Chuyên gia Nhật đi máy bay riêng sang Việt Nam giám sát vải thiều

Ngày mai (3-6), chuyên gia Nhật sang Việt Nam bằng chuyến bay riêng. Tỉnh Bắc Giang sẽ đón bằng xe chuyên dụng rồi đưa đi cách ly 14 ngày trước khi trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật.

06:00 03/06/2020

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 2-6, ông Lê Bá Thành, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang, cho biết ngày mai 3-6 chuyên gia Nhật Bản sẽ bay sang Việt Nam để trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật.

Chuyên gia Nhật đi máy bay riêng sang Việt Nam giám sát vải thiều - Ảnh 1.

Độ ngọt vải thiều tươi xuất khẩu đi Nhật Bản phải trên 18 độ - Ảnh: K.LỰC

"Theo kế hoạch, chiều 3-6 chuyên gia Nhật sẽ bay đến sân bay Nội Bài. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cùng Sở NN&PTNT và Sở Y tế sẽ đón chuyên gia Nhật bằng xe chuyên dụng và đưa về cách ly 14 ngày tại khách sạn Mường Thanh Bắc Giang" - ông Thành nói

Theo ông Thành, việc chuyên gia Nhật sang Việt Nam lần này là nỗ lực rất lớn trong đàm phán của hai nước, hai bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) để đưa chuyên gia Nhật sang Việt Nam bằng máy bay riêng. 

"Nếu chuyên gia Nhật sang giám sát xuất khẩu được ngay trong năm nay thì sang năm việc xuất khẩu sang Nhật sẽ không phải tập dượt nữa, sẽ rút ngắn được thời gian các lô vải thiều xuất khẩu" - ông Thành nói

Theo ông Thành, thực tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuyên gia Nhật không thể sang Việt Nam nên việc xuất khẩu vải thiều sớm sang Nhật đang bị trễ.

"Hiện các mã vải sớm đã chuẩn bị sẵn sàng, Bộ NN&PTNT cùng Bắc Giang đề xuất Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cho phép chuyên gia Nhật không phải thực hiện cách ly theo quy định. 

Nếu lãnh đạo Chính phủ, Ban chỉ đạo cho phép thì trong vòng khoảng 5 ngày sau khi chuyên gia Nhật sang thì sẽ tiếp tục lấy các mẫu kiểm tra, giám sát để có thể xuất lô đầu tiên đi Nhật sớm hơn. 

Còn nếu phải cách ly 14 ngày theo quy định thì khi đó vải chính vụ bắt đầu vào thời gian thu hoạch nên vẫn còn khoảng một tháng để xuất khẩu sang Nhật" - ông Thành nói

Ông Thành cho biết hiện tại các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu vải thiều sang Nhật đã sẵn sàng. Khi chuyên gia Nhật hết thời gian cách ly, họ sẽ kiểm tra, giám sát, nếu đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ tổ chức làm lễ xuất lô hàng đầu tiên sang Nhật.

Chuẩn bị sản xuất vải thiều cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật đã chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103ha, sản lượng ước 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn.

Theo yêu cầu của MAFF, vải thiều được xuất khẩu vào Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m³ trong thời gian hai giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Theo: tuoitre.vn

Tags:
'Ung thư sẽ thức tỉnh bạn'

'Ung thư sẽ thức tỉnh bạn'

Po Lee từng lao đầu vào công việc thâu đêm, cho đến khi cô được bác sĩ chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn 1C.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất