8 loại bùa may mắn ở Nhật mà ai cũng nên có 1 cái bên người
Từ xưa đến nay, trong nền văn hóa Nhật Bản cũng như những nền văn hóa của các nước khác có quan niệm rất sâu sắc về vấn đề tâm linh và những điều may mắn. Họ có rất nhiều cách cầu may, có những linh vật và những loại bùa may mắn độc đáo và họ sử dụng các loại bùa may mắn này nhằm cầu mong sức khỏe, tiền bạc, con cái…
14:00 09/05/2018
Hãy cùng chúng tôi khám phá 8 loại bùa may mắn của người Nhật nhé
1. Maneki Neko – Mèo mời gọi
Mèo mời gọi (Maneki Neko) thường được trưng bày ở trước các cửa hàng. Màu sắc của mèo cũng khá đa dạng từ vàng, đỏ, trắng ,đen, với những kiểu dáng khác nhau. Thực sự thì có 1 ý nghĩa ẩn sau cái chân mà con mèo giơ lên. Mèo vẫy chân trái mang lại nhiều khách hàng. Mèo vẫy chân phải mang đến may mắn, tiền tài. Cả 2 điều đó thực sự là rất tuyệt, đó là lý do tại sao bạn có thể dễ dàng nhìn thấy 1 chú mèo thần tài với cả hai chân đều vẫy. Mèo vẫy hai chân sẽ mang lại sự bảo vệ và bình an cho gia đình.
Trong khi hầu như bạn sẽ nhìn thấy 1 con Maneki Neko trắng với những chấm cam hoặc đen. Thì có khá nhiều sự đa dạng màu sắc và chúng có những ý nghĩa đặc biệt:
– Trắng: hạnh phúc, thuần khiết, và những điều tốt lành sẽ đến.
– Tam thể: sự kết hợp màu sắc truyền thống,được xem là may mắn nhất.
– Vàng: giàu có và thịnh vượng
– Đen: tránh khõi ma quỷ.
– Đỏ: thành công trong tình yêu và các mối quan hệ.
– Xanh lá cây: sức khỏe tốt
2. Cá Koi
Cá Koi là biểu tượng của Nhật Bản cũng như đóng vai trò như linh vật thiêng liêng trong các đền chùa. Những con cá chép đầy màu sắc sẽ đem lại may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng cho người sở hữu chúng. Ngoài ra hình ảnh của cá Koi còn được may trên kimono trong lễ hội “Tano no Sekku” tổ chức vào 5 tháng 5.
Cờ cá chép dành cho dịp 5/5 – ngày hội bé trai ở Nhật. Bắt đầu từ giữa tháng 4 đến những ngày đầu tháng 5 hàng năm, người dân thường treo những lá cờ hình chú cá chép trước nhà.
Koinobori là một loại cờ đón gió truyền thống mô phỏng hình dạng cá chép, được treo tại Nhật Bản để chào mừng ngày lễ kỉ niệm truyền thống trong năm của quốc gia, có tên gọi là Tango no Sekku hay còn gọi là ngày Thiếu nhi được hiểu như ngày lễ bé trai Nhật Bản. Loại cờ này được tạo ra bởi những mẫu cá chép vẽ trên giấy và trang trí màu sắc sặc sỡ, chất liệu bằng vải hoặc những loại sợi không dệt khác.
Vì vậy người ta thường treo Koinobori vào những ngày nắng có gió bởi trời mưa sẽ khiến màu vẽ bị loang ra.
Một bộ Koinobori bao gồm một thanh dài làm trụ, phía trên cùng là một cặp bánh xe mũi tên với một cánh quay tròn, tiếp đến là ruy băng và bên dưới ruy băng là các chú cá chép. Số lượng và ý nghĩa của các chú cá chép của Koinobori thay đổi theo thời gian.
Hình ảnh koinobori treo đứng trên sào ở trước nhà những người dân tượng trưng cho hình ảnh “cá vượt vũ môn”, bơi ngược dòng thác, được cho là loài cá xuất thế, làm biểu tượng cầu mong cho những đứa trẻ trong nhà sau này lớn lên có thể tự thân lập nghiệp, thành công trên đường đời. Việc treo cờ mang ý nghĩa như một nghi thức chúc phúc những bé trai và gửi gắm hy vọng rằng chúng sẽ trưởng thành khoẻ mạnh. Các gia đình Nhật Bản ở đô thị không có sân vườn treo cờ lớn có thể treo trên ban công hoặc cửa sổ.
3. Fukurou – Cú
Ở Việt Nam, chim cú bị coi là quỷ dữ, là điềm gỡ vì chim cú kêu ở đầu hồi nhà ai thì nhà đó sắp có người chết. Ngày xưa, ở Nhật chim cú cũng được xem là loài vật tượng trưng cho cái chết, nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ. Người Ainu – một bộ tộc bản địa vùng sống ở vùng Hokkaido phía Bắc Nhật Bản đã nói rằng, cú là hiện thân của vị thần vĩ đại bậc nhất trong rừng thẳm. Có một thần thoại kể lại rằng, thần Chikap Kamuy là một con chim cú to lớn chuyên canh gác đất đai và giám sát các hành vi của con người hay những Kamuy khác (các vị thần người Ainu). Do có thể nhỏ những giọt lệ bằng vàng và bạc mà đôi khi Chikap Mamuy cũng được thờ cúng để cầu xin thành quả vật chất.
Ngoài ra, chim cú còn mang sự may mắn cả trong tên gọi. Chim cú trong tiếng Nhật là Fukurou vốn có thể được viết theo nhiều nhóm chữ. Một nhóm mang ý nghĩa may mắn (Fuku – may mắn; Ku – đến, Rou làm hậu tố chỉ tên con trai) và nhóm còn lại là Bảo vệ khỏi gian nguy (Fu – không có, Kurou – đau khổ/ gian nan). Bằng lối chơi chữ như vậy, chim cú đã có vai trò khác biệt và trở nên nổi tiếng là những Engimono trong tiếng Nhật có nghĩa là bùa may mắn.
Tùy theo màu sắc khác nhau mà bùa chim cú may mắn Egimono có những ý nghĩa khác nhau, màu trắng mang đến hạnh phúc, màu hồng dành cho tình yêu lãng mạn, màu vàng đại diện cho hòa bình, màu đen giúp giữ gìn sức khỏe, màu đỏ sẽ mang lại may mắn, màu xanh lá cây tượng trưng cho ước mơ, và bùa cú được làm bằng vàng sẽ tạo ra của cải vật chất.
4. Búp bê Daruma
Nhìn búp bê daruma tuy có vẻ mặt hơi dữ dằn nhưng nó lại chính là một biểu tượng may mắn cho nhật bản. Búp bê Daruma thường không có mắt, người mua sẽ vẽ một mắt cho búp bê và ước một điều ước. Khi điều ước trở thành sự thật, sẽ vẽ nốt con mắt còn lại. Khi mua về, người mua có thể viết nguyện vọng hay mơ ước của mình lên má và viết tên họ lên cằm, đến khi những mong muốn đã được xác định thì lấy bút lông vẽ con ngươi thứ nhất trong lòng trắng mắt của Daruma.
Vậy thế nên là cái hồn và ước nguyện mong muốn của con người đều đặt vào hết đôi mắt của con búp bê này. Vì không muốn con búp bê này bị mù hay luôn muốn mình là con người có trách nhiệm hay cũng như có một động lực nên người nhật bản luôn cố gắng để thực hiện tốt để con búp bê được vẽ tiếp con mắt thứ 2.
Búp bê Daruma có hình tròn, được làm bằng kỹ thuật bồi giấy truyền thống. Nét đặc trưng của búp bê Daruma là đôi mắt to tròn quắc lên, nhìn thẳng về phía trước thể hiện sự quyết tâm và lòng kiên định. Thân tròn, đáy mặng tạo sức bật, luôn trở về vị trí đứng thẳng biểu trưng sức mạnh nội tại và ý chí mãnh liệt, không bao giờ chịu đầu hàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Người Nhật tặng nhau trong những dịp sinh nhật, lễ tết hay một người bắt đầu những dự định mới để cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với họ. Vào mùa thi cử, búp bê Daruma được các gia đình hay bạn bè tặng cho con em mình với lời chúc may mắn. Sau mỗi dịp ra trường, Daruma trở thành vật kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh.
Đến cuối năm, nếu búp bê Daruma được mua ở chùa thì đem về chùa, tập trung lại làm nghi thức đốt để bày tỏ thành kính để thần linh biết người đó đã giữ trọn mong ước và đã trở thành hiện thực. Như vậy, một năm cũ chấm dứt và năm mới lại bắt đầu với những mơ ước mới với những búp bê Daruma mua ở lễ hội đầu năm.
5. Tsuru – Hạc
Trong văn hóa Nhật Bản, chim Hạc là một biểu tượng thiên liêng cao quý, là loài vật chung thủy, khi con trống và con mái kết đôi, chúng sống bên nhau suốt đời không thay đổi. Chính vì vậy, người Nhật xem chim hạc là biểu tượng của sự hòa hợp trong cuộc sống vợ chồng.
Các bạn có thể thấy rõ ràng họa tiết hình chim hạc là hoa văn phổ biến và được ưa chuộng trên trang phục cưới kimono và nhiều đồ vật khác.
Vòng đời của chim hạc từ 30 – 60 năm. Vì thế, từ xa xưa, người Nhật và dân các nước phương Đông đã quan niệm, chim hạc là linh vật tượng trưng cho sự trường thọ và chim hạc là đề tài chủ đạo trên các bức tranh giấy cuộn dùng để trang trí trong nhà người Nhật.
Nghệ thuật gấp hạc giấy cầu nguyện của người Nhật cũng được lan rộng khắp nơi trên thế giới. Người Nhật tin rằng chỉ cần bạn gấp đủ 1000 con hạc giấy thì họ sẽ có một điều ước cho sự an lành, hạnh phúc và thuận lợi.
Vẻ đẹp thanh mảnh của hình thể cùng những quan niệm tốt lành về chim hạc không chỉ xuất hiện trong hội họa, thi ca mà còn được dùng làm biểu tượng cho hãng hàng không quốc gia Nhật Bản – JAL.
Hình chim hạc trang trí ở khắp mọi nơi. Trên tờ 1.000 Yên Nhật, ở hai bên của vòng tròn in hình ảnh mờ chân dung nhà vi trùng học Noguchi Hideyo là hai con chim hạc đang vươn cổ lên trời cao.
Trên lá bài Hana-fuda – loại bài lá trong trò chơi bài truyền thống Karuta của người Nhật – có in hình chim hạc, lá thông và mặt trời – những biểu tượng đặc trưng của Nhật Bản.
Bên ngoài tấm thiệp Shugi bukuro dùng để đựng tiền mừng cưới có hình chim hạc trắng được thắt một cách khéo léo. Nguyên liệu dùng làm hình trang trí này là giấy washi. Thiệp mừng cưới hình chim hạc rất phổ biến tại Nhật, chứa đựng hàm ý cầu chúc đôi lứa sống hạnh phúc, bền lâu.
Ngoài ra, ở Nhật còn có một lâu đài cổ Himeji ở thành phố Himeji tỉnh Hyogo, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993 và di tích lịch sử đặc biệt của Nhật Bản. Ngoài ra nó còn có tên gọi Hạc trắng, vì bề ngoài của lâu đài với những tháp canh được phủ thạch cao trắng làm ta liên tưởng tới hình ảnh nên thơ của một con hạc trắng đang cất cánh bay lên.
6. Hamaya – Cung tên may mắn
Cung tên may mắn Hamaya còn có tên gọi khác là mũi tên trừ tà, nó có thể xua đuổi những điều xấu và đem lại những điều tốt lành. Các mũi tên được làm từ gỗ và sẽ được yểm bùa trừ tà.
Ngoài ra, trong lễ tân gia, người Nhật còn đặt Hamaya và cung tên Hamayumi tại góc nhà theo hướng Đông Bắc hoặc Tây Nam – những hướng dễ bị ma quỷ quấy nhiễu – nhằm thanh tẩy ngôi nhà.
7. Búp bê Hina
Ngày xưa người Nhật tin rằng, con búp bê có thể xua đuổi những linh hồn xấu. Vì vậy, họ đã làm ra những búp bê bằng rơm rồi thả xuống sông với mong muốn cầu mong cho những điều không tốt sẽ tránh xa những đứa bé.
Người Nhật gọi ngày hội này là Hina Matsuri, “Matsuri” có nghĩa là lễ hội, “Hina” có nghĩa là búp bê nhỏ, lễ hội còn được gọi là Momo no sekku nghĩa là lễ hội hoa đào. Và người Nhật chọn ngày 3 tháng 3 hằng năm tổ chức lễ hội, vì đầu tháng 3 còn là thời điểm hoa đào nở rộ ở Nhật.
Người Nhật bày búp bê trong nhà từ tháng 2, trước khi ngày lễ chính diễn ra. Có một điều khá thú vị là ngay sau khi lễ hội kết thúc, họ phải cất những con búp bê đi ngay. Họ tin rằng, nếu để búp bê bày đến ngày 4 tháng 3, các bé gái lớn lên sẽ lấy chồng muộn.
Búp bê Hina là những vật trang trọng, được truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ. Chúng được trưng bày trong căn phòng đẹp nhất của gia đình một vài ngày trong kỳ lễ hội và sau đó được cất giữ cẩn thận trong hộp cho đến kỳ lễ hội của năm sau. Trong những gia đình khá giả, cha mẹ cũng thường mua tặng cho con gái mới sinh của họ một bộ búp bê để chuẩn bị cho ngày Hina Matsuri.
8. Omamori – Bùa hộ mệnh
Omanori là biểu tượng bảo vệ của Thần Shinto thường được thỉnh tại các ngôi đền trên khắp nước Nhật. Với ý nghĩa mang lại bình an và mọi chuyện thuận lợi cho người giữ bùa, các Omamori thường được thiết kế đặc trưng riêng ở từng địa phương Omamori được làm bằng gỗ có kích thước nhỏ hơn bàn tay hoặc làm bằng chất liệu giấy ghi lời chúc phúc và được đặt trong những túi gấm xinh xắn đầy màu sắc. Và chúng sẽ không còn linh thiêng nữa nếu bị mở ra.
Có 2 loại bùa Omamori hình chữ nhật và hình quả bầu, đặc biệt linh thiêng khi bạn đến thỉnh trực tiếp tại các ngôi đền.
Dưới đây là 6 loại bùa Omamori phổ biến mà người Nhật mang theo bên mình hoặc là dùng làm quà tặng:
Omamori xua đuổi tà ma 厄除 (やくよけ)
Đây là Omamori phổ biến nhất. Nó giúp xua đuổi tà ma, vì vậy đây là một món quà ý nghĩa dành cho những người thân yêu và cả bản thân mình.
Omamori sức khỏe 健康 (けんこう)
Omamori kenkou này có công dụng giúp ngăn ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe và giúp bạn sống lâu.
Omamori tình yêu – hôn nhân 縁結 (えんむすび)
Có 2 loại omamori cầu Tình. Loại thứ nhất dành cho những ai đang tìm kiếm tình yêu. Loại thứ hai là dành cho những người đang yêu và có mong muốn được bên nhau trọn đời. Cách phân biệt hai loại này rất đơn giản: loại thứ nhất thường được bán lẻ từng chiếc một, còn loại thứ hai thường được bán theo cặp.
Một vài đền thờ chỉ bán một loại enmusubi omamori thôi, và khác biệt duy nhất nằm ở chỗ bạn mua một chiếc hay một đôi. Một đôi omamori loại này chính là một món quà không thể tuyệt hơn cho bạn và người ấy.
Omamori lưu thông an toàn 交通安全 (こうつうあんぜん)
Vốn là bùa hộ thân phổ biến của những người lái xe, giờ đây nó đã trở thành loại omamori phổ biến nhất, được cho là sẽ phù hộ cho cả tài xế lẫn phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, đối với những người thường đi du lịch, thì loại bùa này có ý nghĩa mang lại cho họ một chuyến đi an toàn. Đây là một món quà tuyệt vời cho những ai hay lưu thông bên ngoài, hoặc là một người mới làm quen với việc lái xe.
Omamori cầu học hành 学業成就 (がくぎょうじょうじゅ)
Là loại Omamori cực kỳ phổ biến dành cho học sinh, mang ý nghĩa cầu chúc học hành tấn tới và đặc biệt là không thể thiếu khi chuẩn bị cho các kì thi.
Làm gì khi bùa may mắn hết linh?
Bùa may mắn không bao giờ hết linh, tuy nhiên chúng thường được thay thế mỗi năm đễ xua đi hết những vận xấu của năm cũ. Những chiếc bùa cũ sẽ được trả về những ngồi đền, chùa nơi chúng đã được mua để xử lý. Tại các đền thờ lớn hơn, sẽ có một nơi để thu gom các loại bùa hết hạn, và sẽ đốt chúng trong các nghi lễ.
Theo: Ichigo.edu.vn
Choáng với những khách sạn ở Nhật phục vụ khách như phim… viễn tưởng
Nhật Bản là 1 trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa robot vào kinh doanh dịch vụ khách sạn. Nổi tiếng nhất phải kể đến khách sạn ở khu Hamamatsucho và Akihabara,… với phần lớn nhân viên là robot, bao gồm tiếp tân, hầu bàn, dọn phòng… Các robot có thể giao tiếp với khách bằng tiếng Anh, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc..