Dịch vụ “thuê gia đình” tại Nhật Bản: Thuê vợ đẹp để khoe đồng nghiệp, thuê chồng tốt để họp phụ huynh, và thuê cả cha mẹ để dự đám cưới …
Nhiều người cho rằng “tiền không mua được hạnh phúc”, nhưng tại Nhật Bản, tiền sẽ giúp bạn dễ dàng mua được… cả một gia đình hạnh phúc.
21:30 20/04/2019
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Gia đình ấm cúng luôn là ước mơ của nhiều người, nhưng cuộc sống hiện đại đã khiến nhiều tập thể không còn “đầy đủ” như mong muốn.
Kế hoạch: Dịch vụ thuê gia đình bùng nổ tại Nhật để giải quyết vấn đề trên, từ ông bà, vợ chồng hay cha mẹ, con cái… tất cả sẵn sàng “nhập vai” với một mức giá không hề rẻ.
Kết quả: Không chỉ khiến người thuê bớt cô đơn, những “diễn viên” người thân còn giúp không ít gia đình hàn gắn, cho họ một món quà tinh thần không thể nào đo đếm được bằng tiền.
Người cha hoàn hảo
Ông Inaba là một hình tượng cha cực kỳ mẫu mực: Luôn có mặt tại những buổi họp phụ huynh, thường xuyên dắt con gái đi chơi, quan tâm, chăm sóc và lo lắng cho đứa con gái nhỏ Mana từng chút một.
Tuy nhiên, Ông Inaba chỉ là một… diễn viên.
Được đóng bởi Yuichi Ishii, nhà sáng lập của Family Romance, công ty chuyên cung cấp diễn viên đóng mọi vai trong một gia đình. “Ông Inaba thật” đã biến mất khỏi cuộc đời Mana khi cô bé vừa ra đời.
Mang tiếng là “đứa trẻ không cha”, Mana thường xuyên bị bạn bè bắt nạt và cô lập trong trường, cô bé non nớt không biết làm gì khác ngoài chui rúc vào phòng y tế cho đến khi tan học.
Mẹ cô bé, bà Reiko đã ra một quyết định “mạo hiểm” vì con gái: Thuê một “người cha giả” tại Family Romance, và chỉ trong vài tháng, Mana đã trở nên hoạt bát, vui vẻ hơn hẳn so với lúc trước.
Nhưng dịch vụ này không hề rẻ một chút nào, “người cha Inaba” xuất hiện với mức phí lên đến 185 USD (gần 4,3 triệu đồng) cho mỗi 4 tiếng. Sau khi cắt giảm chi phí ăn uống và quần áo, mẹ Reiko chỉ đủ khả năng “thuê chồng” từ 2 đến 4 lần mỗi tháng.
Cho đến ngày nay, Mana đã trở thành một thiếu nữ 19 tuổi mạnh mẽ, nhưng mẹ Reiko vẫn chưa tiết lộ bí mật “động trời” cho cô con gái. Bà chỉ giải thích rằng người cha kia hiện có một gia đình riêng, và ông đang làm tất cả để Mana có thể nên người.
Cung và cầu
Một đám cưới với… 8 diễn viên đóng thế
Với hơn 1.200 nhân viên bán thời gian, Family Romance còn cung cấp cả “nhóm người nhà ăn cưới” với giá lên tới… 45.000 USD (gần 1 tỷ VNĐ). Với chi phí trên, cả cô dâu, chú rể hay người nhà 2 họ đều có thể là diễn viên đóng thế, phụ rể và phụ dâu còn chuyên nghiệp hơn khi có khả năng phát biểu trước đám đông, không ít lần làm nhiều khách tham dự rưng rưng nước mắt.
Trong một trường hợp khác, vì bà vợ đã trở nên “quá thừa cân”, một gia đình đã thuê về người vợ “dáng chuẩn” để anh chồng có dịp khoe khoang trước đồng nghiệp, cô vợ này cũng kiêm luôn vai trò “phụ huynh đẹp” để tham dự các buổi họp và hoạt động trên trường, tránh việc những người con bị chọc ghẹo vì có bà mẹ thừa cân.
Không những thế, Family Romance còn “lấn sân” sang môi trường tập đoàn khi cho thuê “nhân viên” để nghe khách hàng chửi cho hả dạ và cho thuê “sếp lớn” để răng đe những nhân viên chểnh mảng.
Nhưng không chỉ là nhu cầu thuê người “trẻ đẹp”, một công ty chuyên cung cấp “bà ngoại” tiết lộ rằng mình đã phục vụ hơn 10.000 nhu cầu trong năm ngoái, đa phần chỉ để nấu ăn và trò chuyện.
“Phim giả – tình thật”?
Tuy các vai diễn chỉ là giả, nhưng kết quả mang lại là một điều không thể chối cãi.
Tại Nhật Bản, có một quan niệm phổ biến cho rằng con người lúc nào cũng có 2 khuôn mặt, một là lúc ở nhà, hai là ở ngoài xã hội. Việc cân bằng 2 “vai diễn” này là một nghĩa vụ, hoàn toàn không có gì gọi là “giả tạo” cả.
Chẳng hạn như một người đàn ông đã thuê cả cha lẫn mẹ để dự lễ cưới của mình, cho đến khi thổ lộ cho vợ, người vợ không những không trách mà còn cám ơn ông chồng vì đã giúp cả 2 tránh khỏi một phen “khó xử”.
Tờ New Yorker còn đưa tin về một người doanh nhân 60 tuổi tên Kazushige Nishida, sau khi vợ mất, người con gái duy nhất của ông cũng đã bỏ nhà đi sau một trận cãi nhau.
Tưởng rằng thời gian sẽ xoa dịu tất cả, nhưng Nishida ngày càng đau khổ bởi cảm giác trống rỗng mỗi bữa tối, dù có cố gắng uống rượu thật khuya với bè bạn, nhưng nỗi cô đơn luôn ám ảnh ông mỗi khi bước chân về nhà.
Trong lần đầu gặp “vợ và con gái” mới của mình, cả hai diễn viên đã cố gắng tìm hiểu những đặc điểm của những người mà họ đóng giả, để từ đó có thể nhập vai tốt hơn.
Ngay trong buổi gặp thứ 2, cả hai diễn viên đã có thể đóng “một gia đình ấm cúng” khi cùng ông Nishida nấu ăn, dọn dẹp nhà và xem TV sau bữa tối.
Ông Nishida còn gửi cả bộ chìa khóa cho công ty đại diện chỉ để được một lần nhìn thấy ánh đèn sáng khi trở về nhà, được nghe tiếng “chào anh/ chào bố mới đi làm về”.
Sau một thời gian “quen biết”, người vợ của ông Nishida lâu lâu lại “bỏ vai diễn” khi chia sẻ và than phiền về người chồng thật của mình, ông Nishida cũng rất vui vẻ lắng nghe và cho bà ấy nhiều lời khuyên.
Ở chiều ngược lại, ông Nishida cũng bắt đầu cởi mở hơn về mối quan hệ không tốt với người con gái thật, và cô “con gái thuê” đã giúp ông hiểu hơn về góc nhìn và quan điểm của giới trẻ.
Từ những buổi “đóng giả” trên, ông Nishida dần nhận ra rằng chính thái độ của mình đã tạo ra một rào cản vô hình trong mắt cô con gái. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng ông Nishida cũng đã trực tiếp gọi điện cho cô con gái đã bỏ đi, xin lỗi và mong cô quay trở lại.
Và mong ước kia đã thành hiện thực. Không lâu sau cuộc điện thoại đó, ông Nishida trở về nhà sau một ngày làm việc và phát hiện bàn thờ vợ ông đã được lau dọn tươm tất với một bó hoa tươi, một hành động cực kỳ ý nghĩa của người con gái bỏ đi đã lâu.
Kết luận
Chính ông Nishida cũng khẳng định rằng “kết thúc có hậu” của mình là đến từ “gia đình thuê”. Người con gái “đóng thế” đã cho phép ông được bày tỏ hết những tâm tư, để từ đó dễ dàng tìm ra được những câu trả lời trong lòng mình.
Những câu chuyện trên càng khẳng định mâu thuẫn “khó hiểu” trong xã hội ngày nay, khi chính người thân trong gia đình mới là những đối tượng khó bày tỏ nhất.
Tại sao chúng ta có thể say sưa kể hết chuyện “trên trời dưới đất” với những người lạ, mà lại giấu tất cả vào lòng khi đối mặt với những bậc sinh thành.
Và liệu rằng các cuộc họp mặt, lễ tiệc, cưới hỏi … có phải lại là một “vai diễn” khác của mỗi người? Không ai biết câu trả lời thật sự, nhưng với số lượng “diễn viên” ngày càng tăng đã ít nhiều phản ánh được phần nào.
Nguồn: cafebiz.vn
Đừng bỏ lỡ Lễ hội hoa t.ử đằng tại đền Kameido Tenjin!
Mùa xuân không chỉ là mùa của riêng hoa anh đào, mà bạn sẽ phải hối tiếc khi bỏ lỡ mất cơ hội để ngắm một sắc hoa khác đẹp không hề kém đó chính là hoa t.ử đằng, hay là hoa fuji trong tiếng Nhật.