Đến lượt Nhật Bản đề xuất cấm TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc
Sau khi Mỹ đe dọa cấm TikTok với lý do 'có thể rò rỉ thông tin cá nhân' và Ấn Độ vừa cấm cửa hàng loạt ứng dụng Trung Quốc, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản cũng đưa ra khuyến nghị tương tự với chính phủ.
15:00 29/07/2020
Thông tin từ NHK được Thời báo Hoàn Cầu dẫn lại với nội dung, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đã đưa ra một đề xuất với chính phủ để tìm cách xây dựng các chính sách mới, nhằm hạn chế một số ứng dụng và hệ thống ngân hàng do Trung Quốc phát triển, nhằm mục đích ngăn chặn "thông tin người dùng bị rò rỉ".
Sau Ấn Độ và Mỹ, đến lượt Nhật Bản đề xuất cấm TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc.
Theo đó, ngày 28/7, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về các biện pháp đối phó. Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản tuyên bố rằng một vài ứng dụng của Trung Quốc cũng như một số hệ thống ngân hàng sử dụng trí tuệ nhân tạo được phát triển ở Trung Quốc đã bị rò rỉ thông tin.
Do đó, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản kêu gọi chính phủ Nhật Bản xây dựng các chính sách liên quan nhằm hạn chế các ứng dụng và hệ thống nói trên với lý do bảo vệ "an ninh khỏi các mối đe dọa" đến từ bên ngoài.
Bản tin trên AbemaNews (Ảnh chụp màn hình).
Tuy nhiên, tờ Nikkei lại đăng tải một thông tin khá trái chiều khi nói rằng kể từ năm 2018, TikTok đã trở nên phổ biến trong giới trẻ Nhật Bản. Khẳng định dịch vụ tạo video ngắn này phục vụ cho mong muốn của thế hệ trẻ ở Nhật Bản và đã nhận được nhiều sự ủng hộ của người dùng.
Không chỉ vậy, sự phổ biến ngày càng tăng của TikTok đã khiến nhiều công ty âm nhạc Nhật Bản bắt đầu hợp tác kinh doanh với ByteDance. Vào tháng 10/2018, Ibex Group, một công ty giải trí lớn của Nhật Bản, đã tuyên bố hợp tác với ByteDance để thêm khoảng 25.000 bài hát vào TikTok.
Theo Huffington Post phiên bản tiếng Nhật, tính đến tháng 2/2019, số người dùng hoạt động hàng tháng của TikTok tại Nhật Bản đã tăng nhanh lên 9,5 triệu và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Hiện hashtag "ứng dụng Trung Quốc bị hạn chế" cũng nhanh chóng xuất hiện ở phần tìm kiếm nóng trên Twitter của Nhật Bản.
Trước đó, Mỹ và Ấn Độ cũng đã sử dụng các vấn đề bảo mật như một cái cớ để tuyên bố lệnh cấm đối với các ứng dụng Trung Quốc.
Thủ tướng Úc Morrison cũng tuyên bố rằng chính phủ của ông đang theo dõi TikTok "rất chặt chẽ" và sẽ có hành động trên nền tảng chia sẻ video này nếu cần thiết. TikTok có hơn 1,6 triệu người dùng tại Úc và là một trong những nền tảng xã hội phổ biến nhất.
Điệp Lưu (Theo Thời báo Hoàn cầu)
COVID-19 ngày 27/7: “Bóng đen” Covid vẫn đang bao trùm khắp Nhật Bản
Trong tuần qua Nhật Bản đã ghi nhận tổng số ca nhiễm tăng cao nhất kể từ khi gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 5.