Covid-19: Người Nhật sáng chế 'khẩu trang thông minh', dịch được cả tiếng Việt

Không chỉ chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, những chiếc khẩu trang thông minh được thiết kế tại xứ sở Mặt trời mọc còn hỗ trợ người dùng chuyển ngữ 8 thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt.

15:00 12/08/2020

Khi đại dịch Covid-19 biến khẩu trang trở thành một vật dụng thiết yếu hàng ngày, công ty khởi nghiệp (start-up) Donut Robotics của Nhật Bản đã nhận ra một cơ hội phát tài với sản phẩm "khẩu trang phiên dịch".

covid 19 nguoi nhat sang che khau trang thong minh dich duoc ca tieng viet

Khẩu trang thông minh có thể dịch 8 thứ tiếng của công ty Donut Robotics. (Nguồn: CNN)

Được làm bằng nhựa trắng và silicon, chiếc khẩu trang thông minh được trang bị một microphone có thể kết nối với điện thoại thông minh của người sử dụng qua Bluetooth.

Sau khi được kết nối với một ứng dụng trên điện thoại, chiếc khẩu trang C-Face Smart có khả năng phiên âm chính tả, khuếch đại giọng nói của người sử dụng, và đặc biệt là có thể dịch lời nói từ tiếng Nhật sang 8 ngôn ngữ khác nhau, bao gồm tiếng Anh, Pháp, Trung, Hàn, Tây Ban Nha, Indonesia và cả tiếng Việt

Mặt trước của chiếc khẩu trang thông minh được khoét lỗ để người sử dụng có thể dễ dàng hít thở, vì thế, nó không có chức năng chống lại virus Covid-19. Thay vào đó, nó được thiết kế để đeo bên ngoài một chiếc khẩu trang thông thường, CEO Taisuke Ono của Donut Robotics giải thích.

Ban đầu, Công ty Donut Robotics đã phát triển phần mềm dịch thuật cho một robot được đặt tên là Cinnamon, thế nhưng khi đại dịch xảy ra, dự án robot đã bị đình trệ. Và đó là lúc các kỹ sư của nhóm nảy ra ý tưởng tích hợp phần mềm của họ trong chiếc khẩu trang.

Dự án robot tiềm năng

Công ty Donut Robotics được thành lập năm 2014 trong một garage ở thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản.

covid 19 nguoi nhat sang che khau trang thong minh dich duoc ca tieng viet

CEO Taisuke Ono thử nghiệm robot Cinnamon tại sân bay Haneda, Tokyo vào năm 2017. (Nguồn: CNN)

Taisuke Ono đã cùng với với kỹ sư Takafumi Okabe sáng lập nên công ty Donut Robotics với sứ mệnh “thay đổi thế giới bằng những con robot nhỏ gọn giúp con người giao tiếp với nhau một cách dễ dàng”.

Nhờ vào nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, bộ đôi này đã tham gia vào Haneda Robotics Lab – một dự án có mục đích tìm kiếm các loại robot có thể cung cấp dịch vụ cho du khách tại sân bay Haneda của thủ đô Tokyo.

Theo người phát ngôn của Haneda Robotics Lab, những con robot ngày càng trở nên cần thiết khi nguồn nhân lực của Nhật Bản bị "lão hóa" khiến cho việc tuyển dụng nhân viên trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Chú robot mang tên Cinnamon của công ty Donut Robotics, được thiết kế để cung cấp thông tin và chỉ dẫn đường đi cho khách du lịch, là một trong bốn mẫu robot phiên dịch được lựa chọn vào năm 2016. Người phát ngôn của Haneda Robotics Lab cho biết, robot Cinnamon đã đánh bại các đối thủ nhờ thiết kế đẹp mắt và thân thiện với người dùng. Ngoài ra, chú robot này có khả năng phiên dịch tốt dù trong môi trường nhiều tiếng ồn như sân bay.

Thành công này đã thúc đẩy công ty chuyển đến Tokyo và tiếp nhận thêm ba thành viên mới.

Taisuke Ono cho biết, phần mềm của công ty Donut Robotics được phát triển dựa trên phương pháp học máy (machine learning) với sự hỗ trợ của các chuyên gia dịch thuật. Đặc biệt, phần mềm này được chế tạo chuyên biệt dành cho tiếng Nhật. Ông tuyên bố rằng, đối với người sử dụng Nhật Bản, “công nghệ này tốt hơn hẳn Google API hoặc các công nghệ phổ biến khác” vì hầu hết các ứng dụng này tập trung vào việc dịch các thứ tiếng sang tiếng Anh và ngược lại.

Nhóm nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm mẫu robot tại sân bay Haneda vào năm 2017 và vẫn đang tiếp tục phát triển công nghệ này.

Tuy vậy, vào đầu năm nay, dịch Covid-19 đã tấn công châu Á và dự án bắt buộc tạm dừng. “Chúng tôi dần cạn vốn và chưa biết làm sao để duy trì hoạt động công ty,” Taisuke Ono nói.

Nhóm nghiên cứu cố gắng tìm kiếm các giải pháp và bất chợt nảy ra ý tưởng tích hợp phần mềm của họ sản phẩm bán chạy nhất trong cơn đại dịch này.

Thị trường tiềm năng "mùa Covid"

Đại dịch Covid-19 đã biến khẩu trang trở thành một trong những mặt hàng được săn đón nhất hiện nay. Trên thực tế, tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc đeo khẩu trang nơi công cộng đã trở thành một điều bắt buộc.

covid 19 nguoi nhat sang che khau trang thong minh dich duoc ca tieng viet

CEO Taisuke Ono thử nghiệm robot Cinnamon tại sân bay Haneda, Tokyo vào năm 2017. (Nguồn: CNN)

Nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ công nghệ dịch thuật kết hợp với khẩu trang bảo vệ sức khỏe, Công ty Donut Robotics đã khởi động một đợt gây quỹ trên nền tảng huy động vốn cộng đồng Fundinno của Nhật Bản vào tháng 6 vừa qua. Taisuke Ono đã huy động được 28 triệu Yen Nhật (tương đương 265.000 USD) chỉ trong vòng 37 phút. “Thật đáng ngạc nhiên vì thường sẽ mất từ ba đến bốn tháng để có thể huy động được số vốn đó” - ông nói.

Vòng gọi vốn thứ hai trên nền tảng Fundinno đã giúp Công ty Donut Robotics huy động được thêm 56,6 triệu Yen (539.000 USD), và với số vốn này, Taisuke Ono dự định sẽ sử dụng để phát triển phần mềm dịch thuật cho thị trường quốc tế. Để mở rộng quy mô sản xuất, Donut Robotics đã hợp tác với một công ty ở Tokyo mà họ từ chối nêu tên.

Taisuke Ono cho biết, công ty sẽ bắt đầu phân phối sản phẩm khẩu trang thông minh tại Nhật Bản vào tháng Mười Hai tới, với sản lượng ban đầu từ 5.000 – 10.000 chiếc. Giá của mỗi chiếc sẽ dao động từ 40-50 USD, chưa tính đến chi phí đăng ký ứng dụng trên điện thoại. Theo Taisuke Ono, Donut Robotics sẽ chưa mở rộng ra thị trường ngoài nước trong thời gian sắp tới, nhưng họ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm tại Anh và Mỹ, nơi họ có kế hoạch gây quỹ cộng đồng trên nền tảng Kickstarter.

Taisuke Ono cho biết, con chip Bluetooth của chiếc khẩu trang có thể kết nối với điện thoại thông minh với khoảng cách tối đa 10m. Ông hy vọng, mặt hàng khẩu trang mới này sẽ giúp việc giao tiếp tại những nơi công cộng như bệnh viện và công sở trở nên dễ dàng hơn. “Trong nhiều trường hợp, chúng ta vẫn cần phải gặp mặt trực tiếp,” ông ấy nói. “Trong điều kiện bình thường mới này… chiếc khẩu trang sẽ rất hữu ích”.

Theo: baoquocte.vn

Tags:
Thủ tướng Abe: Cần nỗ lực để không rơi vào tình huống tái ban bố tình trạng khẩn cấp, hạn chế tác động với nền kinh tế

Thủ tướng Abe: Cần nỗ lực để không rơi vào tình huống tái ban bố tình trạng khẩn cấp, hạn chế tác động với nền kinh tế

Tại buổi họp báo diễn ra hôm 9/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh cần tăng cường các biện pháp phòng dịch để tránh tuyên bố lại tình trạng khẩn cấp nhằm hạn chế những tác động do dịch bệnh gây ra đối với nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất