Du học sinh có bắt buộc đóng nenki ( chế độ lương hưu) khi du học Nhật Bản không?
Khi du học Nhật Bản ngoài thuế và bảo hiểm, thì nenkin cũng là một vấn đề được rất nhiều du học sinh Việt quan tâm. Ở Nhật, tiền phí nenkin phải đóng hàng tháng rất lớn, tính nghĩa vụ có vẻ không cao như thuế, …do đó có rất nhiều du học sinh băn khoăn không biết có nên đóng hay không? Làm thế nào để giảm thiểu được khoản chi phí có vẻ như “một đi không trở lại này”. Hãy cùng du học Nhật Bản giải đáp mọi thắc mắc trên nhé
15:30 05/03/2018
Chế độ nenki (公的年金制度) là gì? những đối tượng phải đóng Nenki tại Nhật Bản
Nenki là chế độ đóng quỹ lương hưu tại Nhật trong đó, tất cả mọi người bất kể quốc tịch, nghề nghiệp, giới tính, trong độ tuổi từ 20 đến 60, đang cư trú tại Nhật, có nghĩa vụ phải tham gia đóng 1 khoản tiền hàng tháng(年金保険料) để đảm bảo cho cuộc sống của bản thân sau khi về hưu. Sau khi đóng Nenki theo đủ số năm quy định khi về già người tham gia sẽ được hưởng trợ cấp lương hưu hàng tháng. Chế độ này cũng gần giống với bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam.
Ở nhật có 2 khoản mà người sinh sống tại đây bắt buộc phỉa đóng là 国民年金保険料 và 国民健康保険料. Do đều có chung chữ 保険料 nên nhiều bạn hiểu nhầm 2 khoản phí này là một và đều là…tiền bảo hiểm. Thực tế, đây là 2 khoản hoàn toàn khác nhau.
国民健康保険料 (Phí bảo hiểm sức khỏe quốc dân): Là khoản phí bảo hiểm bạn phải nộp khi tham gia vào chế độ bảo hiểm sức khỏe quốc dân. Khi tham gia bảo hiểm này, bạn sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ y tế (ví dụ: hỗ trợ 70% chi phí khám chữa bệnh, được tiền trợ cấp khi sinh con,..). Tiền phí bảo hiểm này tính theo thu nhập của người nộp.
国民年金保険料 (Phí nenkin cơ bản): Là khoản phí bạn phải nộp cho quỹ lương hưu cơ bản để được hưởng lương hưu khi về già, hoặc nhận trợ cấp khi gặp thương tật, tử vong. Tiền phí nenkin cơ bản là khoản thống nhất.
1. Quỹ lương hưu cơ bản (国民年金)
Đối tượng tham gia của quỹ lương hưu cơ bản (国民年金) là tất cả những cá nhân đang cư trú tại Nhật Bản (bất kể quốc tịch), độ tuổi từ 20 đến 60. Tuy vậy, tiền phí nenkin phải đóng hàng tháng và cách thức nộp sẽ khác nhau tùy vào công việc hiện tại của cá nhân đó và được chia làm 3 nhóm đối tượng chính sau:
Nhóm 1: Sinh viên, người làm nông lâm ngư nghiệp, nghề tự do hoặc không có nghề nghiệp…
Tiền phí nenkin phải đóng hàng tháng của các đối tượng này là phí nenkin cơ bản (国民年金保険料), là một khoản tiền cố định, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính hay thu nhập của người nộp.
Tuy nhiên số tiền này thường thay đổi theo từng năm theo chính sách của chính phủ. Từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018, khoản phí này là 16.490 Yên/tháng.
Các đối tượng thuộc nhóm 1 sẽ phải trực tiếp nộp tiền phí nenkin cho quỹ lương hưu Nhật Bản (日本年金機構) thông qua các tờ thông báo tiền bảo hiểm do quỹ này gửi về cho bạn vào tháng 4 hàng tháng.
Nhóm 2: Người đang làm việc tại các công ty có tham gia quỹ lương hưu phúc lợi (厚生年金)
Đây là nhóm đối tượng vừa phải tham gia quỹ lương hưu cơ bản, vừa phải tham gia thêm quỹ lương hưu phúc lợi. Bản chất là vậy, nhưng thực ra chỉ cần làm thủ tục tham gia quỹ lương hưu phúc lợi tại công ty, là tự động bạn cũng sẽ được chuyển vào danh sách tham gia quỹ lương hưu cơ bản.
Tiền phí nenkin hàng tháng sẽ bao gồm khoản phí nenkin cơ bản và khoản phí nenkin phúc lợi phụ trội, gộp chung gọi là phí nenkin phúc lợi (厚生年金保険料)
Khoản phí này không cố định mà tỷ lệ với thu nhập của người đóng, rơi vào khoảng 17.828% lương tháng, nhưng sẽ được công ty hỗ trợ 50%. Khoản phí nenkin của các đối tượng thuộc nhóm 2 được trừ trực tiếp vào lương hàng tháng.
Nhóm 3: Những người phụ thuộc của đối tượng thuộc nhóm 2 và trong độ tuổi từ 20 đến 60.
Là vợ/ chồng/ người phụ thuộc kinh tế của những người thuộc nhóm 2 (hiểu nôm na chính là các chị em nội trợ theo chồng sang Nhật). Những người thuộc nhóm 3 này sẽ được quỹ lương hưu mà chồng/vợ người đó tham gia tại công ty hỗ trợ hoàn toàn chi phí, nên không phải đóng phí nenkin hàng tháng nhưng vẫn được hưởng các chế độ của quỹ lương hưu cơ bản khi về già. Tuy vậy, chồng/vợ bạn cần làm thủ tục đăng ký phụ thuộc tại công ty
Lưu ý: Tuy nhiên, những người thuộc nhóm 3, nếu thu nhập trong năm vượt quá 130 vạn yên sẽ không được coi là đối tượng phụ thuộc nữa, nên sẽ không được xét vào nhóm 3 mà sẽ được coi là đối tượng nhóm 1 và phải đóng đóng phí theo nhóm 1. Vì vậy, các bạn hiện đang cư trú tại Nhật theo visa gia đình có vợ/chồng là nhân viên chính thức nên lưu ý điều này để căn chỉnh sao cho thu nhập hàng năm phù hợp để được miễn các khoản đóng bắt buộc này.
2. Quỹ lương hưu phúc lợi (厚生年金)
Đối tượng tham gia quỹ lương hưu phúc lợi (厚生年金) là những đối tượng thuộc nhóm 2 của quỹ lương hưu cơ bản (国民年金). Để cho dễ hiểu, các bạn có thể hình dung nếu đi làm tại các công ty, các bạn sẽ có nghĩa vụ phải tham gia đồng thời 2 quỹ lương hưu, đó là 国民年金 (bắt buộc với tất cả mọi người từ 20 đến 60 tuổi) và 厚生年金 (bắt buộc đối với những người đi làm tại các công ty).
Tuy phải tham gia 2 loại quỹ lương hưu cùng lúc, nghe có vẻ thiệt thòi, nhưng thực tế là tiền phí nenkin đã được công ty hỗ trợ 50%, và sau khi khi về già bạn có thể nhận được 2 khoản lương hưu cùng lúc, nên thật ra là có lợi hơn rất nhiều so với những người ở nhóm 1 và nhóm 3.
Du học sinh có bắt buộc phải đóng nenkin không?
Câu trả lời là CÓ vì tham gia quỹ lương hưu cơ bản (国民年金) là nghĩa vụ bắt buộc với tất cả những ai từ 20 tuổi đến 60 tuổi sinh sống tại Nhật và du học sinh thuộc đối tượng 1 kể trên. Vì vậy, các bạn du học sinh trên 20 tuổi đều có nghĩa vụ phải đóng tiền nenkin hàng tháng với mức phí áp dụng từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018 là 16.490 yên/tháng. Tuy nhiên, để nhận được tiền lương hưu cơ bản cho tuổi già (老齢基礎年金) khi đủ 65 tuổi, hoặc tổng thời gian tham gia quỹ lương hưu cơ bản (国民年金) phải trên 10 năm trở lên. (Trước đây là 25 năm, nhưng theo luật mới áp dụng từ 1/8/2017 đã rút xuống còn 10 năm) do đó nhiều bạn tận dụng chế độ xin hoãn đóng đặc biệt dành cho học sinh có tên là 学生納付特例制度(がくせいのうふとくれいせいど) để hạn chế các chi phí khi còn đi học. 学生納付特例制度 là chế độ đặc biệt cho phép người tham gia có thể gia hạn thời gian nộp phí nenkin.
Đối tượng:
Là sinh viên đang theo học tại các trường Đại học (cao học), Đại học ngắn hạn, senmon, trường tiếng Nhật,..
Có thu nhập trong năm không quá (118 man + số người phụ thuộc x 38 man + các khoản giảm trừ bảo hiểm xã hội)
Tuy vậy, việc tham gia quỹ lương hưu là nghĩa vụ được pháp luật quy định , do vậy không sớm thì muộn bạn vẫn phải đóng. Nếu bạn không đóng sẽ bị cơ quan hành chính gọi điện, gửi giấy báo thúc giục liên tục. Nếu bạn để quá lâu thì sẽ bị gửi giấy cảnh cáo và thậm chí có thể bị trưng thu/ phong tỏa tài sản (trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của bạn). Bạn có thể gia hạn thời đóng phí nếu chẳng may bạn bị thương tật, bạn sẽ vẫn được hưởng trợ cấp như người tham gia bình thường. Thời gian đăng ký xin hoãn nhưng chưa đóng phí vẫn được tính vào thời gian tham gia cần thiết (25 năm) để được nhận lương hưu sau này (nếu bạn có ý định sinh sống lâu dài ở NHật)
Thủ tục đăng kí xin gia hạn thời gian đóng phí Nenki
1.Đến làm thủ tục đăng ký ở các quầy hướng dẫn (madoguchi) đặt tại:
Cơ quan hành chính địa phương mình đang cư trú hoặc Văn phòng phụ trách nenkin gần nhất, trường học mình đang theo học (giới hạn, xem danh sách tại đây)
2.Hoặc in và điền đơn đăng ký rồi gửi đến cơ quan hành chính nơi mình cư trú.
Mẫu giấy tờ download tại đây: http://www.nenkin.go.jp/shinse … 3.pdf
Sổ Nenki
Giấy tờ kèm theo bắt buộc: 国民年金手帳 (sổ nenkin) . Thông thường, khi đã qua 20 tuổi, khi bạn làm thủ tục nenkin xong sẽ được cấp 1 cuốn sổ gọi là 国民年金手帳. Nếu bạn chưa nhận được hoặc vì lý do nào đó bị thất lạc, đến cơ quan hành chính địa phương mình cư trú để xin cấp lại. Thời gian đăng ký cho niên độ 2017 (4/2017 đến tháng 3/2018) là 2 năm 1 tháng, tính từ tháng 4/2017. Tức là thời hạn để đăng ký chế độ 学生納付特例制度 là từ tháng 4/2017 đến hết tháng 5/2019. Sau thời gian này bạn không thể đăng ký cho năm 2017 được nữa. Sau khi làm thủ tục xong, bạn sẽ nhận được từ Cơ quan nenkin Nhật Bản giấy thông báo Chấp nhận (承認通知書) hoặc Từ chối (却下通知書). Nếu nhận được giấy Từ chối tức là bạn cần phải đóng phí nenkin này ngay mà không được trì hoãn.
Trên đây là tất cả liên quan đến vấn đề chế đôn nenki ( lương hưu) tại Nhật mà du học sinh bắt buộc phải biết. hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn học tập tốt
Theo: http://8n8n.vn
Cứ du học là tránh thất nghiệp – đây không phải là “mệnh đề” luôn đúng
Không nên vì một vài lý do bên ngoài tác động như: theo xu hướng, lựa chọn may rủi… mà vội vàng quyết định du học cho bằng được. Những điều này sẽ dẫn đến hệ quả là một số bạn sinh viên cảm thấy thất vọng về những lựa chọn du học của mình.