Chuyện của một người Mỹ gốc Việt khốn khổ vì lái xe khi uống rượu
Người đàn ông Mỹ gốc Việt đối diện án phạt tù, cuộc sống đảo lộn, tương lai mù mịt sau khi bị phát hiện say xỉn lái xe.
01:14 07/11/2022
Hành động lái xe trong tình trạng say xỉn ở Mỹ phải đối diện không chỉ hình phạt tù mà còn bị đóng số tiền phạt lớn, bị buộc đi lao động công ích, bị bắt phải đóng tiền đi học luật, bị tăng tiền bảo hiểm, trả phí tòa án, luật sư và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày cũng như giấy tờ, công việc trong tương lai.
Đài VOA đăng tải câu chuyện của một người Mỹ gốc Việt có tên là C (giấu tên đầy đủ) từng rơi vào tình cảnh này.
Ông C đã sống ở Mỹ được 34 năm, hiện đang sống ở thành phố San Jose, bang California, là người có tiền sử phạm tội lái xe khi say xỉn, lái xe dưới tác động của chất kích thích. Trong khoảng thời gian từ năm 1990 cho đến 2007, ông C đã 5 lần bị phạt.
Khổ đủ đường
Ông C cho biết, trong lần phạm lỗi đầu tiên (vào năm 1990), ông bị phạt 5.000 USD. Lần thứ hai vào năm 1995, ông bị phạt 10.000 USD. Số tiền phạt cứ tuần tự tăng lên trong những lần sau đó.
Ngoài ra, ông C phải đóng tiền đi học để được dạy về tác hại của rượu bia khi đang lái xe. Lần thứ nhất là ông phải học đủ 15 ngày trong vòng 3 tháng với mức học phí là 2.000 USD. Lần thứ hai là phải học 30 ngày trong vòng 18 tháng với mức học phí 4.000 USD.
Theo trang báo Mỹ, đó chỉ là những mức giá của từ 25 cho đến 30 năm trước.
Trong thời gian bị tạm giam chờ ra tòa, để được tại ngoại hầu tra, ông phải đóng thêm số tiền là 5.000 USD, đó là chưa kể lệ phí phải đóng cho tòa, rồi tiền thuê luật sư cãi cho ông nữa, ông cho biết.
Khi ra tòa, tòa sẽ cho người vi phạm lựa chọn hoặc chịu ngồi tù, hoặc đóng tiền để đi lao động công ích thì sẽ không bị ngồi tù, ông cho biết, và nói thêm rằng số ngày lao động công ích tương đương với số ngày ngồi tù.
Theo lời kể của ông C, lần đầu tiên ông phải lao động 15 ngày và đến lần cuối cùng vào năm 2007 ông bị phạt 60 ngày.
“Tôi phải ra nhặt rác trên xa lộ, đi đào hốc để trồng cây trong công viên, đi rửa đường,” ông nói và cho biết mình chọn cách đi lao động vì nó sẽ giúp cho hồ sơ của ông nhẹ hơn so với bị ghi là có tiền sử án tù.
“Khi đi lao động tôi bị cấm xài điện thoại, cấm hút thuốc lá. Đến muộn 1 phút là bị đuổi về để chờ ngày ra tòa lại. Khi đó sẽ bị nâng số ngày lao động công ích lên.” - ông C kể.
Ông nói sau khi làm hết số ngày công lao động công ích, đi học đủ ngày, thì mới ra xin lại bằng lái. Khi đó, ông phải thi bằng viết lại và chỉ được phép sai 10% (so với những người khác được phép sai 30%).
"Một khi đã phạm luật thì các hãng bảo hiểm cũng tăng phí bảo hiểm xe của người vi phạm lên gấp đôi. Đó là chưa nói đến số tiền bị mất đi vì bị bắt đi lao động nên không thể đi làm kiếm tiền được,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, ảnh hưởng đối với cuộc sống gia đình mới là điều nhức đầu nhất, ông C trải lòng. Vợ ông phải thức khuya dậy sớm đưa ông đi lao động và canh giờ ra đón ông về. Điều đó cũng ảnh hưởng đến công ăn việc làm của vợ ông.
“Có một lần, chính vợ tôi gặp trường hợp cần đi cấp cứu mà tôi không thể nào chở đi được nên phải nhờ người khác chở đi, làm chậm trễ biết bao nhiêu phút,” ông kể. “Cũng may bữa đó không có chuyện gì. Nếu không thì tôi rất ân hận.”
Ông nói những lần tái phạm sau bị xử ngày càng nặng hơn những lần trước. Tuy nhiên, luật bang California chỉ tính số lần tái phạm trong vòng 7 năm, cho nên những lần vi phạm cách hơn 7 năm bị xóa và không được tính đến nữa.
“Tôi bị lần đầu năm 1990, lần hai năm 1995, lần ba năm 1998. Khi đó tôi bị tính là lần vi phạm thứ nhì vì lần thứ nhất vào năm 1990 đã cách đó hơn 7 năm nên đã bị xóa,” ông giải thích. “Nếu vi phạm lần 3 trong vòng 7 năm thì sẽ bị phạt rất nặng.”
Không được nhập tịch
Tuy nhiên, điều làm cho ông sợ nhất khi phạm lỗi là ảnh hưởng hồ sơ giấy tờ cũng như quyền công dân của ông.
Ông cho biết ông đã thi đậu quốc tịch vào năm 1998 nhưng ‘không cho tuyên thệ’. Sở Di trú treo án với ông rằng nếu trong vòng 10 năm sau đó ông không tái phạm DUI thì sẽ cứu xét lại hồ sơ để cho ông nhập quốc tịch Mỹ.
Nhưng đến năm 2001, ông đã vi phạm trở lại. Do đó, hồ sơ vào quốc tịch của ông không bao giờ được nhắc trở lại, ông cho biết. “Suốt đời tôi sẽ không có quốc tịch mà chỉ được thẻ xanh,” ông C nói.
Bên cạnh đó, sau khi vi phạm lần thứ 5 vào năm 2007, tòa án đã bắt ông ký giấy cam kết trong vòng 10 năm không được tái phạm, nếu không ông sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ.
“Tôi rất sợ, cho nên tôi phải đợi sau đó 10 năm mới dám thi lấy bằng lại,” ông nói và cho biết ông mới lấy bằng lái xe lại vào năm 2017 và kể từ năm 2007 cho đến nay, ông không dám tái phạm.
“Vì tôi dự trù trước là sẽ không di chuyển và sẽ không bao giờ uống nên mới dám lấy bằng lái,” ông giải thích.
Về lý do tại sao bị phạt tới 5 lần trong khi hình phạt khắt khe như vậy, ông giãi bày: “Tôi uống hàng ngày nhưng mấy năm trời mới bị bắt một lần. Mình nghĩ là "đen đủi" lắm mới bị bắt, nên tôi cứ uống cứ chạy thôi.”
“Khi uống 1,2 chai bia nó không làm cho mình say, nhưng về nồng độ cồn thì mình đã phạm luật rồi,” ông C thừa nhận.
Ông cho biết những lần ông bị phát hiện có cồn trong người là vài lần chạy lấn làn xe, có lần không mở đèn xi nhan khi chuẩn bị rẽ nên bị cảnh sát dừng lại và phát hiện có cồn. “Hai lần khác là bị dính trạm kiểm soát nồng độ cồn tất cả các xe đi qua,” ông nói thêm.
“Nếu anh chạy đàng hoàng thì dù say xỉn anh vẫn không bị bắt trừ trường hợp có chốt kiểm soát,” ông nói và cho biết nhiều bạn bè ông nghĩ như vậy và có người uống rồi vẫn chạy bình thường nhiều năm rồi mà vẫn chưa bị bắt.
Khi được hỏi bị phạt nặng nề như vậy thì có cảm thấy luật Mỹ quá khắc nghiệt không, ông C. nói "tại mình thôi".
“Tôi cố chấp. Tội tôi làm tôi chịu. Luật tôi thấy đúng vì anh có thể gây ra tai nạn chết người bất cứ lúc nào,” ông nói và cho biết ông chia sẻ câu chuyện của mình để nhiều người lấy đó làm tấm gương đừng phạm vào lỗi lầm giống như ông vì sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Nhận 5000 đô mỗi show, Bằng Kiều lên tiếng: Cuộc sống của tôi ở Mỹ khổ lắm, không giàu như mọi người nghĩ đâu
Bằng Kiều xuất thân là 1 nhạc công, anh thi đỗ và theo học kèn Basson tại Nhạc Viện Hà Nội. Trong thời gian học tập tại đây, Bằng Kiều đã thành lập ban nhạc Chìa Khóa Vàng.