Đối xử tốt với người lạ, cư xử tệ với người thân: Chúng ta đang làm gì với cuộc đời mình vậy?
“Sống tử tế” luôn là điều được xã hội đề cao, trân trọng. Nhưng liệu mấy người đã biết sống thực sự tốt đẹp khi “sự tự tế” của chúng ta lại có tính chọn lọc: Đối xử tốt với người ngoài mà thờ ơ, cục cằn với người thân?
19:00 11/03/2019
Cuối tuần, quán nhậu ì xèo, ầm ầm tiếng nói cười - người tỉnh người say rào rào lên; đâu đó có tiếng điện thoại: “Gọi gì mà gọi nhiều thế, tối tôi về, lắm mồm!”. Một người đàn ông lớn tiếng, chắc là quát vợ. Nói xong, anh lại quay sang hội chiến hữu.
“Uống đi này các cậu, bữa nay tôi mời! Lâu lắm mới gặp nhau!”.
Đám bạn gọi anh là thằng bạn “chơi được” nhất, tử tế quá! Còn vợ anh, chắc đang ngồi ngao ngán, gọi chồng về ăn cơm cũng bị mắng vốn.
Tôi đỏ bừng mặt khi kể xong câu chuyện này; chuyện của người ta mà cứ như chuyện của mình. Tôi cáu gắt với mẹ khi dọn phòng sạch sẽ nhưng cũng cười xòa bỏ qua khi đứa bạn nhỡ tay bôi bẩn ra áo, người yêu kể chuyện cười đôi khi tôi lẩm bẩm kêu nhạt quá nhưng nếu một anh chàng có duyên nào khác kể thì tôi khen lấy khen để. Có khi, chỉ vì bị bố gọi dậy đi làm thôi tôi cũng gắt gỏng, trong khi nếu sếp mắng vì đi làm trễ thì cũng ngậm ngùi bỏ qua.
Tại sao vậy? Tại sao chúng ta luôn cư xử với người lạ một cách thân tình, tử tế nhưng một lời nhắc của bố mẹ “đi đường cẩn thận nhé con” cũng khiến chúng ta nổi quạu “biết rồi mà, bố mẹ nói nhiều quá”. Tôi cứ hỏi đi hỏi lại câu hỏi này rất nhiều lần…
“Có cớ gì mà họ không hiểu mình chứ? Hiểu rồi mà vẫn làm vậy là sao?”
Chúng ta cho rằng, hiểu mình là một “nghĩa vụ” của những người thân trong khi những người lạ hoàn toàn mù mờ. Bằng tất cả sự nhẫn nại, chúng ta sẽ tử tế với những người xa lạ cho tới khi họ hiểu mình nhưng với bố mẹ, người yêu hay vợ/chồng; sự nhẫn nại dường như có hạn.
“Tại sao bố mẹ lại luộc cà rốt, bố mẹ biết con ghét ăn cà rốt lắm mà”.
“Anh đã nói là anh sẽ không về nhà sớm được, đừng có gọi nữa”.
“Quần áo trắng của con đừng giặt chung với quần áo màu!!!”
Sống càng lâu với những người thân, chúng ta đã mặc định rằng họ phải hiểu hoàn toàn về mình. Tôi luôn cho rằng bố mẹ sẽ phải hiểu mình, việc tôi không thích ăn cà rốt đã có từ cả vài chục năm nay, sao họ lại có thể không hiểu cơ chứ? Vậy là họ không còn quan tâm tới tôi? họ đã quên cả những điều cơ bản vậy sao? Chúng ta coi đó là một “khiếm khuyết” trong mối quan hệ đáng nhẽ ra không tồn tại, chính vì vậy việc “chịu đựng” với những vấn đề nhỏ nhặt ấy gần như là không thể và ngọn lửa giận dữ bùng lên. Đó là một suy nghĩ vô cùng độc hại - nếu yêu cầu những người thân phải hiểu chúng ta nhiều đến như vậy, sao chúng ta không hiểu rằng họ chỉ làm những điều ấy vì mục đích tốt đẹp?
Bạn và tôi đều cục cằn với người thân vì trong không gian của mối quan hệ, chính sự gần gũi lâu ngày cho phép chúng ta nổi cáu và biết sẽ không có “hình phạt” nào. Còn với người xa lạ, thử nổi cáu lên đi và hậu quả có thể rất khó lường: một cú đấm, một lời xúc phạm hay nhiều điều khủng khiếp hơn.
Tất nhiên, không ai muốn cư xử như vậy với người thân của mình. Trong thâm tâm của chúng ta luôn tự thấy mặc cảm, rằng mình đã sai khi nổi nóng như mọi việc sau đó lại đâu vào đấy. Vấn đề không nằm ở miếng cà rốt, vết bẩn trên áo mà ở cái tôi bị “tổn thương” vì chính những người thân yêu nhất không hiểu mình. Ai cũng coi điều đó không chấp nhận được.
Vì những điều mới mẻ luôn hấp dẫn
Chúng ta chán sự nhàm chán, không thích những thứ lặp đi lặp lại, cũng như việc ăn đi ăn lại một món gần như là điều không tưởng. Bao ngày đi làm về, vẫn là gương mặt ấy, con người ấy, có cố gắng hết mức cũng không tránh khỏi những lúc cáu gắt. Đôi khi bạn cáu gắt với người thân chẳng vì điều gì cụ thể, chỉ là vì sự tồn tại của họ ở đó về cơ bản đã “không ổn” với bạn. Tôi thấy buồn khi phải nói ra điều này, nhưng những điều cũ kỹ luôn khiến chúng ta thấy tẻ nhạt.
Trong mắt bất cứ ai, người thân là điều bất biến: Dù bạn có đi xa, có làm gì đi nữa thì họ vẫn ở đó; như người ta thường nói “Dù có đi đâu chăng nữa thì hãy nhớ rằng vẫn luôn có một nơi để về”. Khi không nhìn nhận câu nói đó một cách biết ơn mà cho rằng đó là điều tất yếu tồn tại trong cuộc sống, chúng ta coi nhẹ các mối quan hệ thân thiết. Bản chất của con người là luôn muốn chinh phục điều mới, khi những người thân đã thuộc “quyền sở hữu” của chúng ta, đâu có nhất thiết gì phải giữ thật chặt?
Còn với những người xa lạ thì sao? Nếu mới quen một anh chàng nào đó, có lẽ người ta đổ cả cốc nước trên bàn lên áo thì bạn vẫn cười xòa cho qua được. Chúng ta tự nhủ rằng sự hấp dẫn mới mẻ ấy đáng đánh đổi, một chiếc áo có xá gì đâu. Dù biết chắc rằng, những thứ mới mẻ rồi cũng cũ kỹ nhưng trong khoảnh khắc lần đầu làm quen đó, cư xử tử tế là điều kiện cần để thu hút ai đó.
Sự đề phòng với những người xa lạ
Đôi khi, chính việc cẩn trọng trong các mối quan hệ xa lạ khiến chúng ta tử tế hơn với người lạ nhưng quên đi việc người thân cũng cần được đối xử như vậy. Sống trong một xã hội cần đề phòng mọi thứ, tôi không dám lớn tiếng với người mới quen, tránh thể hiện bản thân một cách tiêu cực để lộ những điểm yếu. Chúng ta từ tốn nở một nụ cười, dáng vẻ khoan thai điềm tĩnh, cái nhìn sắc sảo. Tôi nhìn thấy câu chuyện như vậy ở chốn công sở rất nhiều, dù trong trường hợp này, sự tử tế cũng không phải điều tôi ưng bụng khi đằng sau đó biết đâu chứa đầy những toan tính khác?
Nhưng dù sao, tránh những xung đột cục cằn là điều cần thiết. Trong mối quan hệ với những người thân, không có gì để mỗi người phải giấu diếm, né tránh (trừ khi đó là truyện ngoại tình) - chúng ta cảm thấy thoải mái bộc lộ bản thân, kể cả những tính xấu. Các mối quan hệ càng lâu, biết nhau càng dài thì có lẽ, những cách cư xử tệ, bực tức, thậm chí nâng lên thành bạo lực càng dễ gặp. Đó là một điều đáng buồn.
Và rồi bạn chẳng còn gì
Nhớ lại mùa đông cách đây 2 năm, khi tất cả vốn liếng đầu tư cho công việc startup đầu tiên của tôi trôi sông trôi biển. Thất bại, tôi không biết mình phải làm gì. Những người “bạn” trên Facebook cũng chỉ nhìn tôi ái ngại, bình luận buồn bã - một thủ tục của mạng xã hội. Tôi lết về nhà mà thấy nghèn nghẹn. Mười một giờ đêm, đèn vẫn sáng, mâm cơm vẫn còn nguyên trong bếp. Bữa ăn hôm đó không có miếng cà rốt nào.
Những người thân ta hay cáu gắt, cục cằn nhất vẫn là những người thương ta nhất. Lúc ấy, tôi sợ rằng mình sẽ không còn gì thật trong một khoảnh khắc của tương lai, khi mâm cơm lúc mười một giờ đêm cũng không còn. Đó mới là điều đáng sợ.
Cũng như một bếp lửa, bạn muốn cháy đượm và đều thì phải tiếp củi thường xuyên - chẳng có một bếp lửa nào có thể âm ỉ cháy năm này qua năm khác. Tôi tin vào tư tưởng “tức nước vỡ bờ” của người xưa để lại. Nếu cứ cư xử tệ bạc với những con người quanh ta, rồi người thân cũng thành người dưng và bạn nhận ra mình chẳng còn gì.
Sự xuất hiện của các mạng xã hội, của thế giới ảo cũng khiến chúng ta rời xa những giá trị tinh thần nền tảng của gia đình; chính điều đó đã làm trầm trọng hóa “sự tử tế chọn lọc” mà gia đình và người thân luôn ở cửa dưới. Có lẽ, lúc tiếc nuối kéo tới thì cũng đã quá muộn. Bạn không chỉ quăng đi sự cục cằn, bực tức của mình mà đôi khi vứt cả mối quan hệ ra ngoài cửa sổ.
Không đáng đâu.
Theo: kenh14.vn
Luật lao động Nhật về nhân viên phái cử Haken – kỹ sư đi Nhật phải biết!
Những năm gần đây, số lượng lao động sang Nhật làm việc dưới dạng nhân viên phái cử ngày càng nhiều. Tuy nhiên lại không có nhiều người biết được luật lao động bên Nhật đối với nhân viên phái cử Haken là gì.