Cuộc chiến gia sản của 5 bà vợ và 16 người con tỷ phú đôla gốc Việt Trần Đình Trường ở Mỹ

Tỷ phú gốc Việt Trần Đình Trường qua đời vì bệnh tim, để lại gia tài 100 triệu USD nhưng không có di chúc, dẫn đến vụ kiện tụng tranh chấp tài sản giữa 5 người đàn bà và 16 người con. Hồ sơ vụ kiện này hứa hẹn còn dài, và câu chuyện vừa được nhật báo New York Times tóm lược qua bài phóng sự điều tra của John Leland với tựa đề: “Cuộc đời và di sản của ông Trần”

20:34 16/02/2023

Chào nước Mỹ bằng 2 va li tiền, vàng

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo ở Hà Tĩnh, ngay từ những năm vừa trưởng thành, ông Trần Đình Trường đã tự tay gây dựng cơ nghiệp kếch sù trong thời kỳ chiến tranh. Năm 1950, ông Trường gặp một phụ nữ tên là Thị Ngũ. Hai người lấy nhau qua một hôn lễ ở nhà thờ và cuối cùng đã có bốn người con với bà này. Thế nhưng hai người không có hôn thú, mà theo các thành viên trong gia đình là “chuyện bình thường trong thời kỳ loạn lạc chiến tranh Việt Nam, giấy tờ nào cũng có thể bị mất”. Sau khi có hiệp định Geneve chia đôi đất nước năm 1954, ông Trường dạt vào lập nghiệp trong miền Nam, từ đó ông không gặp lại bà Ngữ cho đến hơn 40 năm sau.

Ông Trần Đình Trường và bà Sang – người tự nhận là vợ chính thức của ông.

Năm 1959, ông Trường gặp cô thiếu nữ mới 16 tuổi tên là Nguyễn Sang khi cô này giành vương miện Hoa hậu trong cuộc thi do tờ báo Phụ Nữ Ngày Mai tổ chức. Theo các lời khai của bà Sang thì hai người lấy nhau ngày 1.1.1960 qua một hôn lễ dân sự và hai người sống chung từ đó cho tới khi ông Trường qua đời.

Ông Trường khởi nghiệp ở miền Nam bằng nghề mua bán hàng hóa, quân trang quân dụng, sau đó ông lập công ty vận tải lớn nhất của miền Nam lúc đó, mở rộng với 24 thương thuyền, hàng trăm xe tải và làm chủ cả một bến cảng.  Sau năm 1975 ông Trường lo cùng gia đình sang Mỹ với 2 va li đầy vàng vì không kịp rút tiền khỏi ngân hàng. Trong một cuộc phỏng vấn của báo The New York Times năm 1994, ông nói số vàng đem theo trị giá “có thể là một triệu đô la”, sau đó sửa lại rằng giá trị “dưới một triệu đô la”.

Nhưng Nguyễn Văn Thanh, một thiếu niên đã được ông Trường nhận làm con nuôi ở Việt Nam, thì khai đã rời Việt Nam cùng con tàu với ông Trường và được giao xách theo hai va li, “một chứa khoảng 7 triệu USD tiền mặt và va li kia chứa khoảng 25 kg vàng” tất cả đều của ông Trường. Bốn phụ nữ có con với ông đều di tản, hoặc cùng ông trên một con tàu, hoặc trên những chiếc tàu của ông.

Khi ra đi, ông cũng để lại Việt Nam cho bà Ngữ và các con của bà này một khoản tiền mặt và vàng nhiều “ngoài sức tưởng tượng tính theo giá trị ngày nay” (theo lời khai của một trong những con trai của bà này sau đó).

Trở thành tỷ phú 

Tại Mỹ, ông Trường đưa đại gia đình tới New York định cư. Năm 1975, ông Trường mua khách sạn đầu tiên là Hotel Opera 23 tầng, chỉ chuyên phòng đơn, trên đường 77 khu Broadway. Tại khách sạn này ông lấy hẳn 1 tầng để sống cùng bà Sang, các con bà này và hai người tình Nguyễn Thị Châm và Phan Hoa. Riêng người tình thứ 3 là bà Hưng không chịu ở chung với những người khác nên sống riêng với con mình ở tầng khác.

Ông Trường (ảnh trái) tiếp tục mua thêm khách sạn Carter trên đường West 43 Street, mà trang web TripAdviser chọn là “khách sạn bẩn thỉu nhất ở Mỹ” trong ba năm liên tiếp. (Ảnh: Internet)

Sau đó ông Trường tiếp tục mua thêm nhiều khách sạn khác. Đầu tiên là khách sạn Carter trên đường West 43 Street, mà trang web TripAdviser chọn là “khách sạn bẩn thỉu nhất ở Mỹ” trong ba năm liên tiếp. Sau đó là một khách sạn ở Buffalo.

Năm 1985, ông Trường mua khách sạn Kenmore 641 phòng ở đường East 23, lúc bấy giờ là khách sạn phòng đơn lớn nhất ở New York với giá 7 triệu 900 ngàn đô la. Ba năm sau, ông mua Times Square Hotel 735 phòng ở đường West 43, bất chấp sự phản đối của những người thuê phòng và của cả Hội đồng thành phố New York. Tại khách sạn Times Square Hotel, ông đã thu của quỹ phúc lợi thành phố mức tiền thuê cao tới 2. 649 đô la/người/tháng cho các khách hàng vô gia cư trọ. Nhưng cũng thời điểm đó, khách sạn Times Square Hotel liên tiếp dính đến những vụ vi phạm luật an toàn và y tế, thậm chí có thống kê nói rằng số lần vi phạm tăng hơn 1.500 vụ. Tháng Giêng năm 1990, thành phố New York thắng kiện, tịch thu và giành quyền kiểm soát khách sạn này.

Trong khi đó, ở khách sạn Kenmore, chuyện buôn bán ma túy và gái mại dâm là điều công khai. Từ tháng 5.1991 đến giữa năm 1994, có tới 189 vụ bắt giữ ma túy hoặc khiếu nại của cư dân về tệ trạng khách sạn này. Công tố viên cáo buộc trong khách sạn bọn tội phạm chiếm toàn bộ nhiều tầng, cướp của và thậm chí hạ sát nhiều người già chỉ để cướp các khoản tiền nhỏ.

Khách sạn Kenmore tuy tồi tệ như thế nhưng là nhà của bà Châm cũng là người quản lý, sống ở tầng hai với 5 người con có với ông Trường. Ông Trường không hề phủ nhận chuyện buôn bán ma túy lan tràn ở Kenmore, nhưng ông chẳng cần xin lỗi ai về chuyện đó, bởi ông này từng nói với báo The Times hồi năm 1994 rằng: “Các khách sạn lớn, Helmsley và Trump đã gửi  những người xấu đến khách sạn của tôi. Đáng lẽ thành phố nên cảm ơn tôi mới phải vì có công chăm sóc rất nhiều người nghèo và vô gia cư!?”.

tran-dinh-truong-2-1638608014.jpg

Khách sạn Carter và khách sạn Kenmore, hai trong số các tài sản của ông Trường (ảnh trên) năm 1994.

Thành phố New York không đồng ý với chuyện đó. Vào ngày 8.6.1994, Cảnh sát liên bang và thành phố xông vào Kenmore, bắt giữ 18 người và tịch thu khách sạn với lý do đó là một động ma túy lớn và công khai. Thế nhưng ông Trường và cả gia đình ông không bị buộc bất kỳ tội danh nào.

Ông Trần Đình Trường cũng là đối tượng đầu tiên trong lịch sử Mỹ là chủ nhân 1 khách sạn lớn nhất từng bị tịch thu vì tệ nạn ma túy, là cá nhân hiến tặng số tiền “khủng” 2 triệu USD cho Hội Chữ Thập đỏ Mỹ trong cuộc quyên góp Quỹ cứu trợ Thiên tai sau vụ khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 11.9.2001.

Ai là vợ, ai là bồ?

Khi qua đời năm 2012, ông Trường để lại một khối tài sản trị giá khoảng 100 triệu USD, cùng ít nhất 16 người con đã có với 5 phụ nữ, trong đó một người tự nhận là vợ chính của ông, mà hoàn toàn không để lại lời trối trăng hay di chúc nào.

Điều này đã khiến ngay cả khi ở bên kia thế giới, ông Trường vẫn đang là đối tượng mổ xẻ, nghiên cứu trong cuộc chiến tranh giành tài sản của các bà vợ và những người con.

Tháng 5.2014, một thẩm phán của Tòa Gia Đình phán quyết rằng, chuyện một trong những phụ nữ có liên hệ với ông Trường từng khai trong hồ sơ thuế của bà ta là độc thân không ảnh hưởng gì đến chuyện bà ta khai đã kết hôn với ông, và vì vậy có quyền hưởng một nửa tài sản ông ta để lại. Phán quyết này đã mở đường dẫn đến một cuộc chiến trước Tòa liên quan đến 30 hoặc nhiều hơn nữa – những người nhận là thừa kế và chắc chắn phải mất nhiều năm mới giải quyết được. Tất cả những người liên quan đến vụ tranh chấp tài sản này, hoặc qua luật sư hoặc trực tiếp, đều từ chối lời yêu cầu phỏng vấn báo chí, nhưng họ đều đã kể chuyện của mình trong một núi tài liệu nộp trước tòa. Duy nhất một điều không khác biệt trong quan điểm của tất cả mọi người dự phần trong cuộc tranh chấp này là “kẻ khác đang nói dối.”

Trong một lời khai nộp trước tòa của bà Nguyễn Thị Hưng- một trong số những người tự nhận là vợ của ông Trường, nói rằng, khi còn ở miền Nam, Việt Nam, ông Trường sống không phải với một phụ nữ mà “cùng lúc với nhiều người đàn bà”. Bà Hưng khai: “Thời đó, chuyện 1 người đàn ông có quan hệ với nhiều phụ nữ không phải là vợ, là chuyện hết sức bình thường”. Suốt thời gian này ông Trường luân phiên sống với tất cả những người phụ nữ có quan hệ với mình cùng với con cái những bà này. Marc Bogatin, từng là luật sư đại diện cho ông Trường, bây giờ đại diện cho một trong những con gái của ông nhận xét rằng “Ông ấy cố gắng làm người cha cho tất cả các con của mình, và đối với một người có rất nhiều con thì người như ông Trường thật là người cha tận tâm”.

Tuy nhiên bà Sang, người tự nhận là vợ chính thức của ông Trường, đã bác bỏ những lời khai này. Bà Sang khai trước Tòa phủ nhận chuyện ông Trường đã sống luân phiên với những phụ nữ khác. Với cuộc sống (bận rộn) gồm cả chuyện kinh doanh và xoay vòng với các gia đình, ông Trường vẫn đều đặn dự thánh lễ mỗi ngày tại nhà thờ Holly Cross ở đường West 42nd St.

Bà Sang kể rằng, ông Trường và bà đã làm đám cưới và có giấy chứng nhận kết hôn khi ở Việt Nam, nhưng đã thất lạc.

Bà Sang khai hôn lễ chỉ có các viên chức hành lễ chứ không có khách khứa nào và bà này cũng có 3 con với ông Trường khi ở Việt Nam, sau đó có thêm con thứ tư sinh ở New York. Bà Sang khai mình là người đã giúp ông bắt đầu các công ty, đầu tư tiền bạc và từng là phó chủ tịch Hội đồng quản trị các doanh nghiệp vận chuyển và sau đó là phó chủ tịch kinh doanh khách sạn của ông ở New York.

Hình ảnh nộp kèm hồ sơ tòa án cho thấy ông Trường,  bà Sang là cặp vợ chồng hạnh phúc và thịnh vượng cùng với con cái.

Tags:
Gần 60 NSND Lan Hương vẫn miệt mài kẻ mí mắt đậm, tưởng trẻ ai ngờ “dìm sắc” thấy thương

Gần 60 NSND Lan Hương vẫn miệt mài kẻ mí mắt đậm, tưởng trẻ ai ngờ “dìm sắc” thấy thương

Thập niên 90, Lan Hương được xem là ‘biểu tượng nhan sắc’ của màn ảnh Việt. Sở hữu làn da trắng như tuyết bông, đôi mắt to tròn đen láy sâu thẳm và khuôn mặt kiều diễm, vẻ đẹp của nữ nghệ sĩ thời điểm ấy còn được so sánh với búp bê, bởi quá sức trong trẻo.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất