Đường về nhà của cậu bé Việt 47 năm xa mẹ ruột, phiêu dạt tại Mỹ
Đường về nhà của cậu bé Việt 47 năm xa mẹ ruột
10:53 11/11/2022
Cuối năm 2019, ông Ton Ogi-Robbins, 52 tuổi ở California, Mỹ bắt đầu hành trình tìm mẹ ruột nhưng không ngờ cũng thời điểm đó người mẹ của ông ở Việt Nam đã qua đời trong ân hận vì đã gửi con sang Mỹ trong chiến dịch "Không vận trẻ em" (Babylift) năm 1975.
Có nhiều đêm, khi Ton Ogi-Robbins còn là một cậu bé tiểu học, anh theo cha nuôi của mình là ông Billy Robbins đến chỗ làm việc. Sau khi phụ ông làm vài việc vặt rồi ngủ thiếp đến sáng, Ton thức giấc và anh thấy cha nuôi vẫn đang làm việc.
Chứng kiến điều đó từ cha nuôi, cậu bé Ton biết cha sẵn sàng làm tất cả vì gia đình, trong đó có anh - người con nuôi mang từ Việt Nam sang Mỹ. Cũng vì nhận được sự yêu thương đó, sau này, khi trở thành cha của 3 đứa con, ông Ton đã biết mình phải làm gì cho gia đình. Gia đình của ông không chỉ có vợ con và cha mẹ nuôi ở Mỹ, mà còn có một người mẹ đẻ ở Việt Nam.
"Mong muốn tìm mẹ của tôi vẫn luôn ở đó. Tôi cần nói lời cảm ơn bà vì đã gửi tôi đến Mỹ. Tôi thật sự đã có một cuộc sống tốt với 2 người cha nuôi và 1 người mẹ nuôi. Hơn hết, tôi mong có thể giúp bà có một cuộc sống tốt hơn nếu cần", ông Ton hiện đang sống ở thành phố Fremont, tiểu bang California.
Ông Ton chụp hình cùng cha nuôi đầu tiên của mình là ông Billy, năm nay đã ngoài 70 tuổi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cậu bé may mắn
Ton Ogi- Robbins từng có tên tiếng Việt là Tuấn, sinh ngày 2/4/1970. Mẹ Ton là bà Cao Thu Thủy từng làm việc trong một căn cứ quân sự Mỹ ở Sài Gòn. Ở đó, bà quen và yêu một người lính Mỹ rồi sinh Ton. Năm 1975, chiến tranh kết thúc. Mỹ thực hiện chiến dịch Babylift (Chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam sang Mỹ).
Khác với hơn 3.000 trẻ được đưa sang Mỹ lúc bấy giờ, bà Thủy biết điểm đến của con trai mình. Hôm đó, bà Thủy bế con ra sân bay cùng vợ chồng hai người bạn thân là ông Billy và bà Suzanne định sang Mỹ nhưng bị chặn lại. Vì Ton là con lai nên được lên máy bay cùng vợ chồng ông Billy.
Phút chia tay, hai bên trao đổi địa chỉ liên lạc, bà Thủy tự tin mình sẽ không lạc con. Ban đầu, ông Billy định cho Ton đến ở với một gia đình khác nhưng khi về đến Mỹ, vợ chồng ông giữ anh làm con nuôi.
"Tôi nhớ rằng mình đã xa mẹ. Tôi nhớ mình đã rời bỏ bà ấy để đến Mỹ ở với cha mẹ nuôi. Thật khó để tôi nhớ về Việt Nam. Tôi không phải là một đứa trẻ cảm thấy tồi tệ, có cảm xúc tiêu cực khi phải xa mẹ để rồi ảnh hưởng cả quãng đời còn lại. Thay vào đó, tôi cảm thấy hạnh phúc và biết ơn, vì tôi được bố mẹ nuôi yêu thương rất nhiều", ông Ton tâm sự.
Hình ảnh của ông Ton thuở bé được gia đình ba mẹ nuôi gửi về cho bà Thủy (Ảnh: Thành Luân).
Thời điểm đó, hai bên vẫn còn gửi thư qua lại cho nhau. Bà Thủy vẫn biết con mình có cuộc sống tốt. Còn cậu bé Ton đã biết viết thư cho mẹ bằng tiếng Anh khi bước vào tiểu học.
Đến năm 1981, vợ chồng ông Billy ly hôn. Ton theo mẹ nuôi Suzanne đến ở cùng người cha nuôi mới tên Dub, người Nhật Bản.
Để Ton được nhận làm con nuôi hợp pháp theo quy định của Mỹ, vợ chồng ba mẹ nuôi đã gửi về Việt Nam giấy thỏa thuận cho Ton làm con nuôi để bà Thủy ký. Muốn con được đi học, được pháp luật bảo vệ ở Mỹ, bà Thủy đã đồng ý.
Kể từ thời điểm đó, bà Thủy không còn nhận được thư tay của con trai viết nữa. Thay vào đó là những bức thư và hình ảnh Ton do ba mẹ nuôi gửi về.
Lá thư tay cuối cùng ông Ton viết cho mẹ mà anh Luân còn giữ (Ảnh: Thành Luân).
Trong trí nhớ của Ton, ông nhớ vào năm mình 14 và 16 tuổi, có một người đàn ông Mỹ đã đến tìm mình theo sự nhờ vả của bà Thủy nhưng rời đi rất nhanh và không giúp ông kết nối với mẹ.
Cậu bé Ton lúc bấy giờ từng nghĩ, có thể mẹ không muốn gặp mình vì một lý do nào đó nhưng bà vẫn muốn biết con trai mình ổn hay không.
"Người dịch thư không còn giúp đỡ chúng tôi. Tôi không còn nhận được phản hồi từ mẹ khi gửi thư về địa chỉ cũ", ông Ton hồi tưởng.
Cứ thế, ông Ton lớn lên ở thành phố Berkeley, California cùng ba mẹ nuôi. Đó là một thành phố giao thoa của nhiều vùng văn hóa. Ông Ton từng phải giải thích và nói rằng mình sinh ra ở TPHCM thì nhiều người mới tin ông có dòng máu Việt trong người.
Đã biết người thân mình đang ở đâu
Ở Việt Nam, bà Thủy - mẹ ông Ton nhiều lần tìm cách sang Mỹ nhưng không thành. Bà đi thêm bước nữa rồi sinh thêm một người con trai tên Cao Thành Luân, 37 tuổi. Sau đó, bà Thủy làm mẹ đơn thân, một mình làm đủ nghề nuôi con khôn lớn. Bà cũng đã chuyển chỗ ở nhiều lần trước khi không còn nhận được những lá thư của Ton từ Mỹ.
Anh Luân, em trai cùng mẹ khác cha của ông Ton ở quận 10, TPHCM cho biết, mẹ mình luôn nhắc về người con thất lạc. Từng lá thư, tấm hình của ông Ton gửi về bà đều cất giữ cẩn thận, thi thoảng lại lấy ra xem rồi khóc.
"Trong lá thư cuối cùng mẹ gửi đi năm 1992 sau nhiều năm không liên lạc được với con, bà tỏ rõ sự buồn bã và hối hận khi đã cho con đi và mong được gặp lại anh hai dù chỉ một lần", anh Luân nói và cho biết có thể do mẹ con anh chuyển nhà nhiều lần nên thư gửi về không đến tay. Trong khi bà Thủy gửi thư sang Mỹ thì không nhận được sự phản hồi. Từ sau bức thư đó, mẹ con họ lạc nhau.
Tấm hình của bà Thủy gửi sang Mỹ cho con được ông Ton dùng để cung cấp cho anh Phúc tìm kiếm mẹ (Ảnh: Thành Luân).
Tháng 11/2019, bà Suzanne - mẹ nuôi của ông Ton qua đời. Trước lúc mất, bà mới gửi lại những thông tin của bà Thủy để ông Ton tìm về người mẹ Việt Nam. Nghĩ rằng nếu không cố gắng tìm mẹ ruột ngay thì sau này sẽ khó có cơ hội nên ông Ton đã cố gắng thử nhiều cách để tìm lại mẹ Thủy của mình.
"Tôi đã đợi quá lâu. Trong tôi ẩn giấu một buồn sâu thẳm những năm tháng qua. Tôi nghĩ rằng mẹ Thủy biết địa chỉ cũ của tôi và nhờ người đến tìm nhưng không đủ quan tâm để liên lạc tiếp với tôi. Tôi vẫn sở hữu ngôi nhà cũ ở Berkeley, California và luôn nghĩ mẹ có thể tìm mình", ông Ton quả quyết.
Năm 2018, ông Ton bắt đầu kết bạn với một chủ gara ô tô người Việt Nam. Ông nhiều lần nói về ý định tìm mẹ của mình, nhưng mọi việc chưa đi đến đâu. Cho đến đầu năm nay, ông gặp một người đàn ông tên Minh, cùng lập nhóm khoảng 10 người và bắt đầu có những buổi đi chơi.
"Tôi và Minh trở thành bạn bè và anh ấy muốn giúp tôi tìm mẹ", ông Ton chia sẻ.
Một lần thử tìm kiếm nhưng không thành, Minh giới thiệu một người phụ nữ ở Việt Nam cho ông Ton. Người này đã liên hệ với anh Đỗ Hồng Phúc, 27 tuổi, ở quận Gò Vấp. Anh là một kiến trúc sư nhưng sẵn sàng dùng thời gian rảnh của mình để giúp nhiều người gốc Việt ở nước ngoài tìm lại gia đình.
Với một số hình ảnh thời trẻ của bà Thủy và 4 địa chỉ mà bà từng dùng để gửi thư sang Mỹ, anh Phúc đã tìm đến nhưng không hỏi được manh mối nào.
Sau đó, chàng trai đành cầu cứu cộng đồng mạng. Sau 2 tiếng bài viết được chia sẻ, một người bạn của anh Luân nhận ra bà Thủy trong những tấm hình. Có dịp sang nhà Luân phụ dọn dẹp, người này đã nhìn thấy những hình ảnh thời trẻ của bà nên báo tin.
Vào bài đăng tìm mẹ của ông Ton trên Facebook và thấy hình ảnh mẹ mình. Anh Luân bật khóc, nói trong vô thức: "Anh hai tìm về rồi mẹ ơi!".
"Trước đó một đêm, tôi nằm mơ thấy mẹ", anh Luân xúc động nói.
Tìm được anh hai quá bất ngờ, Luân gọi điện thoại cho Phúc để nhận người thân. Sau đó, Phúc và bạn của mình đã đến tận nhà để xác minh. Những hình ảnh, lá thư có nét chữ của ông Ton thuở bé mà bà Thủy cất giữ được bày ra. Trong cuộc điện thoại đầu tiên của hai anh em cùng mẹ khác cha hôm 30/9, cả hai cùng khóc.
Ông Ton cho biết, ở Mỹ, thông qua ngân hàng ADN, ông đã tìm được cha mình nhưng người này không muốn nhận con. Luân cũng vậy, cha anh cũng chối bỏ anh và mẹ Thủy. Vì thế, hai anh em dường như đồng cảm hơn vì biết rằng mình vẫn còn một người ruột thịt.
"Tôi đã lần theo 4 địa chỉ ông Ton cung cấp nhưng chỉ dừng lại chụp một tấm hình ở địa chỉ 86 Bến Chương Dương, nay đã quy hoạch thành con đường khác. Thật trùng hợp khi nghe anh Luân nói trước khi qua đời, bà Thủy một mực đòi về nơi đây ở để chờ con. Tuy hai anh em đều mất mẹ, nhưng ít nhất họ biết người thân của mình đang ở nơi đâu", anh Phúc chia sẻ.
Ông Ton cùng vợ và 3 người con của mình ở Mỹ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Sau khi biết tin, ông Ton đã lái xe về nhà người cha Billy để báo tin. Mọi người trong gia đình đều rất vui và bất ngờ khi ông tìm được người thân nhanh đến vậy. Tuy mọi giấy tờ, hình ảnh đều có thể chứng minh hai người là anh em, nhưng gia đình ông Ton muốn Luân có dịp được sang Mỹ nên họ đang chuẩn bị thủ tục để làm xét nghiệm AND. Cuối tháng 12 này, ông Ton sẽ về Việt Nam để khoác áo tang nhân ngày giỗ lần thứ 3 của mẹ ruột.
"Tôi rất buồn khi biết mẹ đã qua đời. Nhưng ít ra, giờ này tôi đã có câu trả lời cho cuộc đời mình. Tôi biết rằng mình có một người em trai. Thật may mắn là tôi có thể nói chuyện với cậu ấy. Như vậy, ngoài vợ con thì tôi cũng có thêm một người thân khác và cậu ấy cũng vậy. Chúng tôi đang bù đắp cho nhau những khoảng thời gian đã đánh mất", ông Ton xúc động nói về kế hoạch ngày đoàn tụ.
Làm thuê cho bếp ăn, 2h sáng dậy giao sữa: Cuộc sống chật vật nhưng hạnh phúc của đôi vợ chồng Việt kiều Úc
Vợ chồng Phương – Thảo từng trải qua nhiều việc từ làm thuê cho bếp ăn, 2h sáng mùa đông dậy giao sữa cho khách… những công việc mà ít ai tưởng tượng được về cuộc sống hào nhoáng nơi xứ người.