Ảnh: Công nghệ 'thần kỳ' Nhật Bản được chôn xuống sông Tô Lịch, bắt đầu làm sạch nước
Hà Nội bắt đầu thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch với sự giúp đỡ từ các chuyên gia Nhật Bản.
21:00 16/05/2019
Sáng 16/5, Hà Nội đã tổ chức lễ khởi công lắp đặt hệ thống công nghệ sinh học Nano Bioreactor để thí điểm xử lý ô nhiễm nguồn nước tại sông Tô Lịch. Hệ thống này do phía Nhật Bản tài trợ.
Một đoạn trên sông Tô Lịch gần đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) được chọn để lắp đặt máy lọc. Đây được đánh giá là một trong những đoạn ô nhiễm nặng nhất của sông Tô Lịch khi có nhiều cống nước thải lớn, nhỏ trực tiếp xả ra.
Những máy lọc công nghệ Nano được cẩu đưa xuống sông Tô Lịch.
Công nghệ sinh học Nano Bioreactor khi đặt xuống sông Tô Lịch sẽ giúp kích hoạt sự hoạt động của các vi sinh vật trong đất, chủ yếu là các vi sinh vật có ích, gây ức chế và làm giảm số lượng các vi sinh vật có hại gây ô nhiễm trong nước thải.
Trước khi được đưa tới Việt Nam, công nghệ sinh học Nano Bioreactor làm sạch nước cũng đã được sử dụng để làm sạch nhiều con kênh tại Nhật Bản. Đáng chú ý, trong năm 2017, một con sông tại Hải Phòng cũng đã được làm sạch thử nghiệm, sau đó công nghệ được sử dụng để làm sạch một hồ điều hòa tại Quảng Ninh.
Có mặt tại buổi đặt thử nghiệm hệ thống làm sạch sông Tô Lịch, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết ông rất hào hứng với công nghệ này. "Rất hy vọng công nghệ sẽ biến mong ước làm sạch sông Tô Lịch lâu nay thành hiện thực. Một ngày không xa thôi chúng ta rất có thể sẽ lại được nhìn thấy một sông Tô Lịch trong xanh".
Các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp đặt máy lọc xuống sông Tô Lịch. Một chuyên gia người Nhật cho biết: "Với máy sục khí công nghệ bio-nano, chỉ sau ba ngày, mùi ô nhiễm ở sông Tô Lịch sẽ giảm nhiều".
Được biết, trong lần thử nghiệm này, phía Nhật Bản đã mang thiết bị có tốc độ xử lý siêu nhanh đặt dưới lòng sông Tô Lịch. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) cho biết, với công nghệ này chi phí vận hành sẽ rất thấp so với việc xây những nhà máy xử lý nước thải.
Sau khi thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét để quyết định chủ trương.
Bên cạnh sông Tô Lịch, một phần của Hồ Tây cũng được quây kín để thử nghiệm làm sạch. Công nghệ cũng tương tự như tại sông Tô Lịch.
Theo: vtc.vn
Tại sao nhiều người trẻ Hàn Quốc sang Nhật tìm việc làm?
Ngày càng có nhiều người trẻ có trình độ chuyên môn cao từ Hàn Quốc đến Nhật Bản để tìm việc làm vì họ khó tìm được công việc ở trong nước.