Cô nàng du học sinh bỏ đại học Mỹ về Việt Nam : Bỏ thời gian tiền bạc để du học ở Mỹ mà không định cư quả không đáng

Sau 6 năm du học Mỹ, sắp tốt nghiệp hai chuyên ngành ở đại học, Trần Minh Trang trở về Việt Nam theo đuổi ước mơ làm bác sĩ.

10:08 28/11/2022

Trong lúc chờ nhập học vào tháng 9, Trang tiếp tục học online để hoàn thành nốt chương trình Khoa học Sức khỏe, chấp nhận bỏ chuyên ngành Quản trị Y tế của Đại học Drexel, bang Pennsylvania, Mỹ.

Em cũng xin thực tập ở các bệnh viện Hạnh Phúc, 175 và Việt Pháp ở TP HCM để tích lũy kinh nghiệm thực tế.

Nghĩ tới chặng đường sắp tới, Trang mỉm cười bảo không thể ngờ đại dịch đã làm thay đổi con đường tương lai, cho em thêm cơ hội và cả thách thức.

Học hết lớp 8 ở Việt Nam, Trang sang Mỹ học trường dòng Bishop O’Connell, bang Virginia, nhờ vợ chồng dì giám hộ.

Không chuẩn bị tâm lý, nữ sinh bị sốc văn hóa suốt một năm. “Ở Việt Nam, tiếng Anh nghe, nói của em khá tốt, nhưng sang đây dường như không thể hiểu được người bản xứ nói gì”, Trang nhớ lại.

Các trường dòng chủ yếu dành cho người bản địa, ít học sinh quốc tế. Không hiểu văn hóa, không ở ký túc xá, lại nhút nhát, Trang càng khó hòa nhập. Ngày nào Trang cũng gọi về nói chuyện với bố mẹ, có lúc đòi về Việt Nam.

Được bố mẹ động viên, Trang tìm kiếm niềm vui ở hoạt động ngoại khóa. Em tham gia câu lạc bộ chụp ảnh và toán – khoa học của trường.

Mê tennis từ hồi còn ở nhà, nữ sinh gia nhập đội tennis của trường và trở thành đội trưởng. Gần hai năm sau, em bắt đầu có vài người bạn thân là người bản địa. Họ giải thích cho Trang về văn hóa, lối sống, giúp em thích nghi.

Học hết trung học, Trang muốn vào trường y để nối nghiệp bố và bà ngoại, nhưng cần tốt nghiệp đại học thì mới được học y và trải qua 3-7 năm thực tập bác sĩ nội trú mới được cấp giấy phép hành nghề bác sĩ. Sau đó, Trang sẽ phải tham gia hàng loạt kỳ thi để giữ bằng hành nghề và bằng chuyên khoa.

Chi phí học trường y ở Mỹ đắt đỏ, tỷ lệ chọi khốc liệt, lại không có lợi thế của sinh viên bản địa được hỗ trợ tài chính, Trang chọn học hai ngành liên quan đến y khoa là Quản trị Y tế và Khoa học Sức khỏe của Đại học Drexel, bang Pennsylvania, trường xếp thứ 133 trong nhóm đại học quốc gia của Mỹ.

Tháng 5/2020, khi đang học năm ba Đại học Drexel, Trang về Việt Nam tránh Covid-19, chuyển sang học online. Vẫn ấp ủ ước mơ làm bác sĩ nên khi biết trường VinUni mở khoa Y, chương trình đào tạo của Mỹ, Trang tìm hiểu rồi cùng mẹ từ TP HCM ra Hà Nội tham quan, nộp đơn xin học bổng.

Từng thực tập tại các cơ sở y tế ở Mỹ, Trang nói khá bất ngờ với điều kiện học tập ở trong nước.

Trường có Trung tâm mô phỏng với máy móc hiện đại, giúp sinh viên có trải nghiệm thực tế. “Ở đây sinh viên được học trên mô hình, học cách xử lý tình huống mô phỏng trong phòng mổ, hay khi tiếp xúc với bệnh nhân. Em chưa thấy trường nào có trung tâm mô phỏng như vậy”, Trang chia sẻ.

Nhận thư báo trúng học bổng 100%, Trang vui nhưng cũng bối rối. Nếu học tiếp ở Mỹ, em chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp.

Sinh viên Drexel có nhiều cơ hội việc làm do trường có chương trình hợp tác với các công ty khắp thế giới. Việc học ngành liên quan đến y cũng giúp em tìm được công việc tốt, có nhiều cơ hội định cư nếu muốn.

Sau nhiều ngày cân nhắc, Trang quyết định học trường y Việt Nam. “Bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để đầu tư cho việc đi học trường y ở Mỹ mà không định cư quả không đáng”, Trang giải thích, chấp nhận học 6 năm đại học ở Việt Nam, sau đó học tiếp 4 năm nội trú và chuyên ngành để có chứng chỉ hành nghề.

Người thân đưa ra nhiều lý do ngành học khó, vất vả với con gái, trong khi cơ hội bên Mỹ rộng mở để khuyên em nghĩ lại. “Nhưng em khá lì, khi đã yêu thích gì là theo đến cùng và càng muốn mạo hiểm”, Trang nói.

Khác với những lần xin học bổng trước, lần này Trang có sự tự tin, tâm thế thoải mái. Em cũng có lợi thế hơn các ứng viên vì đã ba năm học đại học tại Mỹ, có kinh nghiệm tham gia nhiều hoạt động hay thực tập tại các bệnh viện. Kết quả học đại học của em tốt, với GPA 4.0, điểm SAT 1470/1600 (top 2% của thế giới).

Nhắc tới những thành tích này, cô gái có làn da bánh mật khiêm tốn nhận mình may mắn. “Em hào hứng khi sắp tới được học với nhiều nhân tài, tuy nhiên cũng sẽ khó khăn khi nhiều tuổi hơn các bạn”, Trang nói.

Bà Đặng Tuyết, mẹ Trang, tự hào nhắc đến con gái chịu khó, tự tin và thân thiện với mọi người. Khi biết con có cơ hội trở thành bác sĩ tương lai, gia đình phấn khởi nhưng cũng lo ngành học khó, con vất vả. Tuy nhiên, gia đình tôn trọng quyết định của Trang./.

Tags:
Người Việt làm nail ở trời Tây: ‘Ma lực’ khủng khiếp, dính vào thì khó rút chân ra

Người Việt làm nail ở trời Tây: ‘Ma lực’ khủng khiếp, dính vào thì khó rút chân ra

Nghề làm nail trong cộng đồng người Việt ở Mỹ có một ma lực khủng khiếp. Bất kể bạn là cô gái đang thanh xuân đẹp đẽ hay người sắp 60 gối mỏi tay run, một khi đã sống được với nail rồi thì khó rút chân ra.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất