Dòng sách mang cảm hứng giải mã sự 'thần kỳ' của Nhật Bản.

Cùng với tinh thần khởi nghiệp và kiến tạo quốc gia đang được giới trẻ Việt Nam chú ý, thị trường gần đây xuất hiện nhiều đầu sách về câu chuyện Nhật Bản cũng trong mạch cảm hứng này.

07:00 13/12/2019

Ngay trước khi có sự thay đổi triều đại Nhật hoàng, từ vị Thiên hoàng Akihito (trị vì 1989 - 2019) sang Thiên hoàng Naruhito (lên ngôi năm 2019), các sách về câu chuyện phát triển kinh tế Nhật Bản đã được dịch và đến với bạn đọc Việt Nam đầy hào hứng.

Dòng sách mang cảm hứng giải mã sự thần kỳ của Nhật Bản. - Ảnh 1.

Các sách về câu chuyện Nhật Bản đang phát hành tại Việt Nam - Ảnh: L.ĐIỀN

Chiếc "bóng cả" Minh Trị

Ấn phẩm nặng ký nhất về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong loạt sách Nhật Bản được đề cập ở đây là quyển Thiên hoàng Minh Trị của Donald Keene - một tác giả người Mỹ nhưng là học giả lớn về Nhật Bản.

Quyển sách này được chú ý nhân dịp kỷ niệm tròn 150 năm Minh Trị Duy Tân của Nhật (1868 - 2018), thương hiệu sách Đông A đã mua bản quyền và tổ chức dịch.

Quyển sách dày hơn 1.000 trang đến năm nay mới hoàn thành, và tác giả Donald Keene rốt cuộc cũng không chờ được thấy bản dịch tiếng Việt quyển này - ông qua đời vào ngày 24-2-2019 tại Tokyo, hưởng thọ 96 tuổi.

Đây là ngàn trang sách dành cho cơ nghiệp một vị thiên hoàng Nhật Bản, lại là Thiên hoàng Minh Trị - người giữ vai trò then chốt kiến tạo một nước Nhật hiện đại mà các giá trị cơ bản được tiếp thu từ tinh hoa phương Tây đã dung hòa với truyền thống và căn cốt người Nhật để tạo thành một chuẩn mực Nhật Bản, đưa một quốc gia từ phong kiến lạc hậu ở phương Đông lên tốp đầu của các cường quốc trên thế giới.

Nói như TS Nguyễn Xuân Sanh, "rất đáng để người Việt Nam tìm hiểu lịch sử cuộc duy tân độc nhất vô nhị ở phương Đông" mà theo ông, Nhật Bản đã làm cuộc tái sinh phi thường được lãnh đạo bởi Thiên hoàng Minh Trị.

Tay bút bậc thầy Donald Keene đã mang lại cho độc giả ngồn ngộn thông tin, rất nhiều kiến thức và đặc biệt là qua mỗi chương viết, người đọc không khỏi ngạc nhiên rằng tác giả đã tìm kiếm tư liệu, xử lý thông tin và xây dựng kế hoạch thế nào để viết ra hơn 1.000 trang sách rất mạch lạc, trôi chảy và có sức quyến rũ người đọc "như một cuốn du ký nhiều chương".

Cùng chia nhau cái "bóng cả" Minh Trị, Công ty Nhã Nam cũng kịp trình làng quyển Ba gã say luận đàm thế sự - công trình được xem là "đại diện cho văn minh thời Minh Trị", của tác giả Nakae Chomin.

Tác phẩm cấu tứ trên hình thức ba gã say mà mỗi người đại diện cho một hệ tư tưởng: chủ nghĩa lý tưởng, chủ nghĩa quốc quyền có tư tưởng bành trướng, và chủ nghĩa hiện thực. Sách này đề cập đến cả các vấn đề dân quyền, quốc quyền, cũng như cuộc đời của Nakae Chomin dành mối quan tâm sâu sắc cho cuộc vận động tự do dân quyền.

Do vậy, không chỉ được xem là tác phẩm tiêu biểu cho văn minh thời Minh Trị, mà như phát hiện của TS Vĩnh Sính, "tư tưởng của Nakae Chomin có nét tương đồng đáng ngạc nhiên với tư tưởng của Phan Châu Trinh".

Nhật Bản trong nhiều câu chuyện

Có một điều thú vị là khi câu chuyện về Nhật Bản được công chúng Việt Nam chú ý, người ta phát hiện ra cũng chính người Việt từng chú ý đến câu chuyện Nhật Bản từ... 100 năm trước.

Thương hiệu sách Omega Plus nhận ra điều này và tổ chức bản thảo quyển sách Nhật Bản qua lăng kính người Việt đầu thế kỷ XX. Đây là công trình tuyển chọn các bài viết về câu chuyện Nhật Bản đăng tải trên báo chí Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.

Hồi đó, người Việt nghĩ gì, viết gì và quan tâm đến vấn đề gì của Nhật Bản? Câu trả lời từ trăm năm trước có thể là một gợi mở để thế hệ trí thức Việt ngày nay tự xét lại mình đang ở cự ly nào so với thế hệ cha ông.

Cũng trong dòng sách về Nhật Bản đợt này, Omega Plus còn tái bản hai quyển nổi tiếng của Fukuzawa Yukichi là Khái lược văn minh luận và Phúc ông tự truyện. Bên cạnh đó là quyển Duy Tân thập kiệt, do PGS.TS Nguyễn Tiến Lực tuyển chọn giới thiệu mười nhân vật kiệt xuất trong bước ngoặt Minh Trị Duy Tân.

Cùng với thông tin rằng Nhật Bản sẽ in hình nhà tư bản bậc thầy Shibusawa Eiichi lên tờ giấy bạc có mệnh giá cao nhất (10.000 yen) để kỷ niệm, Công ty Sách Phương Nam đã "nhanh tay" ấn hành hai quyển sách liên quan đến nhân vật này.

Một là tự truyện Vũ dạ đàm do chính Shibusawa kể, và quyển còn lại là Nhà tư bản lỗi lạc thời Minh Trị Shibusawa Eiichi của Shimada Masakazu. Quyển này cho thấy phần đóng góp đáng kể của Shibusawa là xây dựng ý thức về trách nhiệm xã hội trong giới doanh nghiệp Nhật từ rất sớm.

Ở một chiều hướng khác, Sách Phương Nam còn giới thiệu một quyển thú vị là Những người Nhật vị tha (Isoda Michifumi - Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch). Câu chuyện chân thực về những người Nhật vô tư lợi, giàu lòng trắc ẩn, khiêm nhường và hiến thân có sức mạnh đánh động lương tri và lòng trắc ẩn trong bối cảnh thế giới đang ngày càng "vội vã nhiều hơn và sống cạn hơn" như hiện nay.

Theo: tuoitre.vn

Tags:
Bác sĩ người Nhật thiệt mạng do trúng đạn ở Afghanistan

Bác sĩ người Nhật thiệt mạng do trúng đạn ở Afghanistan

Bác sĩ kiêm nhân viên cứu trợ Nakamura Tetsu đã thiệt mạng do bị trúng đạn trong khi di chuyển bằng ô tô ở Afghanistan. Cảnh sát tỉnh Nangarhar, phía Đông Afghanistan cho biết xe của ông đã bị tấn công bởi các tay súng không rõ danh tính ở thủ phủ tỉnh Jalalabad hôm 4/12.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất