3 giải pháp cho tiếng Nhật giao tiếp của bạn trở nên lưu loát hơn
Giao tiếp tiếng Nhật quyết định rất lớn đến việc làm quen, thích nghi với cuộc sống ở Nhật cũng như khả năng thành công của bạn khi học tập và làm việc trong xã hội Nhật Bản. Tuy nhiên, có rất nhiều bạn gặp khó khăn trong việc nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Nhật:
12:00 21/05/2018
-
Học ngữ pháp, từ vựng rất tốt nhưng giao tiếp tiếng Nhật lại rất kém
Lúc giao tiếp với người Nhật thường hồi hộp và hầu như không thể nói được gì
Không biết nên trò chuyện về chủ đề gì
Không biết làm thế nào để phát triển câu chuyện
Và tôi tin rằng không chỉ riêng bạn mà đây là vấn đề chung cho tất cả những người mới học tiếng Nhật. Vậy làm thế nào để cải thiện được những điều trên? Bài viết sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời để các bạn nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật của mình.
Có rất nhiều bạn nhớ nhiều mẫu ngữ pháp, học thuộc được nhiều từ vựng, làm bài lúc nào cũng đạt điểm cao nhưng lại thường “á khẩu” khi muốn sử dụng những vốn từ đó khi nói chuyện. Vậy tại sao lại có sự chênh lệch lớn đến vậy giữa khi làm bài tập và khi giao tiếp trực tiếp?
Việc làm bài tập rõ ràng sẽ dễ hơn rất nhiều bởi:
-
Có thể đọc đi đọc lại câu hỏi và thậm chí tra từ điển để hiểu câu hỏi
-
Có thời gian chuẩn bị, suy nghĩ để tìm ra câu trả lời
-
Không cần quan tâm đến việc phát triển câu chuyện
Vậy làm thế nào để giải quyết được 3 vấn đề trên khi giao tiếp? Chúng ta sẽ lần lượt giải đáp từng vấn đề nhé.
Làm thế nào để “tua chậm”, “tua lại” và “tra từ điển” khi đang thực hiện cuộc nói chuyện
Bạn chỉ cần học thuộc và sử dụng thành thạo 3 câu nói sau:
Tua chậm
ゆっくりと話してください。
(Hãy nói chậm lại một chút ạ)
Tua lại
もう一度お願いします。
(Làm ơn nói lại giúp tôi lần nữa)
Tra từ điển
「A」は何の意味ですか?
([A] có nghĩa là gì vậy ạ?)
Đây là những mẫu câu phổ biến và hầu như bất kì ai học tiếng Nhật cũng được khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên, chúng ta thường rất ít khi sử dụng chúng bởi các bạn thường ngại và cảm thấy có lỗi vì phiền người đối diện phải nói đi nói lại nhiều lần. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không đúng. Đổi lại là bạn, khi một người nước ngoài đến bắt chuyện với bạn, lúc người đó sử dụng những câu này, bạn sẽ thấy thế nào ? Bạn sẽ thấy tức giận hay bạn sẽ nhận ra rằng mình nói quá nhanh hoặc sử dụng từ quá khó ? Tôi chắc rằng bạn sẽ vui lòng nói chậm lại và sử dụng những từ phổ biến hoặc dễ hiểu hơn. Điều này cũng tương tự khi người Nhật nói chuyện với chúng ta. Vì vậy, đừng ngại khi nói những câu này vì họ sẽ vui lòng giảng giải và thay đổi cách nói chuyện đến khi bạn hiểu mới thôi. Hãy nói những câu này thật trôi chảy, bằng ánh mắt tự tin kiêu hãnh với thông điệp rõ ràng : lỗi là do ông, ông nói vậy ai mà nghe kịp. Ngay lập tức người đó sẽ nhận ra lỗi lầm của mình và khắc phục ngay lập tức :))
Hãy sử dụng đúng thứ tự của 3 câu vừa nêu trên. Họ nói quá nhanh hãy làm họ nói chậm lại. Khi nghe được rõ những từ trong câu nói của họ, hãy hỏi riêng về từ không hiểu bằng mẫu số 3. Cứ như vậy, bạn sẽ dần quen với tốc độ nói của họ, học thêm nhiều từ mới và trình độ của bạn sẽ tăng lên một cách nhanh chóng.
Làm thế nào để phát triển câu chuyện
Tưởng tượng bạn đang dẫn người yêu mới quen đi chơi. Cô ấy thật hiền, bạn hỏi gì thì trả lời, không hỏi thì ngồi im. Bạn hỏi đến câu thứ 10 và mọi chuyện vẫn không thay đổi. Vậy bạn sẽ làm gì tiếp theo? Nếu là tôi, tôi sẽ gởi trả cô ấy về nơi sản xuất.
Một ví dụ vui để các bạn thấy rằng, việc đối thoại sẽ không thể thực hiện lâu dài được nếu không có đóng góp từ 2 phía. Bạn không thể bắt người đối diện phải đặt câu hỏi liên tục còn mình chỉ cần trả lời là đủ. Bạn phải tham gia và phát triển câu chuyện. Vậy làm thế nào để phát triển được câu chuyện? Câu trả lời rất đơn giản và có rất nhiều người sử dụng phương pháp này để phát triển câu chuyện: 5W1H.
5W1H là gì? Đó là 5 chữ W trong tiếng Anh bao gồm : What, Who, When, Where, Why và 1H: How. Những từ hỏi tương ứng của 6 từ này trong tiếng Nhật lần lượt là: なに、だれ、いつ、どこ、どうして、どう。 Sử dụng 6 từ để hỏi này, câu chuyện của bạn sẽ dài ra bất tận. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ đơn giản:
Em là ai?
あなたは誰ですか。
Em từ đâu đến?
どこから来ましたか。
Mục đích em đến Trái Đất là gì vậy?
何の目的で地球に来ましたか。
Quá đơn giản phải không? Hãy phát triển câu chuyện bằng sử dụng những từ hỏi. Nhưng cũng đừng hỏi quá nhiều. Thỉnh thoảng hãy thêm vào suy nghĩ cá nhân của bạn để người kia còn có đất diễn. Một khi đã quen với việc sử dụng 6 từ hỏi này bạn có thể tạo ra một cuộc trò chuyện thú vị và lôi cuốn hơn rất nhiều.
Làm thế nào để có thời gian chuẩn bị, suy nghĩ trả lời cho câu hỏi
Bạn đi làm bị ông A hỏi về quả chuối ở Việt Nam. Sau khi đứng hình và không nói được gì vì không có từ vựng, tối đó bạn về nhà, thức khuya học bài tra hết các từ về quả chuối để mai ông ấy hỏi thì tấp nguyên quyển sách về chuối vào mặt ổng cho bõ ghét. Hôm sau hớn hở lên đến nơi thì ông ấy lại hỏi về phở. Đứng hình tiếp tập 2 và thề không bao giờ thức khuya học bài nữa. Học làm gì khi ông ấy hỏi toàn mấy cái chẳng biết đường nào mà lần. Hôm sau hỏi về kình ngư Ánh Viên, về Bphone, về khủng hoảng kinh tế thế giới thì biết đường nào mà trả lời nhỉ ???
Đây là trường hợp rất thường gặp khi các bạn mới sang Nhật. Nhiều bạn sẽ như câu chuyện trên, bỏ cuộc và thề không bao giờ học tiếng Nhật làm gì nữa ? Tuy nhiên, đó thật sự là một điều hết sức đáng tiếc. Tại sao cứ phải chờ người ta hỏi thì mới chuẩn bị nhỉ. Hãy tưởng tượng nếu bạn chuẩn bị sẵn một đống từ vựng về chuối thì ông Abe sẽ ăn chuối thay cơm vì đụng phải bạn rồi đúng không?
Điều mình muốn nói ở đây là không phải chỉ khi làm bài tập bạn mới cần phải ôn bài, chuẩn bị bài. Hãy chuẩn bị cho những bài kiểm tra nói đột xuất như trên. Chỉ cần một số mẫu ngữ pháp đơn giản, cộng với một số từ vựng chính và tự tưởng tượng ra tình huống rồi luyện tập thử vài lần về một chủ đề nào đó là đủ sức nói chuyện rồi. Mỗi ngày một ít như vậy thì bài kiểm tra nói sẽ giống như bài kiểm tra viết : bạn đã có chuẩn bị và suy nghĩ kĩ càng trước khi đặt câu hỏi.
Vậy nên chọn những chủ đề gì để học nói nhỉ ? Theo kinh nghiệm của mình thì các bạn nên học theo phân loại nhóm chủ đề như sau :
Chủ đề mà du học sinh thường hay bị hỏi :
-
Món ăn Việt Nam
-
Khí hậu Việt Nam
-
Món ăn yêu thích ở Nhật
-
Lý do đến Nhật
-
Ấn tượng Nhật Bản
Chủ đề yêu thích :
-
Đây là chủ đề nằm trong sở thích của bạn : bóng đá, âm nhạc, hội họa, phim ảnh .v.v.Những chủ đề này nằm trong sở thích nên có thể bạn đã tìm hiểu rồi hoặc nếu tìm hiểu thì cũng sẽ rất nhanh thuộc, nhanh nhớ, sẽ rất có lợi khi học.
Chủ đề mang tính thời sự :
-
Shinkansen ở Việt Nam
-
Bphone
-
Biển Đông
-
.v.v.
Nếu bạn đã chuẩn bị chi tiết như vậy mà người kia vẫn hỏi không đúng phần bạn chuẩn bị thì cách đơn giản hơn là hãy lái câu chuyện theo hướng mà bạn muốn. Nếu hỏi về Phở vẫn mang chuối ra nói. Nếu nói về Bphone vẫn mang chuối ra nói. Khi luyện được khả năng lèo lái câu chuyện này nữa thì bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Nhật thêm nhiều đấy.
KẾT
Bài viết này cũng như tất cả những bài viết khác trong phần tiếng Nhật của Vimirai đều có chung một mục đích duy nhất: XÂY DỰNG NIỀM TIN và TRANG BỊ THÓI QUEN học tiếng Nhật cho các bạn. Dựa vào kinh nghiệm của bản thân cũng như tìm hiểu về những Sempai đã thành công trong việc học tiếng Nhật, Vimirai tin rằng đây chính là 2 yếu tố cần thiết nhất để học tốt tiếng Nhật. Đừng chỉ đọc mà hãy thực hiện những gì trong bài viết, chắc chắn bạn sẽ tiến bộ vượt bậc trong việc học tiếng Nhật. Chúc bạn thành công và may mắn.
Dầu Gội Khô Shiseido Giải Pháp Cho Người Bận Rộn
Dầu Gội Khô Shiseido (dry shampoo shiseido) là giải pháp cho bà bầu & sau sinh hay cho những người bận rộn. không cần nước mà vẫn gội sạch đầu, ngăn ngừa vi nấm phục hồi tóc trong một thời gian ngắn.