Cô gái có mẹ người Việt và bố là lính Mỹ tìm được gia đình sau 47 năm
Năm 1974, ba cô con gái của ông Wayne theo cha mẹ về nước, không hề biết em gái út vừa sinh đã bị mang đi cho.
23:29 21/11/2022
Một ngày cách đây 47 năm ở Sài Gòn, một phụ nữ trẻ tuổi ôm đứa con đỏ hỏn, gõ cửa người xa lạ. Cô hỏi người vừa ra mở cửa: “Chị có muốn nuôi đứa bé không?”. Nữ chủ nhà mỉm cười, đưa tay ra đón: “Đứa trẻ sẽ mang lại may mắn cho tôi. Tôi nhận nó”.
Bé gái đó chính là Margaret Trần – người mang hai dòng máu Việt – Mỹ.
Margaret được mẹ nuôi yêu thương nên không hề nghi ngờ về thân phận của mình cho đến năm 11 tuổi. Khi đó, hai mẹ con cô làm hồ sơ sang Mỹ. Họ sẽ phải tham gia buổi phỏng vấn trước khi được xuất ngoại. “Bà hãy nói sự thật đi. Bà không thể sinh con ở tuổi 49 được. Con bé là ai? Bà nhận nó từ đâu?” – người phỏng vấn hỏi. Nghe câu trả lời của mẹ, Margaret đau đớn biết sự thật.
Gia đình sang Brooklyn, New York, mang theo nỗi khắc khoải của Margaret để bắt đầu một cuộc sống mới.
Cô tốt nghiệp trường trung học Garden Grove và sau đó gia nhập quân đội. “Tôi yêu mẹ nuôi rất nhiều, nhưng luôn khát khao biết cha mẹ đẻ của mình là ai. Tôi luôn thắc mắc họ đang ở đâu, cuộc sống của họ thế nào?”, người phụ nữ giờ đã 47 tuổi, có chồng và hai con, tâm sự.
Cô thực hiện ba, bốn xét nghiệm ADN khác nhau. Nhưng suốt 20 năm, câu hỏi về nguồn cội vẫn không có lời đáp. .
47 năm trước, ông Wayne Franklyn, phục vụ trong không quân Mỹ và có 8 năm trong Chiến tranh Việt Nam.
Ông Wayne yêu và kết hôn với Mai, khi đó 18 tuổi – một cô gái từng sống trong trại trẻ mồ côi. Chàng lính Mỹ đã giúp bạn gái đưa các em mình ra khỏi trại trẻ. Họ kết hôn năm 1970 và có ba con gái.
Khi cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam đi đến hồi kết, người chồng đưa vợ và ba con gái về Mỹ, sống tại Nam California vào năm 1974. Cả gia đình sống ở nhiều nơi trên thế giới do ông Wayne là nhà thầu dân sự của quân đội. Ba người chị không hề biết đến sự tồn tại của đứa em thứ tư.
Mẹ nuôi của Margaret qua đời vào năm 2012. Dù đã có gia đình riêng nhưng cô chưa bao giờ từ bỏ hy vọng tìm thấy cha mẹ đẻ. “Tôi cầu nguyện mẹ nuôi trên thiên đường hãy giúp tôi. Và tôi nghĩ bà đã ở đó, nghe thấy lời tôi tha thiết và đang chỉ đường cho tôi”, Margaret nói.
Tháng 6 năm nay, Margaret nhận được thông báo của đơn vị xét nghiệm ADN. Họ cho biết đã tìm thấy một người có cùng phả hệ với cô tên Rebecca, cháu gái của Wayne.
Margaret nhanh chóng kết nối với Rebecca và tìm gặp ba chị gái của mình. “Margaret chủ động nhắn cho tôi. Em ấy hỏi bà Mai, ông Wayne có phải bố mẹ tôi không và có phải các chị là chị ruột của em ấy không”, Terase, người con thứ ba của ông Wayne kể.
Hóa ra, ba chị em Terase và Margaret có chung một người cha là ông Wayne, nhưng không cùng mẹ ruột. “Margaret ít tuổi hơn rất nhiều so với chúng tôi. Điều đó có nghĩa cha tôi đã có con với một phụ nữ khác mà không phải mẹ tôi”, Wanda, người con thứ hai của ông Wayne nhận định.
Ông Wayne không thích nhắc đến chiến tranh và từng có nguyện vọng sẽ trở lại đất nước mình từng tham chiến. Nhưng ông đã qua đời năm 2013. Cả Liên, Wanda và Terase đều tin linh hồn cha đã giúp họ đoàn tụ.
Bốn chị em kết nối với nhau qua Facebook, cùng chia sẻ câu chuyện và hình ảnh để thấy họ có nhiều nét tương đồng. Ông Wayne có má lúm đồng tiền và cả bốn cô con gái đều di truyền nét đẹp này của cha.
“Bao năm qua, tôi chẳng có người thân nào. Chỉ có mẹ nuôi, chồng và hai đứa con. Rất nhiều ngày lễ chúng tôi chẳng biết phải làm gì, đi đâu. Tôi luôn khát khao có anh chị em và giờ tôi có tới ba người chị”, Margaret xúc động nói.
Liên, Wanda và Terasa lo lắng mẹ họ sẽ phản ứng, nhưng bà sẵn sàng chào đón một cô con gái mới. “Mẹ bảo với chúng tôi em ấy xinh đẹp chẳng khác nào ba con gái của mẹ, làm sao có thể không yêu”, Wanda kể lại lời mẹ.
Họ dự định sẽ gặp mặt trực tiếp khi có thể an toàn đi du lịch sau Covid-19. Tuy nhiên, bây giờ, dù chỉ có thể nói chuyện qua mạng xã hội, các chị của Margaret đã dần quen có một cô em gái trong gia đình.
Hiện tại, Margaret đang tiếp tục tìm kiếm mẹ ruột của mình. Dù chỉ biết mẹ là một phụ nữ lai Việt – Campuchia, nhưng cô tự tin mình sẽ tìm được bà, vì bên cạnh cô em út đã có ba người chị đồng hành.
Người Úc dần quen với việc có thêm công việc thứ hai thậm chí thứ ba để trang trải chi phí sinh hoạt
Người Úc dần quen với việc có thêm công việc thứ hai thậm chí thứ ba để trang trải chi phí sinh hoạt