Chuyện những gia đình bình dân đứt gánh giữa đường vì cố cho con du học
Ngày con trai từ Australia bị trục xuất về nước sau hơn 2 năm du học, bố Nam ra sân bay đón một mình, cả hai cố nén thở dài.
08:00 31/01/2019
Năm 2014, Nam (hiện 25 tuổi) vừa tốt nghiệp cao đẳng nghề ở Hải Dương và chưa xin được việc, người quen rỉ tai nên đi du học Australia – nơi có thể dễ kiếm việc lương cao, sau này còn định cư. Vậy là gia đình tìm tới một công ty nhờ tư vấn. Nghĩ tới viễn cảnh con sang đó có thể đi làm ngay, hết năm đầu là tự lo được, các năm tiếp có tiền dư, về sau có thể kéo được cả em sang, bố mẹ Nam quyết định vay mượn cho đủ 600 triệu đồng nộp. Đây là khoản quá lớn với một gia đình làm nông nghiệp, có một trang trại nhỏ như nhà Nam.
Sang học ở một trường cao đẳng điện tại Sydney, Nam thực sự khủng hoảng. Vài tháng học tiếng Anh cấp tốc không đủ để chàng trai 21 tuổi hiểu được những gì thầy cô, bạn bè nói. Trên hết là cảm giác hoang mang về chuyện phải kiếm tiền.
“Năm đầu bố mẹ xoay xở mỗi tháng gửi sang 1.000 AUD (gần 17 triệu đồng) chỉ đủ đóng học và các thứ linh tinh. Tiền ăn, ở… mình phải tự lo”, Nam kể.
Sau vài tháng ổn định chỗ ở, Nam bắt đầu đi tìm việc. Đầu tiên là phụ bếp, với thù lao 10 AUD một giờ (khoảng 170.000 đồng), mỗi ngày Nam đứng 4-5 tiếng, tuần 5 ngày.
Bị chủ làm la mắng, tìm đủ cách trừ lương, Nam đã chuyển việc nhiều chỗ, từ nhà hàng đến tiệm làm bánh mỳ… Một ngày cuối năm 2016, Nam đang làm nail tại một cửa hàng nhỏ thì bị bắt. Cậu bị trục xuất về nước vì làm thêm quá 20 giờ/tuần.
“Khi ấy, bố mẹ em tuyệt vọng lắm. Khoản nợ vẫn còn, con thì bị đuổi về, ngại với mọi người. Nhưng rồi vẫn phải cố vượt qua thôi”, Nam kể.
Suốt 2 năm qua, lúc đi làm thuê, khi về phụ ở trang trại với bố mẹ nhưng Nam vẫn ấp ủ ý định tiếp tục xuất ngoại để gỡ gạc. Cuối năm 2018, Nam định sang Canada theo diện du khách để tranh thủ làm ăn nhưng visa không được chấp thuận vì từng bị trục xuất.
Ảnh: Videezy.
Cũng từng nghĩ cho con đi du học là sự đảm bảo tương lai cho cả gia đình, chị Thảo, chủ một tiệm ăn ở quận 12 (TP HCM) đã nhận ra sai lầm khi sang xứ người.
Cuối năm 2018, chị đến gặp một trung tâm tư vấn du học ở TP HCM, tìm cách cho con sang Canada. Đơn vị này nói rằng sẽ giúp chị làm hồ sơ chứng minh tài chính, nên dù kinh tế và thu nhập chưa đạt, chị cũng không phải lo. Họ phác ra đường đi nước bước: Chị sẽ đi cùng con theo diện đi du lịch, rồi đi làm hợp pháp tại Canada, lương 5.000 CAD/tháng (khoảng hơn 87 triệu đồng). Chị sẽ ở đó 5,5 tháng rồi về Việt Nam nửa tháng lại sang tiếp. Con chị vừa đi học vừa tìm việc làm thêm. Nếu muốn, chị có thể dễ dàng tìm được người kết hôn giả rồi định cư.
Thấy hợp lý, chị Thảo quyết định để hai con nhỏ lại cho chồng chăm lo, mình đi cùng khi con gái lớn sang du học tại khu vực North York thuộc thành phố Toronto.
“Thực tế sai hoàn toàn. Chi phí cho học hành, ăn ở không thấp như họ nói mà lên tới 550 triệu đồng một năm. Mình tìm việc làm thì không dễ dàng, lúc có lúc không, công việc rất cực nhọc, lúc là ở trang trại nấm, khi trong hãng thịt. Thù lao không cố định, có ngày được 80 CAD, có khi chỉ 70 hay 60”, chị Thảo kể.
Chị cho biết, cảm giác đáng sợ nhất là luôn phải dè chừng xung quanh vì biết mình không hề có giấy phép đi làm. Sau 3 tháng, phần vì nhớ 2 con ở quê nhà, phần vì thấy công việc quá cực nhọc, bấp bênh, chị quyết định về nước. “An ủi duy nhất là con gái đã thích nghi được với môi trường mới và đang học tập ổn bên đó. Nhưng nghĩ tới khoản tiền vài tỷ để lo cho con học thêm mấy năm, tôi thực sự cũng chưa biết tính sao”, chị Thảo bày tỏ.
Dù vậy chị thấy mình vẫn may mắn khi còn đường về. Trong một nhóm mạng xã hội những người Việt ở Canada chị Thảo tham gia, một người mẹ khác còn bán hết nhà, xe máy để cùng con sang đó. Trong lúc con đi học tại một trường cấp 3 ở Vancouver, người mẹ đi làm thêm, hết từ trang trại nấm tới xí nghiệp sơ chế cá, phụ xây dựng… và nuôi hy vọng kết hôn giả với người bản xứ để con được học miễn phí.
Nhưng chỉ sau 5 tháng sang, tiền học kỳ tới của con sắp phải đóng mà chưa có, người mẹ thì hết hạn ở lại theo diện thăm nom nên đành bay về nước và đi ở nhờ nhà người thân. Nếu trong vài tuần tới, chị không lo nổi khoản học phí gửi sang thì con cũng không thể tiếp tục theo học.
Chị Kim Thanh, nhân viên một công ty tư vấn du học Canada tại Hà Nội, cho biết, chứng minh tài chính là yêu cầu bắt buộc khi du học đối với các trường hợp vào các trường trung học hay không đủ điểm IELTS. Một số gia đình có tài chính dồi dào nhưng từ những nguồn khó chứng minh thì trung tâm có thể hỗ trợ nhất định. Tuy nhiên, cũng có nhiều khách kinh tế không đảm bảo, muốn nhờ công ty “dựng hồ sơ” để cho con đi du học.
“Chúng tôi sẽ từ chối ngay. Khi gia đình kinh tế yếu, không chu cấp đầy đủ, học sinh dễ trốn ra ngoài làm, đi làm thêm quá giờ và có nguy cơ bị trục xuất. Khi đó, công ty chúng tôi sẽ bị phía Canada ‘soi’ kỹ hơn, các hồ sơ sau đều khó duyệt”, chị Thanh nói.
Chị cho biết, trung bình, chi phí cho một năm học và sinh hoạt tại Canada khoảng 500-600 triệu đồng. Phụ huynh cần nhân con số này với thời gian con sẽ học bên đó để có dự trù chi phí cần thiết.
“Thực tế, có những đường dây làm ăn chộp giật sẵn sàng nhận dựng hồ sơ giúp đưa người chưa đủ điều kiện đi du học. Gia đình chỉ cần đưa hộ chiếu, họ sẽ lo hết và lấy số tiền môi giới lớn. Khi đó, rủi ro tất nhiên là gia đình gánh”, chị bật mí thêm.
Ông Eric Lam, Cố vấn di trú Canada được cấp phép có trụ sở tại Vancouver, cho biết, ông từng nghe nói về một số gia đình cho con sang đây du học khi tài chính không vững, dẫn tới các hệ lụy đáng tiếc. Một vài trường hợp đã gọi ông nhờ tìm cách giải quyết. “Thường chúng tôi không thể giúp gì vì họ đã vi phạm luật di trú của Canada”, ông nói.
Ông cho biết, thứ nhất, người nước ngoài không được phép làm việc nếu không có giấy phép làm việc, như trường hợp người mẹ sang với mục đích “chăm sóc con”. Việc đi làm khi không có giấy phép đôi khi còn xảy ra những hậu quả rất đáng tiếc như nếu gặp tai nạn lao động thì chi phí y tế sẽ kinh khủng do không có bảo hiểm. Thứ hai, sinh viên đang theo học các chương trình từ cao đẳng trở lên chỉ được phép làm việc tối đa 20 giờ/tuần, trừ khi đang nghỉ hè, đông, xuân… Nếu vi phạm, có thể dẫn tới các hậu quả nặng nề như bị đuổi học, trục xuất.
Ông Eric Lam khuyên, các gia đình muốn cho con đi du học đừng nghe lời dụ dỗ ngon ngọt “có thể đi làm kiếm tiền phụ con đi học” hay “vừa học vừa làm có thể thoải mái”. Hãy chuẩn bị tài chính thật tốt.
Ông Đinh Công Bằng, chuyên gia chính phủ điện tử ở Florida, nhà hoạt động cộng đồng du học – chuyên hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ, cho biết, tại Mỹ, dù chưa có thống kê chính thức, thực tế có rất nhiều du học sinh khó khăn về kinh tế dẫn tới việc phải đi làm thêm, ảnh hưởng kết quả học tập. Sinh viên chạy bàn, làm nail, phụ nấu… ở California và một số nơi khác rất nhiều. Những bạn này thường không giỏi, gia đình tài chính yếu. Một vài người đã tìm tới ông để hỏi khi gặp trục trặc visa.
“Họ đi làm nhiều, điểm xuống quá, trường bắt nghỉ, thậm chí có người bỏ cả học kỳ, khi quay lại trường không nhận nữa. Có những bạn sang Mỹ học lập trình nhưng trượt toán và ngôn ngữ lập trình, phải chuyển sang các ngành nhẹ hơn và gần như không có cơ hội đi làm sau này. Những trường hợp này cuối cùng thường sẽ phải về nước, một số đáng kể ở lại không giấy tờ rồi tính tiếp. Không ít bạn nữ tìm cách lấy chồng bản xứ để được ở lại hợp pháp”, ông nói.
Theo ông Bằng, thực tế du học Mỹ rất khắc nghiệt, đó là cuộc chơi không dành cho tay mơ vì đây là đất toàn người tài và cạnh tranh quần tụ.
Theo: nuocphap.net
9 câu ngụy biện điển hình của người Việt
Có một thói quen rất nguy hiểm mà người Việt thường xuyên sử dụng trong giao tiếp, đó là thói quen ngụy biện. Thói quen này đã lây nhiễm một cách vô hình từ giao tiếp thường nhật, từ tâm lý thắng thua khi tranh cãi, và nhất là trong cộng đồng cư dân mạng…