Giấc mơ có mẹ của người phụ nữ gốc Việt: Tôi đã tìm kiếm mẹ từ khi còn là một cô bé

50 năm qua, Thanh Hồng thường xuyên mơ một bé gái với tay chạy theo một người phụ nữ, gọi 'Mẹ, mẹ ơi', nhưng chưa bao giờ nhìn thấy mặt người đó.

17:48 17/12/2022

Giấc mơ xuất hiện từ khi Nguyễn Thị Thanh Hồng còn là một cô bé chừng 6 tuổi, làm con nuôi một gia đình Mỹ. Ngày đầu tiên về, cô bé bị đánh vì cởi giày làm bẩn tường. Đêm đó Hồng mơ thấy mẹ và giấc mơ thường xuất hiện mỗi khi cô buồn tủi.

"Tôi phải ăn cơm một mình dưới bếp. Những lúc đó tôi ước giá như mình có mẹ. Tôi mơ rằng bà đã chăm sóc mình cho đến khoảng ba tuổi, sau đó đưa vào một trại trẻ mồ côi danh tiếng vì biết cơ hội đến Mỹ lớn hơn", chị Hồng, hiện khoảng 53 tuổi, sống ở Burlington, bang Vermont, Mỹ chia sẻ.

Chị Thanh Hồng khi khoảng 7 tuổi và hiện tại. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 15 tuổi Hồng rời gia đình cha mẹ nuôi, ra ngoài tự mưu sinh. Năm 18 tuổi chị tìm đến giáo hội Công giáo bảo lãnh mình sang Mỹ, nhận lại toàn bộ giấy tờ về nhân thân. Các tài liệu cho thấy Hồng bị bỏ rơi bên ngoài chung cư trên đường Gia Long xưa, nay là đường Lý Tự Trọng, TP HCM. Một xơ nhặt được Hồng đưa về Cô nhi viện Hòa Bình - Gia Định, ở quận Gò Vấp. Ngày 15/4/1975, cô bé rời khỏi Việt Nam theo Chiến dịch không vận Babylift. Vì bị bỏ rơi nên Hồng không có giấy khai sinh, không có chút thông tin nào về mẹ.

Ở tuổi đôi mươi, người con lai Việt - Mỹ này lập gia đình rồi lần lượt sinh ba con. Cuộc sống cuốn theo cơm áo gạo tiền nhưng chưa bao giờ chị Hồng thôi khát khao tìm mẹ. "Bố con tôi ủng hộ cô ấy tìm lại gốc gác của mình, nhưng ngày đó chỉ có biết hỏi thăm qua người này người kia chứ không thể làm gì hơn", anh Quốc Châu, 58 tuổi, chồng chị Hồng nói.

Năm 2016, Thanh Hồng lần đầu trở về Việt Nam sau hơn 40 năm. Đặt chân xuống mảnh đất quê hương, trong chị là một cảm giác vô cùng thân thuộc, dù rằng mọi thứ chỉ là những ký ức chắp vá, mông lung.

Tìm về địa chỉ năm xưa mình bị bỏ rơi và Cô nhi viện Hòa Bình, người ký giấy cho chị đi Mỹ là ông Chu Văn Tăng, nay đã mất. Những người sống ở chung cư trước 1975 đều không còn ai. Mọi manh mối tìm mẹ đi vào ngõ cụt.

Đến năm 2018, chị Hồng làm xét nghiệm ADN và gửi lên thư viện Ancester.com và tìm thấy người cha Mỹ. "Tôi có ý định tìm mẹ, nhưng rồi lại tìm được cha. Cuộc hội ngộ thật tuyệt vời", chị cho hay.

Chị Hồng cùng bố và em trai, trong một lần hội ngộ năm 2019, ở bang Oregon, Mỹ. 

Người cha Mỹ là lính không quân tham chiến ở Việt Nam từ 3/3/1967 đến 4/3/1968. Mỗi cuối tuần ông qua lại với một phụ nữ khác nhau nên không có mảy may ký ức nào về mẹ của chị. "Dựa theo thời gian ông ở Việt Nam thì tôi không thể sinh ngày 30/11/1969 như trong giấy tờ. Cha bảo tôi sinh năm 1968", chị Hồng cho biết.

Từ đó, "đứa trẻ Babylift" thường xuyên tìm kiếm thông tin về mẹ trên các trang ADN, cũng như các hội nhóm con lai. Đầu năm nay, chị chia sẻ câu chuyện tìm mẹ trên một kênh YouTube, chỉ sau nửa ngày đã có một gia đình ở Đồng Nai liên hệ làm xét nghiệm.

So sánh hình ảnh ngày nhỏ và hiện tại của Hồng với người phụ nữ tên Văn Thị Huế, sinh năm 1937, cùng các con cháu của bà, dễ dàng nhận ra nhiều nét tương đồng giữa họ. Gia đình này cũng đang tìm kiếm một người con tên Hồng thất lạc từ nhỏ. Hy vọng bùng lên trong lòng chị Hồng.

Chỉ sau vài ngày trao đổi thông tin, chị gửi tóc và móng tay về Việt Nam để làm xét nghiệm ADN. Những ngày chờ kết quả, chị ăn ngủ không yên nhưng rồi bao nhiêu hy vọng tan vỡ vì kết quả không trùng khớp.

"Nửa tôi muốn khóc nửa không. Tôi trấn an rằng tìm được cũng tốt, nếu không sẽ giúp gia đình đó tìm con của họ", chị nói. Chị đang làm lại xét nghiệm lần nữa.

Tuần trước, con dâu chị Hồng từ Mỹ về Việt Nam cũng trở lại chung cư và cô nhi viện năm xưa để tiếp tục hỏi thăm. Chị Hồng cũng đang rất muốn câu chuyện của mình được đăng tải trên nhiều kênh thông tin của Việt Nam để tăng cơ hội tìm mẹ.

"Nếu mẹ e ngại xuất hiện công khai, tôi sẽ tạo điều kiện làm ADN cùng mình. Nếu ai biết được thông tin hãy nói giúp người mẹ đó đi xét nghiệm, tôi sẽ hậu tạ", chị bày tỏ.

Chị Hồng cho biết thêm, dưới dái tai trái của mình có một chiếc bớt. Trong phân tích gene có một chút dòng máu người Hoa, rất có thể dòng dõi của mẹ chị là người gốc Hoa. "Tôi ước tất cả những phụ nữ Việt có con lai sẽ có ADN trên trang Ancester.com. Nơi đó họ có thể sẽ tìm ra những đứa con đã thất lạc và tôi cũng có thể tìm được mẹ mình", Hồng nói.

Đối với Thanh Hồng, khát khao tìm mẹ cháy bỏng theo thời gian, đặc biệt sau khi tìm thấy cha. Mặc dù cách nhau hơn 4.000 km, chị thường sắp xếp thời gian đi gặp ông. Do di chứng của chiến tranh nên giờ ông rất ốm. Hai người con trai của ông nói rằng cha vốn ít cười, nhưng khi có Hồng ở đó lúc nào ông cũng vui vẻ.

Bước qua hơn nửa đời người và đã có con cháu đề huề, chị Thanh Hồng không trách mẹ bỏ rơi mình. Chị chỉ có một ước mong tìm được và đón bà qua Mỹ phụng dưỡng.

"Tôi đã tìm kiếm mẹ từ khi còn là một cô bé. Tôi thường mơ và khóc về mẹ. Càng lớn, tôi càng muốn có mẹ hơn. Khi ngày càng già đi, tôi thường tự hỏi về dòng máu châu Á chảy trong mình", chị giãi bày.

"Bao năm qua trong tim tôi có một lỗ hổng. Tìm được cha chỉ lấp được một nửa. Một khi tìm được mẹ sẽ lấp đầy lỗ hổng trong tim tôi", chị nói thêm.

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất