Cái giá của đi Tây
Bây giờ mỗi lần về phép, khi nghe mọi người nói sống ở nước ngoài sướng, tôi chỉ cười buồn. Cái giá phải trả đối với nhiều người ở đây là má, nước mắt và những cay đắng mà chỉ có người xa xứ mới hiểu.
06:01 13/07/2022
20 tuổi, tôi hăm hở mang túi ra Nội Bài sang Đức. Máy bay bắt đầu cất cánh, cô chiêu đãi viên phát cho mỗi đứa một trái táo đỏ rực như trong phim cổ tích. Mấy đứa tiếc nên chưa dám ăn và đưa hết cho tôi cầm để ăn dần. Chúng tôi cắn chung nhau một trái táo. Tôi bỏ táo vào túi, rồi ôm chặt vào lòng. Khoảng hơn tiếng sau tôi nôn nao khó chịu, tìm cái gì có thể nôn, nhưng không kịp. Tôi nôn sạch vào túi đựng táo. Đám bạn nhìn tôi tiếc rẻ.
Sang đến Đức, chúng tôi đứng chờ phân về các nhà máy. Tháng 11 trời rét căm căm mà đi dép lê, dép rọ mặt mày tái nhợt, có đứa còn xách bị cói như mua rau trái ngoài chợ, đứa nào cũng ốm tong teo. Sáng sớm hôm sau, khi chúng tôi còn đang ngủ thì bị một tiếng gào thảm thiết đánh thức dậy, đó là bà phụ trách đang đứng giữa phòng la oải oải. Sau đó bà chạy vọt đi, khiến chúng tôi chẳng hiểu gì cả, lại trùm chăn ngủ tiếp.
Một lúc sau, đội trưởng, phiên dịch chạy tới cùng bà. Thì ra bà thấy chúng tôi 2 hay 3 đứa ngủ cùng giường nên muốn tách ra. Phiên dịch và đội trưởng phải giải thích mãi. Vì chúng tôi mới sang, không chịu được cái lạnh nên dồn cùng ôm nhau ngủ một giường. Đêm 30 Tết, chúng tôi làm ca chiều 18h (tức 0h Việt Nam). Khi đất nước mình tưng bừng đón năm mới thì nơi đây tuyết đang rơi. Lần đầu tiên chúng tôi đón năm mới trên xứ người bằng những tiếng nức nở.
Mùng một, khi tôi tỉnh dậy, bạn cùng phòng chúc mừng sinh nhật tôi với chảo cơm rang trứng. Bạn ấy nói định đi mua bánh sinh nhật nhưng cuối tuần cửa hàng không mở nên ăn đỡ để hôm sau mua bù. Tôi với nó lại được dịp rửa mặt bằng nước mắt. Bức tường thành giữa hai bên Đông Tây bắt đầu lung lay vì lúc đó có nhiều bạn đã trốn sang bên kia bức tường thành. Chúng tôi đứng bên này cổng thành, nhìn sang tưởng tượng cuộc sống bên kia. Cuộc sống của chúng tôi bước sang một thời kỳ đầy xáo trộn. Một số bạn xin hồi hương, số còn lại bán thuốc lá lậu. Cuộc chiến giữa các băng đảng bắt đầu nổ ra.
Khi đó, có những gia đình ở Việt Nam hoàn toàn không nhận được tin tức về con em mình nữa. Rất có thể họ đã nằm lại trong cuộc chiến thuốc lá năm nào. Sau khi chính phủ Đức cho phép định cư, các cửa hàng mọc lên như nấm sau mưa. Chủ cửa hàng hoa với bàn tay đầy sứt sẹo, các vết gai cào mưng mủ, các tĩnh mạch chập vào nhau co duỗi cũng khó khăn. Các chủ quán ăn đứng ngày 12 đến 14 tiếng khiến chân nổi đầy u cục vì viêm tĩnh mạch. Các cô bé ngày nào cũng chạy bàn từ sáng đến đêm, giờ đầu gối kêu kẽo kẹt.
Nhiều người viêm thận mãn vì đứng ở ngoài trời lạnh dưới âm độ và họ không dám uống nước vì ngại phải cởi bỏ tới mấy lớp quần áo để đi ngoài. Những người làm 3, 4 ca trong nhà máy thì như người bị mộng du, đang đêm xông vào nhà máy xin lỗi rối rít vì tưởng mình đi làm trễ, hỏi ra mới biết chưa tới ca mình làm, rồi những cuộc hôn nhân không tình yêu, để có giấy tờ ở lại…
Tôi có người bạn vì bị bệnh không đi làm được, không có tiền gởi về nhà cho gia đình nên cũng bị lạnh nhạt. Có bạn bị ung thư biết mình không qua khỏi cũng không đủ tiền để về thăm gia đình. Sau đó chúng tôi quyên góp cho bạn số tiền nhỏ để bạn về thăm quê hương lần cuối. Bạn về xong sang là mất, nhưng cái buồn về nhân tình ấm lạnh theo bạn tới thế giới bên kia khiến chúng tôi rất bất bình. Bạn có lỗi gì chứ? Lỗi là đi Tây bắt buộc phải gởi tiền về mới được mọi người ở nhà đối xử tử tế sao?
Bây giờ mỗi lần về phép, khi nghe mọi người nói sống ở nước ngoài sướng, tôi chỉ cười buồn. Cái giá phải trả đối với nhiều người ở đây là má, nước mắt và những cay đắng mà chỉ có người xa xứ mới hiểu.
* Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả.
Đừng mộng sang Tây nữa: Lương 8 triệu, làm đến 2 giờ sáng, không bằng ngồi bán ốc ở Việt Nam
Tôi làm việc liên tục 5 tiếng, được trả lương 500 AUD/tuần, tiền thuê một căn phòng tại Sydney là 300 AUD/tuần.