Chỉ một cái khe trên tường đã làm thay đổi thế giới - Tiến sĩ Việt và công cuộc phổ biến máy ATM toàn cầu
ATM đã tạo ra một cuộc “cách mạng” trong ngành công nghiệp ngân hàng ngay khi vừa xuất hiện và trong câu chuyện đó, có dấu ấn của một tiến sĩ gốc Việt.
10:35 05/01/2023
“Chỉ một cái khe trên tường đã làm thay đổi thế giới”, đó là những gì người ta từng nói về máy rút tiền tự động ATM, một thiết bị đã quá quen thuộc trong thời đại ngày nay nhưng ở thời điểm vừa xuất hiện, nó đã tạo ra cuộc “cách mạng” trong ngành công nghiệp ngân hàng và thay đổi cách công chúng sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Cuộc ‘cách mạng’ ATM
Khoảng những năm 1960, các ngân hàng tích cực làm việc, tìm giải pháp cho vấn đề làm thế nào để khách hàng rút tiền mặt sau giờ làm việc mà không phải ra tận chi nhánh.
Những nhóm tác giả hoạt động độc lập đã đưa ra nhiều ý tưởng lẫn phiên bản, trong đó chiếc máy rút tiền tự động (ATM) do ông John Shepherd-Barron phát minh được công nhận rộng rãi là ATM đầu tiên trên thế giới được lắp đặt và có người sử dụng.
ATM gây chấn động ngay khi nó xuất hiện. (Ảnh minh họa)
Trước đó, phiên bản máy rút tiền tự động khác đã được một người Mỹ là Luther George Simjian phát triển. Sản phẩm được lắp tại ngân hàng City Bank (New York) năm 1939 nhưng sau phải tháo dỡ do không thành công.
Những sự kiện này đã nổ phát súng khởi đầu cho văn hóa “ngân hàng tự phục vụ” ngày nay - rất lâu trước khi thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng được chấp nhận rộng rãi. Sự thành công của máy rút tiền cho phép mọi người mua hàng ngẫu hứng, chi tiêu nhiều hơn vào cuối tuần và buổi tối để giải trí, đồng thời có nhu cầu đối với dịch vụ ngân hàng ở khắp mọi nơi.
Truyền thông vô cùng chú ý đến những “người thu ngân robot” này. Vào thời điểm nhiều người chưa từng tiếp xúc với các thiết bị điện tử tiên tiến, hệ thống vẫn còn rất nhiều lỗi. Bất chấp nhu cầu rộng rãi, chỉ những khách hàng có “tín dụng tốt” mới được cung cấp dịch vụ. Những chiếc máy ban đầu cũng cồng kềnh, nặng nề, nguy hiểm khi di chuyển, không đáng tin cậy và hiếm khi được đặt ở vị trí thuận tiện.
Không giống như các máy ngày nay, các máy ATM đầu tiên chỉ có thể làm một việc: phân phối một lượng tiền mặt cố định khi được kích hoạt bằng mã thông báo giấy hoặc thẻ nhựa (được phát hành cho khách hàng tại các chi nhánh bán lẻ trong giờ làm việc).
Sau khi được sử dụng, các mã thông báo sẽ được máy lưu trữ để nhân viên chi nhánh có thể lấy chúng và ghi nợ vào các tài khoản thích hợp. Trong khi đó, thẻ nhựa sẽ phải được gửi lại cho khách hàng qua đường bưu điện.
Khỏi nói, các ngân hàng và công ty công nghệ đã phải mất nhiều năm để thống nhất các tiêu chuẩn và giải pháp loằng ngoằng này để thực hiện lời hứa của họ về khả năng tiếp cận tiền mặt 24/7.
Nhưng nhu cầu hệ thống ATM vẫn nhanh chóng "bùng nổ". Đến năm 1970, chỉ có chưa đến 1.500 máy ATM trên khắp thế giới, tập trung ở châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Nhưng sau đó, có khoảng 40.000 máy ATM vào năm 1980 và 1 triệu máy vào năm 2000.
Tiến sĩ Đỗ Đức Cường
Tiến sĩ gốc Việt cải tổ thành công ATM
Cùng với nhu cầu bùng nổ, thiết kế các máy ATM bắt buộc phải trở nên cải tiến và tinh vi hơn. Nhiều cái tên đã góp phần vào suốt hành trình “thay da đổi thịt” này, với hàng loạt các bằng sáng chế được ghi nhận. Trong đó, tiến sĩ gốc Việt Đỗ Đức Cường cùng với nhóm 3 tác giả khác là các nhà phát minh được Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế số D386883, năm 1997 liên quan đến việc cải tiến thiết kế ATM.
Ông Cường sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ông có những năm tuổi thơ nghèo khó, các anh chị em lần lượt chết vì đói, 6 tuổi ông cũng đã chết hụt một lần. Sau này, ông luôn tự nhủ phải làm giàu vì cuộc sống nghèo khó quá hẩm hiu.
Sau khi học tại trường Đại học Y khoa Sài Gòn, ông chuyển sang học ngành Kỹ sư cơ khí tại Đại học Phú Thọ. Năm 1963, trong chuyến thăm và làm việc của một phái đoàn Nhật tại Việt Nam, ông đạt điểm số cao và được cấp học bổng sang Nhật.
Tại Nhật, ông vừa đi học vừa đi làm cho công ty Toshiba. Sau đó phía Mỹ biết được tài năng của ông và mời ông sang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Theo như ông Cường, công việc chính của ông lúc bấy giờ là làm thế nào để ngân hàng phổ biến hơn với mọi người.
Gặp Giám đốc ngân hàng Citibank (Mỹ) trong một buổi ca nhạc, ông nhận được lời mời đến Citibank để phát triển công cụ mới.
Ông cùng đội ngũ kỹ sư bắt đầu mày mò. Những năm cải tiến chiếc máy ATM gắn liền 20 năm công tác tại Citibank của ông. “Tôi nhận ra một điều khi làm việc với Citibank: Nếu ngân hàng không nhìn những người dân bình thường như những khách hàng tiềm năng, ngân hàng không phát triển được. Quần chúng hoá các dịch vụ, ngân hàng sẽ thành công”, ông nói.
Tháng 6/2003, ông Cường về nước sau hơn 30 năm ở Mỹ. Ông tìm hiểu, làm quen với ngân hàng Việt Nam. Đông Á là ngân hàng đầu tiên mà ông Cường hợp tác.
Khi ấy, ở Hà Nội và TP.HCM mới chỉ có máy ATM của ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chủ yếu dành cho khách hàng sử dụng thẻ quốc tế. Ông Cường tiếp tục mục tiêu “quần chúng hóa dịch vụ ngân hàng”, giúp đào tạo những chuyên viên kỹ thuật mạng, vận hành, bảo trì máy ATM.
Khi hợp tác với SaigonBank, ông giải thích: “Công nghệ không phải là cuộc chạy đua thời trang. Và ATM phải mang đến cho khách hàng lợi ích, cho ngân hàng lợi nhuận lâu dài, phải giúp những ngân hàng ít vốn cũng có thể xây dựng hệ thống tương thích với các ngân hàng lớn”.
Để giúp các thành viên hệ thống thẻ ngân hàng Việt Nam (VNBC) trang bị máy ATM, ông Cường trao bản quyền 8 phát minh cho một đơn vị nước ngoài để họ cung cấp những chiếc máy ATM cho ngân hàng Việt Nam, với điều kiện họ không được bán máy qua công ty trung gian nhằm giảm giá thành cho ngân hàng Việt Nam, đồng thời phải hỗ trợ kỹ thuật miễn phí dài hạn.
Nói về ông Đỗ Đức Cường, ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á nhận xét: "Tiến sĩ Cường không chỉ là nhà chuyên môn mà là nhà chiến lược với tư duy làm việc rất đặc biệt. Trên hết, ông ấy làm việc vì cái tâm với trách nhiệm lớn mà không hề tư lợi, chúng tôi cảm nhận và hiểu được tấm lòng muốn cống hiến, đóng góp cho quê hương của mình".
Sau khi về Việt Nam, ông Đỗ Đức Cường là cố vấn cao cấp cho ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Sài Gòn Công thương, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL,Taxi Mai Linh, Bảo hiểm Bảo Việt... và nhiều tổ chức khác. Ông còn được biết đến như một chuyên viên thông thạo nhiều lĩnh vực như y học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính.
Theo VTC
Mẹ chồng Phương Trinh Jolie ở nhà bán hàng cho con dâu tung tăng đi du lịch Mỹ
Phương Trinh Jolie có mối quan hệ rất tốt với mẹ chồng. Nữ diễn viên thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc gia đình hạnh phúc, ấm áp. Mẹ ruột Lý Bình là một người hiện đại, thấu hiểu yêu thương và cảm thông cho con dâu.