùng khiếm nhã.
Có vẻ như có rất nhiều nguyên tắc cần phải nhớ khi đi tàu điện. Tuy vậy, vì lượng người dùng phương tiện này ở Nhật là "siêu đông khổng lồ" nên chỉ có ý thức tự giác mới giúp trải nghiệm của hành khách được bình an dễ thở hơn. Hãy ghi nhớ các nguyên tắc trên nếu du lịch đến xứ hoa anh đào và bạn sẽ là hành khách văn minh thôi. Còn nếu lỡ vi phạm, hãy nói Sumimasen (Xin lỗi) và lập tức sửa chữa nhé.
Theo: cafebiz.vn
Sống ảo trong lễ hội ánh sáng lộng lẫy Tokyo Midtown
Một trong những lễ hội giáng sinh được mong chờ nhất tại Tokyo, lễ hội “MIDTOWN CHRISTMAS 2019” sẽ được tổ chức tại Tokyo Midtown từ 17 giờ đến 23 giờ từ ngày 14 tháng 11 đến ngày 25 tháng 12.