Dịch vụ trông giữ hành lý tại Nhật Bản

Để giúp du khách rảnh tay khi đi du lịch “bụi”, một công ty khởi nghiệp ở Nhật Bản đã cung cấp dịch vụ kết nối du khách có nhu cầu cất giữ hành lý với những bên trông giữ hành lý.

10:00 05/05/2019

Dịch vụ Ecbo Cloak giúp khách du lịch rảnh tay khi đi thăm thú các điểm du lịch nổi tiếng ở Nhật Bản. Ảnh: Ecbo Cloak

Chuyến du lịch của du khách có thể bị ảnh hưởng nếu chẳng may, họ để mất hành lý nhưng việc mang vác theo khối hành lý cồng kềnh ở những điểm du lịch đông đúc cũng có thể khiến họ khó có thể tận hưởng đầy đủ hành trình thưởng ngoạn của họ.

Tại Nhật Bản, đặc biệt là ở những điểm đến nổi tiếng như Tokyo, Osaka và Kyoto, nơi du lịch đang bùng nổ, việc tìm kiếm một tủ khóa tự phục vụ còn trống, là một thách thức lớn đối với du khách trong nước lẫn quốc tế. Tủ khóa tự phục vụ là nơi du khách có thể sử dụng tiền xu để gửi đồ vào một hộc tủ và được cung cấp số pin để mở tủ lấy đồ sau đó. Vấn đề là các tủ khóa như vậy quá ít và thường quá nhỏ so với những vali hành lý lớn.

Để giải quyết vấn đề này, công ty khởi nghiệp Ecbo, có trụ sở ở Tokyo, đã xây dựng một nền tảng kết nối du khách với các cơ sở trông giữ hành lý.

Shinichi Kudo, Giám đốc điều hành Ecbo, 28 tuổi, nói: “Tôi nghĩ rằng tạo ra một nền tảng cho phép du khách cất giữ đồ đạc cá nhân và lấy lại chỉ khi họ cần chúng là một ý tưởng hấp dẫn”.

Kudo nảy ra ý tưởng về nền tảng Ecbo Cloak vào tháng 8-2016 sau khi gặp một du khách nước ngoài đang tuyệt vọng tìm tủ khóa tự phục vụ ở khu trung tâm thương mại Shibuya, Tokyo vì chiếc vali của người này to quá cỡ. Anh cho biết anh đã cùng du khách này lang thang khắp Shibuya trong 40 phút để kiếm một tủ khóa đựng hành lý lớn nhưng không tìm ra.

Câu chuyện này đã thôi thúc Kudo, cựu thực tập sinh ở chi nhánh Uber tại Nhật Bản, tìm hiểu về các vấn đề trông giữ hành lý và phát hiện thấy rằng, trong số 1.400 tủ khóa tự phục vụ ở Shibuya, chỉ có 90 tủ khóa phục vụ các vali hành lý lớn.

Kudo ước tính có gần 220.000 tủ khóa tự phục vụ trên khắp Nhật Bản và cần 300.000 tủ khóa như vậy nữa mới có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Anh kết luận rằng mỗi ngày, có khoảng 176.000 du khách gặp khó khăn khi tìm kiếm chỗ gửi đồ.

Kudo ra mắt dịch vụ Ecbo Cloak vào tháng 1-2017, cho phép du khách cất giữ hành lý trong nhiều ngày ở hơn 1.000 điểm bao gồm các quán cà phê, thẩm mỹ viện, quán karaoke, bưu điện, nhà ga, thậm chí các đền thờ ở các thành phố lớn tại Nhật Bản. Du khách có thể đặt chỗ gửi đồ thông qua ứng dụng Ecbo Cloak trên smartphone hoặc thông qua trang web của công ty Ecbo. Mức phí dao động từ 300-800 yen (2,7-5,4 đô la)/ngày tùy vào kích cỡ hành lý.

Chẳng hạn tại Tokyo, du khách có thể gửi đồ ở nhiều nhà ga xe lửa thông qua dịch vụ Ecbo Cloak. Kudo cho biết số các công ty và tổ chức cung cấp dịch vụ trông giữ hành lý cho du khách ở Tokyo đang tăng mỗi ngày.

Ứng dụng Ecbo Cloak được cài đặt ba ngôn ngữ gồm tiếng Nhật Bản, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Người dùng có thể liên hệ với cơ sở trông giữ hành lý thông qua ảnh chụp màn hình hay mã phản hồi nhanh QR có chứa thông tin đặt chỗ gửi đồ của họ.

Công ty Ecbo ước tính du khách nước ngoài chiếm 70% lượng người dùng của dịch vụ Ecbo Cloak.

Shinichi Kudo, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Ecbo. Ảnh: Stbooking.

Kudo tin rằng dịch vụ trông giữ hành lý là mảng kinh doanh mới nổi, giúp đáp ứng các thói quen du lịch đang thay đổi khi ngày càng có nhiều khách đi du lịch “bụi”, tức tự lên kế hoạch và thực hiện chuyến đi, thay vì đi theo tour do các hãng lữ hành tổ chức. Khi đi du lịch “bụi” như vậy, các du khách thường phải mang theo bên mình các túi và vali hành lý nặng nề.

Dịch vụ Ecbo Cloak gây sốt với du khách vào cuối năm 2017 khi hầu hết các tủ khóa tự phục vụ ở các nhà ga lớn ở Tokyo và xung quanh thành phố này bị cấm hoạt động để bảo đảm an ninh cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hơn nữa, dù một số dịch vụ trông giữ hành lý khác có sẵn ở các nhà ga và khách sạn ở Nhật Bản, du khách thường phải mất nhiều thời gian để làm thủ tục gửi đồ.

Trong thời gian tới, Kudo cho biết công ty anh sẽ cải thiện trải nghiệm du khách bằng cách giới thiệu các dịch vụ khác ở những nơi mà du khách gửi hành lý, chẳng hạn, du khách có thể cắt tóc tại một thẩm mỹ viện nằm trong mạng lưới đối tác trông giữ hành lý của Ecbo. Những đối tác này và Ecbo sẽ chia đều lợi nhuận nếu người dùng đặt sử dụng các dịch vụ khác của họ thông qua nền tảng Ecbo Cloak.

Không dừng lại ở đó, Kudo còn lên kế hoạch mở rộng dịch vụ Ecbo Cloak ra toàn cầu trong vòng một năm tới.

Anh nói: “Tôi muốn mở rộng hệ thống của Ecbo Cloak ra 500 thành phố trên toàn thế giới vào năm 2025”.

Kudo cho biết anh còn ấp ủ ý tưởng xây dựng một ứng dụng cho phép du khách yêu cầu giao trả hành lý đến bất cứ nơi đâu họ muốn chỉ bằng có một click trên smartphone hoặc máy tính.

Nguồn: Japan Times

Tags:
Tân Nhật Hoàng Naruhito và những điều có thể bạn chưa biết!

Tân Nhật Hoàng Naruhito và những điều có thể bạn chưa biết!

Tân Nhật hoàng Naruhito, người đã chính thức lên ngai vàng Hoa cúc tiếp quản vị trí cao nhất của Hoàng tộc Nhật Bản, là một vị vua của “những lần đầu tiên” khi là người phá vỡ những quy tắc của Hoàng gia Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất