Báo Nhật viết về chàng trai gốc Việt: Bỏ tiền túi giúp đỡ nhiều thực tập sinh Việt Nam vượt qua đủ kiểu chèn ép nơi xứ người

Tuần qua, dự luật mới của chính phủ Nhật Bản đối với người lao động nước ngoài là vấn đề nóng hổi trên báo Nhật.

18:30 19/02/2019

Trong đó, tờ Japan Times dành bài viết cho anh Bungo Okabe, người sinh ra ở Việt Nam và đã dành hàng năm trời giúp đỡ “không công” cho nhiều thực tập sinh Việt trên đất Nhật – cũng chính là đối tượng đông đảo nhất trong số những người nước ngoài đến Nhật Bản tu nghiệp.

Bungo Okabe, 36 tuổi, tên tiếng Việt là Phạm Nhật Vượng. Anh sinh ra ở Việt Nam, theo gia đình đến Nhật vào năm 8 tuổi và đã có thời gian dài giúp đỡ nhiều người trẻ Việt Nam đến học tập, làm việc ở Nhật Bản.

Bungo Okabe, 36 tuổi, tên tiếng Việt là Phạm Nhật Vượng (Ảnh: Japan Times)

Bungo Okabe, 36 tuổi, tên tiếng Việt là Phạm Nhật Vượng (Ảnh: Japan Times)

Đến tháng 1/2018, Okabe tu sửa một căn nhà hai tầng ở thành phố Koriyama, tỉnh Fukushima, dùng làm nơi tạm trú cho các thực tập sinh người Việt chưa có chỗ ở, hầu hết do bất đồng với chủ lao động. Số tiền tu sửa khoảng 1 triệu yên (~206 triệu đồng) do Okabe gây quỹ có được.

Dù “ngôi nhà tạm trú” này mới được sử dụng khoảng 10 tháng nay nhưng đã giúp được 15 thực tập sinh trong khu vực với những hoàn cảnh khác nhau. Đồng thời, Okabe còn phải đóng cửa một quán ăn của mình trong thành phố để dành thời gian giúp đỡ các thực tập sinh gặp rắc rối.

Nhưng cụ thể, chuyện giúp đỡ “không công” này tốn thời gian, công sức như thế nào và ý nghĩa của nó là gì, hãy cùng tìm hiểu tiếp.

Với nhiều thực tập sinh, sự giúp đỡ của Okaba chính là cứu cánh cuối cùng giúp họ tiếp tục làm việc ở Nhật

Theo Japan Times, chương trình “Thực tập sinh kĩ thuật” được thiết kế để giúp người lao động các nước đang phát triển tiếp thu kiến thức và kĩ năng mới từ các doanh nghiệp Nhật Bản; nhưng suốt thời gian dài, nó bị chỉ trích rằng ẩn sau vỏ ngoài đẹp đẽ, mục đích chính của chương trình là thu hút nguồn lao động giá rẻ đến Nhật.

Thống kê từ Bộ Lao động vào tháng 6/2018 cho biết có khoảng 286.000 người đến Nhật theo chương trình Thực tập sinh. Trong đó có 134.000 người Việt Nam, chiếm tỉ lệ đến 47%.

Hai nữ thực tập sinh Việt Nam tại 1 nông trại ở tỉnh Aichi (ảnh: Nikkei Asian Review)

Hai nữ thực tập sinh Việt Nam tại 1 nông trại ở tỉnh Aichi (ảnh: Nikkei Asian Review)

Theo số liệu từ các bộ, trong năm 2017 có 299 trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến thực tập sinh được báo cáo, bao gồm trả công thấp và làm việc ngoài giờ trái quy định. Nhưng đó chỉ là các vụ ghi nhận được, số lượng thực tế có thể cao hơn gấp nhiều lần.

Okabe nêu ý kiến: “Cách duy nhất để chấm dứt việc bóc lột sức lao động là phải cho thực tập sinh được thay đổi nơi làm việc nếu họ bị đối xử bất công. Tuy nhiên quy định hiện tại không cho phép đổi công việc hoặc chỗ làm, trừ những trường hợp có sự can thiệp của Bộ Tư pháp”.

Điều đáng nói là không phải lúc nào người lao động cũng có thể viện đến sự giúp đỡ của Bộ hay từ đơn vị trong nước. Nhiều thực tập sinh chọn cách im lặng, tự mình đối diện với vấn đề nan giải vì nhiều lí do khác nhau.

Okabe giải thích: “Chính phủ Nhật hoặc các bên cử thực tập sinh đến Nhật trong nhiều trường hợp sẽ không can thiệp khi người lao động gặp vấn đề. Vì vậy, những người trẻ này – với tiếng Nhật không đủ tốt hay chưa quen với môi trường sống, làm việc tại Nhật Bản – sẽ phải tự bươn chải, lo sợ bị đuổi về nước hay thậm chí còn bị bóc lột thậm tệ hơn”.

Trước tình trạng đó, sự giúp đỡ của những người như Okabe Nhật Vượng chính là chiếc phao cứu sinh giúp người lao động Việt Nam trụ lại ở Nhật. Anh hỗ trợ thức ăn, nơi ở và giúp họ cải thiện trình độ Nhật ngữ.

Nhiều lần, anh còn di chuyển đến nhiều nơi để giúp thực tập sinh gia hạn visa, liên hệ với văn phòng lưu trú và chính quyền thành phố để có thể ở lại Nhật Bản chờ tiền bồi thường hay để tiếp tục học nghề, kiếm thu nhập.

Okabe bày tỏ: “Tôi luôn muốn giúp đỡ những người chịu thiệt thòi”. Japan Times nói rằng anh Okabe cũng có một hoàn cảnh khá khó khăn thuở nhỏ.

Những người được Okabe giúp đỡ: đủ mọi hoàn cảnh khác nhau

Một trong những trường hợp đáng chú ý nhất là Nguyễn B. C., 34 tuổi, đến Nhật vào năm 2015 trong chương trình thực tập sinh nước ngoài. Trước khi đi, C. chờ đợi sẽ tu nghiệp trong ngành thép nhưng sau đó, anh phải làm làm công việc khử nhiễm phóng xạ ở thị trấn Namie, tỉnh Fukushima trong vòng 1,5 năm mà không có lí do xác đáng.

Sau một năm rưỡi, C. phát hiện mình bị phơi nhiễm phóng xạ ở Namie (thị trấn gánh chịu nặng nề thảm họa rò rỉ hạt nhân năm 2011). Anh C. đã rời khỏi công ty và được Okabe tìm đến giúp đỡ, đưa về nhà tạm trú ở thành phố Koriyama.

C. đọc sách tại nhà lưu trú do Okabe quản lí (Ảnh: Japan Times)

C. đọc sách tại nhà lưu trú do Okabe quản lí (Ảnh: Japan Times)

(Vào tháng 3 năm nay có tin một thanh niên Việt bị lừa đến dọn chỗ nhiễm phóng xạ ở Fukushima gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên sau đó, theo thông tin Đại sứ quán Việt Nam nhận được từ Bộ Tư pháp Nhật Bản, khu vực nhóm công nhân được đưa đến là khu vực an toàn và có cả người Nhật lẫn người Việt Nam. Nam thanh niên này và nhân vật C. ở trên là 2 người khác nhau).

Okabe nói rằng C. chỉ là một “đại diện” cho nhiều trường hợp người lao động Việt Nam lâm vào thế “ở không được, về không xong” tại Nhật Bản.

“Tôi từng giúp đỡ nhiều nạn nhân bị bóc lột, thậm chí có một cô gái 21 tuổi phải phá thai sau khi bị chủ lao động cưỡng hiếp”, Okabe nói với tờ Japan Times. Người này gặp nạn khi làm việc trên nông trại, sau đó lặng lẽ bỏ về Việt Nam vì không muốn gây rắc rối thêm cho gia đình.

Đến Nhật để học nghề, kiếm thu nhập là một quyết định đầy đắn đo nhưng để trụ vững ở đây còn khó hơn

Đến Nhật để học nghề, kiếm thu nhập là một quyết định đầy đắn đo nhưng để trụ vững ở đây còn khó hơn

Một trường hợp khác là Lâm, 22 tuổi. Qua một nhóm người lao động Việt ở Nhật, Lâm gọi điện cầu cứu Okabe từ sân bay quốc tế Kansai, chỉ vài tiếng trước khi… máy bay cất cánh về Việt Nam.

Lâm được chủ doanh nghiệp đưa cho chiếc vé trở về nhà, đúng 6 tháng sau khi đặt chân đến Nhật Bản vì công ty gặp khó khăn tài chính. Nhờ sự thuyết phục và giúp đỡ của Okabe, Lâm quyết định tiếp tục ở lại Nhật tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi chỗ làm sẽ phải kéo dài nhiều tháng và yêu cầu sự hợp tác của tất cả bên liên quan.

Nhưng, còn 1 điều trớ trêu hơn khiến nhiều thực tập sinh phải tìm đến sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm như Okabe – đó là đột nhiên họ bị công ty cũ yêu cầu trở lại làm việc dù trước đó không hề có dấu hiệu nào cho việc này!

Phản hồi của một nhân viên Bộ Tư pháp Nhật với Japan Times về chương trình “Thực tập sinh kĩ thuật”

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Japan Times, vị quan chức cho biết chương trình “Thực tập sinh kĩ thuật nước ngoài” cần phải thay đổi để đảm bảo quyền lợi của thực tập sinh.

Hiện giờ, chính phủ Nhật không cho phép thực tập sinh đổi chỗ làm, e ngại nhiều người sẽ tìm cách đến Nhật nhập cư vì lí do kinh tế. Thay vào đó, những thanh niên này chỉ được kì vọng là đến học kĩ năng, kinh nghiệm trong 1 lĩnh vực nhất định rồi trở về nước.

Tuy vậy, vấn đề phải thay đổi chính là thái độ của chủ doanh nghiệp. Thật không thể chấp nhận khi họ đối xử với thực tập sinh nước ngoài như nguồn lao động giá rẻ.

Dù vậy, nhân viên Bộ Tư pháp dựa trên quan điểm cá nhân, hi vọng rằng các chính sách mới của Nhật Bản sẽ giúp vấn đề trên bớt căng thẳng hơn.

Tạm kết

Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về chính sách mới của Nhật Bản đối với lao động nước ngoài. Người Nhật sẽ mở rộng cửa hơn nhưng vẫn còn tâm lí e dè và nghi ngại sâu sắc. Trong khi đó, đối với lao động nước ngoài thì đằng sau cánh cửa không hẳn là miền đất hứa.

Giữa lúc vấn đề còn nhiều khúc mắc như vậy, sự giúp đỡ tận tâm của những người như Bungo Okabe/ Phạm Nhật Vượng quả thật rất đáng trân trọng.

(Dựa trên bài viết của Magdalena Osumi – Japan Times)

Nguồn: cafef

Tags:
10.000 đàn ông Nhật Bản c.ởi trần tranh nhau thanh gỗ may mắn

10.000 đàn ông Nhật Bản c.ởi trần tranh nhau thanh gỗ may mắn

Những người giữ được hai thanh gỗ thiêng "shingi" giữa đám đông được xem là may mắn nhất năm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất