Đi du học không sướng: Tôi đã vượt qua trầm cảm như thế nào? Một mình tự lập, ngoại ngữ kém nhưng không dám kể với gia đình...
Không phải đi du học là sướng. Không phải cứ đi du học thì năng lực tự nhiên sẽ giỏi mà chẳng cần cố gắng gì.
02:05 15/11/2022
Không phải đi du học là sướng. Không phải cứ đi du học thì năng lực tự nhiên sẽ giỏi mà chẳng cần cố gắng gì. Bạn sẽ phải đối mặt với những khác biệt văn hóa, những cú sốc và chật vật thích nghi với nó. Bạn sẽ phải nỗ lực hơn trăm lần, chủ động hơn nghìn lần để bứt khỏi "đáy giếng", tự hoàn thiện mình hơn.
Hẳn ai cũng nghĩ đi du học là sướng, mỗi sáng thức dậy ở một nơi xa, nói chuyện với người bản xứ hàng ngày như cơm bữa, trình "chém gió" ngoại ngữ tăng lên vèo vèo, về nước tương lai sẽ xán lạn hơn cả đèn huỳnh quang.
Tôi cũng đã nghĩ như thế, để rồi rơi vào trầm cảm nhẹ trong thời gian du học ở Nhật.
Mà thật ra tôi không biết có gọi đó là trầm cảm không. Chỉ là khi đi vào sân ga, tôi cứ nhìn chằm chằm xuống đường ray và tự hỏi nếu nhảy xuống dưới ấy thì tôi có thể đẩy đi tảng đá nặng nề trong người hay không. Chỉ là suốt kỳ nghỉ dài một tháng, tôi nhốt mình trong phòng, không Facebook không Messenger, từ chối mọi giao tiếp với bên ngoài.
Sau khi cạnh tranh khốc liệt với đám bạn cùng khoa, tôi cũng giành được một suất học bổng toàn phần đến Nhật. Sau bao nỗ lực cay đắng thì đây là thành quả đáng để tôi tự hào và mong chờ. Nước Nhật chỉ hiện lên trên sách vở, tivi, qua lời người khác thì giờ đây, nó sắp sửa biến ra đầy sống động trước mặt tôi mà tôi có thể sờ, chạm, nghe, nói, hít thở.
Và đúng là nó sống động. Sống động đến mức khiến tôi nghẹt thở.
Điều kiện để nhận học bổng dựa vào thành tích trong học kỳ đó. Nghĩa là ai cao điểm nhất thì lấy từ trên xuống. Học tiếng Nhật ở trường đại học, dù cải tiến đến đâu thì vẫn nghiêng về nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Và kỳ thi năng lực Nhật ngữ chỉ có phần từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu, nghe mà không có nói. Nên hiển nhiên, dù tôi có bằng N2 (cỡ Trung cấp) thì kỹ năng nghe nói phản xạ của tôi vẫn dở tệ.
Nhưng đau đớn là tôi chỉ nhận ra điều đó khi đến Nhật, tiếp xúc với những du học sinh cùng nhận loại học bổng giống tôi.
Khi tôi còn bận suy nghĩ nên trả lời với mẫu ngữ pháp nào, dùng từ gì thì cô bạn người Pháp đã nhanh nhảu trả lời. Trả lời với một câu mà theo tôi đánh giá, nó chỉ ở mức sơ cấp.
Tôi xấu hổ.
Khi tôi còn đang nghệt ra vì chưa hiểu giáo viên đang nói gì thì cậu bạn người Úc đã giơ tay trả lời.
Tôi xấu hổ.
Khi cả đám cùng rộ lên cười vì một câu nói của cô bạn người Nhật, chỉ mình tôi trưng ra bộ mặt "Ủa tụi mày đang cười gì thế?".
Tất nhiên tôi không chịu để yên như vậy. Cái tôi tự kiêu của mình bị tổn thương một cách nặng nề. Nên tôi lao vào học. Nhưng cái tôi khi bị tổn thương sẽ dễ đâm ra tự ti, dễ để ý đến suy nghĩ người khác. Thành ra tôi trở nên sợ hãi trước mọi thứ. Sợ không dám phát biểu trong tiết học nói, sợ cô giáo sẽ gọi tên mình, sợ đối mặt với những người bạn giỏi giang. Tôi không dám kể những khó khăn này cho bạn bè, người thân ở Việt Nam nghe. Một phần vì sợ họ lo lắng. Nhưng cái chính là vì tôi muốn giữ hào quang của một người đi du học trong mắt họ. Tôi không muốn biến mình thành một kẻ thất bại.
Nhưng càng cố gắng, tôi càng cảm thấy chới với. Càng vùng vẫy, tôi lại càng bị nhấn chìm.
Và tôi buông.
Kỳ nghỉ đông kéo dài 3 tuần, tôi mua nhiều đồ ăn về dự trữ. Chỉ khi nào bụng đói, tôi mới ló ra ngoài. Còn lại thời gian, tôi nhốt mình trong phòng, nằm trong chăn và đọc tiểu thuyết ngôn tình. Tôi vốn rất ghét ngôn tình Trung Quốc nhưng không hiểu sao, ngay lúc ấy, nó trở thành một nơi trú ngụ để tôi trốn thực tại. Tôi vất vưởng trong thế giới ảo mộng, từ trưa đến tối, từ tối đến sáng, ngủ tầm 4 tiếng đến gần trưa, rồi lại tiếp tục phiêu diêu đến gần sáng. Vòng tuần hoàn cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày. Không liên lạc với ai. Không nói chuyện với ai. Chỉ có những mối tình lãng mạn khắc cốt ghi tâm, những con người hào hoa ưu tú, một cuộc sống sau cùng hạnh phúc xoa dịu trái tim tôi, nắm tay tôi rời bỏ thế giới thực.
Mỗi khi buộc ra khỏi nhà để tìm nguồn duy trì sự sống, tôi lại thấy ngao ngán. Siêu thị gần nhà ga nên tôi phải đi ngang qua sân ga. Trong vô thức, nhìn thấy đường ray, tiếng tàu điện ầm ầm chạy đến, tôi bỗng có một ham muốn nhảy xuống. Và tự hỏi, không biết có đau không, không biết có chết ngay được không, không biết như vậy rồi mình sẽ đầu thai đi đâu. À tự tử thì liệu tôi có cái quyền đầu thai làm người không nhỉ?
Tôi đã nghĩ vẩn vơ như thế nhưng lại không dám nhảy. Muốn chết nhưng lại không có cái gan nhảy. Thật thất bại.
Tôi cứ ở trong tình trạng dở người như thế cho đến hết kỳ nghỉ. Một ngày, tôi vô tình nhìn thấy quyển sổ tay rơi ra trong đống ngổn ngang trong phòng. Quyển sổ ghi chi chít bao dự định của tôi khi đến Nhật. Và rồi mọi thứ ùa về. Tôi nhớ những ngày học tiếng Nhật miệt mài từ sáng đến đêm, từ chối mọi cuộc đi chơi với bạn bè, đến cả rạp chiếu phim tròn méo thế nào, tôi cũng không biết đến. Tôi nhớ tôi đã từng thuyết phục mẹ cho tôi đi du học tự túc thế nào. Tôi nhớ tôi đã muốn được đi du học, trở về với năng lực giỏi rồi làm công việc lương cao, để trả thù những kẻ từng xem thường tôi.
Vậy mà đã 6 tháng trôi qua rồi. Một nửa thời gian ở Nhật đã tuột khỏi kẽ tay tôi như cát chảy. Tôi từng nỗ lực muốn đi du học Nhật. Ấy thế mà khi có được rồi, tôi lại quên, lại dễ bị ngoại cảnh làm cho gục ngã, rồi bản thân không đủ mạnh mẽ để đứng dậy. Nếu tôi cứ tiếp tục thế này, để đến khi về nước trong bộ dạng của kẻ thất bại, mẹ tôi sẽ thất vọng thế nào, những kẻ khinh thường tôi sẽ hả hê ra sao.
Nghĩ đến đấy, tôi biết mình phải thay đổi. Và điều cần thay đổi đầu tiên chính là mặt phải dày lên. Trong lớp, tôi bắt đầu tích cực tham gia phát biểu. Nghe không hiểu cũng được, nói sai cũng được nhưng quan trọng là tôi phải nói. Nói đến khi người ta hiểu ý tôi thì thôi. Về nhà, tôi mở tivi, xem các gameshow, bật sub tiếng Nhật dành cho người khiếm thính, vừa gắng nghe vừa cố hiểu nội dung. Tôi chủ động kết bạn với một bác người Nhật rồi mỗi cuối tuần, tôi gặp gỡ bác để luyện giao tiếp, trao đổi văn hóa. Tôi lên kế hoạch đi du lịch. Không rủ được ai thì tôi đi một mình.
Nhật là đất nước khá an toàn và với vốn tiếng Nhật của mình, tôi tự tin có thể đi bất kỳ đâu, miễn là có tiền. Tôi một mình đăng ký tham gia chương trình giao lưu lớn ở một tỉnh cách chỗ tôi 10 tiếng đi xe buýt trong 10 ngày. Đối với một người hướng nội, ngại giao tiếp như tôi, đây được xem như là hành động "bước ra khỏi vòng an toàn" của mình.
Rồi đến một ngày, cô giáo của tôi nói: "Tiếng Nhật của Kim-chan tốt hơn rồi". Lúc ấy tôi đã khóc. Khóc như cái ngày tôi nghe tin được nhận học bổng.
Có lần tôi nghe nói, một du học sinh Trung Quốc đã sang đây gần 1 năm nhưng trình độ vẫn cứ lẹt đẹt như mới đến. Bạn suốt ngày nhốt mình trong phòng chơi, không đi đâu và đợi ngày về nước.
Tôi chợt nhận ra. Không phải đi du học là sướng. Không phải cứ đi du học thì năng lực tự nhiên sẽ giỏi mà chẳng cần cố gắng gì. Bạn sẽ phải đối mặt với những khác biệt văn hóa, những cú sốc và chật vật thích nghi với nó. Bạn sẽ phải nỗ lực hơn trăm lần, chủ động hơn nghìn lần để bứt khỏi "đáy giếng", tự hoàn thiện mình hơn. Môi trường nước ngoài đúng là sẽ mang lại nhiều điều kiện tốt. Nhưng đó chỉ là phương tiện mà nếu bạn không biết cách sử dụng tốt, nó cũng sẽ thành cây gậy què, chẳng đưa bạn đến cái đích của thành công.
Người phụ nữ Hà Nội nhiễm sán dây vì thói quen ăn thịt bò tái, rau sống
Đây là trường hợp bệnh nhân nữ 64 tuổi, trú tại Thanh Oai, Hà Nội.