Cuộc sống giữa Việt Nam và xứ Tây trong mắt của Việt kiều
Tại trời Tây, đàn ông dù kiếm được nhiều hay ít tiền đều phải có trách nhiệm chia sẻ với vợ việc gia đình.
03:24 22/10/2022
Tổng thống hay những người rất thành đạt, giàu có vẫn chui vào bếp như thường.Bất cứ ai khi thay đổi môi trường đều phải biết cách thích ứng với môi trường mới, trước hết phải tìm hiểu, sau đó là tìm cách để thích ứng. Có những cái tốt ở môi trường mới cần học tập và có những cái tốt ở môi trường cũ cần kế thừa và phát huy.
Tôi đưa ra đây một số sự khác biệt về văn hóa và ứng xử gia đình giữa trời Tây nói chung(giống như phần lớn các nước phương Tây) và Việt Nam (văn hóa Á Đông).
Trong quan hệ giữa vợ và chồng: Tại xứ người sự bình đẳng thể hiện khá rõ nét. Người chồng và người vợ cũng có trách nhiệm đối với gia đình như nhau. Nhiều khi đàn ông làm các công việc gia đình thậm chí còn nhiều hơn cả phụ nữ, kể cả chăm sóc con cái. Quan niệm về cuộc sống gia đình là cả hai vợ chồng đều cũng phải chia sẻ gánh vác và cùng nhau làm các công việc theo tôi là rất tốt, nó sẽ giúp cho vợ chồng gắn bó với nhau hơn.
Chúng ta thấy một số gia đình ở Việt Nam người chồng đi làm kiếm tiền là chủ yếu. Người vợ đi làm với số lương ít hơn thì hầu như công việc gia đình được giao nghiễm nhiên cho phụ nữ. Anh chồng đi làm về gần như không động tay vào công việc gia đình. Các bữa nhậu vui vẻ với bạn bè, đối tác được cho là làm việc. Nhiều phụ nữ Việt Nam khá vất vả vì vừa phải đi làm, vừa phải chăm sóc con cái, vừa phải lo toan hầu hết các việc gia đình.
Tại xứ người, bất kể người đàn ông có kiếm được nhiều tiền hay ít tiền đều phải có trách nhiệm cùng chia sẻ với vợ việc gia đình, chăm sóc con cái. Kể cả các tổng thống hay những người rất thành đạt, giàu có vẫn chui vào bếp như thường, dạy con học và đưa con đi chơi. Họ vẫn phải dành thời gian nhất định cho gia đình. Không nên có quan niệm chỉ kiếm thật nhiều tiền về nhà là đủ, còn lại thuê osin làm thuê và chăm sóc con cái, điều này rất sai lầm, vì lúc đó ý nghĩa về cuộc sống gia đình không còn nhiều.
Giữa con cái và bố mẹ cũng có sự bình đẳng, tôn trọng tương đối rõ nét. Tôi có cảm nhận trẻ con ở trời Tây và canada nói riêng khá ngoan và biết cái gì được phép và cái gì không được phép. Thông thường bố mẹ thường quy định khá rõ ràng những gì được làm và những gì không được làm ngay từ đầu, trẻ con tuân thủ khá tốt những quy định này. Có một số thứ phát sinh chúng thường hỏi bố mẹ trước có được phép không, nếu bố mẹ đồng ý thì nó làm và nếu không đồng ý thì thôi. Ít thấy trường hợp trẻ con khóc và giận dỗi đòi bố mẹ dai dẳng để bố mẹ phải đồng ý.
Tuy nhiên, trẻ con tại đây lại rất hay hỏi tại sao bố mẹ lại không cho phép làm điều đó và chúng cần những lời giải thích hợp lý từ phía bố mẹ. Điều này rất tốt và khoa học. Ngược lại, tôi thấy bố mẹ khá tôn trọng và lắng nghe ý kiến của con cái, không ngại ngần mất thời gian trả lời, giải thích và hướng dẫn con cái, không có tư tưởng áp đặt quan điểm và thậm chí áp đặt sở thích của mình cho con cái một cách phí lý và không giải thích.
Về quan hệ giữa ông bà và con, cháu, giữa anh, chị em trong cùng gia đình: Ở Tây ít khi có gia đình sống nhiều thế hệ như Việt Nam hoặc các nước Á đông. Khi con cái trưởng thành đều sống tự lập, kể cả không có nhà ở thì phải đi thuê nhà. Ông bà cũng chỉ đến chơi và thăm con cháu hoặc nếu có giúp trông cháu thì cũng chỉ một vài hôm khi bố mẹ bận đi công tác hoặc có việc gì đó gấp mà không can thiệp vào công việc nuôi và dạy cháu.
Quan hệ về tình cảm giữa ông bà và con cháu không chặt chẽ như ở Việt Nam. Thường về già thì hai vợ chồng sống với nhau và hưởng thụ tuổi già, họ có thể cùng nhau đi du lịch, làm vườn, tham gia sinh hoạt cộng đồng. Người Việt Nam và Á đông thì thường ông, bà lấy niềm vui của mình là được gặp và chăm sóc con cháu. Với điểm này thì cũng có cái tốt và không tốt. Tốt là ông bà không can thiệp quá sâu vào nuôi dạy con cái, những người già dành nhiều thời gian cho họ hơn để sống và hưởng thụ. Không tốt là quan hệ trong nhiều thế hệ không chặt chẽ lắm.
Quan hệ giữa anh, chị em trong gia đình cũng khá rõ ràng, tôn trọng nhau, mọi thứ trong công việc và cuộc sống không quá lệ thuộc vào quan hệ thân quen, quan hệ họ hàng, phần lớn mọi người đều phải có ý thức độc lập, tự chủ. Như ở Việt Nam thì có thể một người làm quan cả họ được nhờ.
Người dân Canada khá thân thiện với môi trường, với động vật và có ý thức bảo vệ môi trường. Điều này xuất phát từ công tác tuyên truyền giáo dục từ chính phủ, các tổ chức xã hội, trong nhà trường và có những chế tài để người dân ý thức hơn đối với môi trường. Phần lớn người già, những người độc thân đều nuôi một con vật như chó, mèo trong nhà, họ chăm sóc động vật và nói chuyện như những người bạn thực sự.
Nếu bạn có hành động “bạo lực” ngay cả với động vật cũng bị đánh giá rất thấp. Tại nơi công cộng bạn thường phải có ý thức bảo vệ môi trường, vứt rác đúng chỗ đúng nơi đúng chỗ quy định. Nếu bạn kinh doanh hoặc làm gì đó có rác thải thì đương nhiên bạn phải dọn sạch sẽ khu vực của mình. Điều này làm cho môi trường tại trời Tây khá trong sạch. Kể cả những lễ hội diễn ra rất liên tục nhưng không thấy hiện tượng sau một lễ hội là rác thải được bày ra như bãi chiến trường.
Canada là một đất nước đa chủng tộc nên đồ ăn, thức uống và hàng hóa cũng có nhiều chủng loại nhằm đáp ứng các sở thích của từng đối tượng và thói quen khác của từng dân tộc khác nhau. Tuy ở Canada, nhưng nếu bạn thích bất kỳ đồ ăn Việt Nam nào cũng đều có, không phải đồ đông lạnh mà rất tươi ngon, chỉ trừ có thịt chó là không được ăn. Còn lại nếu bạn thích ăn cháo lòng hoặc tiết canh cũng có. Ngoài ra, bạn có thể ăn uống và có thể nấu nướng bất kể loại thức ăn của bất kỳ dân tộc nào. Tại siêu thị, cửa hàng cũng phục vụ bạn đa dạng, đủ màu sắc các loại này. Thời gian cho việc nấu ăn ở đây tiết kiệm được hơn nhiều so với ở Việt Nam, vì mọi thứ đều được làm sẵn, bạn chỉ cần mua về và nấu nướng. Ví dụ như mua cá chẳng hạn, bạn không phải về mổ bụng, cạo vẩy, chặt khúc mà chỉ việc cho vào nồi, tại siêu thị mọi thứ đều làm sẵn tới mức tiện dùng nhất. Quan hệ bạn bè và cộng đồng ở đây cũng khá khác biệt so với ở Việt Nam. Sinh hoạt nhóm và cộng đồng rất nhiều và tổ chức liên tục, từ văn hóa, gia đình, trao đổi kỹ năng, môi trường… Các hoạt động sinh hoạt khá rõ ràng, có nguyên tắc và mang tính tự nguyện cao.
Bạn bè khi giao lưu trao đổi cũng khá rõ ràng, giữa cái chung và cái riêng. Ví dụ khi đi ăn nhà hàng để nói chung thì mỗi người thích ăn gì gọi cái đó và thanh toán tiền riêng của mình. Những sinh hoạt chung hoặc mời cùng đi chơi thường sẽ lên lịch và hẹn với nhau trước. Ít khi người Tây gọi điện cho bạn vào trước 8h sáng hoặc sau 9h tối vì đó là thời gian dành cho gia đình. Trong khi đi chơi với nhau để trao đổi và nói chuyện về vấn đề gì đó thì thường họ tập trung vào vấn đề gì mà họ quan tâm và ít khi để ý tới chuyện riêng tư của người khác.
Từ bỏ cuộc sống ở Mỹ: Hoài Phương tiết lộ cuộc sống sau khi cùng Việt Hương về Việt Nam định cư
Nghệ sĩ Hoài Phương có dịp trải lòng cùng Thanh Niên về cuộc sống sau một năm rời Mỹ về Việt Nam cũng như đời sống hôn nhân với bà xã Việt Hương.