Du học sinh : Lúc đi hết mình, lúc về có buồn ?
Bàn chuyện du học sinh đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua dưới góc nhìn văn hóa của Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết.
14:00 02/01/2020
Sau sự việc một du học sinh trở về quê hương làm việc và thất vọng với cung cách/cơ chế làm việc của cơ quan chủ quản, các trang mạng nóng lên hàng ngày vì vấn đề ở lại hay về nước của các du học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Như thường lệ, bất kì một sự việc, hiện tượng, vấn đề nào cũng được/bị soi chiếu, đánh giá hay phán xét nhiều chiều với cả ủng hộ và phản đối.
Bài viết này chỉ đưa ra một góc nhìn cho vấn đề, không hướng tới sự phán xét, càng không phải là lời khuyên, bởi lời khuyên xác đáng nhất luôn chỉ có từ chính mình.
Có rất nhiều lí do cho sự ở lại, định cư nơi các em đã được cung cấp một nền tảng tri thức tiên tiến; được hấp thụ một phần thói quen trong văn hoá giao tiếp, ứng xử; được hứa hẹn một cuộc sống vật chất tương xứng với chất xám hoặc sức lao động bỏ ra.
Lựa chọn này đã giúp nhiều em thành công trong sự nghiệp nghiên cứu, sáng tạo hoặc tạo lập một nền tảng vững vàng cho cuộc sống vật chất bằng năng lực bản thân và điều kiện làm việc phù hợp.
Lựa chọn này cũng giúp các em có điều kiện đóng góp tốt nhất trí tuệ, tâm huyết của mình cho cả đất nước em đang sống và đất nước đã sinh ra em.
Tất nhiên, cũng không hiếm những trường hợp thất bại, phải chấp nhận cuộc sống vất vưởng xứ người.
Cũng có rất nhiều lí do cho sự trở về với quê hương đất nước, nơi có gia đình và môi trường sống quen thuộc.
Trong thực tế, lựa chọn này luôn bao hàm cả thành công và thất bại tương ứng với năng lực và điều kiện sống, điều kiện làm việc của mỗi cá nhân.
Vượt lên trên vấn đề thành công hay thất bại, cũng không đề cập tới những lí do và hệ quả của việc về hay ở đã được các bài viết, bài phỏng vấn đặt ra khá sâu sắc, xác thực, thấm thía trải nghiệm trong thời gian qua.
Chúng ta hãy cùng nhìn nhận vấn đề ở lại hay về nước của du học sinh ( DHS) ở góc nhìn văn hoá.
Mỗi con người luôn thuộc về một nền văn hoá nơi anh ta sinh ra và lớn lên, từ nếp sống, nếp nghĩ, cách ăn uống, ứng xử, cho đến những phong tục tập quán… Những dấu ấn văn hoá ấy, dù muốn hay không, con người tuyệt đối không thể chối bỏ.
Trong chương trình Ngữ văn lớp 12 THPT có đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm với những câu thơ dung dị mà sâu xa về dấu ấn văn hoá của Đất Nước đối với mỗi con người:…
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó.
Theo đó, xuyên qua chiều dài của thời gian lịch sử và chiều rộng của không gian địa lí là chiều sâu, là bề dày của văn hoá, Đất Nước luôn hiện hữu trong mỗi con người từ ngôi nhà ta ở, hạt gạo ta ăn, ngôn ngữ ta trò chuyện tâm tình, đạo lí khi ta ứng xử.
Đất Nước luôn nhắc nhớ chúng ta về những phong tục tập quán lâu đời, từ một miếng trầu ngày cưới hỏi, từ những lễ hội, giỗ tết… cho đến cách sống nhân hậu thuỷ chung trong cộng đồng họ mạc…
Khi sống trong cộng đồng đất nước mình, chúng ta thường không để ý, không nhận ra và cũng không có ý thức sâu săc về cái khí quyển văn hoá thân thuộc bao bọc ngoài ta, thấm đượm trong ta.
Chỉ khi sống ở nước ngoài, sự va chạm, thậm chí sự xung đột, hoặc đơn giản chỉ là sự ánh chiếu hai nền văn hoá sẽ khiến chúng ta ngay lập tức nhận ra ta vốn thuộc về đâu!
Có lần tôi nói với một học trò cũ định cư ở nước ngoài về cái tôi gọi là bi kịch lạc loài như sau:
“Em sẽ không bao giờ tìm thấy sự ấm áp, thanh thản tuyệt đối, bởi em không thuộc về bất cứ nơi nào, cả đất nước em sinh ra và đất nước em lựa chọn sinh sống – vì ở đâu em cũng là ngoại kiều!”.
Con người chỉ an nhiên khi không cưỡng lại tự nhiên, hồn cốt văn hoá là cái tự nhiên trong mỗi chúng ta.
Khi lựa chọn một nền văn hoá khác, thường là tiên tiến hơn, ưu việt hơn, DHS phải tự thay đổi chính mình, cũng tức là thay đổi cái hồn cốt văn hoá trong chính con người mình để hoà nhập với môi trường mới.
Trong đó, nhiều yếu tố văn hoá không có sự hơn kém mà chỉ đơn thuần là khác biệt.
Khi tiến tới những nét văn hoá tiên tiến, ưu việt, có thể chúng ta sẽ sống văn minh hơn, nhân văn hơn, làm việc có hiệu quả hơn, nâng cao giá trị bản thân hơn; nhưng nếu thay đổi một nét đặc thù, chúng ta có thể rơi vào bi kịch thứ hai nơi xứ người, đó là bi kịch vong bản!
Ngày tết Nguyên đán, tụ họp một nhóm người xa xứ, bơ vơ niềm nỗi khác thường giữa nhịp sống bình thường, nén hương trầm lẻ loi giữa tuyết lạnh xứ người – đó là bi kịch lạc loài.
Ngày tết vẫn thờ ơ trong nhịp sống và làm việc gấp gáp xứ người, quên những giỗ tết lễ hội, quên những sum họp đầm ấm, quên một miền quê xa, đó là bi kịch vong bản.
Khi con người ý thức về sự va chạm, khác biệt của hai nền văn hoá, anh ta sẽ thấm thía cảm giác lạc loài, còn nếu bình thản, vô tư tới vô tâm, đó sẽ là dấu hiệu đầu tiên của vong bản.
Không thể phủ nhận trùng điệp những khó khăn, khó chịu, bức xúc về cung cách làm việc, những sự bất cập của cơ chế, chính sách, những sự xói mòn nghiêm trọng nếp văn hoá Việt trong thời hội nhập… là những yếu tố làm nguội nhiệt tình, làm vơi đi niềm khao khát được sống, được khẳng định giá trị cá nhân ngay trên chính quê cha đất tổ của một bộ phận không nhỏ DHS.
Có lẽ chưa bao giờ, văn hoá Việt, cách sống, cách làm việc, ứng xử của của một bộ phận người Việt lại trở thành một vấn đề nhức nhối như hiện nay.
Nhưng, đất nước giống như một ngôi nhà lớn thân yêu, ấm áp, nếu ngôi nhà ấy có chỗ thấm dột, có một vài rường cột lung lay, không nhẽ lần lượt từng đứa con bước ra khỏi nhà với lời than: “Đến bao giờ nhà mình mới thay đổi, mới đẹp đẽ, vững chắc?”.
Sự thành công hay thất bại của những đứa con ra đi, chưa ai đoan chắc, chỉ chắc chắn hai điều: ngôi nhà ấy sẽ hoang tàn và mỗi ngày tết nơi xứ người, những đứa con sẽ lại bơ vơ cùng làn hương trầm lạc loài trong tuyết lạnh!
Nguồn: TS Trịnh Thu Tuyết / Tri thức trẻ
Những địa điểm tuyệt vời để ngắm bình minh tại Xứ sở mặt trời mọc
Nằm ở cực Đông của châu Á, Nhật Bản được coi là đất nước đầu tiên có thể nhìn thấy mặt trời mọc. Truyền thuyết cũng kể rằng chính nữ thần Amaterasu vị thần của mặt trời và vũ trụ đã tạo ra Nhật Bản. Kể từ đó nơi đây được gắn liền với mỹ danh “Xứ sở mặt trời mọc”.