3 ngôi đền Thần đạo linh thiêng ở Ibaraki
Tỉnh Ibaraki có những nét hấp dẫn khó hòa lẫn với bất kì địa phương nào: hệ sinh thái độc đáo và những địa điểm tâm linh. Đến với Ibaraki cũng là hành trình tìm về vùng đất khai sinh của những trang thần thoại bất hủ.
14:00 17/07/2020
Kashima Jingu – thánh địa linh thiêng ở bờ Đông
Nguồn: thegate
Theo các thư tịch cổ, Kashima Jingu là một ngôi đền có lịch sử lâu đời, được xây từ khi thiên hoàng Jimmu, vị thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản, lên ngôi vào năm 660 TCN. Đây được xem là cái nôi của khoảng 600 ngôi đền mang cùng tên Kashima nằm rải rác dọc chiều dài đất nước.
Chính điện của Kashima Jingu là nơi lưu giữ linh hồn của vị thần “bất khả chiến bại” Takemikazuchi. Tương truyền, thần Takemikazuchi đã cùng thần Futsunushi (được thờ tại đền Katori Jingu) vâng lệnh của Nữ thần Mặt Trời xuống xứ Izumo ở trần gian, thương thuyết với người cai quản địa giới là Okuninushi để lập nên nhà nước Nhật Bản. Từ xa xưa, Takemikazuchi đã là vị võ thần được giới hoàng tộc và công khanh sùng bái, tiêu biểu như đại tướng quân Minamoto no Yoritomo của Mạc phủ Kamakura, đại tướng quân Tokugawa Ieyasu của Mạc phủ Tokugawa, lãnh chúa Tokugawa Mitsukuni của vùng Mito,…
Chiếc cổng toori đầu tiên được dựng trên mặt nước nằm khá gần đền, bắt đầu xuất hiện trong các văn kiện từ thời đại Heian. Cổng được hoàn thiện vào năm 2013, với tổng chiều dài 18.5m và ngang 22.5m, cũng là chiếc cổng trên mặt nước lớn nhất tại Nhật Bản. Đây chính là xuất phát điểm của đường kinh mạch nối liền các thánh địa về bờ Tây Nhật Bản như đền Ise Jingu, núi Phú Sĩ, đền Meiji Jingu, đền Takachiho,… Do đó, đền Kashima Jingu còn được ví như “vùng đất cội nguồn”.
Trên thực tế, Kashima Jingu là địa điểm đầu tiên mà du khách nước ngoài muốn viếng thăm nhất sau khi đáp xuống sân bay Narita. Cũng có nhiều du khách (và cả thực tập sinh) cầu nguyện chuyến đi thuận buồm xuôi gió tại đền này.
Nguồn: pixpot
Đền Kashima Jingu sở hữu nhiều bảo vật, ví dụ như cổng Romon sơn mài đỏ được công nhận là công trình văn hóa quan trọng của quốc gia, thanh bảo kiếm Futsunomitama-no-tsurugi dài lên đến 3m. Bên cạnh đó, khuôn viên đền với diện tích 700 nghìn mét vuông là nơi sinh trưởng của nhiều loài thực vật quan trọng. Ở đây còn có các điểm tham quan thú vị như vườn hươu nai, ao nước trong lành để tổ chức nghi thức thanh tẩy,…
Nguồn: thegate
Đền Kashima Jingu còn nổi tiếng với sự kiện thường niên được tổ chức vào ngày 1 tháng 9 hằng năm. Đặc biệt, cứ cách 6 năm sẽ có đại biểu do Thiên Hoàng cử đến chủ trì sự kiện này. Cứ cách 12 năm, tức ngày 1 tháng 9 vào năm Ngọ còn diễn ra lễ hội Mifune – lễ hội trên mặt nước lớn nhất tại Nhật Bản. Lần kế tiếp bạn có thể tham gia lễ hội này là vào năm 2026.
Oarai Isosaki – chốn yên nghỉ của vị thần lập quốc
Nguồn: SUGOI JP
Nằm lọt thỏm giữa thị trấn nhỏ Oarai, đền Oarai Isosaki hấp dẫn lữ khách thập phương nhờ vẻ đẹp duyên dáng của chiếc cổng gỗ Kamiiso-no-torii nằm trên một mỏm đá ngoài biển. Đây là một trong những địa điểm được các đoàn khách từ Việt Nam và thế giới thường xuyên ghé thăm nhất.
Kể từ khi được xây vào năm 856, đền Oarai Isosaki này vẫn thi hành sứ mệnh thiêng liêng là tưởng nhớ công đức của hai vị thần Okuninushi và Sukunahikona. Okuninushi có công khai phá bờ cõi, đặt nền móng cho nông nghiệp. Đồng thời, ông cũng cùng thần Sukunahikona đi tìm dược thảo khắp miền sơn cước để khống chế dịch bệnh, định ra luật lệ, thúc đẩy kinh tế, ổn định cuộc sống của người dân. Vì lẽ đó, người Nhật thường tìm đến đền Oarai Isosaki để cầu mong chữa lành bệnh tật, gia đình thuận hòa, mua may bán đắt và đi biển bình an…
Nguồn: Matcha JP
Theo một ghi chép thời Heian, vào những ngày cuối năm 856, thần Okuninushi và Sukunahikona đã hạ phàm và nhập vào một người nấu muối, bảo rằng: “Ta là Okuninushi và Sukunahikona. Năm xưa sau khi nhường lại giang sơn đã rời bỏ dương thế này. Nay ta trở về cõi trần để cứu nạn cho dân chúng xứ Đông”. Cũng chính tại đây, người dân đã lập ra cặp đền Oarai Isosaki và Sakatsura Isozaki.
Ngày 25/8 hàng năm, tại đền sẽ diễn ra lễ hội Hassaku để nguyện cầu vụ mùa ngũ cốc bội thu và cuộc sống no ấm thái bình. Đây là một nét thi vị vào cuối mùa hạ để người dân trong và ngoài thị trấn hòa mình chung vui.
Sakatsura Isozaki – ngôi đền cầu trúng số
Nguồn: Tỉnh Ibaraki
Là một người em “song sinh” của đền Oarai Isosaki, đền Sakatsura Isozaki nổi tiếng với con “đường hầm” được tạo thành từ những gốc đại thụ hơn ba trăm năm tuổi dẫn lối vào điện thờ. Bao quanh đền còn có nhiều thảm thực vật ôn đới, tạo nên một miền cảnh quan tươi đẹp và quý báu được ví như “viên ngọc xanh” của tỉnh Ibaraki.
Tại đây thờ thần Sukunahikona, vị thần bảo trợ cho nhiều lĩnh vực của đời sống như y học, sản xuất rượu, hàng hải, nông lâm ngư nghiệp, học vấn, sinh sản và trẻ em. Đáng ngạc nhiên hơn cả là việc ngôi đền từng nổi danh trên khắp phương tiện truyền thông nhờ… vé số kiến thiết. Gần khu đền có một đại lý vé số nằm trong cửa hàng mua sắm đồ handmade lớn mang tên Joyful Honda, nơi các chức sắc của đền thường xuyên tổ chức lễ cầu nguyện.
Trong đền hiện vẫn còn đặt tượng “rùa may mắn” do một người từng trúng lớn dâng tặng. Nghe nói nếu vỗ đầu chú rùa này, bạn cũng sẽ có cơ may trúng số đấy!
Nguồn: excited blog
Nếu bạn là một người yêu thích văn hóa truyền thống, thích những câu chuyện thần thoại bí ẩn, vậy thì khi có cơ hội ghé thăm Ibaraki, đừng quên ghé thăm ba ngôi đền này nhé! Biết đâu, bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng thần hạ phàm.
Japankuru Team
Đường bay Việt Nam với Hàn, Nhật, Trung… vận hành ra sao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-7, ông Đinh Việt Thắng – cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – cho biết cơ quan hàng không Việt Nam và Trung Quốc đang lên phương án kết nối lại đường bay giữa hai nước.