Bỏ lương gần 150 triệu/tháng của Google, chàng trai 94 về nước làm phần mềm chống gian lận thi cử
Thay vì nhận 6.000 USD hàng tháng từ Google, Lê Yên Thanh (1994) về nước khởi nghiệp với phần mềm chống gian lận trong thi cử lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
14:00 28/11/2018
Từ bỏ một nơi lương cao, môi trường sống tốt, được phục vụ từ A đến Z như Google để về Việt Nam lăn ra khởi nghiệp cùng dự án startup quy mô vỏn vẹn 9 người, Lê Yên Thanh đi con đường mà không phải người trẻ nào cũng có đủ can đảm dấn bước.
Sinh năm 1994, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015 Lê Yên Thanh được xem là “chàng trai vàng” của công nghệ tin học nước nhà khi sở hữu bảng thành tích đáng nể với gần 100 giải thưởng, huy chương danh giá về tin học trong nước và quốc tế.
Được nhận làm thực tập sinh ở Google từ tháng 6/2016 cho đến tháng 10/2016, Thanh nhận lương 6.000 USD/tháng (139 triệu đồng. Sau khi kết thúc thực tập, mặc dù đã nhận được lời đề nghị hợp tác lâu dài, chàng trai An Giang quyết định dừng công việc tại Google, trở về Việt Nam với những ý tưởng, dự án khởi nghiệp riêng.
Khi được hỏi về quyết định trở về nước, Yên Thanh chia sẻ: “Nếu ai đó hỏi mình có hối tiếc khi rời bỏ Google không thì chắc chắn là không bởi thực sự môi trường khởi nghiệp đã giúp mình học hỏi thêm nhiều thứ. Một lý do nữa là mình thích dấn thân vào các dự án khởi nghiệp hơn là làm việc tại các tập đoàn lớn. Mình nghĩ rằng những tập đoàn này sẽ chỉ thích hợp cho mình trong 10 hay 20 năm nữa khi cần một công việc ổn định, không mạo hiểm. Quay trở về Việt Nam là đúng hay sai thì mình vẫn chưa nói được, điều đó phụ thuộc vào việc mình có thành công hay không, nhưng dù kết quả có thế nào mình cũng rất vui vì có thể đóng góp được một chút ‘lửa start-up’ cho những người trẻ. Nếu có thất bại mình vẫn có thể chia sẻ những bài học quý báu cho những bạn trẻ có ý định theo đuổi con đường khởi nghiệp giống mình”.
Cùng với hai người bạn, Yên Thanh là tác giả của Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ blockchain (VEC) – một trong 4 công trình xuất sắc được trao giải thưởng 100 triệu đồng trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018.
Chia sẻ về dự án VEC, Yên Thanh cho biết: “Vào đầu tháng 3 năm nay, nhóm chúng tôi đã bắt tay triển khai phần mềm này, trước khi xảy ra vụ việc gian lận trong thi cử ở Hà Giang, bởi chính mình cũng như các thành viên của nhóm nhận thấy việc tạo ra một kỳ thi nghiêm túc là thực sự cần thiết”.
VEC (Verify your Education Credentials on Blockchain) là một hệ thống cung cấp nền tảng thi cử và làm kiểm tra dựa trên công nghệ Blockchain. Mục tiêu của VEC là tạo ra một ứng dụng giúp tổ chức và lưu trữ giữ liệu thi cử một cách có hệ thống, qua đó góp phần tối ưu hóa về vấn đề bảo mật và an ninh mạng cho những dữ liệu quan trọng trong thi cử. Khi thí sinh đã bấm nút nộp bài, sẽ không một tổ chức, cá nhân nào có thể tấn công, tác động vào hệ thống, kể cả quản trị viên hay người tạo nên hệ thống VEC.
Ngoài tính bảo mật thông tin cao, VEC còn giúp người dùng nhanh chóng chấm điểm, xếp hạng thi sinh theo điểm số cũng như lưu trữ thông tin, tạo hồ sơ cá nhân trong hệ thống dữ liệu. Điều này sẽ giúp các thí sinh nhanh chóng dùng thông tin để xin học bổng, xin việc một cách đơn giản.
“Hiện tại ứng dụng này vẫn đang trong phòng Lap và có thể được tiến hành thử nghiệm trong các kỳ thi dành cho khoảng 10.000 người trở xuống. Còn những kỳ thi có quy mô lớn như thi THPT Quốc gia thì vẫn chưa sử dụng được. Nhóm cũng đang nghiên cứu để tăng giới hạn người sử dụng lên. Dự kiến khoảng cuối năm sau sẽ đáp ứng được những kỳ thi khoảng 1 triệu thí sinh tham gia” – Yên Thanh cho biết.
Nhiều bạn trẻ khi có cơ hội học tập, làm việc ở nước ngoài thường đấu tranh giữa chuyện ở hay về, Thanh thì lại về Việt Nam không do dự. Chia sẻ về vấn đề này, Thanh cho biết:
Đúng là môi trường ở nước ngoài tốt hơn Việt Nam nhiều. Mình qua Mỹ có 3 tháng thôi mà mình thấy giống như được sống trên thiên đàng. Bên đó khí hậu mát, xe cộ thoải mái, tất cả mọi thứ đều rẻ. Ở đây thì vật giá mắc, hệ tầng giao thông chưa tốt, khí hậu thất thường, môi trường ô nhiễm.
Nhưng mà, môi trường sống chỉ là một yếu tố nhỏ. Nhiều người thấy ở nước ngoài sống tốt muốn ở lại. Mình lại nghĩ, ra nước ngoài thấy họ sống tốt rồi phải trở về Việt Nam phải làm gì đó để nước mình cũng có một môi trường sống và làm việc tốt như họ.
Theo: nguoivietonhat.com